Đối tượng của dự án cải cách hành chánh được xem là sáng tạo và hoàn toàn mới là những thanh niên có quốc tịch Việt Nam, dưới 30 tuổi là đoàn viên hoặc đảng viên cộng sản có trình độ đại học, phẩm chất đạo đức, sức khỏe tốt và thuộc các chuyên ngành phù hợp với nhu cầu công tác tại địa phương mà họ được đưa về phục vụ.
Một số ưu tiên được chú trọng đến là các ứng viên được đào tạo trong những ngành như: kinh tế, khoa học, kỹ thuật, pháp luật, nông lâm nghiệp, thủy sản, giao thông, vận tải, xây dựng, tài nguyên, môi trường.
Đây là một tin vui vì đó là một chủ trương mạnh dạn, hợp lý để tăng cường trình độ quản lý cho cán bộ cấp cơ sở, chính là điểm tựa của một chính quyền, một nhà nước.
Giáo sư Tương Lai
Về lý lịch và khả năng chuyên môn thì quyền ưu tiên đuợc dành cho các thanh niên thuộc các địa phương có huyện nghèo, là người dân tộc thiểu số, biết tiếng của người thiểu số, hiểu biết phong tục, tập quán của họ, ứng viên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và có kinh nghiệm trong quản lý hành chánh.
Giai đoạn thử nghiệm chọn cử nhân về làm lãnh đạo xã được triển khai trong hai năm 2011 và 2012 tại 5 tỉnh gồm có Cao Bằng, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Ngãi và Kon Tum.
Muốn thay đổi ...
Khi được hỏi ý kiến của ông về dự án thí điểm đưa cử nhân về làm lãnh đạo xã, từ Hà Nội, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam phát biểu:
“Đây là một tin vui vì đó là một chủ trương mạnh dạn, hợp lý để tăng cường trình độ quản lý cho cán bộ cấp cơ sở, chính là điểm tựa của một chính quyền, một nhà nước. Với một nhà nước pháp quyền thì sự hiểu biết về pháp luật trong quản lý là điều hết sức quan trọng, nên cần phải có trình độ văn hóa nhất định, nhờ đó mà sẽ có khả năng nắm bắt thông tin, nhất là vào thời buổi Internet này.
Không phải chỉ có thông tin trong nước mà cần biết cả thông tin ngoài nước, ví dụ như thông tin vừa rồi, về ông Mubarak ở Ai Cập, “Con Sư Tử” của vùng Trung, Cận Đông đã phải ra đi, do sức mạnh của khối quần chúng, nhân dân đông đảo, người ta không muốn có chế độ độc tài, toàn trị”.
Theo ông thì, muốn dự án cải tổ này thành công, yếu tố tiên quyết là cần có một chính sách đúng đắn từ cấp lãnh đạo ở thượng tầng, để kêu gọi giới trẻ mạnh dạn tham gia và hưởng ứng:
“Nếu có một chính sách đúng, nêu gương đúng, thế hệ trẻ sẽ làm theo, tôi luôn tin vào thế hệ trẻ, tương lai của đất nước này là cần phải nhìn vào họ, đó là sức bật của một dân tộc, nếu dân tộc không có một thế hệ trẻ dám tự khẳng định mình mà chỉ biết cúi đầu, làm theo, ăn theo, nói leo, không dám sáng tạo, không dám độc lập, thì dân tộc đó là mạt vận, nhưng thế hệ trẻ Việt Nam không như vậy.
Nếu bây giờ mà có chính sách đúng, thì không phải chỉ ngần ấy thanh niên về xã đâu, nếu có chính sách đúng, chế độ đãi ngộ đúng, động viên tinh thần đúng, nhất là sự nêu gương đúng, tức là con cái các vị lãnh đạo, hãy cho họ xung phong đi về xã, ví dụ như thế là cần biết nêu gương.”
Kế đó, một chuyên viên tốt nghiệp về hành chánh, công quyền, ông Nguyễn Ngọc Diệp, Phó Tỉnh Trưởng Quảng Trị, chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa trước tháng 4 năm 1975, hiện định cư ở vương quốc Bỉ, góp ý về việc đưa hàng trăm trí thức trẻ về làng xã làm việc:
“Nếu đưa cử nhân về làm ở xã thì những anh trên cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, thì mấy ông đó phải là tiến sĩ, trạng nguyên. Nói thực tế thì chuyện đó có vẻ khôi hài, vì nền hành chánh xã không cần đến 600 ông cử nhân. Nền hành chánh phải rõ ràng, cần phải có cơ chế, tổ chức đàng hoàng, thành phần được giao thi hành công tác đó phải được huấn luyện sao cho thích hợp.
Cán bộ hành chánh được huấn luyện để có sự hiểu biết vừa phải, để làm những công việc vừa phải, điều quan trọng nhất vẫn là đường lối, chính sách của quốc gia, mà đường lối thì phải rõ rệt. Việt Nam hiện có hai hệ thống chồng chéo với nhau, dù bên hành chánh có làm hay đến đâu nhưng đảng bài bác là không làm được.
Hệ thống đảng bao trùm hết, trên cả hiến pháp nữa, cái đó không thực tế, công việc ở xã ấp, ngày xưa người ta gọi là việc hương thôn, cần những người hiểu được vấn đề nơi đó, có một số căn bản, có tấm lòng, có trách nhiệm. Tôi thấy đó là một trò mị dân.”
... thì phải đổi từ gốc
Từ Saigon, ông Nguyễn Bắc Truyển, nhà dân chủ bị kết án 3 năm rưỡi tù, cộng hai năm quản chế về tội “tuyên truyền chống nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” cho rằng, muốn đổi mới thật sự thì cần phải thực hiện từ nhân sự ở cấp cao nhất:
"Vấn đề đặt ra ở Việt Nam là phải có sự thay đổi ở thượng tầng kiến trúc, chứ không phải ở cơ sở hạ tầng. Chế độ cộng sản luôn nói là phải tập trung dân chủ, cho nên dù có bất kỳ hình thức dân chủ nào từ dưới cơ sở đưa lên, mà cấp Bộ Chính trị không đồng ý thì họ vẫn bác.
Họ không xem xét những bức xúc, những đề nghị hợp lý từ phía người dân. Dù họ có đưa ra hàng mười ngàn, hai mươi ngàn trí thức về nông thôn thì một thời gian dài những người trí thức cũng bỏ chạy, vì làm sao họ áp dụng được những gì họ học vào trong thực tế, vì họ không có quyền lực gì hết.
Mấy chục ngàn trí thức cũng không có hiệu quả gì cả, vấn đề là cần thay đổi những lãnh đạo ở Bộ Chính trị chứ không phải ở cơ sở hạ tầng.
Ông Nguyễn Bắc Truyển
Đưa về xã nhưng họ chỉ làm cấp Phó Chủ tịch thôi, anh Chủ tịch thì vẫn là đảng viên cộng sản, đây là một chính sách mị dân mà thôi. Mấy chục ngàn trí thức cũng không có hiệu quả gì cả, vấn đề là cần thay đổi những lãnh đạo ở Bộ Chính trị chứ không phải ở cơ sở hạ tầng.”
Qua những góp ý từ nhiều thành phần xã hội, nhiều vị trí, quan điểm khác nhau, hầu như mọi người đều có cùng suy nghĩ cho rằng, muốn dự án cải tổ hành chánh, đưa trí thức trẻ về làng thành công, điều kiện ưu tiên là chánh phủ cần có chính sách, chủ trương đúng đắn, và cần nêu gương tốt để tạo sự tin tưởng nơi các trí thức được cử về lãnh đạo làng xã.
Khi đón nhận thông tin này, dư luận trong nước lưu ý tới chi tiết là chỉ những đoàn viên hoặc đảng viên mới được tuyển chọn, điều đó có nghĩa chỉ những thành phần trung kiên với chế độ mới được tham gia dự án, như vậy những trí thức có trình độ, có khả năng, nhưng chưa được kết nạp vào đoàn hay đảng, tức là chưa tin tưởng trọn vẹn vào chế độ, sẽ không được chiếu cố.