Chở củi về rừng
Một đất nước có hơn 3 ngàn cây số bờ biển, với một số vùng quanh năm nắng nóng, đủ điều kiện để sản xuất muối. Lượng muối trong nước sản xuất ra tiêu thụ không hết; sau vài năm liên tục rớt giá, ở những đồng muối miệt Quảng Ngãi, Bình Định có khi chỉ mất 1 kg muối là đổi được 1 que kem. Vậy mà Bộ Nông nghiệp vẫn phối hợp cùng Bộ Công thương tiếp tục đề xuất việc nhập khẩu muối bằng cách cấp hạn ngạch nhập khẩu.
Nghịch lý thừa và thiếu muối diễn ra nhiều năm song vẫn chưa giải quyết được triệt để. Điều này khiến người ta nghĩ đến một sự bất bình thường trong khâu quản lý. Theo cách giải thích của cơ quan cấp hạn ngạch nhập khẩu, thì chỉ nhập những loại muối Việt Nam không sản xuất được, song cơ quan này không hề đề cập đến chi tiết đó là những loại muối nào và tại sao mặt hàng này trong nước lại không sản xuất được.
Ông An Văn Khanh, Phó Cục trưởng Cục chế biến, thương mại Nông Lâm Thủy sản và nghề Muối, khi được hỏi tại sao Việt Nam phải nhập muối công nghiệp, thì cho biết như sau:
"Để mà đi tìm sản xuất có hay không đáp ứng được cái muối công nghiệp các thứ thì liên quan đến rất nhiều yếu tố. Muối trong nước hoàn toàn trước đây thì không có nhập, các doanh nghiệp hóa chất thì vẫn dùng muối trong nước, chứ đâu dùng muối nào. Lấy đâu ra, ngày xưa thì lấy đâu ra mà có chuyện nhập hay không nhập."
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời trong cuộc đối thoại trực tuyến đầu năm nay, nói không phải là lượng muối nhập khẩu chiếm tỷ lệ nhỏ hay lớn so với tổng lượng muối nhu cầu. Tuy nhiên, không thấy ông ta giải thích về hiện tượng là tại sao các doanh nghiệp thiếu nguồn vốn để đầu tư mô hình sản xuất muối tiên tiến trong nước, nhưng lại luôn có tiền để nhập khẩu muối hàng chục năm ròng. Có lẽ, một phần câu trả lời các vấn nạn trên được giải đáp khi sự việc
Tổng công ty Hóa chất cơ bản miền Nam lợi dụng cơ chế ưu đãi thuế để nhập khẩu muối, sau đó đã bán 23 ngàn tấn ra thị trường làm muối ăn. Kiểu kinh doanh của Tổng Công ty này đã diễn ra trong 5 năm ròng mới vỡ lỡ.
Thì mấy ông muốn nhập thì mấy ông lấy lý do nọ lý do kia; chớ còn muối trong nước sản xuất ra tiêu thụ không hết mà.
Một DNSX muối
Có vẻ mấu chốt sự việc nằm ở khoản chênh lệch thuế vài chục phần trăm giữa muối nhập khẩu theo hạn ngạch và không theo hạn ngạch. Cho nên trước nghịch lý thừa muối nhưng vẫn để nhập khẩu, ở góc độ một doanh nghiệp sản xuất muối công nghiệp, người đại diện của Công ty cổ phần muối Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà phát biểu rằng:
"Cái đó thì mình cũng không biết được, chẳng biết được. Thì mấy ông muốn nhập thì mấy ông lấy lý do nọ lý do kia; chớ còn muối trong nước sản xuất ra tiêu thụ không hết mà. Cái đó thì mình chẳng hiểu nữa. Cái cấp đó nó nằm ở lãnh vực kinh doanh của cấp bề trên rồi."
Một trong những lý do được các doanh nghiệp nhập khẩu thường đưa ra là chất lượng muối sản xuất trong nước không đạt tiêu chuẩn. Sự việc trở nên khó hiểu, vì đến nay ngành muối trong nước vẫn chưa có một bộ quy chuẩn làm cơ sở xác định cho việc sản xuất và sử dụng muối công nghiệp. Để làm sáng tỏ vấn đề, chúng tôi đã tìm hiểu thêm về chất lượng muối công nghiệp sản xuất trong nước, chẳng hạn như sản phẩm của Công ty cổ phần muối Cam Ranh thì người đại diện công ty này khẳng định:
"Muối ở đây thì chất lượng rất là tốt. Đã bao năm nay đã từng xuất khẩu đi nước ngoài rồi mà."
Trách nhiệm của người quản lý
Như vậy bên cạnh tình trạng năm nào cũng nhập khẩu đến hàng trăm ngàn tấn muối mà khâu hậu kiểm lại bỏ ngỏ còn có một thực tế khác, đó là việc chưa có được tiếng nói chung giữa bộ phận cung và cầu về chất lượng muối công nghiệp.
Dư luận từng có ý kiến rằng, nghịch lý thừa thiếu muối là trách nhiệm của những người quản lý. Ngoài vấn đề ngành muối trong nước phải tái cơ cấu lại hệ thống từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, cung cách quản lý ngành muối cũng nên theo cơ chế thị trường, quản lý bằng chính sách thuế chớ không phải bằng cơ chế hạn ngạch. Một phát biểu khác của ông An Văn Khanh, liên quan đến vấn đề này như sau:
"Các doanh nghiệp thì về chất lượng, về số lượng là cả hai doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau. Ông sản xuất muối với ông hóa chất bàn với nhau để sản xuất theo cái chất lượng của ổng. Đấy là cái quan trọng nhất.
Còn cái giá cả thì các ông phải tự bàn với nhau chứ không có ai mà ép giao. Cơ chế thị trường là các ông phải tự hợp tác với nhau. Không có ai có thể nào bắt cái ông muối ông phải mang đến nhà máy sản xuất hóa chất để bán cho mấy ông mua sản xuất hóa chất được.
Giống như ông cần mua thì phải đến siêu thị. Chứ làm sao mà ông cứ ngồi đó, ông bảo: tôi cần thế nọ, tôi đăng báo thế kia. Ông cứ ngồi ông bảo: tôi đăng báo; rồi ông phải chạy đến ông bán cho tôi. Làm gì có cái đó, nghe nó không hợp lý. Cái chính là sự hợp tác với kết hợp, cái đấy nó quan trọng."
Ông sản xuất muối với ông hóa chất bàn với nhau để sản xuất theo cái chất lượng của ổng. Đấy là cái quan trọng nhất.
Ô. An Văn Khanh
Ngoài ra, công bố hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối năm 2012 có viện dẫn đến các cam kết khi gia nhập WTO. Nhưng trong trường hợp ngành muối cần nhìn nhận rằng, giải pháp dùng hạn ngạch thuế quan để thực hiện chính sách bảo hộ cho sản phẩm nội địa đang thiếu linh hoạt. Thực tế cho thấy, quyết định nhập muối vào những lúc sản phẩm nội địa ứ đọng, đã tác động xấu tới giá cả mặt hàng này.
Những nghịch lý liên quan đến câu chuyện nhập khẩu muối không phải đến giờ mới đề cập, mà được nhắc nhiều đến nỗi từ muối, người ta có thể cảm nhận được vị đắng từ những bất cập trong khâu quản lý nhà nước, cùng vị chát trong lòng các diêm dân ven biển Việt Nam. Vậy thực trạng đời sống diêm dân hiện nay ra sao và có giải pháp nào để giải tỏa bớt những khốn khó này không ? Đây là nội dung sẽ được gửi đến quí thính giả trong phần trình bày tiếp theo.
[ Video: Kế hoạch trùng tu mộ phần thuyền nhân VNOpens in new window ]