Đốn nhiều hơn trồng
Nhìn chung, rừng Việt Nam được phân thành 3 loại: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Do nhu cầu phát triển kinh tế xã hội tạo nên sức ép vào rừng ngày một lớn, diện tích rừng tuy có tăng nhưng chất lượng rừng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Hiện nay, tình trạng đốn cây lấy gỗ là nghiêm trọng, tràn lan trên nhiều địa phương, cơ hồ muốn vượt qua tiến độ phát triển rừng. Chẳng hạn từ năm 1996 đến năm 2000, ở các tỉnh Tây Nguyên, trung bình mỗi năm mất 10 ngàn ha rừng tự nhiên. Vừa qua, trong khoảng thời gian 10 ngày nghỉ trước và sau Tết Nguyên đán là khoảng thời gian các lâm tặc hoành hành rất mạnh, Đắk Lắk là một trong các điểm nóng. Chúng tôi đã tìm hiểu về tình hình bảo vệ rừng từ ông Hoàng Văn Xuân, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk thì được biết như sau:
Bởi vì ngay như trong phạm vi giao đất giao rừng thì đôi khi giao mà giao trên giấy tờ thôi, đôi khi không đúng ở ngoài thực tế. Như vậy là quản lý là hơi khó.
TS Ngô Út
“Hiện nay thì với sự cộng tác chỉ đạo của Bộ, của Tổng Cục, của tỉnh và của Ủy ban nhân dân huyện vào cuộc thì tình hình là kiểm soát được. Đã và đang kiểm soát được, nó đỡ đi rất nhiều.
Địa phương và các cơ quan sẽ cố gắng vào cuộc để tình hình nó tiếp tục giảm tiếp, sẽ tốt hơn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có một đoàn kiểm tra chấn chỉnh lại việc quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên trong năm 2012.”
Cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài là một bài toán nan giải. Khi gỗ nguyên liệu làm giấy và cây công nghiệp cho lợi nhuận cao thì diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp lại trở thành một thực tế tất yếu. Ngoài các lý do khách quan, có lẽ một phần nguyên nhân chủ quan còn nằm ngay từ chính mức thu nhập của người làm công tác bảo vệ rừng, với băn khoăn này, thông tín viên Nhân Khánh đã nêu ra trong cuộc nói chuyện với ông Hoàng Văn Xuân thì được nghe ý kiến rằng:
“Báo cáo với ông là nền kinh tế Việt Nam không nói thì ông cũng biết rồi. Nó cũng ở chừng mực nhất định thôi, kinh tế chưa dồi dào. Nhà nghèo thì nó có những việc nhất định, đấy là cái thực tế không ai dấu.
Hiện nay, bình quân của cán bộ chiến sỹ kiểm lâm thì trên dưới 200, nếu tính tiền đô thì 200 còn Việt Nam thì trên dưới 4 triệu. Mà hầu hết là anh em mới vào thì chưa được 4 triệu. Thì đó là do cái chính sách, do cái phân phối của chính phủ, đối nền kinh tế Việt Nam như thế là hợp lý.
Nhưng đối với đời sống thì còn những cái chật vật nhất định. Người cán bộ quản lý bảo vệ rừng thì lại phải có nguồn thu nhập khác từ vợ con, từ tăng gia sản xuất, từ chăn nuôi.”
Ngoài ra, các giải pháp hành chính và kỹ thuật khó có thể đi đến đâu nếu cụm chính sách bảo vệ rừng thiếu sự quan tâm tới đời sống người dân dưới tán rừng. Thực chất theo cơ chế hiện nay, rừng tự nhiên là của nhà nước cho nên nhiệm vụ bảo vệ rừng hầu như trĩu nặng trên vai của lực lượng kiểm lâm còn khá mỏng manh. Do vậy đã có hiện tượng nhiều nơi rừng bị phá mà không được thống kê. Đồng thời, do thiếu thống nhất về phương pháp và các tiêu chí định lượng về rừng, các số liệu về diện tích rừng được công bố rất khác nhau.
Chẳng hạn như trong dự án trồng mới 5 triệu hạ rừng vừa được tổng kết hồi cuối năm ngoái, quá trình triển khai chỉ tiêu đã từng được giảm xuống còn 3 triệu ha rừng với các lý do bất cập về số liệu. Vấn đề này theo ý kiến của Tiến sĩ Ngô Út, Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng, sắp có những bước điều chỉnh trong tương lai gần như sau:
Cái tỷ lệ che phủ rừng, cái này vẫn theo công bố của Thủ tướng thôi. Bây giờ chúng ta vẫn nói là 39% thôi.
TS Ngô Út
“Bây giờ là đang hoàn thiện lại thang phân loại rừng, để mà kiểm cho đến tận chủ hộ. Thì những số liệu trước đây, mà sau khi kiểm kê, những số liệu trước đây thì chỉ là những số liệu tham khảo. Và chỉ lấy số liệu gần nhất, để mà làm.
Bởi vì ngay như trong phạm vi giao đất giao rừng thì đôi khi giao mà giao trên giấy tờ thôi, đôi khi không đúng ở ngoài thực tế. Như vậy là quản lý là hơi khó. Chuyến này là kiểm kê chính xác đến từng chủ hộ, liên quan đến việc giao đất luôn.”
Phải gắn rừng với dân
Ngành lâm nghiệp chỉ phát triển bền vững khi các chính sách phải gắn rừng với dân, phát triển rừng để bảo vệ môi trường sinh thái nhưng rừng phải nuôi được dân. Tưởng cũng nên nhắc lại kết quả của dự án trồng 5 triệu ha rừng trước đây. Khó có thể xem đây là một dự án thành công, khi mục tiêu của dự án là tạo vùng nguyên liệu gỗ, nhưng trong hiện tại 80% nguyên liệu gỗ trong nước là vẫn phải nhập khẩu.
Mặt khác, rừng sản xuất đem lại lợi nhuận cao mà rừng nào thì cũng là rừng nên việc đốn phá rừng nguyên sinh rất dễ được thực hiện. Nguyên nhân khiến người ta mặn mà trong việc chuyển đổi từ rừng tự nhiên sang rừng sản xuất xuất phát từ các khoản lợi nhuận to lớn khi khai thác gỗ. Do đó, việc phải có một thang phân loại rừng là nhu cầu cần thiết. Về biện pháp quy hoạch sắp được áp dụng này, Tiến sĩ Ngô Út cho khán thính giả Đài Á Châu Tự do biết:
“Đó là cái thang phân loại rừng. Ví dụ mình phân cấp ra: rừng giàu, rừng trung bình, rừng nghèo, rừng phục hồi như thế nào thì ngưỡng cấp trữ lượng như thế nào thì qua đợt kiểm kê điểm này, chúng ta thống nhất lại.
Chớ đôi khi từng địa phương cứ nói là rừng nghèo không có trữ lượng, cứ nói khơi khơi như vậy. Không có trữ lượng là bao nhiêu ? Bây giờ phải định lượng cho nó rõ. Chớ không thì nói là rừng nghèo rồi cứ chuyển đổi, chuyển đổi thì chuyển đổi lung tung. Chuyến này tức là làm tương đối bài bản hơn, nó đơn giản hơn mà để cho từng chủ hộ từng chủ rừng nắm được.
Trước đây là theo thang phân loại của Loestchaux, mang nhiều cái hơi hám cái nội hàm của khoa học kỹ thuật quá. Ví dụ như là tầng che, rồi tầng nhô, tần giữa… thì người dân nào hiểu được tầng nhô, tầng giữa làm cái gì.”
Bây giờ phải định lượng cho nó rõ. Chớ không thì nói là rừng nghèo rồi cứ chuyển đổi, chuyển đổi thì chuyển đổi lung tung.
TS Ngô Út
Gần đây, độ che phủ rừng tuy có tăng lên sấp sỉ 40%, nhưng tỷ lệ rừng nguyên sinh chỉ ở mức khoảng 10% so với mức 50% của các nước trong khu vực. Qua quá trình quản lý chưa bền vững, chất lượng của rừng tự nhiên là vấn đề đáng quan tâm. Đối với câu hỏi về thực chất tỷ lệ che phủ rừng ở Việt Nam hiện nay là bao nhiêu phần trăm, chúng tôi đã nhận được câu trả lời từ TS Ngô Út như sau:
“Cái tỷ lệ che phủ rừng, cái này vẫn theo công bố của Thủ tướng thôi. Bây giờ chúng ta vẫn nói là 39% thôi."
Tình trạng phá rừng tự nhiên khó có thể ngăn chặn một khi không xác định được mục tiêu của việc bảo vệ rừng. Việt Nam được dự báo là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng biến đổi khí hậu. Phát triển lâm nghiệp là giải pháp quan trọng để giảm nhẹ và thích ứng với tình trạng thiên tai nặng nề sắp tới. Trong tháng 2 này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ban hành Quyết định 07 liên quan đến một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng, có lẽ nên xem đây là một sự quan tâm cần thiết về ngành lâm nghiệp Việt Nam từ cấp Chính phủ.
Theo dòng thời sự:
- Tác động của biến đổi khí hậu với rừng ngập mặn
- Giặc rừng ở vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn
- Rừng Tây Nguyên Việt Nam thưa nhanh vì canh tác, lâm tặc
- Rác thải điện tử nên xử lý như thế nào?
- Lợi ích của rừng ngập mặn
- Tết trồng cây gây rừng
- Sử dụng năng lượng mặt trời
- Tác động của biến đổi khí hậu
- Vấn đề nguồn nước ở Việt Nam