Biểu tình yên lặng
Sáng 25/3, tại thủ phủ Austin của TB Texas, đã có một buổi lễ Động thổ (Ground Breaking) để xây dựng Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Texas Tham Chiến tại Việt Nam. Nhiều người Mỹ gốc Việt tham dự buổi Lễ này nhưng là để phản đối việc thay đổi tên gọi cũng như hình tượng của Đài Tưởng Niệm.
Không e ngại trước cái lạnh bất thường của những ngày đầu mùa Xuân Texas, trên dưới 700 người đã tề tựu trong khuôn viên tòa nhà Quốc hội tại Austin, để tham dự buổi lễ động thổ, xây dựng Tượng đài Cựu chiến binh Việt Nam gốc Texas. Buổi lễ rất long trọng với 21 phát súng đại bác, đoàn Quân Nhạc truyền thống, cũng như tất cả lễ nghi cần thiết dành cho những lễ lớn của tiểu bang.
Trong số người tham dự, có khoảng một trăm người Mỹ gốc Việt đến từ nhiều nơi trên tiểu bang Texas. Những người Việt này cùng với một số cựu chiến binh Hoa Kỳ đứng yên lặng bên những tấm biểu ngữ viết bằng Anh ngữ:
“Please sign petition to governor Rick Perry to keep the south Vietnamese soldier in the Texas Capitol Vietnam War Monument” - Xin hãy ký tên vào thỉnh nguyện thư gửi Thống đốc Rick Perry để giữ lại hình tượng người lính Việt Nam Cộng Hòa trong Tượng đài Chiến tranh Việt Nam, hay là:
“Please Keep The Original Title and Design of VietNam Monument” - Xin giữ tên gọi và hình tượng ban đầu của Tượng đài Chiến tranh Việt Nam.
Họ không hô hào, không la ó nhưng đã gây được sự chú ý của người dân cũng như chính giới của tiểu bang Texas. Ông Trần Nhơn Mai chia sẻ:
“Rất là đông, rất là happy, rất là vui... Rất nhiều người Việt. Chúng tôi không hô hào gì cả, chúng tôi chỉ giăng những tấm biểu ngữ...”
Sở dĩ có cuộc biểu tình yên lặng này là vì có sự thay đổi trong tên gọi của Tượng đài kỷ niệm.
Chúng tôi rất ủng hộ việc xây dựng tượng đài. Cái tượng đài nguyên thủy cách đây mấy năm trước, họ làm đồ án, họ đem về đây, trình bày trước một số cựu quân nhân VNCH để gây quĩ. <br/> DS Nguyễn Khoa Diệu Thảo
Vào ngày 20 tháng Năm năm 2005, Thống đốc tiểu bang Texas Rick Perry đã ký chấp thuận dự án xây cất một đài tưởng niệm có tên “The Texas Capitol Vietnam War Monument” - Tượng Đài Chiến tranh Việt Nam tại thủ phủ Texas. Chủ đích ban đầu của Đài tưởng niệm này là để vinh danh những chiến binh Texas, từng phục vụ trong cuộc chiến Việt Nam, chứ không chỉ nhằm vinh danh những người đã bỏ mình. Tượng đài có hình ảnh của người lính Việt Nam Cộng Hòa, nhằm nói lên chủ đích là chiến binh Texas sát cánh bên chiến binh Việt Nam bảo vệ Tự Do. Chi phí xây cất Đài tưởng niệm này sẽ do quĩ tài trợ của tư nhân với sự đóng góp phù hợp (matching) lên tới 500.000 Mỹ kim của Ủy ban Lịch sử Tiểu bang Texas.
Từ năm 2006, điêu khắc gia Duke Sundt thiết kế một mô hình mẫu, có tượng người lính VNCH bên cạnh những cựu chiến binh Mỹ đã chiến đấu trong cuộc chiến Việt Nam. Mô hình này đã được Ủy Ban Cố Vấn và Ủy Ban Xây dựng Tượng Đài chấp thuận và luân chuyển đến nhiều thành phố trong tiểu bang Texas để gây quĩ cho việc xây cất. Tại Houston, một nhóm chuyên gia trẻ đã hưởng ứng lời kêu gọi này bằng cách đóng góp tịnh tài và phổ biến công cuộc quyên góp.
Sau hơn 5 năm quyên góp thì đến tháng 7 năm 2012, Ủy ban Xây dựng Tượng Đài đã tự ý đổi tên đài tưởng niệm thành “The Texas Capitol Vietnam Veterans Monument” - Đài Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam tại Thủ Phủ Texas, mà không hội ý với Ủy ban Cố vấn, trong đó có dân biểu Hubert Võ, hay cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Từ đó, nhóm chuyên gia trẻ gốc Việt, với sự hợp tác của một số cựu chiến binh Hoa kỳ, từng tham chiến tại Việt Nam, thành lập "Ủy ban Bảo vệ Tượng Đài". Một thành viên của Ủy ban này là dược sĩ Nguyễn Khoa Diệu Thảo chia sẻ tâm tình của cô:
“Chúng tôi không phản đối việc xây dựng tượng đài. Chúng tôi rất ủng hộ việc xây dựng tượng đài. Cái tượng đài nguyên thủy cách đây mấy năm trước, họ làm đồ án, họ đem về đây, trình bày trước một số cựu quân nhân VNCH để gây quĩ. Tuy không gây quĩ được nhiều lắm nhưng nhiều người có lòng đã đóng góp trong công việc xây dựng tượng đài tại thủ phủ Austin. Nhưng đến tháng 7 năm 2012 thì họ lại thay đổi. Thay vì người lính VHCH thì họ đổi lại là người lính Mỹ gốc Á Châu. Đối với em, cũng như các bạn trẻ khác, là con cháu của người lính VNCH thì em thấy cái đó là họ coi thường cộng đồng Việt Nam.”
Phản đối thay đổi mô hình
Nha sĩ Alvin Diệu Nguyễn, chủ tịch của Ủy ban Bảo vệ Tượng đài, cho biết là Ủy ban đã gửi thư đến Thống đốc và nhiều nơi khác để phản đối việc thay đổi mô hình cũng như tên gọi của tượng đài. Kế tiếp là Ủy ban thâu thập được trên 10 ngàn chữ ký, để đệ trình lên Thống Đốc Texas:
“Giai đoạn một là chúng tôi gửi thư phản đối đến Thống đốc và các vị dân cử. Trong số đó có thư phản đối của Trung úy Kent Wuest, của thiếu tướng Bailey, của Đại tá Glazier và các hội đoàn dân sự từ Houston ... Sau đó chúng tôi xin 10 ngàn chữ ký của đồng bào. Chúng tôi đến các chùa, nhà thờ và cuối cùng chúng tôi thâu thập được 10.400 chữ ký. Chúng tôi đóng thành 2 quyển sách dày, bao gồm 18 đơn thỉnh nguyện để gửi đến Thống đốc. Chúng tôi in thành 16 bộ sách, cao cỡ 5 feet để đệ trình lên cho Thống đốc, Phó thống đốc cũng như Thượng viện, Hạ viện và các cơ quan của tiểu bang Texas.”
Nha sĩ Alvin Nguyễn cũng chia sẻ rằng khi được tin hình tượng người lính VNCH bị tách rời ra khỏi tượng đài, ông cảm thấy rất ngỡ ngàng:
“Ủy ban Xây dựng Tượng đài gạt chúng tôi. Họ hứa với chúng tôi là có người lính VNCH trong đó. Rồi sau khi chúng tôi gây quĩ, tặng tiền xong, thì họ lấy (người lính VNCH) ra. Chúng tôi thấy có sự kỳ thị người lính VNCH, do một nhóm nào đó, phản chiến hay là không thích chiến tranh Việt Nam. Họ theo cái sự tuyên truyền của CSVN hay gì đó thì tôi không biết. Nhưng rõ ràng rằng là họ kỳ thị người miền Nam Việt Nam, trong đó người lính miền Nam cho nên họ mới lấy người lính VNCH ra...”
Bà Triều Giang, hội trưởng hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hóa Người Mỹ gốc Việt, cũng là thành viên của Ủy Ban Cố Vấn xây dựng tượng đài, là một trong những người đã chấp thuận tượng đài nguyên thủy, giải thích ý nghĩa của hình tượng người lính VNCH như sau:
“Người VN đứng trong tượng đài này không phải là một trong những sắc dân, mà người lính VNCH có ý nghĩa là người Mỹ đến VN để giúp đỡ người VN chống lại CS và giữ tự do cho người VN. Lấy người lính VNCH ra thì cái ý nghĩa của tượng đài nó không còn nữa.”
Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Tượng đài cho biết là dân biểu TB Hubert Võ vận động rất tích cực, từ lúc khởi đầu cho đến bây giờ. Và cho đến giờ phút này Ủy ban Gìn giữ Công thổ (Preservation Board) hay Thống đốc Rick Perry vẫn chưa có quyết định cuối cùng về mô hình mà Ủy ban Xây dựng Tượng đài muốn thay đổi.
Đứng trong nắng và gió Xuân rất lạnh, cô Hoàng Dung ôn tồn giải thích lý do cô và những người bạn tham dự cuộc biểu tình im lặng:
"Chúng em ra đây đ ứ ng với dàn cờ Texas, cờ Mỹ và đặc biệt là có lá cờ Việt Nam, cờ vàng ba sọc đỏ, cũng như với những biểu ngữ chung quanh. Chúng em muốn nói lên tiếng nói là chúng em không có đồng ý với tượng đài mới. Cái tượng đài lúc khởi đầu có hình ảnh người lính Việt Nam của mình, Chúng em ủng hộ cho cái tượng đài đó và kêu gọi mọi người ủng hộ cho cái tượng đài đầu tiên đó. Cuộc biểu tình của chúng em là tụi em đứng giăng biểu ngữ lên chứ không có hành động gì hay hô hào gì vì tôn trọng những gì người lính Mỹ ở đây đang làm."
Buổi lễ Động thổ rất cảm động với sự hiện diện của nhiều nhân vật tên tuổi trong chính giới và cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Texas, nhưng theo bà Triều Giang thì không nhiều người biết việc thay đổi hình tượng cũng như tên gọi của tượng đài:
“Hôm nay là buổi lễ động thổ rất là quan trọng của một bức tượng mà nhiều người nói là lẽ ra phải làm từ lâu lắm rồi mà bây giờ mới làm. Buổi lễ rất là cảm động. Người nói cũng khóc mà người nghe cũng khóc. Có điều lạ là những người quan trọng trong buổi lễ thì rất ít người biết chuyện là có tượng đài cũ rồi đổi sang tượng đài mới. Thành ra hôm nay Ủy Ban Bảo Vệ Tượng Đài làm cái việc rất là tốt. Họ đứng giăng biễu ngữ và phát những tờ rơi cho khách tham dự. Do đó người ta bắt đầu hiểu câu chuyện. Phần lớn thì người ta rất mừng vì có tượng đài để vinh danh và nhớ ơn những người lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam nhưng không biết câu chuyện này. Cái thành công lớn nhất của cuộc biểu tình hôm nay là những người trực tiếp liên hệ đến vấn đề này biết được là trước đây Tượng Đài có người lính VNCH nhưng bây giờ người ta đã thay đổi ...”
Hiền Vy, thông tín viên RFA