Những tiếng chim thị thành

0:00 / 0:00

Gần đây, khắp các thành phố ở Việt Nam, phong trào chơi chim cảnh, thi chim, đá chim và cá độ bằng các trận đấu chim càng ngày càng nở rộ. Điều này dễ nhận thấy mỗi khi đi trên đường 1A, quốc lộ của Việt Nam, chỉ cần đi một đoạn chừng 3km, ghé vào quán nước, thấy ít nhất cũng vài ba chiếc lồng treo trên các cành cây hoặc mái hiên có chứa chim chào mào hoặc chích chòe. Những con chim tội nghiệp này được bẫy về từ khắp mọi miền đất nước. Phong trào chơi chim cảnh ở các tỉnh Tây Nguyên và Miền Đông Đất Đỏ, đặc biệt là Bình Phước, có thể nói rằng đã phát triển đến “đỉnh cao”.

Chơi để thể hiện “đẳng cấp”.

Chỉ riêng thành phố Đồng Xoài, trước đây là thị xã Đồng Xoài đã có trên 20 điểm mua bán chim cảnh và hội chim cảnh. Các hội chim này được tổ chức như một loại hình câu lạc bộ giải trí, mỗi chủ nhiệm câu lạc bộ thường sẽ là một chủ quán cà phê với kiểu thiết kế khá cao cấp và đặc biệt. Sở dĩ nói kiểu thiết kế các quán cà phê này cao cấp và đặc biệt vì tất cả các quán được đặt làm bản doanh, hội quán của câu lạc bộ chơi chim đều thoáng mát, quán vườn, có thiết kế nhà sàn, phục vụ ăn điểm tâm, giá nước bán rất cao và ngoài khoảng sân rộng còn có cả phòng máy lạnh. Nó thiết kế đặc biệt vì mỗi quán có vài chục cây sào dài treo ngang dọc khắp khoảng sân để treo chim.

Cứ đến cuối tuần, các tay chơi chim ở khắp tỉnh Bình Phước mang lồng chim lỉnh kỉnh kéo về các quán, nhìn cảnh này trong vừa ngộ nghĩnh vừa khổ sở còn hơn cả cảnh mấy ông mới có con nhỏ dắt díu vợ con về quê ngoại.

Ông Trung, chủ một quán cà phê được mệnh danh là “vườn chim Bình Phước” thú thật với chúng tôi rằng quán ông đắt khách, ăn nên làm ra được cũng nhờ vào mốt chơi chim bây giờ, chứ nếu bán cho khách vãn lai hoặc khách nghe nhạc thuần túy thì khó mà trụ nổi. Phong trào chơi chim cảnh bây giờ rầm rộ khắp nơi, người ta chơi chim theo thú vui, chiêm nghiệm thì ít mà buôn chim và chạy theo phong trào, ngỡ rằng chơi chim mới thể hiện đẳng cấp thì nhiều.

Hội quán chim ở Bình Phước. RFA
Hội quán chim ở Bình Phước. RFA (RFA)

Người ta chơi chim theo thú vui, chiêm nghiệm thì ít mà buôn chim và chạy theo phong trào, ngỡ rằng chơi chim mới thể hiện đẳng cấp thì nhiều.

Một con chim chào mào núi xứ Huế, nếu hót hay, lông đẹp và chịu được khí hậu nóng nực của Bình Phước từ một năm trở lên, giá của nó thấp nhất cũng mười triệu đồng, nhưng nói về chim chào mào, có vẻ như dòng chào mào Trung Mang ở Phước Sơn, Quảng Nam là được xếp vào đầu bảng, đây là giống chim có thân hình ngắn, chóp mào cũng ngắn, ít rực rỡ như chim chào mào xứ Huế, nhưng tiếng hót của nó thì không chê vào đâu được, giữa cả một rừng chim, tiếng hót của nó cất lên nghe lấn át mọi tiếng chim, nó được xếp vào hàng chúa tể chào mào ở Việt Nam.

Giá chim Trung Mang bổi, nghĩa là chim mới bẫy về cũng đã lên vài ba triệu đồng một con, nếu nuôi quen chủ, thuần thục, giá của chim chào mào Trung Mang có thể lên đến vài chục triệu, lúc này, chủ của nó sẽ hét hai ngàn, ba ngàn đô la khi mua bán nó. Thậm chí, có người đổi cả chiếc xe gắn máy đắt tiền để đi bộ, khính nính mang chiếc lồng chim về nhà. Thực ra, cách chơi như vậy không hẳn người mua chim đã thực sự mê con chim đến mức chấp nhận khổ nhọc như thế, mà phần đông, họ đã nhìn thấy lợi nhuận và đằng cấp chơi trong con chim mình vừa mua.

Ảo giác và thực tại

Ông Việt, chủ một quán cà phê khác ở Đồng Xoài, Bình Phước thì lại cho rằng trò chơi chim là một thứ ảo giác. Cái ảo giác về đẳng cấp trong thú chơi chim cảnh đã phát triển đến độ chim càng ngày càng vắng bóng ở mọi nơi, từ đồng bằng đến núi rừng, ở đâu có tiếng chim hót, liền sau đó sẽ có kẻ vác sào, vác lồng đến nhử. Và, vô hình trung, trò bẫy chim vốn là trò giết thời gian của người nhàn rỗi lại trở thành nghề kiếm tiền có tính chuyên nghiệp.

Một địa điểm bán lồng chim ở miền Đông đất đỏ. RFA
Một địa điểm bán lồng chim ở miền Đông đất đỏ. RFA (RFA)

Phong trào chơi chim phát triển nở rộ, mới nhìn, tưởng dân tình giàu có, đua đòi, nhưng thực chất, đằng sau nó là cả một sự trống rỗng có tính bản thể của quốc gia, dân tộc

Một người chơi chim tên Nguyễn Phụng, là khách của ông Việt, chia sẻ thêm rằng ông thấy buồn vì phong trào chơi chim phát triển nở rộ, mới nhìn, tưởng dân tình giàu có, đua đòi, nhưng thực chất, đằng sau nó là cả một sự trống rỗng có tính bản thể của quốc gia, dân tộc. Ông Phụng khẳng định rằng mình nói không ngoa tí nào khi đặt vấn đề chơi chim ngang hàng với bản thể, cá tính của quốc gia, dân tộc vì sở dĩ có phong trào chơi chim nở rộ đột xuất vì nhu cầu nội thể trong mỗi con người, họ trở nên trống rỗng và thiếu hụt cảm giác tự nhiên, một người nông dân chân lấm tay bùn vốn quen với đồng ruộng, ao cá và tiếng chim hót sau vườn, đùng một cái, nhà nước giải tỏa, đền bù đất cho họ, họ ôm một khoản tiền, thậm chí bán nốt phần đất còn lại để ôm số tiền lớn rồi làm nhà hộp.

Phần cuộc sống còn lại tự dưng bị nhốt vào bốn bức tường bê tông với các tiện nghi toàn điện với điện và nhìn đâu cũng thấy tường và gương, con người trở nên cô đơn đến tột cùng nhưng không nhận biết, thiên nhiên trở nên xa lạ đối với họ, một nỗi luyến tiếc vô hình nào đó xâm chiếm, chơi chim trở thành một nỗi nhắc nhớ dĩ vãng nào đó không định dạng.

Và, cũng theo ông Phụng nói, phong trào chơi chim sẽ còn phát triển rộng rãi, sẽ có những cuộc thi chim cấp nhà nước, vì như thế, ít nhất sẽ làm xoa dịu nỗi buồn mất mát của người nông dân trước mảnh vườn thân yêu xưa cũ. Và xóa đi khoảng trống trong tâm cảm của những nông dân sau cái gọi là công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn nhưng trên thực tế là tập trung đất đai vào tay tư bản đỏ và dồn cư dân vào những khu nhà bê tông vô cảm và xa lạ.

Những tiếng chim ngày càng nở rộ nơi thị thành, bù vào sự thiếu vắng của nó ở các cánh đồng miền quê. Những tiếng chim lạc lỏng và cô đơn, uất nghẹn nơi thị thành, đôi khi giống như một bản đồng ca về chân trời tự do đã bị đánh mất và bản nhiên hồn hậu của nó đã bị bó chặt trong lồng. Cuối bản đồng ca là một câu hỏi đầy nước mắt: Vì đâu?