bây giờ đã phải chia tay với thành phố nổi tiếng với sương mù, với những cơn mưa chợt đến, chợt đi không hề báo trước, với những đồng nghiệp cũ may mắn gặp lại, cũng như với những người bạn mới mà tôi có dịp làm quen ở Trung Tâm Báo Chí hay tại các sân vận động mà tôi có dịp ghé qua.
Những gì tôi muốn viết ra ở đây cũng là những điều hơn 12,000 nhà báo được cử sang London tác nghiệp đang nghĩ trong đầu. Hôm qua trong bữa ăn trưa, anh Carlos Menendez của đài truyền hình Telemundo bảo với mọi người “chắc phải 4 năm nữa tụi mình mới có dịp ngồi chung lại với nhau”. Câu nói của anh khiến tôi nhớ lại bữa cơm tối với vài đồng nghiệp trẻ của Ban Việt Ngữ BBC ở nhà “cựu” ký giả Xuân Hồng, cũng có người bảo “không biết đến bao giờ chúng ta mới có dịp ăn bữa cơm thật ngon chung với nhau lần nữa”, cho dù để theo lời yêu cầu của cánh nhà báo xa nhà-, chị Xuân Hồng bằng lòng nấu cho chúng tôi những món thật đơn giản: trên bàn là đĩa rau muống luộc, vài bì đậu rán sốt cà chua, một đĩa bắp cải thái nhỏ trộn đủ loại rau thơm hái ở vườn sau nhà, đi kèm với 2 chén nước mắm, một pha tỏi theo kiểu miền Nam, và một chén nước mắm mặn, vắt chanh, bỏ thật nhiều ớt, ăn cay xé lưỡi.
Những chuyện đó chứng tỏ rõ một điều: sau những ngày ai nấy đều quá bận rộn với thi đấu, với thành tích của cá nhân vận động viên và của toàn đội, với những cuộc phỏng vấn, với những buổi họp báo định kỳ buổi sáng lẫn bất thường -có khi bắt đầu hoặc kéo dài đến 10 hay 11 giờ đêm, anh
em chúng tôi đều hiểu sớm muộn gì cũng phải chia tay, dù chẳng ai muốn thấy điều này xảy ra.
Tôi không bao giờ quên
Nhưng chia tay với London không phải là chuyện dễ làm. Tôi rời London với những kỷ niệm không thể nào quên được.
“Sao, hôm nay ông định viết gì đây? Tôi có thể giúp gì cho ông không?”, hầu như sáng nào cô Jessica, Trưởng Ban Điều Hành của Trung Tâm Báo Chí London cũng hỏi tôi câu đó. “Tối hôm qua ông về đến nhà lúc mấy giờ, có ngủ nghê được tí nào không hay lại phải ngồi viết bài tiếp? Hôm nay ông có định xem cuộc tranh tài nào không? Ông đã tìm ra thời giờ để đi thăm London chưa? Ông nhớ ghé qua Điện Hoàng Gia nhé, cách đây chỉ vài phút đi bộ thôi”.
Cô Jessica chỉ là một trong số cả triệu người dân London đã hết lòng giúp đỡ cho cánh nhà báo chúng tôi. Sáng sáng với chiếc laptop đeo trên vai và chiếc thẻ nhà báo đeo trước ngực, bao giờ người bạn London đầu tiên của anh em chúng tôi cũng là những tình nguyện viên ở trạm xe điện hay xe lửa, gặp nhau thường xuyên tới mức trở thành “quá” quen thuộc. “Ông nhà báo Việt Nam định đi đâu? Ông sẽ xuống trạm London Bridge hay Charring Cross?” là câu tôi đầu tiên tôi được nghe trong ngày. Quen tới độ có lần tôi vừa trả lời vừa đưa tay thò vào túi tìm chiếc vé lên tầu, người soát vé vội vàng bấm nút mở cửa dục tôi “ông đừng lo chuyện vé viếc làm gì cả, đi nhanh lên vì còn 2 phút nữa tầu chạy rồi”.
“Nếu không có những tình nguyện viên làm việc 24/24, có những người không có cả thì giờ xem các cuộc tranh tài chiếu trên TV, thì công tác tổ chức Olympic 2012 không thể nào hoàn tất mỹ mãn như thế này”, ông Thị Trưởng Boris Johnson của London chia sẻ với mọi người trong cuộc họp báo trước ngày bế mạc. Nhìn ông Thị Trưởng Eduardo Paes của Rio de Janeiro và Olympic 2016 đứng bên cạnh, ông Johnson bảo thêm “lời khuyên của tôi là ông bạn đừng lo lắng quá, cứ bình tĩnh, quan trọng nhất là phải kiếm cho ra một dàn tình nguyện viên thật hùng hậu, sẵn sàng tiếp tay làm việc hết
mình thì sẽ thành công tốt đẹp thôi”.
...khán giả Anh không chỉ ủng hộ "gà nhà", họ còn sẵn sàng đứng dậy võ tay reo hò ủng hộ những vận động viên của các quốc gia mà có lẽ họ chẳng biết nằm ở đâu trên bản đồ
Bên cạnh lực lượng tình nguyện viên hết lòng làm việc đó, phải kể tới con số hàng chục ngàn binh sĩ được cử bảo vệ an ninh cho London trong suốt thời gian cuộc tranh tài diễn ra, trong đó có cả những binh sĩ mới từ chiến trường Afghanistan trở về. Thượng Sĩ Peter, người lính phụ trách toán bảo vệ an ninh cho Trung Tâm Báo Chí bảo với anh em chúng tôi “công tác khó khăn nhưng thấy rất vui vì mọi người hài lòng, an ninh được đảm bảo, không có trục trặc nào xảy ra”. Ông cũng cho biết “sau ngày Olympic kết thúc, đơn vị chúng tôi mới thu xếp để anh em binh sĩ nghỉ phép về thăm gia đình”.
Những hình ảnh đẹp đó không chỉ thấy được trên đường phố, mà còn ở cả trong sân vận động. Chưa bao giờ cánh nhà báo chúng tôi trông thấy tinh thần thượng võ được thể hiện đến mức cao độ: khán giả Anh không chỉ ủng hộ “gà nhà”, họ còn sẵn sàng đứng dậy võ tay reo hò ủng hộ những vận động viên của các quốc gia mà có lẽ họ chẳng biết nằm ở đâu trên bản đồ. Câu chuyện nhà báo Ali Ikram kể lại là một trong những câu chuyện được xem là hay nhất, chứng tỏ rõ tinh thần “anh em một nhà” của Olympic.
Hôm đó anh ngồi xem đánh tennis ở sân Wimbledon, bên cạnh anh là một nhóm thanh niên trẻ Anh Quốc đến ủng hộ tay vợt con cưng Andy Murray. Khi biết anh đến từ Brunei, nhóm người trẻ này “không ngớt lời hô to các khẩu hiệu ủng hộ nước tôi, kéo theo những người khác cũng reo hò ủng hộ theo”. Họ la to đến độ “tôi phải bảo với họ là không có tay vợt tennis của Indonesia tranh tài cả, nhưng một người trong nhóm bảo đâu có sao đâu, mình hò hét bên sân này, vận động viên của nước anh đang tập dượt hay thi đấu ở sân bên kia chắc sẽ nghe thấy, sẽ lên tinh thần, tranh tài hay hơn”.
Đó là những hình ảnh tôi không bao giờ quên khi rời London.
Những điều lịch sử ghi nhớ
Cũng như tất cả các Olympic khác, cuộc tranh tài bao giờ cũng bắt đầu với lễ khai mạc “có một không hai” mà Ban Tổ Chức London 2012 đã thực hiện để giới thiệu những nét nổi bật nhất của nước chủ nhà, song song với việc cư dân thành phố mở cửa đón cả triệu du khách từ mọi nơi đổ về để cùng hưởng không khí đặc biệt “chỉ thế vận hội mới có”.
Mặc dù ông Chủ Tịch Jacques Rogge của Ủy Ban Olympic Quốc Tế (IOC) nhấn mạnh trọng tâm của Olympic “không nhất thiết phải là chiếm được huy chương mà chính là sự góp mặt”, nhưng rõ ràng dân chúng nước chủ nhà nôn nao vì sau 2 ngày tranh tài vẫn chưa thấy bóng dáng chiếc huy chương vàng. Hình ảnh cả triệu người đứng chật hai bên đường để xem cuộc đua xe đạp đường trường để rồi thất vọng khi các con ngựa sắt của Vương Quốc Anh chỉ lấy được chiếc huy chương bạc, hình ảnh cả nước Anh reo hò khi 2 tay chèo Heather Stanning và Helen Glover thành công với chiếc huy chương vàng đầu tiên, là những hiện tượng gây nhiều sôi động.
Olympic London 2012 sẽ được lịch sử nhớ đến vì là nơi lần đầu tiên tất cả 205 đoàn đại diện cho các quốc gia và các vùng lãnh thổ đều có nữ vận động viên, "tiếp tục thổi luồng gió mới vào đời sống của người dân các nước Ả Rập"...
...Olympic London 2012 sẽ được lịch sử nhớ đến vì là nơi lần đầu tiên tất cả 205 đoàn đại diện cho các quốc gia và các vùng lãnh thổ đều có nữ vận động viên, “tiếp tục thổi luồng gió mới vào đời sống của người dân các nước Ả Rập”
Đúng như dự đoán của nhiều người, Trung Quốc dù thành công ở tuần lễ đầu tiên nhưng vẫn không thể qua mặt được thành tích của Hoa Kỳ vào những ngày cuối; những tranh cãi liên quan đến tài năng của cô lực sĩ 16 tuổi Ye Shiwen ở bể bơi cũng không gây được chú ý nhiều cho bằng chuyện kình ngư Michael Phelps tạo kỷ lục thế vận với tổng cộng 22 chiếc huy chương đủ loại sau 4 kỳ Olympic và cuộc họp báo loan tin giải nghệ của anh, hay chuyện Usain Bolt tiếp tục giữ ngai vàng và danh hiệu “người chạy nhanh nhất hành tinh” sau hai chiến thắng ở cuộc đua chạy 100 mét và 200 mét, hoặc chuyện cặp đôi Misty và Kerry của Hoa Kỳ chiếm chiếc huy chương vàng thứ 3 của cuộc thi bóng chuyền bãi biển. Chuyện 8 tay vợt vũ cầu -gồm 2 Trung Quốc, 4 Nam Hàn và 2 Indonesia- bị đuổi khỏi làng thế vận về tội không thật tình tranh tài, chuyện các cầu thủ hội tuyển bóng đá nữ Bắc Hàn không chịu ra sân sau khi thấy hình ảnh của họ được chiếu bên cạnh lá cờ Nam Hàn, chuyện dân chúng Anh bực bội vì không mua được vé trong lúc sân vận động lúc nào cũng có cả ngàn chỗ bỏ trống… cũng là những điều mọi người chưa vội quên.
Olympic London 2012 sẽ được lịch sử nhớ đến vì là nơi lần đầu tiên tất cả 205 đoàn đại diện cho các quốc gia và các vùng lãnh thổ đều có nữ vận động viên, “tiếp tục thổi luồng gió mới vào đời sống của người dân các nước Ả Rập” như lời một phát ngôn viên của Ủy Ban Olympic Quốc Tế (IOC). Nữ xạ thủ Bahiya al-Hamad mới 19 tuổi vinh dự cầm cờ dẫn đầu đoàn Qatar trong buổi lễ khai mạc, Saudi Arabia có cô Sarah Attar thi môn chạy 800 mét, hay cô Maziah Mahusin của Brunei dự môn thi chạy 400 mét. Các nữ vận động viên đến từ những nước Hồi Giáo Trung Đông đều không thành công trên đường đua, nhưng hình ảnh hơn 80,000 khán giả ở Olympic Stadium đứng dậy vỗ tay đón chào sự hiện diện của họ chính là chiếc huy chương tinh thần quý giá nhất mà họ nhận được, không chỉ cho cá nhân mà cho cả quốc gia họ đại diện.
Olympic London 2012 còn là nơi chứng tỏ sự thành công của phái nữ: tỷ lệ nữ vận động viên chiếm huy chương và tạo kỷ lục thể giới vượt trội thành công của phía nam. Đó cũng là nơi cô Lizzie Armitstead -người lấy được chiếc huy chương đầu tiên cho nước chủ nhà- dùng cuộc họp báo để lên tiếng phản đối chuyện xấu xa vẫn còn sót lại trong lãnh vực thể thao, lãnh vực “mà phụ nữ không được coi trọng như nam giới” dù phái yếu phải “tập luyện, chịu đựng thử thách và sức ép phải thành công y hệt như các lực sĩ nhà nghề bên nam”. Bài bình luận của tờ The Independent cho rằng chỉ cất tiếng nói đòi hỏi công bằng cho phái nữ đã đủ và xứng đáng để cô Armitstead “được tưởng thưởng thêm chiếc huy chương danh dự”.
Đó là những gì tôi sẽ đem theo khi rời London.
Tạm Biệt Luân Đôn
Không chỉ lúc ngồi trên chuyến xe ra phi trường, mà lúc máy bay cất cánh tôi cũng cố nhìn qua cửa sổ phi cơ để xem lại hình ảnh của thành phố London nằm ở phía dưới. Đó là nơi tôi đã tạm trú, trở thành “người dân bán chính thức” trong suốt hơn 2 tuần lễ vừa qua. Đó là nơi tôi có thêm bạn bè, có những bữa cơm ăn vội vàng lúc nửa đêm và bài viết cuối cùng trong ngày được gửi đi lúc 2 giờ sáng, nơi nổi tiếng với “fish and chip” có miếng cá chiên ăn với khoai tây thật dòn, có miếng “roast beef” ăn một lại muốn ăn hai, có chiếc bánh “meat pie” nóng hổi cầm phỏng cả tay vừa ăn vừa thổi. Đó cũng là nơi cô bạn trẻ tên Tuyền vừa làm móng tay cho khách vừa đưa mắt nhìn tôi, bảo ngay ngày đầu khi tôi mới đến: “chú đừng lo, dân Việt mình ở Anh hiếu khách lắm”.
Chính lòng hiếu khách đó đã giúp những ngày tôi ở London tưởng dài hóa ra lại quá ngắn. Đó là nơi tất cả những gì tuyệt diệu nhất đã đến với tôi trong suốt thời gian 18 ngày tác nghiệp, là những gì tôi không thể nào quên.
Chẳng riêng mình tôi, chắc chắn mọi người sẽ không quên được London đâu. Chào London, chào Olympic 2012, hẹn gặp lại trong một ngày không xa.
Theo dòng thời sự:
- Tạm biệt Olympic, hẹn gặp lại ở Rio 2016
- Olympic London 2012 – Ngày 15
- Olympic London 2012 – Ngày 13
- Olympic London 2012 – Ngày 12
- Gặp lại Ian Thrope
- Sau Olympic London sẽ là đám cưới?
- Đi tìm chiếc huy chương ... bị mất
- Boxing Hoa Hỳ đi về đâu?
- Michael Phelps lập kỷ lục thế giới người nhiều huy chương Olympics nhất
- Olympic London 2012 - Chiếc huy chương và chuyện tiền bạc