Mức độ ô nhiễm về bom mìn vẫn còn rất cao
Vào ngày 7 tháng Mười Một 2012, một người tìm kiếm phế liệu, ông Đào Mua, 60 tuổi, chết tại chỗ trong một vụ nổ bom mìn tại Đông Hà, Quảng Trị.
Gần đây nhất, tại Vĩnh Long ngày 3 Tháng 12, bốn em nhỏ thiệt mạng, sáu người ở gần đó bị thương, khi một quả đạn pháo mà các em động chạm phát nổ. Ông Ngô Xuân Hiền, Quản Lý Truyền Thông Và Phát Triển của Project RENEW( Restoring Environment And Neutralizing The Effects Of War) Dự Án Phục Hồi Môi Trường Và Khắc Phục Hậu Quả Chiến Tranh, nhận định:
Đây là một minh chứng rõ ràng cho một thực tế là bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều, vẫn còn gây ra nhiều tai nạn dẫn đến chết người hoặc làm bị thương rất nhiều người.
Theo số liệu chính thức ở Việt Nam, mức độ ô nhiễm bom mìn vật nổ sau chiến tranh là nguyên nhân gây thương tích cho một trăm ngàn người, trong đó bốn mươi hai ngàn người đã chết. Trong sáu tỉnh miền Trung của Việt Nam thì Quảng Trị, vùng phi quân sự mà cũng là địa đầu chiến tuyến của những trận oanh
kích dày đặc thời chiến, chịu mức ô nhiễm cao nhất về bom mìn chưa nổ.
Đối với Project RENEW, Dự Án Phục Hồi Môi Trường Và Khắc Phục Hậu Quả Chiến Tranh, đây là một thách thức lớn đối với nhân mạng, kinh tế và phát triển xã hội khi tiếng súng đã dứt từ 1975.
Tưởng cần biết Lào, Việt Nam và Kampuchia là ba nước bị ảnh hưởng nặng nề từ những lọai đạn pháo và bom mìn sát thương chưa nổ, từ chuyên môn là UXO, chữ tắt của unexploded ordinances.
Trong lúc mức độ ô nhiễm UXO ở Việt Nam và Lào được coi là rất cao, thì Kampuchia cũng không thóat khỏi tác hại nặng nề và thảm khốc đó với bốn mươi mốt người chết hoặc bị thương chỉ riêng trong giai đọan mười tháng qua của năm 2012 này.
Số liệu chính thức ở Việt Nam, mức độ ô nhiễm bom mìn vật nổ sau chiến tranh là nguyên nhân gây thương tích cho 100 000 người, trong đó 42 000 người đã chết. Trong sáu tỉnh miền Trung của Việt Nam thì Quảng Trị...chịu mức ô nhiễm cao nhất về bom mìn chưa nổ
Trở lại với Quảng Trị, nơi Project RENEW khởi sự họat động từ 2001 đến giờ, việc tìm kiếm phế liệu chiến tranh vẫn và đang là một hiểm họa. Ông Ngô Xuân Hiền của Project Renew cho biết từ 1975 đến giờ Quảng Trị có bảy nghìn người chết và bị thương do bom mìn vật nổ còn sót lại:
Và 33% trong số tai nạn này có liên quan đến việc là người dân thu nhặt tìm kiếm phế liệu chiến tranh. Người ta thường tìm kim lọai để bán, và bom mìn, đạn pháo, đạn cối và bom máy bay đều là những lọai vũ khí có số lượng sắt rất lớn. Người ta thường thu nhặt những loại này để đem bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Trong quá trình tìm kiếm đấy, người dân vô tình đụng phải những quả bom, những quả đạn pháo đã bắn rồi nhưng chưa nổ. Người ta đã tác động vào, ví dụ gõ hoặc cưa hoặc đục gì đấy, dẫn đến phát nổ. Hầu như các tai nạn ở Quảng Trị những năm gần đây chủ yếu xảy ra với đối tượng người lớn tuổi là những người đi tìm kiếm phế liệu chiến tranh.
Theo một khảo sát của Bộ Quốc Phòng Việt Nam, phối hợp với một tổ chức phi chính phủ ở Mỹ, triển khai và kết thúc vào năm 2009, mức độ ô nhiễm về bom mìn chưa nổ ở sáu tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Trị, được coi là rất lớn. Trong khi đó, tỷ lệ ô nhiễm bom mìn nói chung ở Việt Nam nằm ở mức 21% tổng điện tích đất đai toàn quốc:
Đặc biệt ở Quảng Trị tỷ lệ bom mìn chưa nổ chiếm 83, 8%, cho thấy Quảng Trị là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bom mìn vật nổ. Chúng tôi còn biết có một thông tin của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ người ta cho rằng trong số những bom mìn vật nổ, những bom đạn được sử dụng trong chiến tranh thì khoảng 10% lượng vũ khí đó không nổ, chưa nổ khi được ném xuống, dẫn đến việc bom mìn chưa nổ còn sót lại rất nhiều trên mặt đất.
Ngay sau 1975 thì chính quyền và quân đội đã triển khai nhiều họat động rà phá, di dời và phá hủy các lọai bom mìn để giúp cho người dân trở lại tái định cư và canh tác. Những nỗ lực đó phần nào giảm thiểu nguy cơ nhưng dù sao bom mìn vẫn còn nằm ở nhiều nơi, có thể sâu dưới lòng đất, có thể nằm hai bên đường thôn, trên ruộng lúa, dưới bờ sông, trên đồi…Đây là những cái mà hiện nay Dự Án RENEW đang gặp phải và hàng ngày thì các đội rà phá của dự án RENEW cũng đang còn triển khai công việc rà tìm và phá hủy những lọai bom mìn nguy hiểm đấy.
Rà tìm và phá hủy những lọai vũ khí sát thương UXO mà Project RENEW đang thực hiện ở Quảng Trị, là một công việc đòi hỏi trình độ và kiến thức chuyên môn mà RENEW không thể cáng đáng một mình và
không thể làm xuể nếu thiếu sự hỗ trợ từ bên ngoài.
33% trong số tai nạn này có liên quan đến việc là người dân thu nhặt tìm kiếm phế liệu chiến tranh. Người ta thường tìm kim lọai để bán, và bom mìn, đạn pháo, đạn cối và bom máy bay đều là những lọai vũ khí có số lượng sắt rất lớn
Ông Ngô Xuân Hiền
Được biết Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của Việt Nam được phép tiếp nhận nguồn hỗ trợ nhân đạo từ quốc tế nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh và hậu quả bom mìn. Năm 1996, Quảng Trị khởi sự tiếp nhận nguồn lực đó từ bên ngoài, những dự án ở đây đều phải được sự phê chuẩn của chính phủ trung ương cũng như quân đội và chính quyền địa phương.
Dự Án Phục Hồi Môi Trường Và Khắc Phục Hậu Quả CT
Từ 2001, Dự Án RENEW Phục Hồi Môi Trường Và Khắc Phục Hậu Quả Chiến Tranh được sự tài trợ của Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngọai Giao Hoa Kỳ. Cũng từ năm 2001, họat động gắn bó với với dự án RENEW ở Quảng Trị là VVMF Vietnam Veterans Memorial Fund, một tổ chức phi chính phủ ở Hoa Kỳ, mà nguồn tài trợ đã chấm dứt từ thàng Năm 2011. Tổ chức thứ nhì của Mỹ đã sát cánh với Project RENEW là Veterans For Peace.
Từ Hà Nội, cựu chiến binh Chuck Searcy, đại diện văn phòng Veterans For Peace ở Việt Nam mười mấy năm nay, nói rằng khi có cơ hội trở lại năm 1995 ông hiểu người Việt Nam phải khó khăn thế nào trong việc khắc phục và hàn gắn những thương tích và hệ quả mà chiến tranh gây ra:
Tôi đã ở lại Việt Nam nhiều năm và lâu hơn dự tính ban đầu, tôi muốn giúp người Việt trong lãnh vực tảo thanh mìn bẫy, phá hủy an toàn những lọai khí cụ chưa nổ sót lại sau cuộc chiến và nhiều chuyện khác nữa.
Suốt mười một năm làm việc sát cánh cùng Project RENEW, tôi rất bằng lòng và rất tự hào về những thành quả mà tổ chức này đạt được, những vụ tai nạn vì bom mìn, những cái chết oan khiên vì bom mìn hoặc những người bị tàn phế bị thương tật vì những vũ khí sát thương đó giảm thiểu một cách rõ rệt. Nhưng với chúng tôi như vậy chưa đủ, Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng hãy còn cần thiết được hỗ trợ được giúp đỡ trong nhiều năm tới, nghĩa là chừng nào hết người chết oan vì bom mìn còn sót lại nơi này nơi kia trên đất nước nhỏ bé này thì thôi.
Những vụ tai nạn vì bom mìn, những cái chết oan khiên vì bom mìn hoặc những người bị tàn phế bị thương tật vì những vũ khí sát thương đó giảm thiểu một cách rõ rệt
cựu chiến binh Chuck Searcy
Hiện tại, đối tác chính của Dự Án Phục Hồi Môi Trường Và Khắc Phục Hậu Quả Chiến Tranh là NPA Norwegian People’s Aids. Quĩ Viện Trợ Nhân Dân Na Uy. Ông Ngô Xuân Hiền cho biết tiếp:
Chúng tôi cũng tiếp nhận nguồn tài trợ đến từ chính phủ Nhật Bản, đồng thời các tổ chức phi chính phủ của Úc, Đài Loan. Đặc biệt chúng tôi có sự hỗ trợ quan trọng từ những cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Hiện nay họ là những doanh nhân thành đạt, họ muốn quay trở lại để làm điều gì đó giúp cho Việt Nam khắc phục hậu quả của chiến tranh. ,
Thế giới liệt kê một trong những nghề nguy hiểm nhất chính là nghề rà phá bom mìn. Dự án RENEW từ khi triển khai họat động rà phá bom mìn từ 2007 cho đến nay thì toàn bộ nhân viên được đào tạo bài bản, áp dụng qui trình kỹ thuật và tiêu chuẩn hành động bom mìn quốc tế, do đó trong những năm qua không xảy ra một vụ tai nạn nào đối với nhân viên, công việc rất hiệu quả và an toàn.
Bên cạnh trách nhiệm rà tìm và phá hủy bom mìn, một công việc khác khẩn thiết và quan trọng không kém của Project RENEW là giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt trẻ em, để biết được nguy cơ và mức độ nguy hiểm của bom mìn và vật nổ.
Ban đầu với số kinh phí còn hạn hẹp và ưu tiên lúc đấy là làm thế nào để giảm thiểu tai nạn bom mìn vì năm 2001 số tai nạn bom mìn rất cao, trên năm mươi vụ tai nạn trong một năm. Chính vì thế giáo dục nhận thức cho người dân là việc đầu tiên nên triển khai.
Bên cạnh trách nhiệm rà tìm và phá hủy bom mìn, một công việc khác khẩn thiết và quan trọng không kém là giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt trẻ em, để biết được nguy cơ và mức độ nguy hiểm của bom mìn và vật nổ
Từ 2001 cho đến nay là hơn mười năm qua, trong quá trình họat động chúng tôi tiếp tục cùng với chính quyền địa phương kêu gọi thêm nguồn tài trợ của cộng đồng quốc tế để giúp khắc phục hậu quả của bom mìn vật nổ. Đến 2007 thì chúng tôi mới có đủ nguồn kinh phí và chúng tôi bắt đầu thực hiện họat động rà phá bom mìn, thậm chí còn tạo nên cơ chế là khi làm ruộng mà người ta phát hiện một quả bom bi chẳng hạn thì người ta biết được đầu tiên phải báo cáo. Chúng tôi có một số điện thọai nóng, miễn phí 24/24, chỉ cần gọi đến số này và thông tin sẽ được tiếp nhận và đội chúng tôi sẽ đến để xứ lý, di dời và phá hủy an toàn quả bom ấy.
Project RENEW còn tổ chức những buổi tập huấn cơ bản cho những đại lý hoặc những cá nhân chuyên thu mua và buôn bán phế liệu, giúp họ biết cách phân lọai các vật liệu nổ ra khỏi các phế liệu khác.
Ông Nguyễn Văn Quang, một người kinh doanh phế liệu ở thị trấn Ái Tử từ năm 2001, xác nhận rằng những lần tập huấn với RENEW rất hữu ích vì cơ sở của ông thu mua hơn 200 kilôgram phế liệu mỗi ngày, số vật liệu nỗ vô tình lẫn trong các phế liệu đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Không những thế, Project RENEW còn có một chương trình hỗ trợ nạn nhân bị thương tật vì bom mìn:
Chúng tôi đã có một dữ liệu về tất cả những tai nạn bom mìn từ 1975 đến nay, biết được thương tật của nạn nhân như thế nào, nhu cầu của họ cần sự hỗ trợ ra sao. Đó chính là những thông tin cơ bản để chúng tôi lập kế họach và kêu gọi nguồn tài trợ . Vì vậy từ 2003 tới giờ chúng tôi đã triển khai một số họat động giúp nạn nhân bom mìn và gia đình họ cải thiện sinh kế như nâng cao thu nhập, chăn nuôi gia súc, trồng nấm, đào tạo nghề…
Người bị tai nạn và cụt tay cụt chân thì chúng tôi cũng cung cấp cho họ chân tay giả, những phương tiện đi lại, phục hồi cho họ khả năng đi lại và hòa nhập vào cộng đồng.
Dưới mắt chính quyền Quảng Trị, trong lúc nhu cầu khắc phục hậu quả chiến tranh ở địa phương vẫn còn lớn thì mô hình họat động của Project RENEW, bao gồm giáo dục và nâng cao nhận thức về nguy cơ bom mìn chưa nổ, rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bị thương tật và phát triển cộng đồng… cũng cần được phát triển thêm và nhân rộng ra ở nhiều nơi khác của Việt Nam.
Căn cứ trên số liệu điều tra của Project RENEW Dự Án Phục Hồi Môi Trường Và Khắc Phục Hậu Quả Chiến Tranh, chừng nào người dân còn nghèo và còn nghĩ rằng phế liệu chiến tranh là cơ hội giúp họ kiếm thêm thu nhập thì rất khó thuyết phục họ từ bỏ họat động nguy hiểm này dù biết chết và thương tật là điều khó tránh.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm ngừng ở đây. Thanh Trúc kính chào, xin hẹn quí vị tối thứ Năm tuần tới. Liên lạc với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org
Theo dòng thời sự:
- Các dự án rà phá bom mìn ở Đông Nam Á
- Khoảng 50.000 người Lào chết vì bom mìn của Mỹ
- Quảng Trị vẫn còn sót nhiều bom mìn chưa nổ từ sau cuộc chiến VN
- Phát hiện một số lớn bom mìn tại Kontum
- Quảng Trị, An Lộc sau 35 năm
- Ảnh của Trần Khiêm: Một khía cạnh khác trong sự kiện "Giải Phóng Miền Nam"
- Đổi mới lần 2 ở nông thôn
- Việt Nam sau 35 năm chiến tranh kết thúc
- 35 năm sau, những chiến binh cả 2 miền Nam-Bắc
- Ảnh hưởng của chất da cam, 35 năm sau chiến tranh