Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ thiếu nước ngọt từ nguồn, do bị các đập nước lớn của Trung Quốc chặn lại. Chuyện này tạo điều kiện cho nước mặn xâm nhập vào vùng đồng bằng. Đây là một nguy cơ đe dọa nền nông nghiệp lúa nước của vùng này. Đứng trước nguy cơ đó, việc nuôi tôm đã được khuyến khích trong những năm qua, và tạo nên một lượng hàng xuất khẩu lớn cho Việt Nam.
Bên cạnh thuận lợi to lớn đó, việc phát triển nghề nuôi tôm tại vùng này có thể có những hậu quả xấu hay không?
Vốn và cuộc sống nông dân vẫn bấp bênh
Theo những thông tin được trang tin của chính phủ Việt Nam loan đi vào đầu tháng hai năm 2017 thì Việt Nam đã thực hiện một chương trình mang số 224 để thúc đẩy nghề nuôi tôm từ năm 2000 đến 2010.Sau 10 năm thực hiện, xuất khẩu tôm của Việt Nam vào năm 2010 đạt số tiền 2 tỉ 100 ngàn đô la Mỹ.
Chính phủ Việt Nam cũng cho biết năm 2016 Việt Nam xuất khẩu tôm được 3 tỉ 150 ngàn đô la Mỹ.
Tuy nhiên trong bản tin ngày 6 tháng 2 năm 2017 không thấy nói đến việc đời sống của người nông dân có được cải thiện hay không.
Điều kiện thuận lợi thì cũng không thể không vay. Tại vì lời thì có lời nếu như thuận lợi, nhưng mà không đủ để mà lấp vụ, tức là số dư đó không đủ để lấp vụ là cải tạo ao đìa, thả con giống mới<br/>-Anh Tư, bán hải sản<br/>
Ông Chín, một người nuôi tôm thành công ở Bạc Liêu cho rằng hiện nay người nông dân vẫn còn cần sự trợ giúp về vốn của chính phủ để nuôi tôm:
“Bây giờ nếu nhà nước hổ trợ đầu tư cho nông dân thất bát mấy vụ liền, bây giờ nông dân người ta cần giải ngân, chú thì chú không cần, nhưng nông dân nuôi trồng hải sản, nuôi tôm công nghiệp là cần lắm, vì người ta thiếu vốn.”
Ông cho biết thêm là ngoài ra còn có chuyện người nông dân bắt đầu nuôi tôm ở thời điểm tôm có giá cao, nhưng sau đó bị ép giá, bán hàng không được như mong đợi. Theo ông Chín, giới thương lái sẽ tìm cách ép giá của nông dân nếu như trong thời gian nuôi, họ thấy có những dấu hiệu tôm bị bệnh.
Anh Tư, một nông dân khác nuôi tôm thất bại chuyển sang làm nghề mua hải sản cho các nhà hàng tại Sài Gòn từ năm 2006, cho biết là vùng duyên hải đồng bằng sông Cửu Long rất thuận tiện cho việc nuôi tôm, nhưng cho đến nay đại đa số người nuôi tôm vẫn không đủ vốn để phát triển nghề này:
"Điều kiện thuận lợi thì cũng không thể không vay. Tại vì lời thì có lời nếu như thuận lợi, nhưng mà không đủ để mà lấp vụ, tức là số dư đó không đủ để lấp vụ là cải tạo ao đìa, thả con giống mới."
Anh Tư nói thêm là nông dân Đồng bằng sông Cửu Long hiện không phải là những người trực tiếp bán sản phẩm của mình ra thị trường trong nước hay nước ngoài, mà đầu tiên phải qua tay giới thương lái. Những thương lái này sau đó gom tôm bán cho các công ty chế biến.
Môi trường bị đe dọa vì nghề nuôi tôm

Trong một lần trả lời phỏng vấn của chúng tôi, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn Viện trưởng viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết là việc thâm canh nuôi cá da trơn tại đây gây ô nhiễm môi trường do lượng thức ăn công nghiệp dư thừa trong nước khi nuôi cá. Ngành nuôi tôm công nghiệp cũng tạo nên một hậu quả tương tự. Tất cả những nông dân mà chúng tôi tiếp xúc đều nói đến một trở ngại lớn cho ngành nuôi tôm là môi trường bị ô nhiễm do chính những người nuôi tôm tạo ra.
Anh Phong, người có đến 20 hec ta mặt nước để nuôi tôm ở Kiên Giang, nói với chúng tôi:
“Môi trường nuôi tôm có nhiều chổ xả nước ra có tôm dịch bệnh. Người này xả ra, người kia hứng vô.”
Hiện tại vùng đồng bằng có hai phương cách nuôi tôm, thứ nhất là nuôi theo lối công nghiệp, thâm canh năng suất cao, thứ hai là nuôi quảng canh, năng suất thấp hơn, nhưng tôm phát triển tự nhiên không ăn những thức ăn công nghiệp, và có khả năng bán được giá cao ở các quốc gia phát triển ở phương Tây.
Cách nuôi tôm công nghiệp mang đến một lượng hàng hóa lớn, nhưng cũng được cho là thủ phạm hủy hoại các cánh rừng ngập mặn rất quí giá có vai trò ngăn xói mòn bờ biển cũng như chống bão tố.
Theo một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc thì từ năm 1980 đến năm 2012, có đến một phần năm diện tích rừng ngập mặn trên thế giới bị phá hủy vì nghề nuôi tôm, trong đó đa số là tại các quốc gia Đông Nam Á. Rừng ngập mặn bị phá hủy để mở rộng diện tích nuôi tôm, và rừng đước cũng bị chết vì lượng thuốc kháng sinh xả ra từ các trại nuôi tôm công nghiệp.
Nuôi quảng canh mà quảng lý không chặc thì thua còn nhiều hơn nuôi công nghiệp, nuôi khép kín nữa.<br/>-Chú Chín Bạc Liêu<br/>
Anh Tư cho chúng tôi biết:
"Hiện giờ ở vùng U Minh thượng, rừng đước còn rất là lưa thưa. Ngày xưa U Minh thượng, U Minh Hạ chủ yếu là rừng đước, rừng ngập mặn, bây giờ rất lưa thưa. Chỉ có vùng mà đối tác Thụy sĩ người ta đầu tư nuôi tôm sạch ở Cà Mau, là còn rừng đước, người ta nuôi trong rừng đước."
Việc nuôi tôm sạch mà anh Tư đề cập chính là cách nuôi tôm quảng canh dựa vào thiên nhiên, không sử dụng thức ăn công nghiệp cũng như thuốc kháng sinh. Việc nuôi quảng canh cũng sẽ không phá hủy các cánh rừng ngập mặn, mà trái lại góp phần giữ gìn những cánh rừng đó.
Trong bài báo nói về việc phát triển nghề nuôi tôm do trang tin chính phủ Việt Nam loan tải cũng có nhắc đến việc phát triển việc nuôi tôm sinh thái bền vững, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên theo ông Chín ở Bạc Liêu thì nông dân không mặn mà lắm với cách thức này:
“Nuôi công nghiệp cho chắc cú, chứ nuôi quảng canh biết làm sao mà nói được. Cũng chẳng được giá gì đâu, cũng xa cạ thôi. Nuôi quảng canh mà quảng lý không chặc thì thua còn nhiều hơn nuôi công nghiệp, nuôi khép kín nữa.”
Ngoài ra còn một khó khăn nữa ở giai đoạn đưa tôm đi tiêu thụ là không thể kiểm soát được tôm nào là tôm công nghiệp, tôm nào là tôm sinh thái nuôi quảng canh. Anh Tư cho biết:
"Hiện nay ở Việt Nam, tôm đưa ra thị trường có thể gọi là tôm bẩn. Bởi vì nếu không bơm chích thì cũng nhiễm kháng sinh. Có những đầm nuôi tôm quảng canh, thì đó là tôm sạch, nhưng khi qua tay thương lái thì nó trở thành tôm bẩn. Nhưng số lượng nuôi tôm quảng canh hiện giờ rất là ít."
Ngày 14 tháng 2/2017, chính phủ Hàn Quốc công bố rằng tôm xuất khẩu từ Việt Nam phải được kiểm dịch trước khi vào thị trường nước này.
Theo anh Tư, thì nhu cầu về tôm sạch nuôi quảng canh không chỉ cao ở phương Tây mà cũng cao nơi khách tiêu dùng người Việt Nam trong nước.
Đầu năm nay, Thủ tướng Việt Nam tuyên bố rằng sẽ biến Việt Nam thành công trường nuôi tôm của thế giới. Tuy nhiên việc phát triển nghề tôm có làm cho người nông dân đồng bằng Cửu Long giàu có hơn, và tránh được các thảm họa môi trường hay không lại vẫn còn là một câu hỏi lớn.