Trong nhiều năm trở lại đây, các tour du lịch từ Sài Gòn xuôi về miền Tây Nam Bộ hoặc từ Hà Nội vào miền Nam rồi xuôi về đồng bằng sông Cửu Long đều có thêm hành trình du lịch trên sông nước miền Tây bằng xuồng ba lá. Có thể nói đây là điểm hút du khách bởi những cô gái quấn khăn rằn, đi chân trần chèo thuyền đưa khách dọc theo con nước, ghé thăm các miệt vườn. Nhưng dịch vụ này cũng hàm chứa nhiều hiểm họa bởi cách làm quá cẩu thả.
Hướng dẫn viên du lịch lắc đầu ngao ngán
Anh Nguyễn Cung, một hướng dẫn viên du lịch ở thành phố Sài Gòn chia sẻ với chúng tôi rằng anh là người trực tiếp đưa nhiều đoàn khách tham quan xuống miền Tây, nhưng lần nào đưa khách lên xuồng ba lá anh cũng phải nín thở làm thinh và cầu Chúa phù hộ mọi sự được bình yên. Vì một chiếc xuồng nhỏ, thiết kế theo tiêu chuẩn Việt Nam, có thể chở được ba đến bốn người Việt Nam nhưng khi những ông khách tây bước lên xuồng, chất năm, sáu người để tiết kiệm thì cảm giác như xuồng có thể chìm bất kỳ giờ nào.
Anh Cung chia sẻ thêm rằng tất cả các tour cho khách đi xuồng ba lá đều không có áo phao, mà dòng chảy của các nhánh sông Cửu Long lúc nào cũng cuồn cuộn, dữ dội, chỉ cần người chèo xuồng sơ ý một chút, bơi lệch dòng chảy thì trong phút chốc sẽ bị chìm ngay. Trong trường hợp tham quan bằng xuồng, hầu như tất cả sinh mệnh của năm, sáu khách du lịch đều gửi trọn vào tay lái của cô gái miền Tây mảnh khảnh, da trắng, tóc dài. Không có bất kỳ một sự an toàn nào để đảm bảo rằng tai nạn không xảy ra.
Một hướng dẫn viên du lịch khác tên Nữ, chia sẻ thêm là theo như cô thấy thì mỗi cô gái chèo xuồng ba lá, trung bình một ngày họ chở ít nhất cũng ba lượt khách đi đoạn đường dài tổng cộng hơn 10 cây số. Như vậy, khó có thể đảm bảo được rằng cô gái chèo xuồng có thể giữ sức khỏe dẽo dai để chở khách trong những chuyến buổi chiều. Nhưng vì thu nhập, vì lợi nhuận của công ty mở tour, họ bỏ qua chuyện ai chèo xuồng và có bằng cấp về giao thông đường thủy hay không.
Và đáng sợ nhất là theo chỗ cô Nữ tìm hiểu, 100% các cô gái chèo xuồng chỉ tự học lái, chưa qua bất kỳ một khóa đào tạo nào về kỹ năng chèo xuồng, đoán dòng chảy cũng như hướng dẫn an toàn cho khách khi có tình huống xấu. Và tất cả các cô gái chèo xuồng đều không biết sơ cứu là gì. Như vậy, khi có sự cố xảy ra, nguy cơ chết người sẽ rất cao.
Có một điều lạ là không hiểu vì sao khi du lịch bằng xuồng ba lá, dường như khái niệm phao cứu sinh không được nhắc đến và không có bất kỳ một chiếc xuồng ba lá nào có chứa áo phao cả. Khách bị nhân viên hướng dẫn hối hả bước lên xuồng, các cô gái vội vã chèo xuồng, nói cười vui vẻ, vượt qua các dòng xoáy, có lúc xuồng nghiêng như sắp chìm. Đến nơi, chào tạm biệt khách, người hướng dẫn yêu cầu khách bỏ ra một ít tiền để tặng người chèo xuồng, mọi việc coi như xong.
Chạy đua với cơm áo
Một cô chèo xuồng 23 tuổi, tên Út Duyên, đã có chồng và hai con trai, đứa đầu ba tuổi, đứa sau được 11 tháng, mỗi ngày cô cố gắng chạy đua kiếm cho được từ ba đến năm lượt khách để kiếm tiền mua gạo, đi chợ. Út Duyên kể rằng vì gia đình còn nghèo khổ quá, vì thương chồng con, cô phải bươn bả chạy đua để kiếm mối chèo xuồng. Việc chèo xuồng tưởng đơn giản nhưng lại phức tạp vô cùng, nhất là khi gặp những khách không biết bơi, sợ nước, khi bước lên xuồng, họ bị cảm giác mất thăng bằng, đứng ngồi luýnh quýnh, có thể rơi xuống sông bất kỳ giờ nào. Trong những trường hợp như thế, không còn cách nào khác, Duyên phải vờ nói với khách là đoạn sông này rất cạn, không có gì nguy hiểm nhưng trên thực tế thì đây là đoạn sông nước chảy xiết, rất dữ.
Mỗi ngày, với mỗi chuyến xuồng đưa khách, Duyên kiếm được từ ba mươi ngàn đồng đến năm mươi ngàn đồng, trung bình, nếu chạy đủ năm chuyến, cô kiếm được từ hai trăm đến hai trăm năm mươi ngàn đồng. Duyên tiết lộ thêm rằng sở dĩ cho đến bây giờ, cô còn cầm lái đưa khách, còn có khách chịu đi xuồng là do phía công ty du lịch họ hợp đồng tour, trong đó có phân đoạn đi xuồng, việc đi xuồng là bắt buộc.
Nghĩa là trong hành trình sông nước, có một số đoạn đi bằng ca nô, từ các khu du lịch nổi đến vườn nhãn nuôi ong. Từ vườn nhãn đến nơi hát đàn ca tài tử và vườn trái cây, khách phải sang xuồng để đi, chỉ có duy nhất một phương tiện là xuồng ba lá, nếu khách nào từ chối không đi thì sẽ gặp phiền phức, phải tự bỏ tiền ra để mua vé ca nô đi riêng.
Cô cũng lấy làm lạ về việc thỉnh thoảng có vài hướng dẫn viên du lịch chìa mũ, yêu cầu khách gom tiền lại cho người chèo xuồng. Nhưng trên thực tế, sau đó, người chèo xuồng phải chia phần trăm cho hướng dẫn viên. Tuy rằng làm như thế thì cô có thêm tiền nhưng cô vẫn thấy không thích vì điều này tạo ấn tượng xấu cho khách, bởi trong vé du lịch, khách đã mua luôn khoảng này.
Chị Ba Huyền, một người chèo xuồng khác bày tỏ sự lo lắng của chị là cho đến bây giờ, tất cả mọi chiếc xuồng đưa khách đi tham quan đều không có bảo hiểm. Chị vẫn biết rằng trong tấm vé đi du lịch đã có trích phần đăng ký bảo hiểm. Nhưng chị nghĩ rằng nếu như chỉ có bảo hiểm cho khách, lỡ có sự cố gì, người chèo xuồng hoàn toàn tự gánh chịu, trong khi đó, hằng ngày chị vẫn phải đóng tiền phần trăm cho những công ty nhận tour trên bờ. Như vậy, người chèo xuồng hoàn toàn chịu thiệt thòi trong vấn đề sinh mệnh.
Chị Ba Huyền cho biết thêm là chị luôn luôn cần áo phao để cho khách mặc trong lúc ngồi xuồng đi du ngoạn. Vì trong nhiều khách du lịch, không biết ai là người biết bơi, ai là người không biết bơi. Nhưng dù có biết bơi chăng nữa mà không quen địa hình, không rõ đâu là dòng xoáy thì e rằng khó có an toàn. Rất tiếc là cho đến bây giờ, những người chèo xuồng vẫn chưa được khuyến cáo và trang bị áo phao. Nếu tự bỏ tiền ra mua thì không nổi, họ đành chèo liều để có cái sinh nhai.
Chị Ba Huyền tiết lộ cho chúng tôi biết đã từng xảy ra sáu lần lật xuồng trong gần mười năm đưa khách đi du lịch của chị, nhưng rất may là khu vực xuồng bị lật có đông đúc dân cư, người dân đã bơi ra cứu khách nên chưa có vụ chết người nào xảy ra. Đặc biệt, giữa khu vực eo óc sông nước và bí hiểm, không có báo chí nào có thể biết được thông tin nếu như khách và công ty tổ chức tour giữ bí mật. Trong những lần lật xuồng đó, công ty du lịch đã thỏa thuận, mua chuộc toàn bộ đoàn khách để giữ bí mật cho họ. Cho nên đến bây giờ, thông tin về độ an toàn trong du lịch sông nước miền Tây vẫn còn rất hạn chế, ít nghe ai than vãn về nó.
Chuyện du lịch sông nước miền Tây là một câu chuyện dài và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Rất tiếc, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một qui định nào về sự an toàn trong mảng du lịch này cho cụ thể.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.