Hội nghị Quốc tế lần thứ 5 về Chống Án tử hình vừa diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha từ ngày 12-15/6/2013. Xu hướng chung của thế giới ngày càng có nhiều quốc gia xóa bỏ án tử hình. Liệu VN nằm trong danh sách các quốc gia tiến bộ không áp dụng án lệnh bị cho là vô nhân đạo này hay không?
Hy vọng cho các tử tù
Hội nghị Thế giới lần thứ 5 về Chống Án tử hình tại Madrid, Tây Ban Nha kết thúc với niềm hy vọng cho các tử tù khắp nơi trên thế giới khi ngày càng có nhiều quốc gia bãi bỏ án tử hình. Trong năm 2012, Mông Cổ, Cộng hòa Honuras và Dominican cùng 2 tiểu bang Illinois và Connecticut của Hòa Kỳ bãi bỏ án lệnh này.
Riêng VN được Tổ chức Ân xá Quốc tế, Amnesty International, ghi nhận là không có trường hợp tử hình nào trong năm qua. Có phải VN không thi hình hành án tử hình trong năm 2012 nhằm để chứng minh với quốc tế đang có những bước cải thiện về nhân quyền cũng như đang trong quá trình cải cách không áp dụng án lệnh tử hình đối với tử tội?
Ngay sau khi bản phúc trình nhân quyền thường niên năm 2013 được công bố, Đại diện của tổ chức Ân xá Quốc tế, ông Rupert Abbott nói với đài ACTD vì sao VN không có trường hợp tử hình nào trong thời gian qua:
Theo số liệu chính thức của chính phủ VN thì từ tháng 11 năm ngoái thì có trên 500 tù nhân bị kêu án tử hình, trong đó 100 người sắp bị xử tử. <br/> -Ông Rupert Abbott
“Mối quan tâm khác là án tử hình mà VN đang áp dụng. Theo số liệu chính thức của chính phủ VN thì từ tháng 11 năm ngoái thì có trên 500 tù nhân bị kêu án tử hình, trong đó 100 người sắp bị xử tử. Tin tức gần đây cho thấy VN chưa thể áp dụng việc tiêm thuốc đối với tử tội vì các nước EU cấm xuất khẩu độc chất tiêm trên người bị xử tử. Đó là lý do ở VN không có vụ xử tử nào từ tháng 7/2011 đến giờ”.
Trước quyết định của EU không bán thuốc độc dùng để tiêm cho tử tù, VN tuyên bố tự sản xuất loại thuốc gây chết người này. Chính phủ VN vừa ban hành nghị định mới quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Theo nghị định mới thì thuốc sử dụng để tiêm cho tử tù gồm 3 loại: thuốc làm mất trí giác, thuốc làm tê liệt hệ vận động và thuốc làm ngưng hoạt động của tim. 5 nhà thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc được xây dựng và lắp đặt đầy đủ các thiết bị cho việc thi hành án.
Trả lời phiên chất vấn tại Quốc hội hôm 14 tháng Sáu, Bộ trưởng Bộ Công an, ông Trần Đại Quang cho hay là Nghị định 47 của Chính phủ sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 27/6. Sau đó sẽ cho tiến hành ngay việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
Với chủ trương tiêm thuốc độc cho tử tù mang tính nhân đạo hơn được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Thế nhưng vẫn còn đó nhiều nghi ngại về khả năng VN tự bào chế thuốc. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Viện nghiên cứu y khoa Garvan, Australia, cho biết quy trình sản xuất ra loại độc dược này không hề đơn giản. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhận xét VN có thể sản xuất ra thành phẩm của những loại thuốc này hay không thì vẫn có nhiều vấn đề cần được cân nhắc. Giáo sư Tuấn đặt ra 3 vấn đề:
“Tôi nghĩ đến 3 vấn đề: thứ nhất là thuốc có được thí nghiệm trên động vật trước khi đưa vào sử dụng hay không? Giả sử tiêm thuốc vào cho một tử tù mà tử tù không chết thì làm sao? Thành ra phải thử nghiệm trước mới được. Và ai sẽ là người dùng thí nghiệm đó?
Vấn đề thứ hai là có đạt y đức không? Y đức ở đây tôi muốn nói là nếu thuốc có hiệu quả tối thiểu hóa đau đớn và sự đau khổ của tử tù thì làm sao biết được? Còn nếu VN sản xuất ra thuốc làm cho tử tù đau đớn trước khi chết thì điều đó tôi nghĩ rằng cũng vi phạm y đức.
Vấn đề thứ ba, ai sẽ là người tiêm thuốc cho tử tù? Bác sĩ, y sĩ, y tá tiêm thuốc thì sẽ vi phạm y đức. Bởi vì những người này đã tuyên thệ là sẽ không gây hại cho người ta. Nhưng nếu người ngoài ngành y mà tiêm thuốc thì họ không có tư cách để làm việc này”.
Hơn 500 tử tội ở VN
Dù nghị định 47 có hiệu lực từ ngày 27/6/2013, dù Bộ trưởng Công An tuyên bố cho tiến hành ngay tiêm thuốc độc cho tử tù thì hơn 500 tử tội ở VN vẫn đang chờ đợi thời điểm hành quyết. Tử tù Joaquin Matinez được phóng thích ở Hoa Kỳ chia sẻ với đài RFA khi tham dự Hội nghị Quốc tế Chống Án tử hình ở Tây Ban Nha về tâm trạng sống của tử tù mỗi ngày trôi qua trong sự tra tấn dã man về tinh thần và tâm lý. Nhiều tù nhân không chịu nỗi cảnh sống này nên làm đơn xin được chết sớm hơn. Tử tù ở VN cũng thế. Họ cho biết họ sợ cảm giác chờ chết trong mỗi giây phút qua đi.
Câu hỏi đặt ra là VN có nên tiếp tục duy trì bản án tử hình trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” hay không? TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình nhận định:
Tôi cho rằng thì sớm hay muộn thì VN cũng sẽ theo xu hướng chung là càng ngày càng nhân đạo hơn trong biện pháp trừng phạt. <br/> -TS Trịnh Hòa Bình
"Tôi cho rằng thì sớm hay muộn thì VN cũng sẽ theo xu hướng chung là càng ngày càng nhân đạo hơn trong biện pháp trừng phạt. Có nghĩa là trong tương lai các tội danh chịu mức phạt tử hình tính về lâu dài cũng sẽ bỏ thôi nhưng chắc chắn không phải ngay lập tức được. Tôi nghĩ rằng là ngay bây giờ VN chưa bỏ những án tù mức cao như vậy. Chắc chắn trong tương lai sẽ bỏ thôi. Điều đó phụ thuộc vào… nói chung phụ thuộc vào lịch sử nghe có vẻ buồn cười nhưng phụ thuộc vào cả dân trí, phụ thuộc vào quá trình nâng cao ý thức luật pháp với lại sự biến đổi nói chung của xã hội".
Trong bối cảnh xã hội VN hiện nay, nếu những bản án tử hình không bãi bỏ được thì đặt ngược vấn đề là việc áp dụng các bản án này có tác động gì đến xã hội? Một thanh niên ở TP. Hồ Chí Minh nêu lên cảm nghĩ của mình:
“Theo mình, với luật pháp VN những bản án rất là nghiêm khắc, đúng người đúng tội nhưng mình nghĩ văn hóa, lối sống, môi trường sống, và đặc thù tính cách dân tộc VN thì thật sự bản án tử hình không răn đe được người ta nhiều đâu. Theo mình nghĩ thì không cải thiện được cũng như không làm thức tỉnh những người khác tránh được chuyện vi phạm pháp luật”.
Đối với tổ chức Ân xá Quốc tế thì việc tử hình là xâm phạm quyền sống của người khác. Xét về án tử hình không còn hợp thời, Amnesty International đã và đang yêu cầu VN chấm dứt áp dụng án lệnh này. 532 tử tội ở VN đang chờ ngày hành quyết không có chút hy vọng nào được giảm án thành chung thân. Và câu hỏi khi nào VN thành công trong việc tự bào chế độc dược cho tử tù vẫn chưa có lời đáp.