Vất vả, thu nhập thấp
Vì không một bóng cây, đồng muối là loại cánh đồng dễ nhận thấy nhất. Dưới cái nắng chang chang, hàng trăm bóng lưng cong quặp bên chiếc trang cào. Nắng gió càng bỏng rát thì hạt muối càng trắng càng trong. Có lẽ do vậy, nên muối có vị nồng vì thấm đẫm giọt mồ hôi người làm muối. Diêm dân là một bộ phận lao động có đến 80% số hộ thuộc diện nghèo trong xã hội. Hàng vạn người lao động nghề này khó mà bình thản được trước bối cảnh hạt muối họ làm ra bị coi rẻ.
Trong lúc vấn nạn thừa thiếu diễn ra nhiều năm vẫn chưa đưa ra được giải pháp thỏa đáng, thì thông tin tiếp tục nhập khẩu muối giống như cơn mưa sa trái mùa đang ập xuống cánh đồng vào vụ thu hoạch.
Làm muối đã vất vả, bán muối càng không dễ. Gặp thời rớt giá, từng đống muối ê chề nằm đợi, khó khăn lại chồng chất lên những đôi vai gầy lam lũ diêm dân. Một người sống tại khu vực vựa muối tỉnh Bạc Liêu trình bày về giá muối tại địa phương mình, như sau:
"Bây giờ Đông Hải là mới vào vụ muối thôi. Muối 1 ngàn mấy bây giờ là tương đối khá, khi mới vào vụ muối thì muối nó có giá. Trong khi đó, khi mà vô vụ thêm khoảng 1 tháng nữa là ngay vụ muối chính thì nó còn có mấy trăm đồng/kg.
Năm đó muối rất là nhiều, cái giá muối rất là rẻ. Thậm chí là nó còn có 3, 4 trăm đồng/kg. Cũng có nhiều hộ khi mà trời mưa đó thì bỏ luôn, người ta không có lấy đồ đậy. Tại vì mua đồ đậy thì nó cũng bằng cái đồng muối. Giá muối khoảng 8, 9 ngàn một giạ thì nó cũng tương đương với mua một bó rau, cái đó là muối trắng. Nhằm khi nó còn 6, 7 ngàn nữa."
Giá rớt đến mức lấy công làm cũng chẳng sinh lời. Thu nhập của diêm dân hiện nay rất thấp, một người xấp xỉ 1 triệu đồng trong năm. Do thu nhập thấp, các lao động chính không còn mặn mà với nghề. Tại các tỉnh phía bắc, đa số lao động nghề muối là người già, phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, chủ trương nhập khẩu muối theo hạn ngạch không thể bỏ qua các quyền lợi chính đáng của hàng trăm ngàn con người liên quan đến nghề này. Hiện nay chính sách về muối thì nhiều, song lộ trình đến đối tượng thụ hưởng có vẻ chưa thông suốt.
Giá bán muối đôi khi không đủ bù chi phí sản xuất, nên bàn đến việc trang trải cuộc sống là rất khó. Vì vậy, nhiều hộ dân tạm thời ngừng sản xuất để chuyển sang các công việc thời vụ khác có thu nhập cao hơn. Một vị lãnh đạo trong ngành muối nói về những hoàn cảnh này:
"Mình quản lý chặt chẽ chất lượng muối thì cái giá tăng lên, bà con cũng phấn khởi, chứ không, bỏ hết thì bà con ai mặn mà làm muối nữa bây giờ.
Anh cứ để ý mà xem. Bây giờ tôi đi làm phụ hồ ở đây 100 nghìn, làm muối được có 3 – 4 mươi nghìn một ngày mà vất vả hơn thì tôi đi làm phụ hồ, tội gì tôi đi làm muối. Cái đấy là không ai bắt được cả. Không ai bắt là anh phải ở đây làm muối. Anh có thể làm ở đây không thích, anh qua anh làm chỗ khác."
Do thu nhập thấp, người dân không có điều kiện tái đầu tư cho sản xuất. Tình cảnh này làm cho hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sản xuất muối trong nước càng xuống cấp trầm trọng. Đồng thời do không có điều kiện lập kho trữ, các diêm dân thường phải bán ngay sản phẩm làm ra, nên họ luôn bị ép giá.
Nghề muối trong nước sẽ ổn định hơn một khi hóa giải được nghịch lý thừa thiếu. Giá cả sản phẩm chỉ được nâng lên nếu gắn liền với công tác cải thiện chất lượng. Việc cấp thương hiệu cho muối như từng làm ở Sa Huỳnh, là một cách làm hiệu quả. Ngoài ra, tăng dần tỷ trọng sản xuất muối công nghiệp thông qua khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật là một lối thoát cần thiết.
Cần sự hỗ trợ từ nhà nước
Chúng tôi đã đem băn khoăn này đến cùng Thạc sỹ Bùi Sơn Long Giám đốc Chi nhánh Thực nghiệm chuyển giao công nghệ muối biển (Tổng công ty Lương thực miền Bắc). Xuất phát từ quan điểm thay đổi thói quen sản xuất truyền thống của diêm dân là không dễ, ông Long đặt trọng tâm giải quyết vấn đề chất lượng muối vào giai đoạn sau thu hoạch. Ông ấy chia sẻ công dụng về thiết bị kỹ thuật của mình như sau:
"Tôi dùng phương pháp thủy lực. Để làm 4 cái việc mà người diêm dân hiện nay đang làm rất nặng nhọc, tôi muốn thay đó bằng một cái thiết bị khác. Để người ta có thể thu hoạch, vận chuyển; người ta rửa xong, đánh bóng. Thế là người ta đem bán thôi.
Có thể áp dụng vào đâu cũng được, quy mô nhỏ quy mô lớn cũng được. Ta cứ gọi đơn giản là máy thu hoạch và làm sạch muối."
Sau nhiều năm nhọc nhằn cùng bà con diêm dân, ông Bùi Sơn Long có nhiều bằng sáng chế độc quyền liên quan đến việc sản xuất và chế biến muối. Với chiếc máy thu hoạch và làm sạch muối trên, một phần những nghịch lý thừa thiếu muối nhiều năm nay của Việt Nam có lẽ được giải quyết:
"Nếu mà dùng công nghệ này, đối với muối công nghiệp thì đủ tiêu chuẩn xuất khẩu NaCl là lớn hơn 99%. Hơn cả cái tiêu chuẩn mà mình nhập khẩu ở trong nước.
Còn nếu như mà dùng công nghệ đấy cho bà con diêm dân thì có thể tùy theo công suất 5 tấn, 10 tấn, 20 tấn/giờ; tùy theo xa gần. Cái máy đấy thì nói chung cũng ít, nó chỉ 150 triệu cho một cái máy tùy theo công suất lớn nhỏ. Đối với diêm dân thì người ta chưa có, nếu nhà nước hỗ trợ thì có khả năng là nhân rộng ra được. Miễn làm sao mà đủ cái tiền chi phí để chế tạo, tiền vận chuyển và hướng dẫn bà con dùng thôi."
So với những dây chuyền sản xuất của nước ngoài có giá hàng chục tỷ đồng thì những sản phẩm nội địa này có vẻ thích ứng hơn với tình trạng ruộng muối phân tán; sản xuất quy mô nhỏ, khả năng tài chính eo hẹp của diêm dân trong nước.
Thực tế cho thấy, giải pháp khả thi chẳng phải là không có. Nhưng để thành hiện thực thì không thể phó mặc cho người diêm dân. Đa phần diêm dân không có vốn đầu tư, cho nên khả năng cơ giới hóa quy trình sản xuất thường xa hút tầm tay của họ. Hạt muối Việt Nam sẽ còn nhiều đắng chát, nếu không có sự hỗ trợ thiết thực hơn từ phía nhà nước.
[ Video: Kế hoạch trùng tu mộ phần thuyền nhân VNOpens in new window ]