Xuất bản lề trái ở Tiệp Khắc cộng sản và Việt Nam hiện tại

0:00 / 0:00

Truyền thông nhà nước Việt Nam lại được huy động để tấn công một luận văn tại đại học sư phạm Hà nội. Luận văn này đã đánh giá cao dòng văn học ngầm được xuất bản chui tại Việt Nam. Kính Hòa đã tìm hiểu hiện tượng xuất bản chui này tại Tiệp khắc cũ và so sánh với hiện trạng xuất bản ấy tại Việt Nam trong bài sau đây.

Ký ức nhân loại

Cuối tháng sáu vừa qua, tin từ nước Cộng Hòa Czech cho hay là Tập hợp các ấn phẩm tự xuất bản tại Tiệp Khắc từ năm 1948 đến 1989 đã được UNESCO công nhận là một phần của ký ức nhân loại. Đây là các ấn phẩm đa dạng được ấn hành bằng giấy hay trên băng ghi âm, và những ấn phẩm này không được chính quyền cộng sản cho phép xuất bản cho nên có thể gọi một cách nôm na là những ấn phảm chui, hay theo ngôn ngữ hiện nay, chính là những ấn phẩm “lề trái.”

Sau chiến tranh thế giới thứ hai Tiệp Khắc vẫn giữ tình trạnh một quốc gia dân chủ, có nhiều đảng phái tham gia chính trị. Năm 1948 đảng cộng sản Tiệp Khắc đã làm một cuộc đảo chánh với sự trợ giúp của quân đội Liên Xô lúc đó trên lãnh thổ Tiệp Khắc. Cuộc đảo chánh này đã cho phép đảng cộng sản lên ngôi vị cầm quyền độc đảng, như tất cả các quốc gia cộng sản khác, cho đến năm 1989 là năm cuộc cách mạng Nhung làm sụp đổ chủ nghĩa cộng sản tại quốc gia này. Trước khi chủ nghĩa cộng sản tiêu vong tại Tiệp Khắc, vào năm 1968, những người cộng sản tiến bộ cùng dân chúng Tiệp Khắc đã tiến hành một cuộc cải cách kinh tế và chính trị, cuộc cải tổ này đã bị quân đội Liên Xô và Hiệp ước Warsaw đưa quân vào dập tắt. Tuy thất bại nhưng biến cố gọi là Mùa xuân Prague này đã thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa ở Tiệp khắc, trong đó có sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa phong trào ấn hành các ấn phẩm bị cấm, vốn đã bắt đầu từ năm 1948.

Một cựu sinh viên Việt Nam từng tham gia vào các hoạt động dịch và phân phát các tài liệu của cuộc cách mạng Nhung tại Tiệp, và cũng là bạn đọc của đài Á Châu Tự Do cho chúng tôi biết về sự ra đời và phát triển của các ấn phẩm tự làm, mà tiếng Tiệp gọi là Samizdate:

Một người đàn ông đi qua những tấm ảnh từ năm 1989 của cuộc Cách mạng Nhung lật đổ chế độ cộng sản ở Tiệp Khắc cũ, tại một cuộc triển lãm tại Prague vào ngày 16 tháng 11 năm 2011. AFP PHOTO / Michal Cizek.
Một người đàn ông đi qua những tấm ảnh từ năm 1989 của cuộc Cách mạng Nhung lật đổ chế độ cộng sản ở Tiệp Khắc cũ, tại một cuộc triển lãm tại Prague vào ngày 16 tháng 11 năm 2011. AFP PHOTO / Michal Cizek.

“Bộ văn hóa nước cộng hòa Czech cho biết là bộ sưu tập các ấn phẩm Samizdate từ 1948 đến 1989 được UNESCO công nhận là ký ức thế giới. Lúc đầu hồi những năm 1950 khi chủ nghĩa cộng sản tại Tiệp còn hà khắc theo kiểu Stalin, đó chỉ là những ấn phẩm đánh bằng máy đánh chữ rồi photocopy mà truyền tay nhau. Sau mùa xuân Prague các ấn phẩm trở nên đa dạng hơn, có cả các băng cassette.”

Anh cũng cho chúng tôi biết là tầng lớp trí thức Tiệp khắc đóng vai trò rất lớn trong sự thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa tại quốc gia này mà trong đó có việc thực hiện Samizdate:

“Nếu như ở Ba Lan Công đoàn đoàn kết và nhà thờ công giáo đóng vai trò quan trọng thì ở Tiệp Khắc là tầng lớp trí thức. Sau mùa xuân Prague nhiều người bị đẩy ra nước ngoài lưu vong, nhiều người vẫn còn ở trong nước nhưng họ là những người di tản trên chính đất nước mình, họ không được làm gì cả, con cái không được vào đại học. Những người tham gia Samizdate sau 1968 cũng phải kể đến những người cộng sản tiến bộ muốn xây dựng một xã hội chủ nghĩa mang khuôn mặt người.”

Sự cởi trói không kéo dài

Tại Việt Nam việc xuất bản những ấn phẩm không làm hài lòng giới cầm quyền cộng sản cũng có lịch sử lâu đời. Những năm 1950 tại miền Bắc đã xuất hiện phong trào nhân văn giai phẩm, mà nhiều người tham gia đã bị tù đày hay bị cho ra bên lề xã hội sau đó. Năm 1986 đánh dấu một sự thay đổi khi tổng bí thư đảng cộng sản lúc đó là Nguyễn Văn Linh tuyên bố cởi trói cho giới văn nghệ sĩ. Đó chính là thời kỳ xuất hiện những tác phẩm có tính phản kháng như Hà Nội trong mắt ai, Nhân danh công lý… Nhưng sự cởi trói ấy đã không được kéo dài khi sau đó những hạn chế về tự do ngôn luận trở nên hà khắc hơn. Một hình thức giống như Samizdate đã ra đời ở Việt Nam là nhà xuất bản Giấy vụn tồn tại và phát triển từ những năm 1990 đến nay. Nhà thơ Lý Đợi, một trong những người tham gia thành lập Giấy Vụn trả lời đài Á châu tự do về công việc của ông như sau:

Công việc của chúng tôi là giúp cho các tác giả tác phẩm vì lý do nào đó mà bị kiểm duyệt cắt xén có được nơi trình bày.-Nhà thơ Lý Đợi

“Công việc của chúng tôi là giúp cho các tác giả tác phẩm vì lý do nào đó mà bị kiểm duyệt cắt xén có được nơi trình bày. Chúng tôi muốn tác phẩm sinh ra phải như một cơ thể sống đầy đủ hình hài.”

Nếu so sánh Giấy Vụn với Samizdate thì tầm vóc của nó quả còn rất khiêm tốn.

Chính từ Samizdate mà công chúng Tiệp khắc sinh trưởng sau thế chiến II mới biết đến các tác giả như Soljenitsin, người mô tả bộ mặt thật của xã hội Soviet, hay George Orwell, tác giả người Anh viết về mô hình xã hội toàn trị, và dĩ nhiên Samizdate cũng là nơi các tác phẩm của văn hào Vaslav Havel, tổng thống đầu tiên của nền dân chủ Tiệp Khắc sau năm 1989, được đến với công chúng. Chính trong phong trào chống kiểm duyệt mà giới trí thức Tiệp Khắc đã thành lập nhóm Hiến chương 77, hạt nhân của phong trào dân chủ hóa đất nước.

Giấy vụn có hình thức và nội dung rất giống Samizdate, tuy nhiên ở mức độ nhỏ hơn. Và hiện nay, có lẽ sự phát triển của công nghệ thông tin đã làm thay công việc mà những người thành lập Giấy vụn đề ra trong tôn chỉ của họ. Các website đã thay thế những quyển sách in, các công cụ vượt tường lửa Internet đã thay thế việc vận chuyển sách báo bí mật. Và giấy vụn cũng chưa tạo nên được một đột phá tập hợp đám đông như sự hình thành của nhóm Hiến chương 77 từ sự phát triển của Samizdate ở Tiệp Khắc mấy thập niên trước.

Tuy nhiên cố gắng của Giấy Vụn cũng đã được được ghi nhận cả trong lẫn ngoài nước. Cách đây ba năm, một công trình nghiên cứu văn học tại Đại học sư phạm Hà Nội đã công khai đánh giá cao dòng văn thơ ngầm do Giấy Vụn và tiền thân của nó là nhóm Mở Miệng tạo nên. Cách đây hai năm một trong những người sáng lập ra Giấy vụn đã nhận giải thưởng Tự do xuất bản tại Hội chợ sách quốc tế tổ chức ở Argentina. Chính họ đã cho ra đời tác phẩm Trại súc vật của Orwell rất lâu trước khi tác phẩm này được công ty Nhã Nam ấn hành một cách chính thức và sau đó dường như bị âm thầm thu hồi.

Có thể trong bối cảnh công nghệ nghe nhìn đi kèm với Internet phát triển như vũ bão hiện nay, Giấy vụn phải thêm vào hoạt động của họ những phương cách hoạt động mới đi kèm với công nghệ thông tin. Hy vọng là Giấy vụn sẽ tiếp tục sứ mạng mà những nhà sáng lập đã đề ra, như nó đã giúp công chúng Việt Nam tiếp cận đến một dòng thơ văn ngầm, bị gọi là phi chính thống bởi chế độ kiểm duyệt gắt gao. Điều đó chứng tỏ một sức sống vẫn còn tồn tại trong văn chương nước nhà, cũng như vẫn còn tồn tại những người dấn thân và xông xáo cho tự do ngôn luận, tự do sáng tác. Đó có thể là một Samizdate tương lai của Việt Nam chăng?