Danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) ra đời tại Saigon ngày 4 tháng giêng 1964, sau cuộc đấu tranh đòi hỏi bình đẳng tôn giáo và tự do tín ngưỡng năm 63. Vì trước đó, Dụ số 10 của Pháp bó buộc phải hoạt động theo quy chế Hiệp hội.
Kể từ tháng 9 năm 75, cuộc đàn áp Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bắt đầu theo Chỉ thị số 20 của Đảng do ông Lê Duẩn ký năm 1960, khiến Phật giáo miền Bắc bị tiêu vong. Nay đem thực hiện tại Miền Nam.
Cuối tháng 9 năm 75, Hoà thượng Thích Huyền Quang nhân danh Viện Hoá Đạo đã có văn thư phản đối Chủ tịch Cách Mạng Lâm thời về việc đập phá các tượng Phật lộ thiên.
Nhiều hiện tượng khác, như bắt treo hình Hồ Chí Minh trên bàn thờ tổ tiên, áp lực chư Tăng hoàn tục, hoặc đưa sang chiến trường Kampuchia, cấm treo cờ Phật giáo trong các chùa viện, cưỡng chiếm các cơ sở văn hoá, giáo dục, từ thiện Phật giáo, như Cô nhi viện Quách Thị Trang, Viện Đại học Vạn Hạnh, v.v…, hàng chục nghìn Tăng Ni, Phật tử bị đưa vào trại Cải tạo.
Trong lịch sử Việt Nam, chưa có thời đại nào mà số lượng Tăng Ni, Phật tử bị cầm tù đông đảo như dưới triều đại Hồ Chí Minh.
Tình trạng đàn áp bức thiết khiến 12 Tăng Ni tự thiêu tập thể ngày 2-11 năm 75 tại Thiền viện Dược Sư, tỉnh Cần Thơ, dưới hàng biểu ngữ “Chết vinh hơn sống nhục“. Đại đức Thích Huệ Hiền để lại chúc thư yêu sách chính quyền Cách mạng thực hiện nhân quyền, tự do tôn giáo, chấm dứt đàn áp GHPGVNTN.
Tình trạng đàn áp có chủ trương và chính sách này, không ai lên tiếng rõ hơn Đức cố Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu. Năm Mậu Thân 68, ngài bị cộng sản bắt đưa lên rừng rồi đưa ra Hà Nội áp lực tuyên truyền cho chế độ, nhằm đánh lừa dư luận quốc tế là Phật giáo ủng hộ Bắc Việt. Thế nhưng, trở về lại miền Nam, ngài từ nhiệm tất cả các chức vụ mà Hà Nội gán cho, lại còn tố cáo đàn áp Phật giáo và thảm sát cố Hoà thượng Thích Thiện Minh. Sau đây là tiếng Ngài qua một băng thu âm, được đăng tải trên tạp chí Quê Mẹ tại Paris :
“Từ khi giải phóng đến nay, Phật giáo đồ chúng tôi bị bao nhiêu khổ đau tan tác. Đi bất cứ đâu, đạo khác thì chúng tôi không biết, chớ về gặp các nhà chùa Phật giáo, cán bộ, bộ đội phát biểu “Hòa bình Độc lập rồi, tu mà làm gì nữa? Tuân thủ thờ Cách mạng hơn là thờ Phật“.
“Bắt đầu từ đó, sự vận động, khủng bố không cho họ được làm lễ. Phá hoại tượng Phật lộ thiên ở Gia Lai, Kontum, Ban Mê Thuột, Biện Hồ, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Quảng Ngãi… Bộ đội cột giây lên kéo xuống, đập vỡ tan hết.
“Sau đây còn bắt các vị tu sĩ lấy lý do mấy ông Sư đó phản động theo CIA, theo Mỹ, theo Nguỵ. Rồi lần lượt bắt cho đến các vị lãnh đạo trong Viện Hoá Đạo nữa, Thượng toạ Huyền Quang, Thượng toạ Quảng Độ, rồi đến bắt Thượng toạ Thiện Minh nữa, để Thiện Minh chết nữa.
“Thiện Minh không có tội chi hết, thì tại sao chính phủ làm cái việc lạ lùng hết sức. Đi bắt tội người không có tội chi hết là Thiện Minh mà lại dung tha cho người có tội là cơ quan. Tôi thì không biết rõ luật quốc tế lắm. Nhưng tôi đoán chắc rằng, luật quốc tế không cho phép để cho người bị bắt chết trong trại giam. Mà đây Thiện Minh đã chết trong trại giam. Cơ quan nói Thiện Minh chết vì xuất huyết não. Tôi có thể kết luận, Thiện Minh chết không phải vì xuất huyết não, mà vì bàn tay tội ác chính trong cơ quan tạo ra. Là bởi được tin Thiện Minh chết, Viện Hoá Đạo về liền, thấy các ông bỏ trong hòm mà liệm rồi, chỉ chừa cái mặt. Viện Hoá Đạo xin đem về chôn cất, các ông không cho.
“Tại sao vậy ? Đây thấy rõ ràng quá. Rõ ràng như hai với hai là bốn. Là trong người của Thiện Minh đầy cả thương tích. Muốn che đậy thương tích đó, muốn che đậy lấp liếm cái việc làm của mình, bằng cách bỏ trong hòm liệm đi. Bởi vì sợ người ta thấy những cái vết thương mà các ông đã đánh đập.
“Là một công dân, tôi không thể để cho cơ quan làm những việc bất chính như vậy. Tôi xin nhắc lại ba điều yêu cầu:
“Một là yêu cầu chánh phủ trả tự do cho tất cả các tu sĩ bị bắt giam cầm đã lâu mà không can án;
“Thứ hai là đưa cái chết của Thượng toạ Thiện Minh ra ánh sáng, nghĩa là phải đưa người giết Thiện Minh ra ánh sáng. Không nói lôi thôi gì hết. Có người giết;
“Thứ ba phải chấm dứt tình trạng khủng bố các tín đồ ở các địa phương“.
Ngày 16-4-1977, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Thông báo kêu gọi Phật tử Saigon đấu tranh chống lại GHPGVNTN. Thông báo cho rằng, "trong giới lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phái Ấn Quang có nhiều người vốn có mưu đồ xấu chống cách mạng, chống Cọng sản" (…) "Số này đã thao túng Giáo hội âm mưu kích động Phật tử chống lại các chính sách của Nhà nước". Thông báo còn hăm doạ ra tay đàn áp.
Hăm doạ biến thành sự thật, bảy vị lãnh đạo Viện Hoá Đạo bị bắt giam. Hoà thượng Huyền Quang, Quảng Độ bị giam 20 tháng, nhờ áp lực quốc tế mới được thả nhưng bị quản chế. Hoà thượng Thích Thiện Minh bị tra tấn đến chết tại Trại thẩm vấn X4, đường Nguyễn Trãi, Saigon, như Hoà thượng Đôn Hậu tố giác.
Suốt 5 năm đàn áp, khủng bố, nhưng không thành công tiêu diệt GHPGVNTN. Năm 1981, nhà cầm quyền Cộng sản chuyển qua chiêu bài mới, gọi là "Thống nhất Phật giáo", thành lập "Hội Phật giáo Việt Nam" tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, ngày 4-11để làm công cụ chính trị cho Đảng và Nhà nước. Ép buộc Tăng Ni, Phật tử thuộc GHPGVNTN phải gia nhập.
Ông Xuân Thuỷ, Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng ban Dân Vận chỉ thị cho ông Đỗ Trung Hiếu, cán bộ tôn giáo vận, thực hiện cuộc Thống nhất Phật giáo này. Ông giải thích cho ông Hiếu vì sao phải dẹp bỏ GHPGVNTN như sau :
“Quan trọng là Đảng không bao giờ lãnh đạo được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mà ngược lại Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trở thành một tổ chức tôn giáo rộng lớn có đông đảo quần chúng, là một tổ chức có áp lực chính trị thường trực với Đảng và chính phủ Việt Nam”.
Năm 1994, hối hận việc làm sai lạc của mình, ông cho phát hành tập sách “Thống nhất Phật giáo” nói lên tất cả sự thật và tiết lộ :
“Cuộc thống nhất Phật giáo lần này, bên ngoài do các Hòa thượng gánh vác, nhưng bên trong bàn tay Đảng Cộng sản Việt Nam xuyên suốt quá trình thống nhất để nắm và biến Phật giáo Việt Nam trở thành một tổ chức bù nhìn của Đảng. (…) Nội dung hoạt động là do cúng bái chùa chiền, không có hoạt động gì liên quan tới quần chúng và xã hội. Hội Phật Giáo Việt Nam ở trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tuân thủ luật pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Kể từ đó, GHPGVNTN bị đưa ra ngoài vòng pháp luật, dù Nhà nước không có văn kiện nào chính thức giải thể. Một cuộc đàn áp mới sắp khai trương.
Vài tháng sau Giáo hội Phật giáo nhà nước ra đời tại Hà Nội, ngày 24-2-1982, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định trục xuất hai Hoà thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ về quản chế tại quê quán Quảng Ngãi và Thái Bình, không qua sự xét xử của toà án. Ngày 7-7 cùng năm, cưỡng chiếm chùa Ấn Quang là trụ sở của GHPGVNTN. Toàn bộ tư liệu, hồ sơ của Viện Hoá Đạo bị đốt sạch trong năm ngày mới hết.
Năm 1991, Đức cố Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu viên tịch tại chùa Linh Mụ, Huế. Nhà nước muốn lợi dụng tang lễ này tuyên truyền chính trị cho Đảng. Nhưng Di chúc Ngài ngăn cấm không tổ chức rầm rộ, không đọc điếu văn, ca tụng, v.v… Nên 50 Tăng Ni tuyệt thực phản đối tại chùa Linh Mụ. Có vị đòi tự thiêu. Ngài để lại khuôn dấu Giáo hội và trao quyền cho hai Hoà thượng Huyền Quang và Quảng Độ tiếp tục lãnh đạo GHPGVNTN để phục hồi quyền pháp lý cho Giáo hội. Mặc dù bị công an phong toả, cấm đoán, tại lễ tang, Hoà thượng Huyền Quang dõng dạc tuyên bố trước Linh đài quyết tâm thực hiện Di chúc giao phó :
" Pháp lý là cái gì ? Giấy tờ chỉ được viết ra cho một tổ chức tân lập, còn Giáo hội ta đã có mặt trên dải đất này 2000 năm rồi. Đinh, Lê, Lý. Trần đã chấp nhận Phật giáo.
" Pháp lý của Giáo hội là 2000 năm truyền đạo trên dải đất Việt Nam này. Địa vị của Giáo hội là 80% dân chúng và thành thị, nông thôn, hải đảo. Đó là cơ sở vững chắc, rộng rãi muôn năm của Giáo hội.
" Như vậy Pháp lý có thể cho ra và có thể thu lại. Vậy cho nên đừng đặt vấn đề pháp lý của thời đại, mà phải đặt lịch sử truyền đạo và sự chấp nhận của dân chúng Phật tử " .
Trước sự bùng dậy của khối Phật giáo đồ sau tang lễ, tài liệu Tuyệt Mật của Bộ Nội vụ viết ngày 18-8-1992 chỉ thị 5 biện pháp đấu tranh chống khối Phật giáo Thống Nhất, đặc biệt là phân hoá cao hàng ngũ giáo sĩ ; “cắt đứt chân tay” với số cực đoan chống đối ; và thâm nhập đặc tình trong Tăng tín đồ Phật giáo.
Vì thực hiện và phổ biến Di chúc Ngài Đôn Hậu, chư Tăng chùa Linh Mụ bị đàn áp dữ dội, đưa tới cuộc biểu tình bốn mươi nghìn Phật tử Huế xuống đường ngày 24-5-1993 đòi hỏi nhân quyền và tự do tôn giáo. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất chưa hề có dưới chế độ Cộng sản. Tại Hội nghị "Diễn biến Hoà bình" ở Hải phòng ngày 26.6 cùng năm, Tướng Đặng Vũ Hiệp đánh giá cuộc biểu tình của Phật tử Huế có "nguy cơ mất nước".
Sự kiện hi hữu xẩy ra là ngày 2-4-2003, Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp Hoà thượng Thích Huyền Quang, nhân dịp ngài ra Hà Nội giải phẫu khối u ở mặt. Một thủ tướng tiếp một tù nhân ! Thủ tướng xin Hòa thượng hỉ xả cho chuyện đã qua, vì cán bộ cấp địa phương làm sai. Nhiều nhà quan sát tưởng rằng vấn đề Phật giáo được lắng yên.
Thế nhưng, sau Đại hội Phật giáo kỳ VIII do Hoà thượng Huyền Quang triệu tập tại Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, ngày 1-10-2003, để bổ sung nhân sự vào hai Viện Tăng Thống và Viện Hoá Đạo, thì chuyến xe chở 10 vị giáo phẩm về lại Saigon bị chận bắt tại Lương Sơn hôm 8-10, trong số có hai ngài Huyền Quang và Quảng Độ. Tất cả đều bị bắt đi “làm việc” và ra khẩu lệnh quản chế.
Từ đó đến nay Giáo hội luôn bị đàn áp, sách nhiễu thường trực. Mọi hoạt động của 20 Ban Đại diện Giáo hội tại các tỉnh thành đều bị ngăn cấm. Chùa Giác Minh của Hoà thượng Thanh Quang ở Đà Nẵng bị phong toả thường trực, các Đại lễ Phật Đản, Vu Lan hay Tết bị ngăn cấm tổ chức.
Thế nhưng Giáo hội không ngừng lên tiếng cho những vấn nạn xã hội hay đất nước. Từ nơi quản chế Quảng Ngãi, ngày 20-11-1993, Hoà thượng Thích Huyền Quang ra Tuyên cáo Giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn, yêu sách bỏ điều 4 trên Hiến Pháp và bầu cử lại Quốc hội dưới sự giám sát của LHQ với sự tham gia của tất cả các đảng phái quốc gia.
Đầu năm 1994, Hoà thượng Thích Quảng Độ bị bắt khi dẫn phái đoàn Viện Hoá Đạo đi cứu trợ nạn bão lụt khủng khiếp ở đồng bằng sông Cửu Long. Bị kết án 5 năm tù, giam tại nhà tù Ba Sao. Được ân xá năm 1998, nhưng vẫn còn quản chế tại Thanh Minh Thiền Viện, Saigon. Ngài tuyên bố : “Tôi đi từ nhà tù nhỏ vào nhà tù lớn”.
Năm 2001 ngài công bố “Lời kêu gọi cho Dân chủ” với giải pháp 8 điểm thực hiện, mà ngài xem như giải pháp duy nhất cứu nguy dân tộc.
Ngày 17-5-2007, Hoà thượng Quảng Độ đến uỷ lạo và tiếp tế thực phẩm thuốc men cho Dân oan khiếu kiện trước tiền đình Quốc hội II ở Saigon. Việc làm bị báo chí truyền thông nhà nước tố cáo, hăm doạ trong vòng 3 tháng. Ngài cũng nhiều lần lên tiếng tố cáo về việc Trung quốc xâm lấn lãnh thổ và biển đảo, nạn bô xít Tây nguyên nơi Trung quốc nắm yết hầu quân sự, chiếm đóng Hoàng Sa Trường Sa, cho đến gần đây, năm 2014, biến cố giàn khoan Hải dương 981.
Nhiều vị Đại sứ các nước như Hoa Kỳ, Na Uy, Đức, Anh, Pháp… vẫn thường xuyên đến vấn an, trao đổi với Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ. Liên tiếp nhiều năm, ngài được đề cử ứng viên Giải Nobel Hoà bình. Năm 2003, ngài và ngài Huyền Quang được trao Giải Nhân quyền của Tiệp dưới sự chủ trì của cựu Tổng thống Vaclav Havel, năm 2006 ngài được Giải Nhân quyền Quốc tế Rafto của Vương quốc Na Uy.
Nhờ sự lưu tâm quốc tế này mà ngài và hàng giáo phẩm Giáo hội không bị khủng bố, bắt giam tuỳ tiện như những năm sau 30 tháng Tư 75.
Ngài xác nhận lập trường Giáo hội suốt 40 năm qua không hề thay đổi như sau:
“Chừng nào mà chế độ Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam còn, thì Giáo hội không được sinh hoạt bình thường đâu.
“Họ dùng đủ cách để mà xoá sổ, xoá sạch cái danh nghĩa của Giao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trên đất nước Việt Nam. Mà chưa hết đâu, còn nhiều. Vì thế cho nên cứ sẵn sàng chuẩn bị tinh thần để đón nhận, để đương đầu.
“Cho nên trước khi tiễn đưa Đức Tăng Thống đến nơi an nghỉ cuối cùng, thì chúng tôi đã nói rồi : Chúng tôi sẽ tiếp tục con đường đi của Ngài.
“Còn rất nhiều khó khăn, còn rất nhiều chông gai, nhưng sẵn sàng vượt qua. Còn hơi thở thì vẫn cứ tiếp tục. Đó là cái chí nguyện của Giáo hội”.