Trong buổi thảo luận dự thảo luật Tổ chức Chính phủ, các ĐBQH thấy rằng cần ủng hộ và xem xét lại vai trò của Thủ tướng trong vấn đề chống tham nhũng.
Vậy có nên để Thủ tướng quay trở lại nắm nhiệm vụ chống tham nhũng một lần nữa hay không?
Tham nhũng ở VN là một vấn nạn rất trầm trọng, là một vấn đề nhức nhối của cả xã hội, có nguy cơ tăng cao và đang làm xói mòn lòng tin của dân chúng đối với nhà nước.
Tham nhũng càng ngày càng phát triển
Về mặt chủ trương chính sách, Đảng CSVN - đảng chính trị duy nhất cũng phần nào đã quan tâm đến việc phòng chống tham nhũng, họ cũng đã có nhiều biện pháp kế sách. Tuy vậy trên thực tế việc phòng chống tham nhũng đã không phát huy được kết quả.
Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng ở VN hiện nay, TS. Phạm Chí Dũng, Chủ tịch hội nhà báo Độc lập nhận định:
“Quá trình chuyển đổi Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng từ tay Thủ tướng sang tay Đảng đã diễn ra 2 năm 2 tháng và trong suốt quá trình đó người ta không thấy một cái gì mới cả. Và như tôi đã nêu là chỉ cần một vài bằng chứng nhỏ nhoi cũng đã cho thấy tình hình tham nhũng càng ngày càng phát triển, còn tình hình chống tham nhũng ngày càng tệ. Kết quả cho đến giờ có thể nói rằng tham nhũng ở VN là vô phương cứu chữa, bởi vì nó dột từ trên dột xuống và tham nhũng tràn lan từ cấp trung ương đến tận cấp Phường, Xã. Thực tâm tôi cũng chẳng hy vọng gì ông Dũng hay bên Đảng chống được tham nhũng.”
Dưới nhan đề "Vì sao không giao Thủ tướng nhiệm vụ chống tham nhũng?", báo Thanh niên cho biếttrong buổi thảo luận dự thảo luật Tổ chức Chính phủ gần đây, các ĐBQH thấy rằng đấu tranh chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Song dự thảo luật chưa thể hiện được điều này, theo họ cần ủng hộ và xem xét lại vai trò của Thủ tướng trong vấn đề chống tham nhũng.
Tình hình tham nhũng càng ngày càng phát triển, còn tình hình chống tham nhũng ngày càng tệ. Kết quả cho đến giờ có thể nói rằng tham nhũng ở VN là vô phương cứu chữa, bởi vì nó dột từ trên dột xuống và tham nhũng tràn lan từ cấp trung ương đến tận cấp Phường, Xã
TS. Phạm Chí Dũng
Được biết từ đầu năm 2013 trở về trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng đảm trách chức vụ Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, một cơ quan phòng chống tham nhũng hàng đầu ở VN. Nhưng sau đó, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trở thành cơ quan trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng BT Nguyễn Phú Trọng trực tiếp phụ trách.
Đánh giá gì về thành tích chống tham nhũng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong những năm trước đây, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, một nhà bất đồng chính kiến, nguyên biên tập viên tạp chí Cộng sản cho biết suy nghĩ của ông, ông nói:
“Công tác phòng chống tham nhũng của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong thời kỳ ông nắm trọng trách này thì chúng ta thấy rằng, cũng đã phát hiện ra một số các trường hợp hay vụ việc không phải điển hình và phần lớn do nước ngoài phát hiện ra. Ví dụ như các vụ Đại lộ Đông-Tây hay PMU18, đó là các vụ việc không phải do bên trong phát hiện ra mà là do bên ngoài. Nếu để bên Chính phủ, tức là Hành pháp điều hành theo tôi nghĩ hiệu quả sẽ không được cao.”
TS. Phạm Chí Dũng khẳng định:
“Thời kỳ ông Dũng nắm quyền (chống tham nhũng) là thời kỳ nhiều người đánh giá là tham nhũng nhiều nhất, nặng nề nhất, sâu xa nhất ở VN. Không những thế tiến từ tham nhũng nhỏ thành tham nhũng lớn, từ nhóm lợi ích nhỏ thành nhóm lợi ích lớn và chỉ đến năm 2011 thì người ta mới chịu thừa nhận khái niệm về các nhóm lợi ích ở VN. Bao gồm từ các nhóm kinh doanh đầu cơ cho đến các nhóm tham nhũng chính sách. Đặc biệt như chúng ta thấy đã xảy ra hàng loạt vụ việc như Vinaline, Vinashin… và điện lực, xăng dầu. Kể cả những nhóm đầu cơ kinh doanh vàng bạc, BĐS, chứng khoán vô cùng nhiều.”
Diệt tham nhũng phải diệt từ nóc
Cách đây hai năm, trước Hội nghị trung ương 4 khóa 11 diễn ra, trên YouTube loan tải một video clip cho thấy, nói chuyện trước 4.500 cán bộ tại thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh đã nói về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như sau, ông nói:
“Ông tưởng ông ngon lắm. Ông tưởng họ kính nể họ chấp tay họ bái phục ông cho nên đừng có vội cứ nhìn cái mặt tốt của mình, chỉ thấy bên ngoài thôi chứ còn nhiều vấn đề lắm. Họ làm sai là từ chức chứ mình làm sai rồi cứ nhơn nhơn tỉnh queo coi như không có vấn đề gì. Cách chức thì ảnh chịu thôi chứ biểu ảnh từ chức thì ảnh không từ! Ảnh nói có bao nhiêu người phải từ đâu mà tôi từ? Có lòng tự trọng lắm đấy. Họ làm sai thì từ chức còn mình làm sai thì cùng lắm kiểm điểm rút kinh nghiệm. Cho nên không có cái dây nào nó dài hơn cái dây kinh nghiệm.Rút miết mà không bao giờ hết.”
Trả lời câu hỏi, có nên để Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trở lại nắm giữ công tác phòng chống tham nhũng hay không?
Tham nhũng ở VN là kinh hoàng và vô phương cứu chữa. Còn hiện nay tình hình là vô phương, còn muốn làm một cái gì đó để giải quyết một phần nhỏ nhoi vấn nạn tham nhũng thì VN phải đả hổ trước khi diệt ruồi. Có nghĩa là phải diệt tham nhũng từ nóc
TS. Phạm Chí Dũng
TS. Phạm Chí Dũng khẳng định:
“Vừa nên, vừa không nên. Nên vì hành pháp chống tham nhũng là hiệu quả nhất nhưng không nên cũng vì hành pháp nằm trong tay một Thủ tướng với 02 đời nhiệm kỳ gây ra tham nhũng nhiều nhất ở VN. Rất khó có thể chuyển đổi Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng về trong tay một Thủ tướng, tôi chỉ muốn nói rằng nếu ở cương vị một Thủ tướng khác thì có thể, một phần nào đó chống được tham nhũng. Chứ còn để trong tay ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì tôi không có một chút hy vọng nào cả. Vì tôi đã giải thích, trong suốt quá trình điều hành của ông Nguyễn Tấn Dũng thì VN đã trở thành một đất nước tham nhũng nhất thế giới và là một trong thời kỳ tham nhũng nhất trong lịch sử của VN. Đó chính là lý do vì sao tôi đã không tin tưởng nếu ông Nguyễn Tấn Dũng điều hành chống tham nhũng. ”
Bằng một thái độ thận trọng, Nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho biết:
“Theo tôi là không nên, vì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là đại diện cho bên Hành pháp, như vậy các vấn đề về tham nhũng, tiêu cực phần lớn sẽ nằm bên điều hành của Chính phủ. Cần phải có một cơ quan phòng chống tham nhũng hoàn toàn độc lập là tốt nhất, song nếu như chưa có điều kiện có tổ chức chống tham nhũng độc lập thì ít nhất là bên Đảng. Dù rằng Đảng và Nhà nước là 1, song ít nhất là nó có một sự phân biệt, một bên là điều hành, một bên là chủ trương đường lối, ít nhiều nó cũng có sự cách biệt thì hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng sẽ cao hơn.”
Nói về các giải pháp gì để đẩy mạnh và làm cho công tác phòng chống tham nhũng ở VN có hiệu quả. TS. Phạm Chí Dũng thấy rằng vấn đề cơ bản muốn diệt dược tham nhũng thì phải chống từ trên xuống. Ông nói:
“Tôi muốn nhắc lại theo đánh giá riêng của tôi là tham nhũng ở VN là kinh hoàng và vô phương cứu chữa. Còn hiện nay tình hình là vô phương, còn muốn làm một cái gì đó để giải quyết một phần nhỏ nhoi vấn nạn tham nhũng thì VN phải đả hổ trước khi diệt ruồi. Có nghĩa là phải diệt tham nhũng từ nóc – từ trung ương và hãy làm một chút gì đó man mác như Tập Cận Bình đã và đang làm ở TQ.”
Xin nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nói về tình trạng tham nhũng ở VN, đã cho rằng: "Hiện tượng hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực đúng là lắm lúc nghĩ hết sức sốt ruột, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có...". Để thấy sự tồn vong của chế độ hiện nay đang đứng trước nguy cơ sống còn, đã đến lúc họ cần có các giải pháp cụ thể để chặn đứng vấn nạn này.