Sóng ngầm cửa biển Hormuz

Vùng Vịnh Ba Tư lại tiềm tàng sóng gió sau khi Liên minh châu Âu hôm thứ hai quyết định cấm vận dầu thô của Iran kể từ đầu tháng 7 sắp tới. Iran tuyên bố cấm vận không ảnh hưởng, nhưng đe doạ sẽ đóng eo biển Hormuz. Nếu thế, chuyện gì sẽ đến?

0:00 / 0:00

Iran có đóng cửa biển được không?

Trước hết, lời đe doạ này là lời phát biểu với báo chí Iran vào hôm thứ hai của vị dân biểu Phó chủ tịch Uỷ ban ngoại giao và an ninh quốc gia, ông Mohammad Kosari.

Đây không phải lời tuyên bố chính thức của một giới chức hành pháp của Iran, nên không có giá trị về ngoại giao hay công pháp quốc tế. Chính phủ Tehran vẫn tiếp tục hoạt động ngoại giao để giải quyết tận gốc nguyên do của sự cấm vận. Vì vậy nói đóng cửa vịnh chỉ là lời đe doạ hơn là một kế hoạch được chuẩn bị thi hành, dù rằng từ Iran còn hăm he sẽ tấn công các cơ sở Mỹ khắp thế giới nếu có đụng độ quân sự vì eo biển Hormuz

Hàng không mẫu hạm Abraham Lincoln- usnavymil.com photo
Hàng không mẫu hạm Abraham Lincoln- usnavymil.com photo (usnavymil.com photo)

Ngay cả kế hoạch cấm vận của Liên Minh châu Âu cũng là một biện pháp đe doạ nữa. Mục đích là buộc Iran phải từ bỏ kế hoạch làm giàu uranium hay ít ra cũng phải chứng tỏ sự minh bạch đối với C07 quan Nguyên tử năng Quốc tế. Biện pháp cấm vận được ấn định sẽ thi hành từ tháng 7, lại thêm điều khoảng là vào tháng 5 sẽ duyệt xét lại xem có cần phải thi hành hay không.

Về phía Iran không chắc có đủ khả năng đóng cửa vịnh Ba Tư qua eo biển Hormuz, nhưng trên trường ngoại giao luôn luôn phải tỏ ra cương quyết. Nhưng tại sao một nước yếu hơn về quân sự mà cứ đe doạ bằng biện pháp quân sự, như lần trước môt tướng lãnh đã cảnh cáo hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ đừng nên trở lại vịnh Ba Tư, nếu không sẽ phải đối đầu với toàn bộ lực lượng hải quân Iran?

Câu trả lời là dù có yếu hơn hay thậm chí sắp thua cũng vẫn phải hô hào. Một ví dụ là Iraq, lúc quân Mỹ đang tiến vào thủ đô Baghdad, Bộ trưởng thông tin của Saddam Hussein là ông Mohammed al -Sahaf vẫn tuyên bố quân đội anh hùng đang phản công tiêu diệt gần hết quân xâm lược. Chế độ Taliban ở Kabul của Afghanistan cũng từng tuyên bố sẽ chôn thây quân Mỹ nếu Mỹ “dám” xâm lược. Ở Libya ta cũng thấy Gadafi tuyên bố y như vậy.

Sau khi Tổng tư lệnh quân đội Iran Ataollah Salehi tuyên bố điều đó trong khí thế của cuộc tập trận hải quân hùng hậu nhất tại vùng Vịnh của hải quân Iran, thì hàng không mẫu hạm Abraham Lincoln đã trở vào qua eo biển Hormuz mà không phải đối đầu với một tàu bè súng ống nào của Iran.

Nói mạnh thì nói cho "khôn"

Ông tướng này tuyên bố rất “khôn”, dịch sang Anh ngữ rồi Việt ngữ thì nguyên văn là

Hàng không mẫu hạm USS John Stennis- usnavymil.com photo
Hàng không mẫu hạm USS John Stennis- usnavymil.com photo (usnavymil.com photo)

“...chiếc tàu chiến Mỹ mà trước đây ở trong vịnh Ba Tư và là mối đe doạ cho Iran, không nên trở lại nữa, Iran thường không cần nhắc lại những lời cảnh cáo”

ý nói nếu tàu John Stennis trở lại thì sẽ bị dập tơi tả liền. Nhưng rõ ràng ông này chỉ nói tới hàng không mẫu hạm Mỹ John Stennis, trong khi ông thừa biết là một tàu khác sẽ thay phiên cho nó để vào vùng Vịnh.

Vì thế nên khi hai tàu chiến của Anh và Pháp gia nhập hạm đội tác chiến dưới quyền soái hạm Abraham Lincoln tiến qua eo biển Hormuz thì Tư lệnh phó Lực lượng Vệ Binh quốc gia Iran tuyên bố việc tàu chiến Mỹ trở lại vùng Vịnh chỉ là hoạt động thông thường của hải quân Hoa Kỳ ở nơi này, không phải sự tăng cường hiện diện quân sự thường xuyên của Mỹ. Vậy là “huề vốn”, đâu có gì mất mặt!

Trong khi đó thì giới ngoại giao Iran tuyên bố có cấm vận cũng chẳng hề hấn gì. Vậy cuộc cấm vận sau này và các biện pháp ngân hàng có tác dụng như nào chăng?

Liệu Iran có lui bước về hạt nhân?

Thực tế cho thấy dù Iran chưa bị áp dụng biện pháp cấm vận dầu thô, chỉ riêng tin tức về cấm vận và các biện pháp cô lập, trừng phạt ngân hàng đã khiến tiền rial mất giá tới 21 ngàn rial ăn một đô la hôm thứ ba. Như vậy là tiền chỉ còn một nửa giá trị, vì hồi tháng 10 một đô la đổi được có 10 ngàn 500 rial. Hôm thứ ba Tehran đã phải nâng lãi suất ngân hàng lên tới 21%.

Cuộc cấm vận một khi được thi hành sẽ khiến dầu thô của Iran phải bán rẻ cho Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn, và Ấn Độ, là những nước mà đến nay không chịu tẩy chay dầu Iran. Như vậy cộng thêm sự tăng cường những biện pháp ngân hàng như Mỹ mới làm với ngân hàng quốc doanh lớn thứ ba của Iran, sẽ làm thiệt hại này tăng cao thêm nữa.

Cho đến nay thì các bên vẫn còn trong giai đoạn mặc cả, đe doạ, vì ngày 29 và 30 này là ngày IAEA đến Iran thanh sát cơ sở hạt nhân và uranium đó. Iran vẫn còn cơ hội chứng tỏ sự minh bạch để đáp ứng yêu cầu của phương Tây. Tổng thống Ahmadinejad từ Tehran vừa tuyên bố sẵn sàng đàm phán về vấn đề tinh chế uranium. Nhưng đàm phán đến đâu thì Mỹ và châu Âu vẫn không thể nào thoả mãn khi Iran chưa từ bỏ hẳn việc làm giàu uranium, nên sự cấm vận có nguy cơ sẽ xảy đến.

Dù vậy Iran cũng sẽ không dám đóng cửa eo biển, để tiếp tục kế hoạch hạt nhân mà được tin là nhằm chế tạo vũ khí. Và nguy cơ chiến tranh sẽ đến.

Cơ sở hạt nhân của Iran- AFP photo
Cơ sở hạt nhân của Iran- AFP photo (AFP photo)

Sẽ đến? Bao giờ?

Đó là lúc Iran sắp sửa thành công để có vũ khí hạt nhân. Đó là lúc Israel tung phi cơ, hoả tiễn bất ngờ tấn công mà không cần đe doạ gì trước. Cuộc chiến không quân, hoả tiễn bùng nổ. Hoa Kỳ sẽ giúp Israel về tình báo điện tử trước tiên, kế tiếp là phòng thù chống hoả tiễn, và có thể tung hoả tiễn du hành cruise và không quân của Hạm đội 5 để tiếp sức. Kết quả là lực lượng phòng không- không quân và các cơ sở hạt nhân của Iran sẽ bị tiêu diệt. Israel cũng phải lãnh ít nhiều hoả tiễn của Iran. Hạm đội 5 của Mỹ có thể bị thiệt hại từ nhẹ đến không đáng kể vì một ít hoả tiễn còn lại từ bờ biển Iran phóng ra lác đác.

Dù sao, không một ai mong có chiến tranh, dù là Mỹ, Israel, châu Âu hay Iran.