Vẽ truyền thần và ký họa, nghệ thuật và cơm áo

0:00 / 0:00

Mất tính phổ biến

Vẽ truyền thần hay ký họa, xét trên chừng mực và ý nghĩa nào đó, đây là một nghệ thuật, một nhánh nhỏ trong mỹ thuật. Những năm trước 1975, vẽ truyền thần và ký họa rất phổ biến và luôn giữ ngôi quán quân trong nghệ thuật đường phố cũng như nghệ thuật sa-lon. Nhưng những năm năm gần đây, hai mảng nghệ thuật này gần như bị bỏ quên, tính phổ biến bị mất hẳn và tinh hoa của nó cũng bị mai mọt rất nhiều.

Một họa sĩ trẻ tên Hiệp, hiện đang làm chuyên viên thiết kế thời trang và tư vấn trang trí nội thất tại Sài Gòn, đã chia sẻ với chúng tôi: Nếu trở thành một nghề mưu sinh thì cũng tốt, nhưng nó rất chọn nơi mình làm việc, nghĩa là những nơi đó có những người không phải bản xứ, họ đi du lịch, họ muốn mang hình ảnh trong thời khắc họ ở địa phương đó về họ mới quý thôi, những nơi du lịch sẽ phát triển tốt hơn. Vấn đề vẽ truyền thần mang tính chất có khiếu hơn vì khi người vẽ có khiếu và một người vẽ như máy, tức là thợ vẽ. Khi một người có khiếu vẽ thì mười cái giống nhau mười cái, một thợ vẽ cũng vậy nhưng khác nhau ở chỗ người vẽ truyền thần sẽ tạo nên cái hồn hơn. Người vẽ truyền thần sẽ nắm bắt đặc điểm riêng, thể hiện cái hồn riêng, cái chân dung con người trong khoảnh khắc đó tốt hơn.

Hiệp cho biết thêm là trước đây, trong thời gian còn học ở đại học mỹ thuật Sài Gòn, anh học rất khá môn ký họa, kĩ thuật bắt nét và truyền thần của anh thuộc vào diện xuất sắc. Nhưng không bao lâu sau đó, anh không còn đất để dụng võ, thi thoảng vẽ chơi vài người bạn, thậm chí có nhiều người bạn lấy làm khó chịu khi anh nhờ họ ngồi giữ tư thế tĩnh trong vòng mươi phút. Cuối cùng, sau khi làm việc ở công ty vài tháng, anh quyết định tranh thủ những giờ rảnh hoặc những kỳ nghỉ để đi thực tế sáng tác, trong đó có phần ngồi ký họa chân dung và vẽ truyền thần cho khách qua đường.

Sinh viên ngành Mỹ thuật thực tập vẽ truyền thần, ảnh chụp trước đây. RFA PHOTO.
Sinh viên ngành Mỹ thuật thực tập vẽ truyền thần, ảnh chụp trước đây. RFA PHOTO.

Một nữ sinh viên đang học năm cuối đại học mỹ thuật Sài Gòn chia sẻ với chúng tôi rằng cô luôn tìm thấy sự thích thú trong nghệ thuật vẽ truyền thần cũng như ký họa chân dung. Bởi đây là loại hình nghệ thuật thuộc về khoảnh khắc và chớp bắt khoảnh khắc. Hay nói cách khác là người họa sĩ phải bằng một cách nào đó chuyển hóa khoảnh khắc thoáng qua trở thành dấu ấn có tính vĩnh cửu.

Ví dụ như trong cuộc đời, con người có thể đi qua nhiều nơi, chụp nhiều bức ảnh làm kỉ niệm nơi mình đi qua. Nhưng, tất cả những bức ảnh này chỉ có thể ghi lại những hình ảnh khách quan của con người qua lăng kính, nó không cho thấy cảm xúc từ một cái nhìn thứ ba, nhưng ký họa và vẽ truyền thần thì đạt được điểm này.

Và hơn hết, ký họa và vẽ truyền thần luôn cần độ tĩnh không của tâm hồn để qua đó, họa sĩ nắm bắt những đường nét cơ bản, nổi trội mà phác họa, ký họa. Rất tiếc, những thao tác này gặp trở ngại rất lớn trong thời gian gần đây, mà theo cô nhận định là do tình hình kinh tế trì trệ, tình hình chính trị đất nước rối ren đã dẫn đến thân tâm con người bất an, từ người ngồi vẽ cho đến người vẽ.

Dễ mà khó, khó mà dễ

Một sinh viên mỹ thuật Sài Gòn, gốc Huế, tên Hùng, chia sẻ thêm với chúng tôi rằng không có môn gì dễ mà khó, khó mà dễ giống như ký họa và vẽ truyền thần. Thường thì các lớp sinh viên mỹ thuật càng về sau càng được đào tạo kỹ lưỡng hơn về nghệ thuật mô phỏng nhân thể, còn gọi là môn phẫu thuật hình thể. Nhưng nghiệt nỗi, càng về sau, các họa sĩ trẻ càng thất bại hơn các đàn anh về ký họa và vẽ truyền thần.

Anh cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là các thế hệ đàn anh dù sao cũng có độ tĩnh lặng trong tâm hồn cao hơn các thế hệ về sau. Hầu như tính dấn thân vì nghệ thuật của họ cũng cao hơn, họ không bị chi phối bởi sức ép học phí, cơm áo gạo tiền hoặc sự thôi thúc làm giàu, đi làm thêm, chay sô ở các phòng chép tranh… Chính vì thế, họ chín chắn và tử tế với nghề nghiệp, với nghệ thuật hơn.

Vẽ truyền thần tại công viên, ảnh chụp trước đây. RFA PHOTO.
Vẽ truyền thần tại công viên, ảnh chụp trước đây. RFA PHOTO.

Hùng nói: Vẽ tốc ký thì vẽ nhanh ra dáng, ra hồn con người đó, còn vẽ truyền thần thì phải vẽ giống 100%. Còn vẽ tốc ký thì chỉ ký họa, ra cái dáng, cái nét, ví dụ như cái mũi lớn thì vẽ cái mũi lớn, ký họa hơn là giống 100%, chỉ ra nét thôi. Khác nhau giữa tốc ký và truyền thần là vẽ tốc ký không cần giống 100% còn vẽ truyền thần phải giống 100%, ít nhất là 90%. Vẽ truyền thần có thể vẽ mất 4 – 5 tiếng hoặc 10 tiếng, 8 tiếng còn vẽ tốc ký thì trong vòng 15-20 phút là xong. Có người họ bắt cái hồn nhanh lắm. Người ta đi chơi mà, họ chỉ ngồi cho mình khoảng nửa tiếng tại đó thôi, rồi lấy hình liền, họ có ngồi lâu đươc đâu.

Phần lớn các sinh viên mỹ thuật khi ra trường, nếu có khả năng và đam mê về ký họa, vẽ truyền thần thường chọn các hội chợ, triển lãm, tổ chức thành nhóm năm người, mười người và trưng bảng quảng cáo để tìm khách đến vẽ, mỗi bức có giá từ vài chục ngàn đồng đến 150 ngàn đồng, tùy vào khổ giấy lớn hay nhỏ.

Uyên, sinh viên vừa tốt nghiệp ngành tranh lụa ở đại học mỹ thuật Sài Gòn than thở với chúng tôi rằng cô thật sự thấy lo lắng cho tương lai, vì nhiều bạn sinh viên cùng lứa với cô cũng học rất giỏi, năng khiếu vẽ truyền thần và ký họa chẳng thua kém ai. Thế nhưng khi ra trường, thất nghiệp dài dài, cuối cùng phải xin vào các phòng văn hóa cấp huyện để làm việc, để vẽ tranh cổ động, cắt chữ và thỉnh thoảng vẽ tranh Hồ Chí Minh theo kiểu ký họa trên các pano, aphich… Quá trình học tập trong trường mỹ thuật được đánh đổi bằng một khoản tiền đút lót để xin việc và cuối cùng là được vẽ chân dung Hồ Chí Minh. Có lẽ chính vì cách làm việc ngược đời, giết chết sáng tạo này đã dẫn đến tình trạng bế tắc của phần đông sinh viên mỹ thuật Việt Nam.

Họ chỉ còn một lựa chọn duy nhất là ra đường vẽ dạo, vào hội chợ, triển lãm để thi triển tài năng. Khoảng thời gian còn lại thì tập trung làm thuê ở đâu đó và chép tranh thuê… Những gì được học trên đường trả lại cho thầy cô.

Uyên nói thêm, rằng dẫu sao, vài năm trở lại đây, nhận thấy các bạn rủ nhau đi thành từng nhóm lang thang rày đây mai đó để vừa sáng tác, vừa vẽ chân dung thuê kiếm tiền, chấp nhận dấn thân cho công việc mặc dù cuộc sống xã hội quá sức chộn rộn đã làm cho chất lượng nghệ thuật của họ sút kém quá xa so với các đàn anh. Có còn hơn không!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.