Sáng thứ bảy, ngày 11/5, tại TP. HCM đã diễn ra buổi lễ phát động chiến dịch “Đi bộ an toàn” ở VN nhằm hưởng ứng tuần lễ “An toàn đường bộ toàn cầu” lần thứ hai của Liên Hiệp Quốc. Tổng Giám Đốc Điều Hành Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á (The Asia Injury Prevention Foundaton-AIP), bà Mirjam Sidik đã dành cho Hòa Ái cuộc trao đổi ngắn ngay trước giờ sự kiện diễn ra.
Giáo dục phương cách bảo đảm an toàn
Hòa Ái: Chào Bà Mirjam Sidik. Trước hết xin được cảm ơn bà nhiệt tình dành cho đài RFA cuộc trao đổi ngắn này trong khi bà rất bận rộn cho sự kiện "Safe Kids Vietnam". Xin được hỏi, chiến dịch "Đi bộ An toàn" được phát động ở VN lần thứ mấy và với mục đích gì, thưa bà?
Mirjam Sidik: Đây là lần đầu tiên chiến dịch "Đi bộ An toàn" được phát động ở TP. HCM và đây là chiến dịch được phát động ở cấp thành phố. Nhưng sau này sẽ được phát động ở cấp quốc gia. Buổi lễ "Safe Kids Vietnam" sẽ bao gồm cuộc thi và triển lãm ảnh về môi trường đi bộ đầy thách thức mà các em học sinh đang phải đối mặt hằng ngày. Cuộc tuần hành qua các đường phố và được phổ biến trên ti vi. Mục đích là để giáo dục và cải thiện phương cách bảo đảm an toàn cho học sinh cũng như cho toàn thể cộng đồng dân chúng.
Hòa Ái: Chiến dịch này được có được quảng bá rộng rãi đến khắp mọi tỉnh thành VN như thế nào?
Cuộc tuần hành qua các đường phố và được phổ biến trên ti vi. Mục đích là để giáo dục và cải thiện phương cách bảo đảm an toàn cho học sinh cũng như cho toàn thể cộng đồng dân chúng. <br/> -Bà Mirjiam Sidik
Mirjam Sidik: Bắt đầu với chiến dịch cấp thành phố chỉ ở TP. HCM. Có thể vào mùa hè sẽ phát triển thành cấp quốc gia. Chúng tôi đã cho tiến hành quảng bá qua các phương tiện truyền thông đại chúng, qua các cuộc thi ảnh và qua các kênh truyền hình ở TP. HCM.
Hòa Ái: Về buổi lễ "Safe Kids VN" được tổ chức ở TP. HCM hôm nay sẽ có nhiều hội đoàn cũng như các bạn nhỏ tham gia hay không? Và có những hoạt đồng gì trong sự kiện này?
Mirjam Sidik: Sẽ có khoảng 700 học sinh cấp 2 đến tham gia sau khi sự kiện bắt đầu được nửa giờ đồng hồ. Thời điểm khai mạc, các sinh viên cũng sẽ có mặt và đại diện của Sở Giáo Dục & Đào Tạo, Sở Giao Thông Vận Tải và cảnh sát cũng như những đại diện của các hội đoàn khác cùng đến tham dự. Sự kiện hôm nay sẽ có cuộc thi và triển lãm ảnh, chương trình ca nhạc. Người mẫu Bình Minh và Hoa hậu Thế giới người Việt Diễm Hương sẽ giao lưu và hướng dẫn các trò chơi xoay quanh chủ đề "Đi bộ An toàn" với các em nhỏ và sau cùng là cuộc tuần hành qua các con đường trong trung tâm thành phố.
Cần được hỗ trợ nhiều hơn
Hòa Ái: Được biết theo số liệu của Tổ chức Y Tế Thế Giới là có đến 22% tỉ lệ người đi bộ bị tử vong trong tai nạn giao thông trên toàn thế giới nói chung. Riêng VN thì, tỉ lệ này như thế nào? Có phải là tỉ lệ cao trong điều kiện giao thông hiện nay? Và có bao nhiêu phần trăm tỉ lệ các em thiếu nhi là nạn nhân?
Bà Mirjam Sidik: Hiện thời các số liệu chính thức về tỉ lệ người đi bộ bị tử vong trong tai nạn giao thông ở VN không được công bố nên chúng tôi không biết chắc chắn tỉ lệ đó là bao nhiêu cũng như không biết có bao nhiêu trẻ em bị tử vong khi đi bộ đến trường và từ trường về nhà. Nhưng qua cuộc khảo sát hồi năm 2011, chỉ ở tỉnh Đồng Nai mà thôi, là một trong 63 tỉnh thành của nước VN, có đến 7000 em học sinh bị thương trong vòng 6 tháng khi trên đường đến trường và trở về nhà sau giờ học. Thật đáng buồn vì các em không có lựa chọn nào khác hơn là đi bộ và phải đối mặt với sự nguy hiểm về tính mạng hằng ngày.
Hòa Ái: Theo như quảng bá trong chiến dịch "Đi bộ An toàn" thì vỉa hè và tín hiệu đèn giao thông là yếu tố chính giúp đảm bảo an toàn cho người đi bộ. Thế nhưng hiện nay, vỉa hè ở VN hầu hết là bị chiếm dụng và tín hiệu đèn giao thông hầu như không hữu hiệu đối với người đi bộ ở VN. Vậy bà có nhận xét gì về hiện trạng này?
Mirjam Sidik: Không chỉ chúng tôi nhận thấy có nhiều công trình xây dựng làm đường ở khắp mọi nơi và chúng tôi cũng nhìn thấy hầu như không có lối đi trên vỉa hè dành cho người đi bộ nên các em nhỏ phải đi trên mặt đường cùng với xe gắn máy, xe hơi và xe tải. Các em được hướng dẫn đi bộ trên vỉa hè để bảo đảm an toàn nhưng lại có quá nhiều gánh hàng rong buôn bán ở trên vỉa hè. Vỉa hè quá đông đúc và chen lấn, không có chỗ cho các em nhỏ được thoải mái đi lại. Đôi khi chúng tôi bàn thảo về các đề án tạo ra lối đi riêng cho các em học sinh. Còn về tính hiệu đèn giao thông thì chúng tôi phải kết hợp giáo huấn các em ở trường cùng với sự hợp tác của giáo viên và cộng đồng dân cư xung quanh trường học. Đồng thời cảnh sát trợ giúp về điều khiển tốc độ của tín hiệu đèn giao thông trong phạm vi khu vực trường học cũng như phải thiết lập khu vực trường học an toàn cho học sinh theo quy định của pháp luật. Phải có những lằn vạch trắng được vẽ trên mặt đường dành cho học sinh để các em băng qua đường mà không có bất kỳ một phương tiện xe cộ được phép đậu lại ở những lằn vạch quy định đó. Những biện pháp như vậy sẽ giúp ích cho học sinh.
Hòa Ái: Nghe qua những chia sẻ của bà thì dường như VN cần phải có rất nhiều hoạt động để giúp cho người đi bộ ở VN, đặc biệt là trẻ em có được sự an toàn, bảo vệ cho tính mạng của mình. Như vậy không biết rằng các cơ quan ban ngành của chỉnh phủ hỗ trợ cho chiến dịch này không, thưa bà?
Mirjiam Sidik: Vâng, chiến dịch "Đi bộ An Toàn" được nhiều cơ quan ban ngành hỗ trợ như Ủy ban An toàn Giao thông TP. HCM, Sở Giáo Dục & Đào Tạo TP. HCM cùng với cảnh sát giao thông hỗ trợ cho chiến dịch và sự kiện hôm nay.
Hòa Ái: Chân thành cảm ơn bà Mirjam Sidik đã dành cho đài RFA cuộc phỏng vấn này.