Ngành chăn nuôi lao đao
Đài Tiếng Nói Việt Nam cho hay, mới đây hàng loạt công ty kinh doanh thức ăn gia súc ở Saigon, Tây ninh và Long An bị phát hiện bán khối lượng lớn thức ăn chăn nuôi có chứa chất tạo thịt nạc, kích thích tăng trọng. Những chất cấm đó bao gồm clenbuterol, salbultamol và họ beta agonist được giới chuyên gia cho là nhằm mục đích làm cho heo nở mông, nở vai, bung đùi, chống còi nơi heo.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thì thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm nhập vào Việt Nam đều thông qua con đường nhập lậu. Ông cho biết, cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường kiểm soát để những chứa chất cấm không lọt vào Việt Nam. Những con heo đã bị cho ăn chất cấm, nếu người chăn nuôi không cho chúng ăn tiếp loại thức ăn này thì chỉ trong một tuần sau, các chất đó bị tự nhiên thải ra ngoài, vì thế người tiêu dùng cứ an tâm sử dụng sản phẩm chăn nuôi trong nước, không quá hoang mang, lo ngại. Dịp này, ông cũng kêu gọi toàn xã hội phải vào cuộc, nhất quyết tẩy chay chất cấm hầu lấy lại niềm tin của thực khách, giúp cứu nguy ngành chăn nuôi nước nhà.
Tiến sĩ Lê thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm quốc gia nói, việc cấm sử dụng các chất tạo nạc trong chăn nuôi là cần thiết, nhưng không có nghĩa là hàm lượng của các chất này trong thực phẩm bằng số 0. Bà cho biết hàm lượng các hợp chất clenbuterol và salbultamol ở Việt Nam vẫn ở mức an toàn nếu so sánh với các quy định chung của thế giới.
Để ghi nhận thêm về tác động và ảnh hưởng của các loại thức ăn chăn nuôi có chưa chất tạo nạc trong thịt heo, RFA hỏi chuyện một số chuyên gia, giáo sư về vệ sinh, y tế công cộng, y dược khoa và ghi lại các ý kiến đóng góp về thông tin này.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Kê, nguyên Viện Trưởng Vệ sinh Y tế Công cộng phát biểu như sau về chất tạo nạc:
“Tuy nói là không được sử dụng, nhưng thật ra không hẳn như vậy đâu, tránh việc lạm dụng, dùng nhiều quá thôi, trong thức ăn vẫn có chút ít chứ không phải không có. Trước đây, thịt heo có mỡ ghê gớm lắm, bây giờ heo đỡ mỡ nhiều, có hai loại chất tạo nạc, trong đó có cái loại mà bị cấm, thì họ lại mang sử dụng loại đấy. Chỉ sử dụng ít thôi, ở Việt Nam ngành chăn nuôi gia súc đều làm thế, những chất tạo nạc khác vẫn được cho phép.”
Bà cho rằng qua những điều mà báo chí trình bày thì người dân chưa hiểu biết rõ khiến họ không an tâm:
“Khi báo chí đăng tin này, người dân không hiểu đầy đủ nên người ta sợ chứ tình hình hiện nay không đến nỗi như vậy, qua việc hạn chế những chất cấm không cho sử dụng, những loại thông thường vẫn được phép dùng, người dân lại tiêu thụ bình thường lại. Việc dùng chất cấm chủ yếu là ở Miền Nam và ở Đồng Nai, bán chất tạo nạc bị ngăn cấm. Riêng ở tỉnh Đồng Nai, có 30% các mẫu kiểm tra bị phát hiện sử dụng chất cấm, toàn bộ thức ăn chứa chất cấm bị hủy hết. Tình hình đã ổn định, người dân không hoang mang như lúc đầu.”
Theo bà thì có những thông tin được báo chí phổ biến rộng rãi, nhưng vì thiếu kiểm chứng nên gây lo âu trong dư luận:
“Vì chưa có giám sát hay thanh tra cụ thể cộng với quyền tự do báo chí nên có những cái không xác minh được hết. Cách đây 3 hay 4 tháng, rộ lên tin thịt heo nạc không bảo đảm, khiến người dân không dám ăn, làm thiệt hại nền kinh tế, nông nghiệp và nông dân thiệt hại mấy nghìn tỷ đồng. Gần đây vì hiểu rõ nên người dân trở lại sử dụng bình thường, bao chí nói thì có nhiều cái không chính xác, cần được thẩm tra đầy đủ.”
Không nên quá lạm dụng
Giáo sư Tiến sĩ Lê Văn Thành, giảng dạy tại trường Đại học Y Dược Hà Nội cho biết về chất tạo nạc:
“Nhà nước đang kiểm tra gắt gao, chặt chẽ lắm, chỉ một số vùng chăn nuôi làm không đúng quy định.”
Theo ông báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong việc phản ảnh mọi sinh hoạt trong cuộc sống:
“Bây giờ có vấn đề gì báo chí đưa ra ngay, đó là điều tốt,cho nên được quản lý ngay lập tức lại, thanh tra, rồi thu hồi.”
Ông cũng thấy rõ quyết tâm của các cơ quan chức năng trong chiến dịch bài trừ thịt heo không bảo đảm an toàn cho giới tiêu dùng:
“Họ làm việc và vào cuộc nhanh lắm, từ trung ương đến địa phương, trước đây có người lo sợ, bỏ thịt, nhưng dần dần họ ăn lại.”
Cựu y sĩ đại tá quân y Hoa Kỳ Nguyễn Dương cho biết, việc sử dụng các hóa chất trong ngành chăn nuôi ở Mỹ bị triệt để ngăn cấm:
“Không, bên Mỹ là không có chuyện dùng thuốc, dù đó là hormone thôi cũng không được. Ngay cả anti-biotic (trụ sinh) các cơ quan hữu trách cũng không cho phép sử dụng trong chăn nuôi, làm như thế thú vật sẽ nhờn thuốc, người dân ăn thịt đó cũng bị nhờn thuốc theo. Trụ sinh còn bị cấm sử dụng huống chi các thức thuốc kia làm thú to béo ra, với sự de dặt như thường lệ thì không nên xài những thứ đó.”
Dược sĩ Nguyễn Mậu Trinh, hành nghề tại vùng thủ đô Washington, nói đến thuyết tương đối trong cuộc sống hàng ngày, bất cứ thuốc men hay thức ăn nào cũng có ít nhiều sự độc hại, mà con người nên chấp nhận:
“Theo quan niệm sống, cần có sự vừa phải, sinh ra rồi chết, vì thế con người cần sống vừa phải, đừng đi quá đỗi. Như nước Mỹ, bây giờ cấm hút thuốc, cấm uống rượu, nhiều khi tôi thấy là quá đáng, mình không thể tòan thiện, tòan Mỹ. Sinh ra là phải chấp nhận bất trắc, nguy hiểm, không thể nào đạt tới chỗ tuyệt đối được.
Tất cả các thức ăn đều có tai hại của nó nhưng cần sống thì mình cần phải ăn, trong điều kiện cho phép như ở nước Mỹ thì mình cẩn thận hơn là ở nước nghèo đói, như ở Việt Nam phải đào heo chết mà ăn, thà sống mang bệnh còn hơn là chết, người ta có tinh thần hướng thượng thì cố gắng thôi, không thể loại bỏ hết tất cả được.
Ví dụ như thuốc cũng có hại nhưng benefit (cái lợi), so với risk (cái nguy), nếu nguy ít, lợi nhiều thì đành phải chấp nhận.”
Theo giới chuyên gia thú y và quan chức quản lý thị trường thì muốn loại bỏ hoàn toàn chất cấm trong chăn nuôi, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên các trại chăn nuôi,hộ nuôi heo, lò giết mổ, khuyến cáo người chăn nuôi sử dụng thức ăn gia súc có nguồn gốc rõ ràng, phạt thật nặng những người vi phạm.
Ông Nguyễn Đăng Vang, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của quốc hội Việt Nam nhấn mạnh với báo chí rằng, nếu người tiêu dùng có phản ứng tiêu cực, quyết tẩy chay thịt heo thì trong vòng 6 tháng tới, sẽ không đủ thịt cung cấp cho thị trường cả nước, khi ấy giá thịt heo sẽ tăng cao và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.