"Bùng nổ như tạc đạn" là nhận xét về Diễn đàn Thượng đỉnh An ninh châu Á, danh xưng vắn tắt là Đối thoại Shangri-La, nhóm họp thường niên tại Singapore năm nay.
Nhân vật đem trưng bày ngòi nổ trước diễn đàn là Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, và người châm ngòi là Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel.
Thủ tướng Nhật cam kết sẽ yểm trợ tối đa cho các nước ASEAN để bảo đảm an ninh trên biển và trên không cho Đông Nam Á, bằng sự trợ giúp phát triển, xây dựng khả năng, hợp tác cung cấp kỹ thuật và khí cụ quốc phòng.
Ông kêu gọi tinh thần thượng tôn luật pháp của tất cả các chính phủ liên quan, nói rằng Nhật sẽ giữ vai trò lớn lao và năng động hơn hết từ trước tới nay, trong việc gìn giữ cho nền hoà bình châu Á và thế giới thêm vững chắc.
Ông cho biết Nhật Bản và Hoa Kỳ sẵn sàng củng cố hợp tác an ninh quốc phòng với Australia và khối ASEAN.
Đây có vẻ như một chính sách đã được Nhật bàn thảo trước cùng với Hoa Kỳ để tung ra trong cuộc đối thoại quốc phòng Shangri-La năm nay. Lập trường này rõ ràng đã phát khởi vì hành động xâm lấn của Trung Quốc trên lãnh hải Việt Nam. Và Thủ tướng Nhật cho thấy Nhật, Mỹ và Úc đã đồng thuận về kế hoạch liên quốc gia để đối phó với chiến lược bành trướng của Trung Quốc ở Đông Nam Á và toàn cầu. Duy chỉ có khối ASEAN là còn ngồi yên nghe ngóng ý định của các cường quốc, chưa bao giờ quyết định được điều gì có ý nghĩa.
Sau Thủ tướng Shinzo Abe, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ đã châm ngòi nổ với những lời lẽ cứng rắn khác thường, mạnh mẽ nhất từ trước tới nay, hướng vào Trung Quốc. Ông trực tiếp lên án hành động đơn phương của Trung Quốc gây bất ổn cho châu Á khi giành lấn chủ quyền trên biển Đông, gọi đó là hăm dọa, cưỡng ép, đe dọa dùng võ lực để khẳng định chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải. Bộ trưởng Chuck Hagel nhắc lại lời cam kết của Mỹ về kế hoạch tái quân bình lực lượng ở châu Á, nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ không ngoảnh mặt đi, mà sẽ duy trì luật pháp quốc tế, cương quyết đối đầu với hành động xâm lược, giúp tăng cường khả năng quốc phòng của các đồng minh và của chính nước Mỹ. Ông khuyên Trung Quốc nên đoàn kết với quốc tế cho một nền hoà bình toàn cầu, nếu không thì sẽ gây hại cho hòa bình và ổn định cho hằng triệu người ở châu Á và hằng tỉ người trên thế giới.
Diễn tiến Đối thoại Shangri-La cho thấy rõ ràng đây là bài song ca đã được chuẩn bị, nếu không nói là bài hợp ca giữa Hoa Kỳ với Nhật và Úc, được gióng lên để cảnh cáo Trung Quốc một cách nghiêm khắc nhất, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động, như Hoa Kỳ đang thi hành trong kế hoạch điều động lực lượng hải quân hướng về Đông Nam Á.
Điều đáng chú ý là Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ đã thông báo Mỹ sẽ tăng ngân sách hoạt động quân sự lên 35% vào năm 2016, và tăng 40% ngân sách huấn luyện, đào tạo về quân sự.
Nước Mỹ có vẻ như vừa thức tỉnh do hành động xâm lược của Trung Quốc ở biển Đông. Mới hồi tháng 2 năm nay ông Chuck Hagel nói với giọng ảm đạm rằng Hoa Kỳ sẽ không còn thống trị trên trên không gian và biển cả vì phải cắt giảm đáng kể ngân sách quốc phòng và hoạt động quân sự. Nay đột nhiên chính sách đảo ngược hẳn lại, chẳng phải nước Mỹ giựt mình tỉnh thức vì Trung Quốc bắt đầu gióng hồi trống trận hay sao?
Tiếp sau Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, tướng Vương Quán Trung, đã phản bác mạnh mẽ quan điểm của Thủ tướng Nhật và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Ông nói lời lẽ của Bộ trưởng Hagel là nguy hiểm ngoài sức tưởng tượng và đầy chủ nghĩa bá quyền. Nhưng có tin cho hay sau đó khi họp song phương với Mỹ về quốc phòng, tướng họ Vương đã đề nghị hai nước củng cố hợp tác quốc phòng vì quyền lợi chung ở châu Á và trên thế giới. Điều này có thể được hiểu là Bắc Kinh muốn bắt tay quân sự với Mỹ để chia chác quyền lợi trên vùng biển quanh Trung Hoa và xa hơn nữa. Nhưng Bộ trưởng Hagel vẫn giữ thái độ nghiêm khắc như trong hội nghị, không đáp ứng đề nghị, và cắt ngắn cuộc họp chỉ sau có 20 phút thảo luận.
Công luận của người Việt thì chú ý đến lời phát biểu trước Diễn đàn Đối thoại Shangri-La của Bộ trưởng quốc phòng, đại tướng Phùng Quang Thanh. Có nhiều ý kiến chỉ trích ông Thanh vì lời phát biểu này.
Xem xét thực tế một cách khách quan, trước hết, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam nhận định sự kiện đặt giàn khoan của Trung Quốc là sự va chạm gây căng thằng trong quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam với nước bạn Trung Quốc.
Những từ ngữ "va chạm" và "nước bạn" là điều gây nhiều ý kiến chỉ trích là tại sao tướng Thanh lại gọi Trung Quốc là nước bạn, và sự kiện giàn khoan chỉ là va chạm gây cẳng thẳng, trong khi Nhật và Mỹ đã tố cáo đó là hành vi xâm lược đơn phương do chủ nghĩa bành trướng mà hai cường quốc Thái Bình Dương này tỏ ý sẵn sàng giúp ngăn chặn.
Nêu vấn đề một cách hòa hoãn không phải là điều đáng phải chỉ trích quá gay gắt. Vì ngay sau đó ông Phùng Quang Thanh nhấn mạnh rằng bảo vệ chủ quyền là thiêng liêng, nhưng Việt Nam chủ trương giải quyết hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, cùng với những thỏa ước của khu vực với Trung Quốc, và các thỏa thuận song phương Việt Nam - Trung Quốc. Chủ trương của Việt Nam cho đến nay vốn được quảng bá là giải quyết vấn đề bằng đường lối hoà bình, thì cách trình bày lập trường với những ngôn ngữ ngoại giao như vậy là phù hợp với chủ trương đó.
Tướng Thanh có nói Việt Nam vẫn rất kiềm chế, không sử dụng máy bay, tàu tên lửa, tàu pháo... không đâm va, không phun vòi rồng. Lời lẽ đó nghe ra có ẩn ý tố giác Trung Quốc có hành vi hiếu chiến hơn khi cho tàu quân sự đến hiện trường, và tấn công bằng vòi rồng, húc bể tàu kiểm ngư Việt Nam và húc chìm tàu đánh cá của Việt Nam. Sau đó Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam để cùng Việt Nam đàm phán.
Điều này cũng nói được lập trường hoà bình và nhũn nhặn của Việt Nam trước diễn đàn quốc tế. Đóng vai người yếu thế trước công luận quốc tế cũng là điều hay. Miễn là đằng sau những lời hoà bình đó đừng quên chuẩn bị đối đầu với chiến tranh!
Hiện tại, Việt Nam chưa thể nào nói đến chiến tranh, nhưng vẫn phải tìm biện pháp hoà bình để giải quyết. Vấn đề cần quan tâm là dùng biện pháp pháp lý cách nào, trong khi Việt Nam đã sẵn bị yếu thế về pháp lý trước Trung Quốc về chủ quyền của đảo Hoàng Sa và cả Trường Sa, vì công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhân vật lãnh đạo hành pháp của Việt Nam.
Đó mới là trở ngại khó vượt qua cho Việt Nam. Còn về Trung Quốc, diễn đàn này từng cảnh cáo Trung Quốc hãy coi chừng. Lịch sử thế giới xưa nay cho thấy chiến tranh đã nhiều lần xảy ra khi một quốc gia phát triển mạnh rồi bành trướng một cách nguy hiểm cho quyền lợi của các cường quốc khác.
Hoa Kỳ đột nhiên thay đổi hẳn chính sách quốc phòng. Nhật Bản đột nhiên phóng lên vũ đài quân sự quốc tế với vai trò năng động và chủ động nhất từ thời thế chiến II đến nay. Australia lên tiếng ủng hộ Nhật Bản, Ấn Độ từng ngỏ ý ủng hộ Việt Nam trong kế hoạch khai thác biển Đông, và là quốc gia hải dương hùng hậu có nhiều vấn đề lãnh thổ với Trung Quốc, đang huấn luyện về tàu ngầm cho hải quân Việt Nam.
Liệu các quốc gia Thái Bình Dương ấy có muốn thực hiện bức tường chắn nam Trung Hoa bằng quân sự, và chỉ cần một lý cớ chính đáng từ một nước Đông Nam Á?
Chuyện "Cao Biền dậy non" (*) diễn ra trong thể kỷ 21 khi Bắc Kinh không tuân lời Đặng Tiểu Bình mà "thao quang dưỡng hối" cho đủ 30 năm, đã phát lộ dã tâm bành trướng quá sớm nên đương nhiên phải đụng đầu với các cường quốc Thái Bình Dương, y như lãnh tụ họ Đặng đã cảnh báo.
__________________
(*) Link để đọc chuyện "Cao Biền dậy non": http://maxreading.com/sach-hay/su-tich-dat-nuoc-viet/lay-bay-nhu-cao-bien-day-non-12104.html