Liên hiệp quan thuế của Liên Bang Nga

0:00 / 0:00

Tháng Tám năm ngoái, Liên bang Nga đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO sau 18 năm chuẩn bị hồ sơ và đàm phán. Chỉ một năm sau, nhiều thành viên WTO đã than phiền và thậm chí lập hồ sơ khiếu nại việc xứ này sử dụng mậu dịch như một võ khí ngoại giao chính trị chứ không thật lòng cải cách theo những cam kết trước đó. Tuần này, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về những mục tiêu thật của Liên bang Nga.

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, ngày 22 Tháng Tám năm ngoái, Liên bang Nga chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Nhưng chưa đầy một năm thì đã có tranh chấp mậu dịch với nhiều nước khác, gần nhất là với Cộng hoà Ukraine, và gây phản ứng từ phía Liên hiệp Âu châu cùng nhiều quốc gia khác. Giới quan sát kinh tế cho rằng Nga không chấp hành những quy định của WTO mà còn muốn tăng cường ảnh hưởng qua một kế hoạch Liên hiệp Quan thuế kéo dài từ Âu sang Á, dưới quyền lãnh đạo của mình. Vì vậy, kỳ này, chương trình chuyên đề của chúng ta sẽ tìm hiểu về chuyện liên hiệp quan thuế và những mục tiêu của Nga. Trước hết, xin đề nghị ông trình bày cho bối cảnh của hồ sơ này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, ta biết WTO là một định chế quốc tế gồm có 159 thành viên cùng chấp nhận quy tắc tự do mậu dịch, tức là buôn bán với nhau với tối thiểu hạn chế vì tin rằng việc trao đổi tự do là điều có lợi cho mọi thành viên. Muốn gia nhập WTO thì xứ nào cũng phải chấp hành chính sách ngoại thương tự do theo những cam kết với từng hội viên khi xin gia nhập. Nga mất 18 năm thương thảo mới được các thành viên nhận vào tổ chức này kể từ năm ngoái. Nhưng ngay sau đó, Liên bang Nga đã vi phạm những cam kết, và dần dần các thành viên WTO thấy xứ này có chính sách ngoại thương riêng, nhằm theo đuổi mục tiêu khác hơn là phát triển mậu dịch để tạo thêm của cải, nhất là khi sản lượng và xuất khẩu của Nga đang sa sút nặng.

Vũ Hoàng: Xin ông nhắc lại một số vi phạm đã khiến các thành viên của WTO phải khiếu nại.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói về thời gian thì chỉ vài ngay sau khi gia nhập, Nga lập ra một sắc thuế mới trên xe nhập khẩu, tiếng là để lấy tiền tu bổ hạ tầng vận tải mà thực chấp là để yểm trợ kỹ nghệ xe hơi nội địa và chiêu dụ các nước công nghiệp trực tiếp đầu tư để sản xuất xe hơi tại Nga. Loại thuế tiêu dùng ấy vi phạm quy định của WTO nên bị Liên hiệp Âu châu lập hồ sơ phản đối. Hoa Kỳ ngỏ ý sẽ tham gia việc phản đối và nhiều nước bắt đầu xuất khẩu xe hơi như Trung Quốc và Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang theo dõi vụ việc với tư cách quan sát viên.

Ví dụ thứ hai là sau khi gia nhập, Nga không chấp hành những cam kết giải tỏa, nhất là trong lĩnh vực lương thực, trong khi vẫn trợ cấp nông sản nhằm bảo vệ khu vực nội địa của mình. Họ cấm nhập khẩu thịt có chất ractopamine và vì vậy bị Hoa Kỳ, Canada và Brazil phản đối. Nghiêm trọng nhất và mới xảy ra hồi Tháng Bảy là việc Nga cấm nhập hàng dệt sợi từ một doanh nghiệp lớn nhất của Cộng hoà Ukraine. Khi bị xứ láng giềng này phản đối, hôm 14 Tháng Tám, Nga áp đặt chế độ kiểm tra quan thuế lên mọi mặt hàng của Ukraine. Lúc đó, thế giới mới thấy là Nga đang gây sức ép để Ukraine phải từ bỏ dự tính hội nhập với Liên Âu mà quay về gia nhập Liên hiệp Quan thuế của Nga với hai nước Cộng hoà Belarus và Kazakhstan.

Vũ Hoàng: Bây giờ chúng ta mới bước qua hồ sơ Liên hiệp Quan thuế. Thưa ông bối cảnh của kế hoạch thống nhất chế độ hải quan này là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin lỗi trước thính giả của chúng ta là sẽ trình bày nguyên ủy từ đầu của chuyện này. Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ cuối năm 1991, Liên bang Nga bị 10 năm khủng hoảng rồi mới tạm phục hồi từ khi ông Vladimir Putin lên nắm quyền. Trong giai đoạn ấy, các nước Đông Âu được giải phóng khỏi hệ thống Xô viết đã cải cách về kinh tế và chính trị để theo chế độ tự do và dân chủ của Âu Châu rồi là thành viên của Liên Âu cùng Minh ước NATO.

Sau khi hồi phục thì Nga mở cuộc phản công để giành lại ảnh hưởng đã mất trong các nước xưa kia thuộc quỹ đạo Liên bang Xô viết và đẩy lui phong trào dân chủ đang đe dọa khu vực ngoại vi của họ, từ Đông Âu qua Trung Âu, thậm chí đến Trung Á như tại Cộng hòa Kyrgyzstan. Cao điểm của cuộc tổng phản công là việc đưa quân vào tấn công Georgia ngày tám Tháng Tám năm 2008, rồi dùng khí đốt làm võ khí gây áp lực với Ukraine vào ngày đầu năm 2009. Sau đó, Nga đòi thành lập chế độ thống nhất hải quan với Belarus và Kazahkstan, gọi là Liên hiệp Quan thuế.

Chế độ này thành hình từ đầu năm 2010 với tiêu chí là ba thành viên có một hệ thống hải quan thống nhất vào Tháng Bảy năm đó để sẽ tạo ra một Không gian Kinh tế Thống nhất vào năm 2012. Giữa năm 2011, ông Putin vạch ra bước kế tiếp là thành lập Liên hiệp Quan thuế Âu Á, khởi sự từ năm 2015, sẽ kéo dài từ Trung Âu qua khu vực Caucaus, Trung Á sang tới khu vực Viễn Đông của Nga với các nước đồng chí như Trung Quốc và cả Việt Nam.

Đúng một năm trước, tiết mục chuyên đề của chúng ta có đề cập tới hồ sô quan thuế này khi tại Hội nghị Cấp cao của diễn đàn APEC ở Vladivostok, Bộ trưởng Công thương Hà Nội đã ký với Bộ trưởng của Liên hiệp Thuế quan biên bản nghiên cứu để khởi sự đàm phán một Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam với tổ chức này. Mục tiêu chiến lược của Moscow là tạo ra sức hút kinh tế để làm lực đối trọng với Liên hiệp Âu châu và Hoa Kỳ. Vì nằm tại vùng tiếp cận giữa Âu Châu với Nga, Georgia và Ukraine đang bị sức ép quan thuế rất nặng của Nga, sức ép đó thể hiện trên lĩnh vực mậu dịch, nhưng thực chất là chính trị, nêu sâu xa và rộng rãi hơn.

Kế hoạch liên hiệp quan thuế

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại hội nghị thượng đỉnh EU-Nga hôm 07/12/2010 tại trụ sở EU ở Brussels. AFP photo
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại hội nghị thượng đỉnh EU-Nga hôm 07/12/2010 tại trụ sở EU ở Brussels. AFP photo (Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tại hội nghị thượng đỉnh EU-Nga hôm 07/12/2010 tại trụ sở EU ở Brussels. AFP photo)

Vũ Hoàng: Như vậy thì kế hoạch của Nga có hai bước thứ nhất là lập ra và mở rộng Liên hiệp Quan thuế từ ba nước ban đầu qua các nước khác để có một không gian kinh tế thống nhất. Bước thứ hai là Liên hiệp Âu-Á sẽ khởi sự từ năm 2015 để đối đầu với Liên hiệp Âu châu. Thưa ông, trong bước đầu là Liên hiệp Quan thuế thì các thành viên được những gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi lại xin lỗi là phải nói về chuyện xưa vì nhiều thính giả trẻ tuổi của chúng ta ngày nay ở Việt Nam không biết hoặc không còn nhớ. Việc lập ra Liên hiệp Quan thuế này của Nga chỉ là một tái diễn của Hội đồng Tương trợ Kinh tế COMECON mà Liên Xô đã thực hiện từ năm 1949 cho đến khi tan rã vào năm 1991. Dưới danh nghĩa là hội nhập để phát triển các nền kinh tế trong khối COMECON, tổ chức này thật sự áp dụng chế độ phân công lao động làm cho các thành viên đều bị lệ thuộc vào kinh tế Xô viết và không thể phát triển độc lập.

Kế hoạch Liên hiệp Quan thuế của Nga nhắm vào việc lập ra một không gian kinh tế thống nhất, vẫn do Moscow chi phối và biến các hội viên thành chư hầu về chính trị không có dân chủ và thậm chí thành vùng trái độn quân sự để bảo vệ nước Nga.

Vũ Hoàng: Xin đề nghị ông giải thích cho nội dung của một kế hoạch đầy tham vọng như vậy.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Quả thật là phải giải thích nội vụ cho rõ ràng thì người ta mới hiểu ra.

Thứ nhất, hệ thống hải quan thống nhất có nghĩa là các thành viên đều áp dụng quan thuế biểu khá cao của Nga. Khi có hạn ngạch và thuế suất nhập nội cao như vậy thì các nước khó phát triển ngoại thương với thị trường khác ở ngoài nước Nga, tức là bị lệ thuộc nhiều hơn vào kinh tế Nga, kể cả các tập đoàn kinh tế nhà nước của Nga. Thứ hai, khi thi hành việc kiểm soát mậu dịch, các thành viên phải nhờ tới lực lượng công an thuế vụ và thực chất là an ninh của Nga, nên cái không gian kinh tế thống nhất chỉ dẫn tới một chế độ an ninh thống nhất của Nga.

Vũ Hoàng: Nếu như vậy thì vì sao nhiều nước vẫn gia nhập hệ thống bất cân đối và bất lợi này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước sau thì chỉ có Belarus và Kazahkstan, và một nước nhỏ và nghèo nhất Trung Á là Kyrgyzstan có ngỏ ý xin tham dự. Thực tế, tham vọng của Putin là kết hợp thêm các nước lân cận như Armenia, Azerbaijan, Moldovia và nhất là Georgia và Ukraine.

Vũ Hoàng: Từ khi đi vào áp dụng, Liên hiệp Quan thuế tay ba giữa Nga, Belarus và Kazahkstan đã đạt kết quả gì?

<br/>Kế hoạch Liên hiệp Quan thuế của Nga nhắm vào việc lập ra một không gian kinh tế thống nhất, vẫn do Moscow chi phối và biến các hội viên thành chư hầu về chính trị không có dân chủ và thậm chí thành vùng trái độn quân sự để bảo vệ nước Nga. <br/> - Nguyễn-Xuân Nghĩa<br/> <br/>

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết thì việc buôn bán giữa Belarus và Kazahkstan có tăng, chủ yếu là về năng lượng, thiết bị gốc sắt thép và xe hơi. Nhưng việc rà soát để thống nhất chế độ hải quan đã không đạt tiến bộ và Belarus có phản đối, dân chúng đã biểu tình. Belarus ở vào thế yếu chứ không mạnh như Kazahkstan mà còn như vậy nên việc xây dựng chế độ mậu dịch hài hòa giữa các nước hội viên ban đầu chưa hẳn thành công. Ngoài ra, Kazahkstan hoặc một xứ Trung Á khác là Turkmenistan còn có giải pháp là bán năng lượng cho Trung Quốc nên sự việc không lạc quan như Moscow trù tính ban đầu. Chính vì vậy, Liên bang Nga mới gây sức ép cho các nước láng giềng như Georgia và Ukraine nên mới bị các thành viên của WTO phản đối.

Vũ Hoàng: Thưa ông, các nước đang ở trong tầm nhắm của Nga có thể xoay trở như thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là thế giới đã đổi khác mà một kẻ xuất thân từ chế độ Xô viết và dù có bản lĩnh như ông Vladimir Putin vẫn không ý thức được giới hạn của mình.

Thứ nhất, các xứ Đông Âu từng là nạn nhân của Liên Xô nay đã là thành viên của Liên Âu dân chủ, họ rất quan tâm đến số phận của các quốc gia nằm trong tầm nhắm của Moscow. Thí dụ như Ba Lan, Hung Gia Lợi, Cộng hoà Tiệp và Slovakia cùng nhiều nước Bắc Âu thường báo động về động thái khuynh đảo của Moscow. Thứ hai, từ mấy năm nay, Ba Lan và Thụy Điển đã vận động tập thể Liên Âu mở rộng quan hệ kinh tế để hội nhập vào Âu Châu sáu nước ở hướng Đông bị kẹt ở giữa, là Georgia, Ukraine, Armenia, Azerbaijan, Belarus và Moldovia trong kế hoạch đối tác với Âu Châu, gọi là Eastern Partnership. Tháng 11 tới đây, tại Thượng đỉnh Liên Âu ở thủ đô Vilnius của xứ Lithuania, các nước sẽ thảo luận về nghị trình hội nhập này và hôm Thứ Năm mùng năm vừa qua, Quốc hội của Ukraine đã biểu quyết đạo luật cho phép đàm phán việc hội nhập kinh tế với Liên Âu trong khuôn khổ Eastern Partnership, gọi là Đối Tác Hướng Đông.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, dưới sức ép của Trung Quốc, Việt Nam lại đang cùng lúc thương thuyết hai chuyện là kế hoạch Liên hiệp Quan thuế Âu-Á của Nga và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Theo như ông nghĩ thì quyền lợi của Việt Nam nằm ở đâu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ngược với nhiều người lãnh đạo Hà Nội, tôi nghĩ rằng Việt Nam chỉ thịnh vượng khi có kinh tế tự do và chỉ bảo vệ được độc lập khi có dân chủ và vì kinh tế cũng là chính trị nên quyết định hội nhập kinh tế vào phía này hay phe kia là quyết định chính trị.

Theo hướng đó thì tôi cho rằng Việt Nam nên cố gắng khắc phục khó khăn và nhất là thông tin rộng rãi để gia nhập khối TPP trong vài năm tới sau 19 lần đàm phán vì hệ thống này quy tụ các nước biết thượng tôn luật pháp và dân chủ, chứ không hẳn là một công cụ khống chế của Mỹ. Còn đi vào quỹ đạo của Trung Quốc hay Liên bang Nga sẽ là điều cực kỳ bất lợi cho đất nước, dù rằng lãnh đạo Hà Nội có cảm tưởng là nhờ đó họ bảo vệ được chế độ. Vì thế, chúng ta rất nên theo dõi nhưng tranh cãi về mậu dịch của xứ khác để học hỏi kinh nghiệm đối phó cho mình.

Vũ Hoàng: Xin cảm ơn ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.