Chiến dịch tiết kiệm điện ở Việt Nam

0:00 / 0:00

Vấn đề tiết kiệm điện năng để giúp bảo vệ môi trường trái đất lại được nói đến nhiều suốt cả tháng qua khi mà Ban tổ chức Giờ Trái đất tại các thành phố lớn ở Việt Nam tiến hành chiến dịch với hoạt động cao điểm tắt điện một giờ vào tối hôm thứ bảy 23 tháng 3 vừa qua.

Sau nhiều năm tuyên truyền cho vấn đề này, đến nay ý thức tiết kiệm điện năng tại Việt Nam, mà điển hình ở thành phố lớn nhất cả nước, Sài Gòn, được đánh giá thế nào?

Rầm rộ tại các thành phố lớn

Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… là những thành phố lớn nơi có những hoạt động bề nổi trong chiến dịch một tháng trước Giờ Trái Đất năm nay.

Điển hình là một số công việc mà Ban Điều phối chiến dịch giờ Trái đất năm nay ở thành phố Hồ Chí Minh làm được qua trình bày của bạn Nguyễn Hạnh Vân, trưởng ban truyền thông của Ban Điều phối :

Xuyên suốt chiến dịch có sáu hoạt động lớn, trọng tâm. Đó là hoạt động đạp xe tuyên truyền, hoạt động khu phố năng lượng xanh, hoạt động mảng xanh trường học, hoạt động bức tranh năng lượng tương lai, hoạt động 20 giây cho Giờ Trái đất, và trọng tâm là hoạt động Mái Nhà Sinh Thái.

Hoạt động đạp xe tuyên truyền có 700 tình nguyện viên tham gia. Các bạn đạp xe vào những buổi sáng trong tuần và cùng hô khẩu hiệu của chiến dịch như “Giờ Trái đất Tắt đèn’ để những người di chuyển trên đường nắm rõ hơn về Giờ Trái đất.

Hai trăm tình nguyện viên tham gia hoạt động Khu phố Năng lượng xanh. Các bạn chia thành những nhóm nhỏ đứng tại những chốt ngã tư quan trọng thuộc khu vực trọng điểm như Quận 1,3,5, Bình Thạnh, Thủ Đức để tuyên truyền cho người dân về việc khi dừng tại đèn đỏ thì tắt máy 20 giây để giảm phát thải, cũng như giảm nhiên liệu tiêu thụ cho xe.

Hoạt động thứ ba là Dự án Bức Tranh Năng lượng tương lai. Bức tranh này do các bạn tình nguyện viên ghép 3000 chai nhựa đã qua sử dụng tạo thành mô hình bản đồ Việt Nam. Các bạn cũng dùng những tấm đan bằng lát lớn để làm ‘backdrop’ ( phông) cho đêm sự kiện chính.

Trong hoạt động mảng xanh trường học, các bạn đi đến các trường cấp 1, cấp 2, đại học trong địa bàn thành phố để tuyên truyền về Giờ Trái đất. Tại trường tiểu học Trần Hưng Đạo, các bạn giao lưu với chừng 500 học sinh hướng dẫn các em trồng cây thủy sinh, gấy túi giấy, vẽ tranh môi trường, trồng cây tại những vùng trống xuanh quanh trường học, cùng với các ‘đại sứ’.

Hoạt động trọng tâm năm nay “Mái Nhà Sinh Thái” có sự tham gia của một đơn vị thi công thiết kế và hơn 100 tình nguyện viên. Ngày 15 tháng 3 tiến hành ở Trường mầm non Hoa Phượng. Hoạt động chính là thay toàn bộ mái tôn bằng tấm lợp sinh thái. Loại mái lợp này được tái chế từ vỏ hộp sữa qua một qui trình nghiêm ngặt; từ xử lý thủy lực sau đó kết giấy và nhựa, sấy khô, ép thành thành phẩm. tấm lợp sinh thái này có độ bền cơ học cao cũng như cách âm, cách nhiệt tốt và có thể giảm một lượng điện năng rất lớn trong việc làm mát ngôi nhà.

Những kết quả thu được

Các bạn trẻ Việt Nam tham dự sự kiện Giờ trái đất hôm 23/3/2013. Photo courtesy of baomoi.com
Các bạn trẻ Việt Nam tham dự sự kiện Giờ trái đất hôm 23/3/2013. Photo courtesy of baomoi.com (Các bạn trẻ Việt Nam tham dự sự kiện Giờ trái đất hôm 23/3/2013. Photo courtesy of baomoi.com)

Đó là những hoạt động bề nổi trong công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức về vấn đề tiết kiệm điện năng.

Ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Trung Tâm Tiết kiệm Năng lượng thành phố Hồ Chí Minh nói đến một số thành quả đạt được sau thời gian một thập niên tiến hành hô hào người dân tại thành phố lớn nhất này của Việt Nam tiết kiệm năng lượng:

Là người làm chuyên môn trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng trong 10 năm qua, tôi đánh giá rằng thành công lớn nhất của Việt Nam trong việc tiết kiệm năng lượng trong 10 năm qua không phải là đã thực hiện được bao nhiêu giải pháp hay vấn đề công nghệ mà thành công lớn nhất là sự chuyển biến về nhận thức. Chuyển biến này được chứng minh qua mấy vấn đề thế này. Thứ nhất giới làm chính sách, lãnh đạo đã nhận thức ra vấn đề đến mức đã tạo ra được luật. Đối với cộng đồng, 10 năm về trước khi tôi nói với doanh nghiệp rất khó; nhưng bây giờ các doanh nghiệp đã dám bỏ tiền ra thuê tư vấn và bỏ tiền để đầu tư về thiết bị công nghệ. Đặc biệt trong nhóm tòa nhà đã làm rất tốt. Ví dụ những tòa nhà xây dựng trong những năm gần đây, công nghệ tiết kiệm năng lượng rất tốt. Đối với nhóm hộ gia đình người dân, câu nói tiết kiệm năng lượng quen hơn và thường xuyên nói hơn.

Về nhận thức có chuyển biến tương đối tốt, nhưng rõ ràng về mặt truyền thông… vẫn phải tiếp tục làm. Đó là vai trò của Giờ Trái đất giúp thay đổi nhận thức về vấn đề tiết kiệm năng lượng của cộng đồng tại Việt Nam.

Ông Huỳnh Kim Tước tiếp tục cho biết những kết quả mang tính định lượng tương đối, cũng như những tồn tại trong hoạt động nâng cao nhận thức tiết kiệm năng lượng của người dân thành phố:

Hiện nay chúng tôi đang làm động tác đo lường mức độ của người dân hiểu về tiết kiệm năng lượng đến mức độ nào và họ đã làm được gì. Kết quả chúng tôi thu được qua 8000 hộ gia đình cho thấy tỉ lệ 90% cho thấy có hiểu biết và cần tiết kiệm năng lượng. Nhưng khi hỏi hành động tiếp theo biết làm thế nào để tiết kiệm năng lượng trong gia đình không, thì về cơ bản những hiểu biết đó chỉ tập trung vào những giải pháp cơ bản đơn giản, như các giải pháp liên quan đến bóng đèn, điều hòa không khí hay quạt mà thôi. Chưa đi đến những kỹ năng cơ bản hoặc cao hơn như thiết kế tòa nhà, thiết kế cho phù hợp công suất, mua sắm thiết bị…

Đó là những việc phải tiếp tục làm. Việc truyền thông cũng giống như đào tạo vậy. Khi dạy lớp 1 phải có kiểm tra để xem có học xong lớp 1 chưa. Nếu xong lớp 1 rồi phải dạy lên lớp 2. Nếu xong lớp một rồi mà không hiểu bài thì có khi việc dạy bị sai, phải xem xét lại phương pháp. Dưới góc độ chuyên môn, tôi cho rằng công tác truyền thông phải có đánh giá và cập nhật liên tục.

...thành công lớn nhất của Việt Nam trong việc tiết kiệm năng lượng trong 10 năm qua không phải là đã thực hiện được bao nhiêu giải pháp hay vấn đề công nghệ mà thành công lớn nhất là sự chuyển biến về nhận thức. <br/> -Ông Huỳnh Kim Tước<br/> <br/>

Tương tự vậy Giờ Trái đất có những thay đổi cách làm với những thông điệp khác nhau và cách tiếp cận mới.

Tuy nhiên từ nhận thức đến thay đổi hành vi là một bước không phải ngắn, vì có nhiều trở ngại trong hoạt động này.

Ngay cả những tình nguyện viên tham gia các hoạt động trong chiến dịch Giờ Trái đất vẫn còn bị những người khác cho là ‘ăn cơm nhà, vác ngà voi hàng tổng"

Ở cấp Nhà nước, trong lĩnh vực quản lý, ông Huỳnh Kim Tước, cũng chỉ ra những tồn tại cần phải vượt qua:

Một trong những rào cản để làm sao có thể triển khai luật được là thiếu nguồn nhân lực có hoạt động và hiểu biết sâu về lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Đây là rào cản làm chậm tiến độ triển khai luật. Ví dụ Bộ Khoa học Công nghệ phải có những qui định năng lượng tối thiểu, chuẩn của sản phẩm…; có thể nói chúng ta không thể làm nhanh được. Vì điều kiện của chuyên gia xây dựng qui chuẩn còn khó khăn. Hay ví dụ xây dựng những qui định tiết kiệm năng lượng trong ngành vận tải… còn khó.

Việc thiếu các cán bộ khiến cho việc xây dựng những văn bản dưới luật chậm đi.

Chuyện chung Trái đất

Ảnh minh họa chiến dịch Giờ Trái Đất.
Ảnh minh họa chiến dịch Giờ Trái Đất. (Ảnh minh họa chiến dịch Giờ Trái Đất. )

Chiến dịch Giờ Trái đất năm nay trên toàn cầu với mục tiêu phải có những cam kết hành động cụ thể của các cá nhân và tổ chức tính đến cuối tháng 2 năm nay được diễn ra tại ít nhất 50 quốc gia trên toàn thế giới.

Con số này tăng gấp bốn lần so với thời điểm phát động hồi năm ngoái qua chiến dịch mang tên ‘Tôi sẽ thực hiện nếu bạn thực hiện (I will if you will)’.

Hồi năm ngoái có 7000 thành phố và thị trấn tại 152 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia hoạt động tắt điện một giờ để giúp tiết kiệm năng lượng.

Hồi ngày 19 tháng 3 vừa qua, thành phố Vancouver của Canada vượt qua 66 thành phố khác giành để được danh hiệu Thủ đô Giờ Trái đất năm 2013 do tổ chức bảo vệ thiên nhiên thế giới WWF trao tặng.

Tổng giám đốc của WWF Quốc tế, ông Jim Leape, lên tiếng phát biểu nhân dịp trao danh hiệu Thủ đô Giờ Trái đất cho thành phố Vancouver, rằng chính quyền địa phương khắp nơi trên thế giới đang cố gắng tạo nên những thành phố hấp dẫn trong khi phải giải quyết vô số những thách thức môi trường cấp thiết. Vancouver có thể là một mẫu gương trong việc thu hút cư dân tham gia vào các công tác như thế. Làm được vậy sẽ tăng tốc quá trình chuyển tiếp sang hoạt động phát triển phát thải carbon thấp.

Vancouver đưa ra một biện pháp chiến lược, trong đó đặc biệt là chiến lược vận tải của thành phố đến năm 2040. Hiện nay dù thành phố này có số cư dân gia tăng và nền kinh tế cũng tăng trưởng, việc sử dụng xe cộ giảm thay vào đó người dân đi bộ, dùng xe đạp và phương tiện giao thông công cộng lại tăng lên.

Thành phố này cũng đề ra Kế hoạch Hành động đến năm 2020; trong đó có những chương trình bảo đảm các tòa nhà mới xây dựng đều phải trung hòa carbon khi vận hành; thành phố gia tăng loại công ăn việc làm ‘xanh’; mỗi cư dân cần thực hiện trên phân nửa các hoạt động đi lại của bản thân bằng xe đạp, hay đi bộ hay bằng phương tiện giao thông công cộng.

Xin được nhắc lại chiến dịch Giờ Trái đất với hoạt động tắt đèn một tiếng bắt đầu từ năm 2007 ở thành phố Sydney của Australia. Mục tiêu nhằm kêu gọi mọi người dân, các doanh nghiệp ý thức về tình trạng biến đổi khí hậu trên trái đất do việc sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch phát thải ra khí carbon làm cho trái đất ấm nóng lên.