Một mặt do cơ chế điều hành gây bất công trong ngành y mặt khác chính đồng lương đã đào sâu hố ngăn cách giữa bệnh nhân và y bác sĩ cũng như đẩy những người tài năng ra khỏi hệ thống nhà nước để gia nhập vào đội quân y tế tư nhân đang phát triển rầm rộ. Mời quý vị theo dõi qua bài viết của Mặc Lâm sau đây:
Nếu đồng lương quá thấp đang là tác nhân gây trì trệ, dẫm chân tại chỗ của trí thức Việt Nam trong ngành giáo dục thì cũng chính đồng lương bất hợp lý trong ngành Y tế đã là động lực khiến y đức của y bác sĩ vấy bẩn cùng hàng loạt vấn đề khác đang xuất hiện ngày một dày đặc hơn tại các bệnh viện.
Khi bệnh nhân trở thành nạn nhân
Bệnh nhân trở thành nạn nhân là bức tranh chung của rất nhiều bệnh viện hiện nay. Bắt đầu từ khâu nhập viện, các loại viện phí, tranh thủ được bác sĩ giỏi chăm sóc, được đối xử tốt hơn, chế độ thăm bệnh nhiều hơn và ngay cả mua thêm một chỗ nằm để chăm sóc thân nhân người bệnh cũng sẽ xảy ra nếu bệnh viện quá tải.
Trước giờ thì lương bổng nói chung ở Việt Nam riêng trong ngành y tế thì thường không đủ cho sinh hoạt.
BS Trần Định Hiền
Những case cấp cứu bị từ chối chữa trị dẫn đến những cái chết của nạn nhân khiến người dân cả nước giật mình cho chính bản thân của từng người. Mấy ai ra đường mà có sẵn vài triệu trong túi để sẵn sàng trả viện phí khi bị bất tỉnh trong một tai nạn giao thông nào đó?
Nhà nước không có bất cứ một ngân sách nào cho ngành Y tế để lấp lỗ hổng quan trọng này. Bệnh viện cho rằng không thể bù đắp những tốn kém cho một ca cấp cứu và do đó thái độ gần như làm ngơ đã gây phẫn nộ cho người dân. Cả bệnh viện và người dân đều có lý nhưng đơn vị chính thức chịu trách nhiệm trước vấn đề này là ai thì không cơ quan chính phủ hay đại biểu quốc hội nào đưa ra nhằm mổ xẻ vấn đề.
Ngân sách dành cho Bệnh viện nói riêng và các công tác y tế nói chung từ nhiều năm qua đã cho thấy sự bất cập trong vấn đề lương bổng. Từ nhân viên hành chánh cho tới y bác sĩ, điều dưỡng viên tất cả đều nhận những khoản lương thấp đến tệ hại và nếu cầm đồng lương này để dùng vào sinh hoạt hàng ngày trong gia đình thì rất nhiều người chỉ có thể sống chưa quá 10 ngày trong tình hình kinh tế hiện nay.
Bác Sĩ Trần Định Hiền phó GĐ Bệnh viện nhiệt đới TPHCM cho biết như sau:
“Hồi trước giờ thì lương bổng nói chung ở Việt Nam riêng trong ngành y tế thì thường không đủ cho sinh hoạt. Như anh biết ví dụ như bác sĩ mới ra trường thì lương vào khoảng ba triệu đồng, tức 150 đô la Mỹ. Nếu lương lâu năm thì khoảng 7 tới 10 triệu đồng, tức khoảng 500 đô la Mỹ, với cái mức lương này thì vừa đủ thôi, chưa tính tới việc học hành của con cái. Đa số trong ngành y tế hiện nay thì bác sĩ phải làm ngoài giờ. Sau giờ làm việc của nhà nước rồi thì người ta mở phòng khám để kiếm thêm thu nhập.”
Kiếm thêm thu nhập không phải là điều cấm kỵ với xã hội Việt Nam tuy nhiên một bác sĩ sau khi thực hiện nghĩa vụ của mình tại bệnh viện và quay trở về nhà để kiếm thêm thu nhập thì khả năng nào có thể xảy ra? Sức khỏe của vị bác sĩ ấy, chênh lệch giữa đồng tiền hai nơi, không ai kiểm soát tại phòng mạch tư và với mật độ làm việc dày dặc như vậy thì một bác sĩ có toàn tâm toàn lực thi hành trách nhiệm của mình tại một bệnh viện công với đồng lương quá ít hay không? GS.TS Nguyễn Thị Kê, nguyên Giám đốc Viện Vệ sinh Y tế công cộng, Bộ Y tế nhận xét:
“Việc này không phải tại ngành y tế mà do sự điều phối của chính phủ chứ ngành y tế làm gì ra tiền? Muốn làm ra tiền thì ngành y tế phải giải quyết cơ chế nghĩa là làm cách nào lấy thu bù chi. Anh tìm những nguồn thu mà nguồn của ngành y tế chỉ trên người bệnh thôi chứ là cái gì? Mà nếu thu trên người thu bệnh thì liệu người bệnh của mình có đủ khả năng hay không, bởi vì cái đồng lương bây giờ nó không nhiều. Anh em người ta có những người tâm huyết là một phần, một phần nữa người ta không tìm được chỗ tốt hơn, họ đi làm để kiếm thêm thu nhập người ta gọi là chân trong chân ngoài cho nên không toàn tâm toàn ý đối với thời gian 8 tiếng làm việc với ngành y tế.”
Nhà nước nói gì?
Họ đi làm để kiếm thêm thu nhập người ta gọi là chân trong chân ngoài cho nên không toàn tâm toàn ý đối với thời gian 8 tiếng làm việc với ngành y tế.
TS Nguyễn thị Kê
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ Y Tế thừa nhận việc lương bổng đang là vấn đề rất lớn của nhiều ngành chứ không riêng cho ngành y tế. Lý do ông đưa ra là hoàn cảnh kinh tế Việt Nam chưa cho phép chính phủ giải quyết tình trạng lương bổng hợp lý hơn, ông nói:
“Tôi công tác tại Bộ Y tế từ năm 1995 đến nay đã mười mấy năm rồi tôi không thề trả lời hoàn toàn chính xác được. Nói chung tình hình lương bổng hiện nay chả cứ gì ngành Y tế đâu mà các ngành khác người ta cũng cảm thấy là chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Chuyện đó thì người yêu cầu mong muốn cũng cần biết là tình hình đất nước Việt Nam không phải giàu có như những nước khác cho nên mong muốn có một bậc lương thì là nguyện vọng chính đáng nhưng đạt được thì không đơn giản, không phải là dễ dàng giải quyết được. Nếu túi tiền của mình giới hạn mà người khác yêu cầu lương cao hơn thì vấn đề này không dễ dàng đáp ứng.”
Nếu y bác sĩ còn khả dĩ tìm thêm thu nhập ngoài giờ thì các người khác sẽ sống ra sao với câu hỏi lương bổng như vậy? Câu trả lời đã xuất hiện từ lâu đó là họ sẽ bắt chẹt người bệnh bằng cách tìm cho ra những yêu sách. Họ sẽ chứng tỏ quyền hạn của mình để vòi vĩnh người nhà nạn nhân...tất cả hình thành một hình ảnh không đẹp cho ngành y vốn lấy câu “lương y như từ mẫu” làm thước răn mình.
GSTS Nguyễn thị Kê nhận xét lý do khiến y đức của nhiều y bác sĩ có vấn đề như sau:
“Trách nhiệm của y tế đối với bệnh viện thì chừng mực nào đó thôi. Đạo đức của ngành y tế có xuống cấp, của người phục vụ trong ngành y tế, của y bác sĩ và đạo đức thiếu. Người ta quen thói có tiền mới làm không có tiền thì thôi. Kiểu nó đi vào kinh tế thị trường nhưng cái tư tưởng thì không biến đổi kịp với kinh tế thị trường cho nên nó nảy sinh ra những tư tưởng không lành mạnh.
Đấy là thực trạng của xã hội hiện nay và cũng là thực trạng của ngành y tế vì ngành này rất nhạy cảm, nó trực tiếp tác động lên những con người nên nó nhạy cảm lắm. Ngành giáo dục cũng thế nhưng mà lương của ngành giáo dục được tăng khá nhưng lương của ngành y tế vẫn chưa được tăng.”
Một tình trạng khác nảy sinh khi làn sóng đầu tư bệnh viện tư nhân nở rộ trên nhiều thành phố lớn. Nhu cầu thu nhận các bác sĩ giỏi trong nước đã giải quyết phần nào lương bổng hợp lý cho các bác sĩ có tay nghề cao, nhưng ngược lại, hiện tượng chảy máu chất xám ra khỏi các bệnh viện công làm cho tình hình càng tồi tệ thêm. Người dân vốn đã nghèo, được chữa trị trong những bệnh viện nghèo nàn tính nhân ái nay lại chịu thêm sự nghèo nàn về tay nghề của các bác sĩ nữa thì sự bất công xã hội càng đào sâu hơn. Đó là chưa nói tới việc kinh phí đào tạo cho những vị bác sĩ này mất trắng. Bác Sĩ Trần Định Hiền phó GĐ Bệnh viện nhiệt đới TPHCM chia sẻ tình trạng này:
Bác sĩ mới vào bệnh viện tư người ta trả 1.000 đô la một tháng. Thu hút các bác sĩ trẻ ở bệnh viện công sang bệnh viện tư rất nhiều.
BS Trần Định Hiền
“Hiện nay có tình hình là bệnh viện tư tại Việt Nam được cho phép mở rất nhiều. Thí dụ như ở Sài Gòn bệnh viện tư người ta trả lương rất cao. Bác sĩ mới vào bệnh viện tư người ta trả 1.000 đô la một tháng. Thu hút các bác sĩ trẻ ở bệnh viện công sang bệnh viện tư rất nhiều. Không có chính sách gì hết về vấn đề này nên khi bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo ra thì bị thu hút sang khu vực tư nhân. Điều này cũng dễ hiểu thôi bởi vì chỗ nào cung cấp đủ cho người ta sống thoải mái thì người ta đi vì không có một cái ràng buộc nào cả!”
Video: Dữ liệu kinh tế, xã hội VN
Giải pháp
Câu hỏi về đồng lương của ngành y tế có thể giải quyết bằng cách nào được bà Phạm Chi Lan, nguyên tư vấn kinh tế cho Văn phòng Thủ tướng Chính phủ gợi ý:
“Hiện nay nhà nước đang đưa ra chương trình tái cấu trúc nền kinh tế thì theo tôi nếu làm tốt thì có thể giải phóng được rất nhiều nguồn lực đang bị các doanh nghiệp nhà nước lớn hay những chương trình đầu tư công sử dụng mà kém hiệu quả.
Chính vì sự kém hiệu quả đó nó không làm cho nhà nước có nhiều nguồn lực để thực hiện chương trình cải cách lương trong khu vực nhà nước phục vụ cả xã hội như y tế và giáo dục. Chỉ cần bớt đi những thất thoát, những lãng phí của những doanh nghiệp lớn của nhà nước hoặc là của những dự án đầu tư công thì đã có nguồn ngân sách thực hiện chương trình cải cách lương sớm hơn nữa chứ không cần phải chờ tới 10 năm nữa.”
Người dân chờ đợi trong những ngày tới giữa các kỳ họp quốc hội sẽ có ý kiến của đại biểu nào đó đánh động vấn đề bức xúc này của người dân để có giải pháp thiết thực và hợp lý cho vấn đề lương bổng hiện nay.
Theo dòng thời sự:
- Mức lương tối thiểu được tăng lên 2 triệu đồng
- Giá điện tiếp tục tăng, điện tiếp tục thiếu, Điện lực tiếp tục than lỗ
- Lương nền tối thiểu ở Việt Nam quá thấp
- Mức lương tối thiểu vần còn quá thấp
- Việt Nam bắt đầu cúp điện luân phiên
- Bộ Tài Chánh trình Thủ tướng phương án tăng giá điện
- Việt Nam sẽ thiếu điện trầm trọng vào mùa khô 2011
- Tăng lương một thì giá cả tăng mười