Công nhận liệt sĩ cho ngư dân: Nên hay không?

0:00 / 0:00

VN là một quốc gia ven biển có đường bờ biển dài khoảng 3200km và vùng lãnh hải của Việt Nam trải rộng trên 1 triệu km2, với 4.000 hòn đảo lớn nhỏ. Đây là một trong những thế mạnh của kinh tế VN.

Hiện nay tình hình an ninh trên Biển Đông của VN đang bất ổn trước chính sách bành trướng của chính quyền TQ, mọi hoạt động đánh bắt cá của ngư dân VN trên biển luôn bị tàu bè TQ khiêu khích và gây hấn.

Mới đây, trong buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam đã có kiến nghị xem xét truy tặng liệt sỹ cho ngư dân tử nạn trên biển. Đây được xem là đề nghị tích cực trong bối cảnh TQ liên tục có các hành động nguy hiểm trên vùng biển của VN.

Ông Nguyễn Văn Tám một ngư dân ở TP. Nha Trang cho biết cho dù gặp phải sự gây hấn của tàu hải giám của TQ, song ông cùng bà con ngư dân vẫn kiên trì bám biển. Theo ông ngoài việc đánh bắt cá, thì ngư dân còn tham gia phong trào mỗi ngư dân là một cột mốc sống trên biển, để bảo vệ chủ quyền biển của tổ quốc.

Từ Nha Trang, ông Nguyễn Văn Tám nói:

“Ngư dân chúng tôi bán cá xong là lại chuẩn bị đi ra biển để bảo vệ biển đảo của mình. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng ngư dân chúng tôi vẫn bám biển HS-TS để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của VN. Chúng tôi thấy càng đông ngư dân tham gia càng tốt để ủng hộ lực lượng Cảnh sát Biển và Kiểm ngư của mình”

Trả lời câu hỏi đây có phải là chủ trương của chính quyền hay không? Một cán bộ lãnh đạo ở Phú Yên không muốn tiết lộ danh tính cho chúng tôi biết đây là việc làm có tổ chức, trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện của ngư dân, với mục đích bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

Tôi nghĩ nếu công nhận người ngư dân tử nạn là liệt sĩ thì không khác gì nhà nước đẩy trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển sang cho ngư dân tay không tấc sắt. <br/> - Ông Nguyễn Anh Tuấn <br/>

Ông nói với chúng tôi:

“Bà con thấy rằng đây là trách nhiệm của ngư dân đối với Đảng và Nhà nước để quyết tâm gìn giữ và bảo vệ chủ quyền. Bà con quyết tâm bám trụ, muốn bám ngư trường đánh bắt truyền thống của mình.”

Bình luận về các sự việc này, ông Nguyễn Anh Tuấn, thành viên của tổ chức XHDS Voice thấy rằng: đây là một vấn đề quan trọng, ông ủng hộ việc vận động ngư dân tham gia đánh bắt và giữ biển trong vùng đặc quyền kinh tế của VN. Nhưng ông không đồng tình việc để ngư dân đánh bắt cá ở các khu vực hiện đang xảy ra xung đột, để đảm bảo sự an toàn cho ngư dân. Theo ông đó là trách nhiệm của nhà nước phải đảm nhận chứ không phải trách nhiệm của các ngư dân.

Từ Philippines, ông Nguyễn Anh Tuấn nói với chúng tôi:

“Tôi phản đối cái việc đó, nhà nước có thể khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ, đánh bắt trong những vùng kinh tế đặc quyền theo Luật Biển quốc tế 1982. Và nhà nước phải làm hết sức mình, bằng các lực lượng Kiểm Ngư, Cảnh Sát Biển… để bảo vệ tính mạng cho ngư dân, chứ không phải đẩy người dân ra tuyến đầu trong việc tranh chấp với TQ, để rồi biến họ thành nạn nhân”.

Từ Hà Nội, TS. Nguyễn Thanh Giang thấy rằng: do điều kiện bờ biển dài và vùng lãnh hải rất rộng nên các lực lượng Cảnh Sát Biển và Kiểm Ngư khó có thể quản lý và bảo vệ chủ quyền biển một cách có hiệu quả. Theo ông việc để ngư dân thành một lực lượng dân quân tự vệ trên biển là điều cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình trên Biển Đông hết sức phức tạp.

Từ Hà nội TS. Nguyễn Thanh Giang nói:

“Đánh giặc thì phải có nhiều đạo quân, đạo quân chính quy do quân đội thực hiện, đạo quân bán chính quy thì do Kiểm ngư, Cảnh sát Biển thực hiện và còn có một lực lượng những người ngư phủ sẽ được trang bị vũ khí mà ta vẫn gọi là dân quân tự vệ”

Trong bài "Ngư dân là cột mốc sống bảo vệ chủ quyền biển đảo" của truyền thông nhà nước cho hay, ông Trần Cao Mưu-Tổng thư ký Hội nghề cá VN cho biết: Hội đã đề nghị Chính phủ cần có các chính sách xã hội phù hợp để ngư dân yên tâm đánh bắt xa bờ. Và các cơ quan chức năng đã và đang xem xét lại chính sách bảo hiểm phương tiện cho ngư dân, đặc biệt là bảo hiểm thân thể cho ngư dân khi đánh bắt ở những vùng có tranh chấp.

Theo ông Trần Cao Mưu việc ngư dân đánh bắt xa bờ không đơn thuần chỉ vì mưu sinh, mà họ còn là những chiến sĩ, những cột mốc sống trên biển để bảo vệ chủ quyền của tổ quốc.

Nói về quan điểm của cá nhân đối với việc công nhận liệt sĩ cho ngư dân tham gia trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và coi ngư dân là các cột mốc sống trên biển. Ông Nguyễn Anh Tuấn thấy rằng việc dùng ngư dân trên các con tàu đánh cá nhỏ, tay không tấc sắt như hiện nay để đối chọi với các tầu Hải giám của TQ là điều không nên, vì nó liên quan đến sinh mạng của ngư dân.

Ông Nguyễn Anh Tuấn nói với chúng tôi:

Để đánh bạt kẻ thù ra khỏi Biển Đông và giữ được Biển Đông của ta thì một khi họ đã là chiến sĩ, là dân quân tự vệ thì ta cần đối xử với họ như chiến sĩ. <br/> - TS. Nguyễn Thanh Giang <br/> <br/>

“Tôi nghĩ nếu công nhận người ngư dân tử nạn là liệt sĩ thì không khác gì nhà nước đẩy trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển sang cho ngư dân tay không tấc sắt. Tôi nghĩ cái điều đó không hợp lý, không phù hợp với đạo lý và trách nhiệm của một nhà nước văn minh”

TS. Nguyễn Thanh Giang thấy rằng: ông đồng tình với việc chính quyền hỗ trợ cho ngư dân về mọi mặt, như việc hỗ trợ cho ngư dân vay vốn đóng tàu lớn, chính sách bảo hiểm phương tiện cho ngư dân, đặc biệt là bảo hiểm thân thể cho ngư dân khi đánh bắt ở những vùng có tranh chấp. Theo ông VN nên có chính sách chuyển một bộ phận ngư dân dưới hình thức dân quân tự vệ, với chủ trương có vũ khí để tự vệ nhằm bảo vệ chủ quyền, chứ tuyệt đối không gây hấn.

TS. Nguyễn Thanh Giang nói:

“Để đánh bạt kẻ thù ra khỏi Biển Đông và giữ được Biển Đông của ta thì một khi họ đã là chiến sĩ, là dân quân tự vệ thì ta cần đối xử với họ như chiến sĩ. Tôi hết sức đồng ý với chủ trương đối với họ nếu hy sinh thì nên xem là nhưng liệt sĩ anh hùng đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo của chúng ta”

Bảo vệ chủ quyền quốc gia là trách nhiệm chung của toàn dân, nhưng mọi nhà nước phải bằng các chính sách phù hợp để khuyến khích nhân dân tham gia. Song tính mạng của người dân là cái quý nhất, không có gì thay thế được và cái đó không cho phép ai được lạm dụng.