Từ bài văn bị điểm kém
Khoảng một năm về trước, dư luận sôi nổi bàn thảo về việc chỉnh sửa nội dung câu chuyện cổ tích “Tấm Cám” trong sách giáo khoa. Có rất nhiều ý kiến ủng hộ thay đổi đoạn kết để truyện được nhân văn hơn và phù hợp với xu hướng giảng dạy về tính nhân bản cho học sinh trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng cần phải giữ gìn nguyên bản các câu chuyện dân gian, đặc biệt đối với truyện “Tấm Cám” trong ngụ ý là cái ác phải bị tiêu diệt tận gốc rễ.
Trong những ngày vừa qua, một lần nữa, câu chuyện cổ tích “Tấm Cám” lại là tâm điểm tranh cãi của những người quan tâm từ học sinh, phụ huynh, cho đến giáo viên, các nhà nghiên cứu tâm lý và các chuyên gia xã hội. Với đề bài “Hãy nhập vai nhân vật Cám, kể lại chuyện cổ tích Tấm Cám”, một bạn học sinh phổ thông trung học đã hoàn tất bài luận văn của mình mà theo nhận xét của dư luận là “đặc sắc”. Đoạn kết của bài văn được viết như sau:
“Rồi có một con đến thử rất giống con Tấm nhưng đẹp hơn, nó chỉ gần bằng tao thôi sao lại vừa giầy nhỉ. Bực quá! Gọi nó thì đúng nó rồi. Vua đưa nó về tổ chức đám cưới luôn mới sợ. Con này là con ôsin mà, vua mù rồi. Đến ngày giỗ bố nó cũng biết đường vác mặt mà về. Bây giờ oai như cóc rồi, bà sẽ cho mày một phen".
Theo yêu cầu là phải nhập vai nhân vật Cám, bài văn nhận được sự ủng hộ của nhiều người vì học sinh này rất sáng tạo và lột tả được tính cách ác độc của nhân vật Cám. Tuy nhiên, bài văn chỉ nhận được 3, 25 điểm với lời nhận xét của giáo viên là “nhân vật Cám của em đáng sợ quá!” bên cạnh nhận xét về “chữ nghĩa cẩu thả” và “không biết cách làm bài nghị luận xã hội”.
Trong cuộc trao đổi giữa các học sinh với đài RFA, các em cho biết sẽ viết bài luận văn như bạn học sinh ở Hà Nội nếu đề bài yêu cầu nhập vai Cám. Các em đều cho rằng sẽ rất thích những đề bài luận văn như thế vì các em thích sự trải nghiệm mới, thách thức mới. Nếu cứ mãi gò bó vào một nhân vật khuôn mẫu sẽ rất nhàm chán, bài văn trở nên mờ nhạt và sáo rỗng. Học sinh tên Mai ở TP. HCM cho biết vì sao ủng hộ bài luận văn của bạn học sinh ở Hà Nội:
“Chắc là sẽ viết giống như vậy. Với lại nhìn vào lời phê của cô giáo thấy rất bất hợp lý so với đề bài cô cho. Cho là đóng nhân vật Cám nhưng cô phê trong đó là sai theo bài nghị luận xã hội. Nếu yêu cầu đóng vai Cám thì bạn đã làm đúng đề chứ đâu lạc đề như cô nói đâu. Nhân vật Cám mà bạn xây dựng rất đặc sắc. Nó đúng theo hình tượng của cô gái rất đanh đá, chanh chua và độc ác chứ không có gì giống như cô nói là vai Cám của em quá đáng sợ.”
Như theo suy nghĩ và cảm nhận của nhiều người thì câu hỏi đặt ra vì sao cô giáo ra đề bài lại tự mâu thuẫn với chính mình? Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình nhận xét diễn viên một khi đóng vai phản diện quá đạt có thể bị công chúng lên án và có khi mang họa vào thân nhưng chính diễn viên đó đã thành công trong vai diễn. Trong trường hợp học sinh dùng lời lẽ đưa đến đỉnh điểm để người đọc phải phẫn nộ, cô giáo là người ra đề nhưng cô giáo không thể kiểm soát được bản thân mình và đưa ra nhận xét cũng như cho điểm thấp, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình lý giải về quyết định của cô giáo:
“Ở chỗ này phải thông cảm cho, tức là cô giáo đã có thể không hình dung nổi được rằng phần bụi bặm, phần nhem nhuốc, phần lăn lê bò toài, phần nhếch nhác của xã hội đã thẩm vào học trò mình lớn như thế. Nên cũng phải nhận hộ cho cô giáo như vậy.”
Phản ánh hiện thực xã hội
Rõ ràng lời nhận xét “nhân vật Cám của em đáng sợ quá” của cô giáo không gói gọn trong một bài luận văn mà lời nhận xét này phản ảnh một sự lo lắng về nhân cách của một con người trong xã hội. Học sinh sử dụng ngôn ngữ biểu đạt cũng như cách hành xử trong đời sống thực tiễn là do ảnh hưởng từ phim ảnh, sách báo và qua những người mà các em tiếp xúc hằng ngày. Do đó nhu cầu giáo dục của nhà trường về trí thể mỹ đức cho học sinh là điều tất yếu. Thế nhưng, những câu chuyện cổ tích Việt Nam như “Thạch Sanh Lý Thông”, “Ăn Khế Trả Vàng”, “Tấm Cám” đều kết thúc bằng hình ảnh kẻ ác bị diệt trừ. Riêng truyện “Tấm Cám” lại kết thúc bằng hành động giết người của Tấm. Liệu rằng những câu chuyện dân gian này có còn phù hợp để giảng dạy trong nhà trường với mục đích giúp cho học sinh hướng về đời sống chân thiện mỹ? Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình đưa ra nhận định:
“Văn học dân gian là kết tinh trí tuệ của nhân dân. Lúc đầu cũng có người sáng tạo hẳn hoi nhưng do bị sửa đi sửa lại rất nhiều và dần dần trở thành thành tựu của trí tuệ. Cho nên việc rao giảng các bài học đó là cần thiết nhưng vấn đề là đọc những bài giảng đó, đọc những câu chuyện đó rồi thẩm như thế nào là phụ thuộc vào người lên lớp. Cho nên tôi nghĩ rằng là trong tương lai người ta vẫn tiếp tục dạy những bài học luân lý, đưa những câu chuyện ngụ ngôn dưới dạng truyện này truyện khác hướng đến cái thiện. Vậy thì những bài học đó vẫn là tuyệt vời.”
Cô giáo đã có thể không hình dung nổi được rằng phần bụi bặm, phần nhem nhuốc, phần lăn lê bò toài, phần nhếch nhác của xã hội đã thẩm vào học trò mình lớn như thế. <br/>Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình
Trong số những học sinh chúng tôi tiếp xúc, các em cho biết rất thích được hóa thân vào những nhân vật đa dạng khác nhau chẳng hạn như nhân vật Cám là một điển hình. Có em cho rằng sẽ thể hiện nhân vật Cám còn “ấn tượng” và độc ác hơn cả nhân vật Cám của bạn học sinh ở Hà Nội nhưng sẽ đưa vào thêm những lập luận về nhân vật Cám ở cuối bài luận văn. Các em chia sẻ là muốn được sáng tạo qua nhân vật Cám nhưng chắc chắn sẽ chọn cách sống của Tấm vì bao giờ ai cũng muốn mình làm người tốt, được xã hội tôn trọng và yêu mến.
Những câu chuyên cổ tích trong đó có truyện “Tấm Cám” là bản sắc văn hóa của Việt Nam. Thế hệ trẻ Việt Nam mong muốn được học hỏi, hiểu biết và tiếp tục lưu truyền nét văn hóa này. Thông điệp từ văn học dân gian có mang ý nghĩa truyền dạy “ở hiền gặp lành” và hướng con người đến cuộc sống đạo đức, tích cực hay không là tùy thuộc vào bản lãnh của người giáo viên trên bục giảng.
Theo dòng thời sự:
- Chuyện về những bài văn lạ
- Những bài thơ tranh đấu
- Nửa số giáo viên hối hận vì nghề đã chọn
- Hiện trạng mê muội thần tượng của giới trẻ
- Đồng nghiệp nghĩ gì về cô giáo uất ức tự tử
- Có nên bỏ khẩu hiệu "tiên học lễ, hậu học văn"?
- "Thương cho roi cho vọt" đã lỗi thời?
- Hiện tượng tâng bốc thơ của giới chức Việt Nam