Mỹ-Nga: nhân quyền không ảnh hưởng đến quan hệ chiến lược

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Tom Donilon đến điện Kremli ở Moscow hôm thứ hai, trao tận tay Tổng thống Vladimir Putin điệp văn của Tổng thống Barrack Obama.

Moscow gọi văn bản này là có tính cách xây dựng và mang nhiều sáng kiến, chứa đựng những ý kiến về vấn đề tài giảm binh bị, liên quan đến kho vũ khí hạt nhân của hai nước.

Tuy nhiên hãng thông tấn AFP gọi việc làm của cố vấn Donilon là “bước vào cơn bão ngoại giao không đẹp” giữa Washington với Moscow. Chủ tịch Ủy Ban ngoại giao hạ viện Nga Alexei Pushkov viết trong Twitter: “Người đầu tiên cảm thấy hậu quả của cuốn sổ đen của Washington sẽ là Tom Donilon. Ông ta sẽ đến nước Nga không phải vào lúc tốt nhất.” Mỹ và Nga đang trong một giai đoạn bang giao căng thẳng vì những lời kết án lẫn nhau xâm phạm nhân quyền.

Chỉ mới hôm thứ sáu, Hoa Kỳ phổ biến một danh sách 18 người Nga trong số đen vi phạm nhân quyền. Một ngày sau Liên Bang Nga phản ứng đầy tức giận bằng một hành động ăn miếng trả miếng rõ rệt, phổ biến một danh sách tương tự, với tên tuổi nhiều viên chức Mỹ.

Tuy vậy ông Donilon có vẻ như đang mở ra một giai đoạn hòa giải tốt đẹp hơn. Hôm thứ hai Tổng thống Putin đã tham dự cuộc đàm phán giữa cố vấn Donilon với người tương nhiệm của điện Kremli, cố vấn Nicolai Patruchev. Nơi đây, Tổng thống Putin nhắc lại lời mời Tổng thống Obama sang thăm Moscow vào tháng 9 năm nay.

Moscow giữ kín tin này cho đến phút chót vào ngày thứ hai mới loan báo, để tỏ ý không hài lòng với hành động về nhân quyền củaWashington.

Trước đó cố vấn của Tổng thống Putin về chính sách ngoại giao, ông Yuri Ushakkov, cho biết điệp văn của Tổng thống Obama chứa đựng những đề nghị về các kho vũ khí hạt nhân, cũng như hệ thống lá chắn tên lửa và vấn đề thương mại song phương. Hãng thông tấn Interfax dẫn lời cố vấn Ushakov xác nhận “điệp văn của Hoa Kỳ được viết với lời lẽ rất xây dựng; một số ý kiến đã được thảo luận trước đây nhưng có thêm những yếu tố mới mà nước Nga sẽ nghiên cứu một cách thật thận trọng để đáp ứng tương xứng.” Cố vấn Yuri Ushakov không nói rõ thêm về nội dung điệp văn giữa hai nhà lãnh đạo.

Ông Ushakov cho rằng những sự kiện diễn ra trong mấy hôm nay cho thấy trong khi hành pháp của Washington “muốn phát triển quan hệ một cách tích cực trong nhiều lãnh vực thì ở Mỹ vẫn còn có những người ghét nước Nga chỉ muốn “thọc gậy bánh xe” vào công việc của hai nước.”

Cố vấn Tom Donilon hội kiến với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào sáng thứ hai; ông Lavrov cho biết phía Hoa Kỳ đã nhấn mạnh rằng họ không muốn những trò trêu tức lẫn nhau làm hỏng bản chất chiến lược của mối quan hệ Mỹ-Nga.

Hoa Kỳ đã liệt kê 16 người Nga bị cho là liên can đến cái chết của luật sư Sergei Magntisky bị giam tù năm 2009, cũng như hai người Checnya bị kết án giết người. 16 người trong “sổ bìa đen” này bị cấm vào nước Mỹ hay tích luỹ tài sản tại Hoa Kỳ .

Liên Bang Nga liền lên án thái độ đó là bất thân thiện, và hôm sau trả miếng bằng danh sách bìa đen 18 người Mỹ, bao gồm một số khuôn mặt nổi bật liên can tới vấn đề giam giữ tù nhân tại trại tù giam khủng bố ở Guantanamo.

Ngay cả trước khi nổ ra vụ ăn miếng trả miếng bằng sổ bìa đen này, chuyến đi của cố vấn Tom Donilon đã được coi là có tầm quan trọng vô cùng lớn lao khi Tổng thống Obama tìm phương cách mới để hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới cùng cắt giảm vũ khí, đồng thời tìm sự ủng hộ của Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng Bắc Hàn.

Ngôi mộ của LS Sergei Magnitsky, được coi là đối tượng xâm phạm nhân quyền của Moscow
Ngôi mộ của LS Sergei Magnitsky, được coi là đối tượng xâm phạm nhân quyền của Moscow (en.wikipedia photo)

Danh sách đen của Washington phát sinh từ đạo luật Magnitsky mà Washington thông qua hồi năm ngoái. Đạo luật này đã làm Moscow nổi giận, ra luật cấm người Mỹ nhận con nuôi ở Nga.

Luật sư Sergei Magnitsky chết vào năm 2009, lúc 39 tuổi, trong thời gian giam cứu trước khi ra toà. Ông bị điều tra về một vụ lường gạt mà ông nói đã được công khai hoá, và cái chết của ông chứng tỏ hành pháp Nga không bảo vệ được nhân quyền.

Theo báo New York Times, danh sách mật của Hoa Kỳ bao gồm nhiều nhân vật cao cấp, kể cả lãnh tụ Checnya Ramzan Kadyrov, và nếu phổ biến, danh sách có thể đã gây xung khắc lớn lao hơn.

Ngược lại, thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryakov hồi cuối tuần qua nói với hãng thông tấn Itar-Tass rằng danh sách do Nga thiết lập có phần thuộc độ mật cao chứa đựng những tên tuổi những quan chức người Mỹ tương tự danh sách của Mỹ với những quan chức cao cấp của Nga.