Việc phải đến đã đến. Mọi diễn tiến ở Crimea, Ukraine và Nga đã xảy ra như một kịch bản đã soạn sẵn và khán giả đều biết trước, không có gì bất ngờ.
Diễn văn lịch sử
Chỉ có một việc không được nói trước: Tổng thống Putin lập tức tiến hành việc sáp nhập Crimea vào Liên Bang Nga ngay trong ngày thứ ba, sau bài diễn văn lịch sử của ông trước các đại biểu Quốc hội và giới lãnh đạo chính trị Liên Bang Nga. Bài diễn văn dài 47 phút, được mô tả là đầy phấn khích và cảm động đối với đa số người Nga, được giới chính trị của nước Nga hoan hô trên 30 lần, có người hoan hô trong giòng nước mắt.
Điều gì trong đó khiến người Nga cảm động và tán thưởng như vậy?
Ông Putin nhắc lại lịch sử mối quan hệ giữa nước Nga với xứ anh em ruột thịt Ukraine, vào thời gian mà không một ai ngờ được rằng hai nước lại có ngày chia tay đi theo hai khuynh hướng chính trị khác nhau. Ông nói quyết định của Tổng bí thư Nikita Khruschev giao lại Crimea cho Ukraine vào năm 1954 là sai lầm. Ông nhắc lại thời kỳ sụp đổ của Liên Bang Xô Viết, khi các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô lần lượt tách ra, quay lưng lại Moscow, nhìn sang phương Tây. Ông kể lại thời kỳ chưa xa, khi châu Âu và Hoa Kỳ đánh bom Nam Tư, Kosovo, Serbia, bung rộng tuyến phòng thủ quân sự của NATO đến sát nước Nga, thành những căn cứ xuất phát tấn công sau này. Và ông kết luận việc sáp nhập Crimea trở lại với Nga là điều tất yếu phải xảy đến, phải thực hiện, nhất là sau khi chính phủ phái hữu ở Kiev quay sang NATO và EU.
"Lòng yêu nước" như ở mọi quốc gia
Một cách khách quan, nếu là người Nga thì ai ai cũng tiếc nuối thời kỳ cực thịnh về lãnh thổ, về khoa học và sức mạnh quân sự của Liên Bang Xô Viết. Chỉ có một số người Nga già cả còn nhớ thời kỳ đó là thời kỳ đói khát, suy bại cả về kinh tế lẫn tự do, dân chủ,nhân quyền của chính họ hay các thế hệ ông cha của họ.
Những người tiếc nuối quá khứ thì đang chiếm 70% số ghế quốc hội cũng như những vị trí hành chánh cao cấp, và họ thuộc khuynh hướng bảo thủ và khao khát phục hồi đế quốc Nga, hùng mạnh như trong thời vàng son của thế kỷ 20.
Đảng Nước Nga thống nhất của ông Putin đã thắng 49% số phiếu bầu vào viện Duma hôm 4 tháng12 năm 2011. Đảng Cộng Sản Nga về nhì với 19%, còn lại là dành cho các đảng nhỏ đối lập. Tuy thành phần đối lập đã tổ chức biểu tình với 30 ngàn tới 50 ngànngười ở ngoại ô Moscow, phản đối biện pháp quân sự đối với Ukraine, nhưng đa số người dân Nga đều ủng hộ việc sáp nhập Crimea trở lại với Nga. Đó là tinh thần quốc gia, tinh thần yêu nước rất bình thường của mọi nước, mà đã là tình cảm, là lòng ái quốc, thì nó hướng dẫn hành động, dù có thuận lý hay không.
Phưong Tây phẫn nộ
Về phía Hoa Kỳ và phương Tây, Phó Tổng thống Mỹ nói thẳng: hành động của Nga chẳng có gì khác hơn là "đi chiếm đất". Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chế diễu Tổng thống Putin, ngụ ý nói rằng một vị Tổng thống Nga đương thời mà đem những thất bại của Liên Xô cách nay nửa thế kỷ làm lý cớ chiếm lại Crimea thì không thuận lý chút nào. Nhưng dù sao, rõ ràng là Hoa Kỳ và châu Âu không thể làm gì hơn để ngăn cản việc Crimea sáp nhập vào Liên Bang Nga.
Không thể gây chiến, Hoa Kỳ đề ra những biện pháp trừng phạt kinh tế mà nhìn qua người ta thấy chỉ là những biện pháp mặt ngoài, hay cosmetic measures theo cách gọi của người Mỹ. Từ phía châu Âu các nhà lãnh đạo Pháp, Anh, Đức đều mạnh mẽ lên án Nga và thề hứa sẽ cho Moscow thấy cái giá phải trả về kinh tế.
Nhưng mùa đông còn chưa dứt khiến người ta nhớ đến hơi đốt nhiều hơn. Anh Pháp Đức và cả Ukraine đều không muốn mất nguồn hơi đốt để sưởi ấm do Nga cung cấp cho cả châu Âu. Trừng phạt kinh tế sẽ đem lại cho Nga những hậu quả đáng kể, nhưng song song, mối quan hệ kinh tế giữa Nga với châu Âu rất quan trọng đối với cả hai phía. Châu Âu không dễ quay ngoắt với Nga, như ta thấy từ lúc đầu Anh Pháp Đức đều do dự, lưng chừng...
Bài học châu Âu 1938
Thái độ lưng chừng đó khiến ta không khỏi nhớ đến Tiệp Khắc vào năm 1938, trước khi thế chiên thứ hai bùng nổ. Tình trạng nước Tiệp và hành động của Đức Quốc xã giống hệt như tình trạng Ukraine với Nga ngày nay. Khi Hitler lấy cớ bảo vệ người Đức ở vùng biên giới phía bắc và phía Tây nước Tiệp, gọi chung là Sudetenland, đòi sáp nhập vùng này, thì Anh-Pháp, hai nước có hiệp ước quân sự với Tiệp, đã nói với Praha đó là điều …”hợp lý”; sau đó rồi Anh Pháp Ý đã ký với Đức thỏa ước Munich 29 tháng 9, 1938, cho phép Berlin sáp nhập Sudetenland, mà không thèm mời gọi hay hỏi qua Tiệp Khắc. Vì thế Prague gọi đó là "hiệp ước phản bội".
Tất cả căn cứ chiến lược để phòng thủ Tiệp Khắc đều nằm trong Sudetenland, nên tháng 3 năm sau quân lực Wehrmacht của Đức chiếm nốt Bohemia và Moravia, châm ngòi nổ thế chiến thứ hai.
Ngày nay ta thấy dường như châu Âu cũng e dè với Nga, tương tự như Anh-Pháp đã khiếp sợ Hitler ngày xưa, và Nga cũng hành xử y hệt như Hitler năm 1938. Nga cũng không cần động binh quy mô, chỉ cho xâm nhập một số đơn vị biệt kích để chỉ huy và điều động dân quân người Nga ở Crimea để đề phòng hành động quân sự của Kiev. Rồi Moscow sáp nhập Crimea vào Nga thật dễ dàng không tốn một viên đạn, chẳng khác nào Đức quốc xã ngày xưa đã lấy Sudetenland bằng hiệp ước Munich ký với Tây Âu.
May thay, với sự cổ động của Hoa Kỳ, châu Âu về sau đã tỏ ra cứng rắn hơn với những biện pháp cô lập Liên Bang Nga.
Nhu cầu hợp tác đồng tiến
Liệu đà chiến thắng này sẽ đưa TT Putin đi xa đến đâu? Đó là điều cả thế giới đang lo âu.
Tổng thống Putin đã trấn an thế giới khi hứa hẹn với Kiev rằng sau Crimea, người Ukraine không phải lo lắng gì thêm về các vùng phía đông có nhiều người Nga cư trú. Ông nói thêm rằng Nga với Ukraine phải sống hòa bình, hợp tác như từ trước tới nay. Cùng lúc đó, Tổng thống Olexander Turchinov của Ukraine cũng vội vã tuyên bố Ukraine sẽ không gia nhập NATO, tuy rằng Kiev vẫn ban hành lệnh động viên một phần và ngày hôm sau kế hoạch tập trận chung của Ukraine với Anh-Mỹ được công bố.
Từ San Diego, California, Tổng thống Obama tuyên bố Mỹ không hành động quân sự ở Ukraine, vì làm như vậy không có lợi cho chính Ukraine, và Kiev cũng nhận thức điều đó.
Số phận Crimea như thế là xong, dù rằng Nga sẽ chịu nhiều hậu quả không vui thú chút nào. Ukraine đành chấp nhận mất nó, đang rút lực lượng quân sự ở Crimea về lại Ukraine. Kiev chỉ mong Tổng thống Putin giữ lời, đừng chiếm thêm vùng miền đông giống như Hitler chiếm của Tiệp Khắc. Nhưng đó là dấu hỏi lớn: liệu ông Putin có giữ lời hay không? Nếu không, sau Ukraine, Đông Âu sẽ ra sao?
Hiện tại Tổng thống Putin dường như đang dừng hay tạm dừng sau khi Crimea tái hội nhập với Nga. Lời tuyên bố của Ukraine về việc không gia nhập NATO có thể đã được thỏa thuận với Hoa Kỳ vào khi ông Turchinov đến tòa Bạch Ốc. Nếu đúng thế thì mọi việc làm hiên nay của Hoa Kỳ, châu Âu và Ng
a, Ukraine, đã được bày tỏ với nhau trong những lần hội nghị các Ngọai trưởng Mỹ-Nga-Âu., tuy các bên đều tuyên bố chưa đạt thỏa thuận.
Đã bày tỏ có nghĩa là Moscow không thể lấn tới thêm nữa. Niềm tự ái dân tộc của người Nga đã được thoả mãn. Ông Putin tạm hài lòng, nhưng không khỏi mong ngóng thoát trừng phạt kinh tế, Nhiều nước trong nhóm G-8 tuyên bố không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-8 do Nga tổ chức ở Sochi năm nay. Thứ năm, 20 tháng 3, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố Đức sẽ không dự Thượng đỉnh G-8, nhóm cường quốc kinh tế G-8 quyết định tạm ngưng tư cách thành viên của Nga, và sẽ tạm ngưng hoạt động cho đến khi Nga thay đổi chính sách về Ukraine. Như vậy Nga đã không thoát bị cô lập về kinh tế.
Trước đó vào thứ ba, Hoa Kỳ ngỏ lời mời các nhà lãnh đạo thuộc 7 nước trong nhóm G-8 họp thượng đỉnh về vấn đề Nga và Ukraine bên lề Hội nghị Thượng đỉnh hạt nhân ở The Hague, Hòa Lan.
Tuy thế, ở mặt khác, Mỹ cũng vẫn cần hòa thuận với Nga. Hai nước từng hợp tác chặt chẽ về tình báo chống khủng bố, về kế hoạch chấm dứt các chương trình hạt nhân của Iran và Bắc Hàn. Châu Âu có mối quan hệ về năng lựơng với Nga, lại càng mong sẽ nối lại hợp tác trong hoà bình với Nga thêm chặt chẽ. Chính sách trừng phạt Nga là điều chẳng đặng đừng, để cảnh cáo "con gấu vĩ đại" đừng làm thêm những việc tương tự, chứ không thể lật ngược tình thế hiện nay. Nước Nga và Tổng thống Putin không thể lui bước, với bất cứ giá nào.
Nhưng dù sao chăng nữa, trong thế cờ quốc tế này, những nước Đông Âu trong 28 nước NATO không có gì phải lo lắng. Nga sẽ không thể đụng tới một thành viên NATO nào mà không phát khởi thế chiến thứ ba. Người Nga phải biết chắc điều đó.
Thời đa nguyên, đa cực
Đối với luồng dư luận tại Washington chỉ trích Tổng thống Obama đã không đủ cứng rắn với Nga trong vụ Crimea, một cố vấn của cựu Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush phát biểu trong một cuộc hội thảo hôm thứ tư, đại ý là: "Hoa Kỳ không thể một mình cô lập Liên Bang Nga, mà cần có một hành động chung, ít ra là cùng với EU. Nếu không hành động chung trong việc cô lập và trừng phạt một nước khác, chính Hoa Kỳ sẽ bị cô lập trong một chính sách mà không có ai khác tham gia. Thời đại này không còn là thời đại đơn cực, lúc mà một siêu cường muốn làm gì thì làm trên cả thế giới."