Làm sao chấm dứt nạn ngược đãi tù chính trị?

0:00 / 0:00

Một số tù nhân chính trị tại Việt Nam vừa được trả tự do trong tuần qua. Sau khi ra tù những người này cho biết họ bị đối xử vô cùng khắc nghiệt trong thời gian giam giữ. Hội Cựu tù nhân lương tâm lên tiếng yêu cầu Việt Nam phải chấm dứt tình trạng đó.

Bị kỷ luật do đòi quyền lợi chính đáng

Bốn tù nhân chính trị vừa được trả tự do trong những ngày cuối tháng chín vừa qua gồm có các ông Trần Tư, Nguyễn Tuấn Nam, Nguyễn Long Hội và Trần Hoàng Giang. Hai ông Trần Tư và Nguyễn Tuấn Nam đều ngoài 70 tuổi và bị kết án chung thân. Riêng ông Nguyễn Long Hội bị án chung thân và được giảm án xuống còn 20 năm, anh Trần Hoàng Giang bị án 15 năm tù và được trả tự do trước thời hạn hơn 5 tháng.

Sau thời gian tù tội, những người mà Đài Á Châu Tự do tiếp xúc được đều cho biết sức khỏe của họ suy sút trần trọng.

Ông Nguyễn Tuấn Nam 76 tuổi hiện không có thân nhân nào tại Việt Nam và trong tình trạng sức khỏe rất kém và trại giam Xuân Lộc đưa ông ra khỏi đó bằng xe cứu thương về nhà một cựu tù nhân lương tâm khác là ông Phạm Bá Hải để tá túc theo nguyện vọng của ông Nam. Vào sáng chủ nhật 28 tháng 9, ông Nguyễn Tuấn Nam cho biết sức khỏe của ông và những người bạn tù đồng trang lứa với ông phải bỏ mạng ngay trong tù:

Yếu lắm! Trong trại giam sức khỏe lớp như tôi có người đã chết trong trại như anh Nguyễn Văn Trại, anh Bùi Văn Thủy…

Chúng tôi cũng nói chuyện với ông Trần Tư và ông này cho biết răng của ông rụng hết vì phải trải qua những nhà tù mà theo ông là khổ cực nhất Việt Nam.

Anh Trần Hoàng Giang, người bị bắt đi tù từ năm 2000 lúc mới 20 tuồi, và với án tù 15 năm, nay anh đã ở tuổi 35, cũng cho biết tình trạng sức khỏe của bản thân sau những năm tháng tù tội, đặc biệt là những lần bị kỷ luật cùm chữ V do phản đối trại giam và hô ‘đả đảo cộng sản’ ngay trong nhà tù:

Bất cứ ai mạnh khỏe thế nào mà bị cùm 3 ngày thì mất cảm giác cái 'giò'. Mỗi lần kỷ luật 7 ngày mà tôi bị cùm ba lần.<br/> - Anh Trần Hoàng Giang

Tôi trẻ nhưng thời gian ở tù ăn uống đâu có chất gì đâu, gia đình cũng khó khăn. Trại đâu có ‘bồi dưỡng’ cho mình được gì đâu, chỉ có cơm, canh, rau muống thôi. Một tuần cho hai lần đồ ăn nhưng chỉ như cho mèo ăn thôi thì làm sao mà đủ. Răng tôi hư năm sáu cái luôn. Những người ở trong đó mà uống nước, nhất là những người lớn tuổi, mà uống nước đa phần đều bị sạn thận, đi tiểu phải nửa tiếng đồng hồ. Tôi hên là cẩn thận và kỹ khi uống nước nên cũng ‘êm’, cơ thể vượt qua bệnh thận, nhưng những bệnh khác thì không biết sức khỏe tôi thế nào.

Tôi bị ba lần kỷ luật, mà lần kỷ luật thứ ba cũng vì đá cửa, họ cùm cả hai ‘giò’ tôi luôn. Cùm một giò đã tê rồi mà tôi bị cả hai. Cùm chữ V làm bằng sắt xây dựng to bằng ngón cái của mình mà có răng cưa. Bất cứ ai mạnh khỏe thế nào mà bị cùm 3 ngày thì mất cảm giác cái ‘giò’. Mỗi lần kỷ luật 7 ngày mà tôi bị cùm ba lần.

Cựu tù nhân Nguyễn Tuấn Nam cho biết ông luôn thẳng thắn trình bày chính kiến của ông trong thời gian ở tù và khi cơ quan chức năng đến yêu cầu ông làm đơn ra trại ông thẳng thừng từ chối vì những lý do sau:

Lúc phái đoàn của Bộ xuống tham quan, tôi hỏi rằng Việt Nam tuyên truyền rằng ‘của dân, vì dân, do dân’ nhưng mà từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc đều là cộng sản chứ có người dân nào! ‘Của dân, vì dân’ mà dân đói không có ăn.

Hồi sắp sửa đặc xá họ đến mời tôi làm giấy. Tôi hỏi làm giấy gì, họ nói làm giấy xin ra trại, tôi nói tôi không có tội gì, tôi không xin. Nhưng sau đó anh em, bạn bè nói rằng thôi cứ kệ đi; tôi nói rằng tôi ở đây có chết thì chết trong trại. Lúc bắt tôi thì tôi khỏe mạnh, bây giờ tôi ‘thân tàn, ma dại’ tống cổ tôi về, tôi không đồng ý!

Hội Cựu tù nhân lương tâm lên tiếng

Những người từng bị tù tội tại Việt Nam do công khai chính kiến đấu tranh của bản thân sau khi ra tù cùng nhau thành lập ra Hội Cựu tù nhân đã có bản lên tiếng vào ngày 28 tháng 9 là ngày Quốc tế Quyền được biết và quyền được nói.

Bản lên tiếng nhấn mạnh đến trường hợp của hai cựu tù nhân cao tuổi là ông Trần Tư bị bắt khi tham gia Liên đảng Cách mạng Việt Nam và ông Nguyễn Tuấn Nam thuộc đảng Nhân dân Hành Động. Theo Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam thì nhà cầm quyền Hà Nội không bao giờ chấp nhận cho những chính đảng khác sinh hoạt tại Việt Nam dù những đảng đó chủ trương đấu tranh nghị trường và bất bạo động. Hà Nội tìm cách lùng bắt, giam giữ và kết án nặng nề các thành viên của những chính đáng như thế.

Đây là việc làm hoàn toàn vi phạm một cách trắng trợn tiêu chuẩn cư xử nhân đạo đối với tù nhân, đặc biệt là tù nhân lương tâm.<br/> - Ông Phạm Bá Hải <br/> <br/>

Tuy nhiên theo Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam thì Hà Nội khi cần mặc cả với quốc tế để gia nhập các hiệp ước ví dụ như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, hay thoát các biện pháp chế tài như Quốc gia Cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo CPC của Hoa Kỳ thì lại sử dụng các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm làm con bài trao đổi.

Điều phối viên Hội Cựu tù nhân Lương tâm, ông Phạm Bá Hải phát biểu:

Việt Nam luôn luôn nói rằng họ tuân thủ các tiêu chuẩn cư xử nhân đạo với các tù nhân trong hệ thống nhà tù Việt Nam; nhưng đặc biệt với kinh nghiệm, chúng tôi thấy rằng đối với những tù chính trị có sự phân biệt đối xử và sự ngược đãi rất rõ ràng. Những tù nhân chính trị không nhận tội đều bị giam giữ ở một điều kiện rất khắc nghiệt. luôn luôn dễ dàng bị vi phạm, bị kỷ luật; và ép buộc những người tù này nếu muốn có môi trường sinh hoạt trong tù thoải mái hơn, muốn có điều kiện gặp gỡ thân nhân thoải mái hơn thì phải nhận tội. Hoặc những người tù này khi bị bệnh tật sẽ được điều trị tốt hơn nếu nhận tội. Đây là việc làm hoàn toàn vi phạm một cách trắng trợn tiêu chuẩn cư xử nhân đạo đối với tù nhân, đặc biệt là tù nhân lương tâm.

Hội Cựu Tù nhân Lương tâm cũng lên tiếng tố cáo những hành xử mà họ cho là vô trách nhiệm đối với những tổn hại đã gây ra cho các tù nhân chính trị trong thời gian bị giam giữ, cũng như gây khó khăn cho cuộc sống của họ sau khi ra tù.

Cựu tù nhân Trần Hoàng Giang dự kiến trước những khó khăn mà anh và gia đình sẽ gặp phải trong thời gian tới, nhưng anh cho biết vẫn tiếp tục đấu tranh với những sai trái.

Cựu tù nhân Nguyễn Tuấn Nam dù đang trong tình trạng sức khỏe suy kiệt và phải sống nương tựa vào những cựu tù nhân lương tâm khác cũng nói lên khát vọng về quyền con người.