Mỗi trường một kiểu
Hiện nay nhiều trường tiểu học và phổ thông cơ sở còn quy định học sinh phải mặc đồng phục do nhà trường đặt may có in sẵn phù hiệu của trường. Liệu việc này có quá thiên về mặt hình thức hay không?
Giữa thời buổi gạo châu củi quế, lương công nhân viên ba cọc ba đồng thì việc chạy ăn từng bữa cho gia đình và lo cho các con được học hành quả là một điều vô cùng khó khăn đối với nhiều hộ gia đình. Ấy vậy mà còn phải lo mua sắm đồng phục cho con đi học.
Từ nhiều năm qua, chuyện đồng phục học sinh đã là một cái nếp được xã hội công nhận: học sinh phải mặc đồng phục khi đến trường, nam sinh áo sơ mi trắng quần sọc sẫm màu, nữ mặc áo trắng váy sẫm màu; còn đối với học sinh các lớp trung học phổ thông thì nam mặc quần tây dài sẫm màu, nữ mặc quần áo dài trắng.
Tuy nhiên Bộ Giáo dục-Đào tạo lại chưa đưa việc mặc đồng phục đến trường vào quy chế, và ngay cả Sở Giáo dục Hà Nội cũng chưa có chủ trương bắt buộc học sinh mặc đồng phục đi học. Vấn đề đồng phục là do các trường tự đặt ra, và thi đua với nhau, mỗi trường một kiểu.
Đề cập đến vấn đề đồng phục học sinh, nhà giáo Phạm Toàn cho biết nhận xét của ông như sau:
“Tôi thì không quan tâm đến hình thức, hình thức thế nào cũng được, mặc đồng phục cũng có cái lợi là nó làm cho cái bất bình đẳng xã hội không hiện ra. Nếu đến trường mà em thì mặc sang trọng quá, em thì mặc nghèo khổ quá thì nó tội nghiệp. Nhưng thực ra thì cái đó cũng chả quan trọng vì khí hậu Việt Nam nóng. Vấn đề tôi quan tâm là, anh mặc gì thì mặc nhưng chất lượng giáo dục phải thay đổi.”
Nhiều gia đình có con học ở các trường khác nhau và mỗi trường lại đặt may đồng phục riêng có in sẵn phù hiệu của trường, thì khoản chi phí mua đồng phục học sinh vào đầu năm học sẽ làm cho nhiều gia đình chưa khá giả gặp khó khăn hơn. Vợ chồng chị Minh Tâm đều là công nhân viên nhà nước, có ba con đang đi học ở bậc trung học.
Phải mua nguyên cái áo ở trường để có cái phù hiệu của trường, lương cũng chỉ có ngần đó mà đầu năm nào là tiền đóng góp cho trường, rồi tiền mua đồng phục nữa, thì quả là một điều rất lớn cho các phụ huynh.
Chị Minh Tâm
Chị cho biết với đà tăng vọt của giá cả trong tình hình lạm phát hiện nay, mặc dù mới được tăng lương chút đỉnh hồi đầu tháng này, nhưng gia đình chị vẫn còn rất chật vật xoay sở với đồng lương hàng tháng để đủ cho năm miệng ăn. Tuy vậy, chị cũng ráng ky cóp tiền để mua đồng phục cho con đi học. Chị Minh Tâm nói:
“Đối với trẻ con đi học thì cũng nên cho chúng mặc đồng phục cho giống nhau ở trong trường, nhưng càng ngày đồng phục càng trở thành một cái món để cho phụ huynh phải lo lắng. Bởi vì nào là phải mua nguyên cái áo ở trường để có cái phù hiệu của trường, rồi đã vậy quần áo mặc tập thể dục cũng là của trường nữa. Thành ra một gia đình mà có ba con đi học như vậy thì phụ huynh cũng có một nổi lo lắng rất lớn.
Thử hỏi một gia đình ba mẹ là cán bộ công nhân viên nhà nước, lương cũng chỉ có ngần đó mà đầu năm nào là tiền đóng học phí, rồi đóng góp cho trường, tiền đóng cho Hội Phụ Huynh, rồi tiền mua đồng phục nữa, thì quả là một điều rất lớn cho các phụ huynh.”
Tránh phân biệt giàu nghèo
Quỳnh Trang, một sinh viên của Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh vừa mới rời ghế nhà trường phổ thông chia sẻ suy nghĩ của cô về vấn đề đồng phục học sinh như sau:
“Vấn đề đồng phục trong nhà trường chính quy rất quan trọng nó giúp tất cả bạn bè hoà đồng với nhau dễ dàng trao đổi mọi thứ, không quá phân biệt về đẳng cấp gia đình. Còn chất lượng dạy học là quan trọng nhất vì trường đạt chất lượng tốt, học sinh mặc đồng phục đi ra ngoài cảm thấy tự hào vì đang mặc bộ đồng phục của trường và lúc nào cũng muốn khoác lên mình bộ đồng phục đó.”
Vấn đề đồng phục trong nhà trường chính quy rất quan trọng nó giúp tất cả bạn bè hoà đồng với nhau dễ dàng trao đổi mọi thứ, không quá phân biệt về đẳng cấp gia đình.
Chị Quỳnh Trang
Ngoài ra, điều kiện về cơ sở vật chất của các trường ở Việt Nam còn thiếu thốn nhiều, có nơi lớp học còn chưa đủ quạt trần, khí hậu thì nóng và ẩm quanh năm, nhất là ở các tỉnh miền Trung và khu vực phiá Nam, cho nên các em học sinh sẽ cảm thấy nóng bức và rất khó chịu khi bị gò bó trong bộ đồng phục với chất liệu vải không phù hợp.
Chung cuộc thì mục đích của giáo dục cũng chỉ nhằm vào kết quả học tập của các em. Như vậy vấn đề cốt lõi chính là chất lượng của việc dạy và học. Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay, đây mới chính là mối ưu tư hàng đầu của những người tâm huyết với nghề sư phạm.