Vấn đề Biển Đông tại diễn đàn an ninh khu vực ASEAN

Diễn đàn an ninh khu vực lần thứ 20 chính thức diễn ra vào ngày 2 tháng 7 tại Brunei, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay. Đây là một diễn đàn nơi ngoại trưởng của 27 nước trong đó có các nước ASEAN, Mỹ và Trung Quốc thảo luận một loạt các vấn đề về an ninh khu vực. Một trong các vấn đề an ninh khu vực được nhiều người quan tâm trước và trong khi diễn đàn diễn ra là căng thẳng biển Đông.

Biển Đông nóng trước khai mạc

Mặc dù diễn đàn an ninh khu vực chính thức khai mạc vào ngày 2 tháng 7 nhưng vào các ngày 30 tháng 6 và 1 tháng 7, vấn đề biển Đông đã được đề cập trong các cuộc gặp giữa ngoại trưởng các nước ASEAN và ASEAN với Mỹ.

Hôm 1 tháng 7, phát biểu trước Ngoại trưởng các nước ASEAN trước thềm diễn đàn khu vực, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Mỹ với vấn đề tranh chấp tại biển Đông khi ông nói:

Hoa Kỳ rất quan tâm đến cách thức các tranh chấp tại Biển Đông được đề cập và ứng xử của các bên…. Hoa Kỳ hy vọng sẽ thấy được những tiến bộ sớm đạt được với một bộ quy tắc về ứng xử của các bên nhằm giúp đảm bảo sự ổn định trong khu vực quan trọng này.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng nói đến quyền lợi của Mỹ trong khu vực và vì vậy Hoa Kỳ cần phải duy trì hòa bình và ổn định cũng như đảm bảo tự do hàng hải, thông thương trên biển Đông.

Trước đó, tại cuộc gặp giữa các ngoại trưởng của 10 nước thành viên ASEAN hôm chủ nhật, Ngoại trưởng Philippines, Albert Del Rosario, lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc gia tặng sự hiện diện của các tàu quân sự và phi quân sự được trang bị vũ khí tại khu vực biển Đông, mà cụ thể là tại bãi cạn Scarborough Shoal và bãi Cỏ Mây đang tranh chấp giữa hai nước Philippines và Trung Quốc. Ông nói: ' sự hiện diện quá mức của các tàu Trung Quốc, bao gồm tàu quân sự và phi quân sự và các đe dọa đang đặt ra một thách thức lớn trong khu vực nói chung'.

Lời tuyên bố này được đưa ra sau khi vào ngày 29 tháng 6, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc có bài xã luận nói rằng nếu Philippines tiếp tục gây hấn với Trung Quốc, nước này sẽ phải có hành động phản công khó tránh khỏi.

Trong tháng 6, Philippines đã điều quân đội và tiếp tế đến bãi Cỏ mây thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Tuy nhiên Trung Quốc coi đây là hành động chiếm giữ trái phép.

Phát biểu với báo giới bên lệ hộ nghị diễn đàn khu vực ở Brunei, Ngoại trưởng Phi nói lời tuyên bố về một cuộc phản công của Trung Quốc là vô trách nhiệm. Philippines lên án tất cả những đe dọa sử dụng vũ lực.

Biển Đông sẽ không phải là vấn đề nổi bật?

Mặc dù vấn đề biển Đông được hâm nóng ngay từ trước khi diễn đàn chính thức khai mạc, nhưng theo các chuyên gia quốc tế, đây chỉ là một đối thoại về an ninh khu vực nên vấn đề biển Đông sẽ không phải là vấn đề bàn thảo chính và sẽ không có một quyết định quan trọng nào đưa ra liên quan đến điểm nóng này. Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện Quốc phòng Úc cho biết:

Ngọai trưởng Hoa kỳ John Kerry tại hội nghị các quốc gia Đông nam Á Asean nhóm họp tại thủ đô của Vương quốc Brunei AFP
Ngọai trưởng Hoa kỳ John Kerry tại hội nghị các quốc gia Đông nam Á Asean nhóm họp tại thủ đô của Vương quốc Brunei AFP (Ngọai trưởng Hoa kỳ John Kerry tại hội nghị các quốc gia Đông nam Á Asean nhóm họp tại thủ đô của Vương quốc Brunei AFP )

Chúng ta phải hiểu đây chỉ là một diễn đàn đối thoại về an ninh. Cho nên diễn đàn này của ASEAN không có tác dụng bắt buộc với các nước thành viên. Đây là cuộc gặp giữa các ngoại trưởng các nước chứ không phải giữa các Bộ trưởng Quốc phòng…Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN sẽ nêu ra các vấn đề được đồng ý thảo luận nhưng sẽ không có tiến bộ nào thực sự về các vấn đề biển Đông, hay Hoa Đông, hay vấn đề về an ninh mạng. … Đây chỉ là một diễn đàn diễn ra bình thường không thể đưa ra bất cứ quyết định quan trọng nào.

Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN thường niên (gọi tắt là ARF) được bắt đầu vào năm 1994 nhằm thúc đẩy hợp tác và ngoại giao trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Các năm sau đó, ASEAN đã mời các nước khác là các đối tác đối thoại hoặc quan sát tham gia. Sau này ARF bao gồm Ngoại trưởng của 27 nước và Liên minh châu Âu.

Cũng bởi diễn đàn tập trung thảo luận về nhiều vấn đề an ninh trong khu vực, nên biển Đông không phải là vấn đề an ninh khu vực duy nhất được chú ý. Các vấn đề an ninh khác cũng được nhiều nước tham gia diễn đàn quan tâm như chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, xung đột sắc tộc và tôn giáo tại Mynamar, tranh chấp biên giới giữa Campuchia và Thái Lan xung quanh ngôi đền cổ Preah Vihear.

Đây là lần đầu tiên ông John Kerry tham dự diễn đàn với tư cách là Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Những phát biểu của ông liên quan đến vấn đề biển Đông được các nước quan tâm, vì ngay từ diễn đàn ASEAN năm 2010 ở Việt Nam, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton lúc đó đã nhấn mạnh đến quyền lợi của Mỹ tại khu vực này. Những phát biểu của ông John Kerry hôm 1 tháng 7 một lần nữa khẳng định chính sách của Hoa Kỳ với biển Đông. Tuy nhiên theo Giáo sư Carl Thayer, tại diễn đàn lần này, cả Hoa Kỳ và các nước sẽ phải rất cẩn trọng trong việc đề cập đến tranh chấp gai góc này.

Tất nhiên Hoa Kỳ ủng hộ COC, nhưng điểm chính mà tôi thấy là các nước bao gồm Hoa Kỳ sẽ phải bước trên vỏ trứng tức là rất nhẹ nhàng vì vào lúc này ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý sẽ gặp nhau vào tháng 8 tới để đàm phán COC dù không phải là trực tiếp. Tôi nghĩ là không nước nào muốn Trung Quốc nói rằng các nước dùng lời lẽ, thái độ đe dọa.

Trung Quốc ngay từ diễn đàn ARF lần đầu tiên đã khẳng định vấn đề biển Đông không được thảo luận tại các diễn đàn quốc tế đa phương. Nước này vào năm ngoái đã thành công trong việc can thiệp vào ASEAN, khi Campuchia là nước chủ tịch luân phiên, để cuối cùng Ngoại trưởng các nước ASEAN không thể đưa ra một tuyên bố chung kết thúc hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao AMM-45. Tuy nhiên, sau ARF lần thứ 19 vào năm ngoái, cả châu Âu và Hoa Kỳ đã ra tuyên cáo chung, trong đó nói rằng sẽ hợp tác với các đối tác châu Á nhằm tăng cường an ninh hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế như quy định trong UNCLOS, cũng như các biện pháp tăng cường long tin nhằm giảm nguy cơ khủng hoảng và xung đột. Châu Âu và Mỹ tiếp tục khuyến khích ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy COC và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và trên biển thông qua giải pháp hòa bình, ngoại giao và hợp tác.

Kết thúc diễn đàn ARF lần này, nước chủ nhà Brunei cũng sẽ phải công bố một bản tuyên bố chung. Theo giáo sư Carl Thayer, nếu vấn đề biển Đông được đề cập trong tuyên bố chung lần này thì cũng trong tinh thần hết sức nhẹ nhàng vì mục tiêu là đạt được sự đồng thuận của tất cả các nước tham gia diễn đàn. Vì vậy rất có thể nếu bản tuyên bố chung có đề cập đến biển Đông thì giọng điệu cũng sẽ rất chung chung, đại khái là các nước ủng hộ các giải pháp hòa bình và không dùng vũ lực, đe dọa các nước khác. Điều này thì ngay cả Trung Quốc cũng không thể phản đối vì từ trước đến nay Trung Quốc vẫn nói nước này không đe dọa ai mà chỉ bị các nước khác đe dọa mà thôi.