Có nên bỏ khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn”?

Gần đây có ý kiến cho rằng nên bỏ khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” trong các trường học. Vậy ý kiến của những người quan tâm về vấn đề này thế nào?

0:00 / 0:00

Không mới nhưng sẽ không cũ

Nho giáo có những ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam từ xưa đến nay. Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực từ học thuyết của đạo Khổng đến nhiều thế hệ người Việt trong mấy ngàn năm qua. Đồng thời, qua từng thời kỳ và từng giai đoạn phát triển văn minh của xã hội, cũng có nhiều phản kháng chống đối lại những áp đặt giáo điều mà xã hội cho là quá cổ hủ, lạc hậu và cứng nhắc. Điển hình trường hợp mới nhất, dư luận đang tranh cãi xem có nên bỏ câu “tiên học lễ hậu học văn” hay không vì nhiều lý do không còn phù hợp với xã hội Việt Nam trong thời điểm hiện nay.

TS Lê Nguyễn Quốc Khang

Cốt lõi ý nghĩa của câu khẩu hiệu treo ở các trường tiểu học và trung học được hiểu là giáo dục đạo đức phẩm chất cần được chú trọng trên hết, rồi mới đến giáo dục tri thức tự nhiên và xã hội cho học sinh. Tiến sĩ Lê Nguyễn Quốc Khang, thuộc thế hệ 7X là thế hệ đầu tiên cắp sách đến trường sau thời kỳ chiến tranh năm 1975, hiện đang công tác trong lãnh vực giáo dục chia sẻ rằng câu khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” được nhận thức là theo phương châm giáo dục của người xưa thì trước tiên phải học “lễ” là học lễ nghĩa, học cách làm người; còn “văn” là học chữ. Đơn giản là trước hết học làm người rồi mới học chữ, phải song song với nhau như vậy. Và theo ý riêng của mình, tiến sĩ này sẽ tiếp tục dạy dỗ con cái trong gia đình theo khái niệm mà ông đã ghi nhận và tiếp thu. Ông Lê Nguyễn Quốc Khang lý giải:

“Tại vì câu khẩu hiệu này không mới nhưng cũng không bao giờ cũ. Vì người ta nói “có tài mà không có đức thì không làm được gì” mang ý nghĩa như thế. Thật sự bây giờ người ta hay nói và nghĩ từ học “lễ” mang ý nghĩa “lễ nghĩa” kiểu như là tiền bạc này nọ… thì không đúng. Lễ nghĩa là chuyện giao tiếp, văn hóa của con người chứ không phải chuyện “lễ nghĩa” là đi học thì phải đưa tiền cho cô, quà cáp này nọ là sai. Phải dạy cho con hiểu “lễ” là văn hóa, là cách đối xử giữa con người chứ không phải là chuyện vật chất.”

Một giờ học tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội hôm 26/04/2010. RFA PHOTO.
Một giờ học tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội hôm 26/04/2010. RFA PHOTO.

Có rất nhiều lý luận cho rằng trong xã hội Việt Nam ngày nay, chữ “lễ” được hiểu như là một kiểu lễ nghĩa trong bất kỳ mối quan hệ xã hội nào cũng cần phải có. Đây là kiểu lễ nghĩa mà người ta gọi là thủ tục “đầu tiên”. Trong văn hóa chơi chữ nói láy của người Việt thì “đầu tiên” là “tiền đâu”. Do đó, “tiên học lễ” hiển nhiên được hiểu là “đáp lễ” để thể hiện sự biết ơn trong mọi hình thái hoạt động của xã hội, gây ra những tiêu cực như tham nhũng, đặc quyền đặc lợi, và nhiều hệ lụy khác. Cũng có ý kiến cho rằng theo Khổng giáo thì phải phục tùng tuyệt đối người trên. Chữ “lễ” cũng mang ý nghĩa này và rõ ràng đã lỗi thời, không còn phù hợp nữa. Một thời đại mà giới trẻ đầy năng động và sáng tạo thì không thể “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó” và càng không thể nhất cử nhất động phải vâng lời một cách tuyệt đối với ông bà, cha mẹ, thầy cô, cấp lãnh đạo của mình…Vì vậy, câu khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” cần phải chấm dứt và bỏ đi. Tuy nhiên, phần lớn công luận lại ủng hộ câu khẩu hiệu này. Họ cho rằng với tính chất “rượu cũ bình mới” vẫn luôn phù hợp trong mọi thời đại. Người Việt bao giờ cũng coi trọng “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Là người lớn, là người trên sẽ không áp đặt lên người trẻ, người nhỏ theo quan điểm giáo điều nhưng giới trẻ phải lễ phép, tôn trọng và cư xử một cách có chừng mực đối với thế hệ đi trước mình.

Trong cuộc trao đổi với đài RFA xung quanh tranh luận này, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, đưa ra nhận định chữ “lễ” bao giờ cũng phải được coi trọng thì xã hội mới có trật tự. Theo nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho rằng Việt Nam trong thời buổi hòa nhập với cộng đồng thế giới thì Việt Nam cần học hỏi quốc gia có nền văn hóa tương đồng như Nhật-một quốc gia đặt chữ “tín” làm đầu. Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói:

TS Nguyễn Nhã

“Theo tôi bất cứ một nơi nào cũng phải coi trọng chữ “lễ”. Như tôi đã nói ở mỗi một xã hội, ở mỗi một thời điểm thì sẽ có yêu cầu ưu tiên nào quan trọng nhất. Theo tôi chữ “lễ” hiện nay vẫn có thể rất cần nhưng chữ “tín” thì cần hơn. Nếu “tiên học lễ, hậu học văn” thì nên nói “tiên học tín, hậu học văn”. Theo tôi như vậy thì rất hợp với thời đại hiện nay ở Việt Nam.”

Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Nhã thì tùy theo cách diễn giải sẽ được hiểu trong “văn” bao hàm luôn “lễ”. Một người có “văn” thì đã có “lễ” rồi. Tuy vậy, đây là lúc mọi người cần phải giữ chữ tín thì mới đối xử tử tế với nhau được. Và chữ “tín” được đặt lên quan trọng hàng đầu sẽ đóng vai trò mấu chốt trong sự phát triển của một xã hội văn minh.

Có vay mượn ngôn ngữ?

Nhà nghiên cứu phê bình văn học Lại Nguyên Ân tham luận trên diễn đàn của Vietnamnet cho rằng khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” cần phải chấm dứt. Một trong những nguyên nhân chính yếu mà nhà nghiên cứu phê bình văn học nêu lên là do sự vay mượn ngôn ngữ, sử dụng ngôn từ Hán Việt, không thuần Việt”. Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Nhã lại cho rằng:

Một trường Tiểu học Dân lập của người Việt gốc Hoa ở khu Chợ Lớn, Quận 5, TPHCM, ảnh chụp hôm 14/07/2011. RFA PHOTO.
Một trường Tiểu học Dân lập của người Việt gốc Hoa ở khu Chợ Lớn, Quận 5, TPHCM, ảnh chụp hôm 14/07/2011. RFA PHOTO.

“Thật ra dùng từ thuần Việt đó là ước mong. Thế nhưng mà bất cứ quốc gia nào từ Anh, đến Mỹ, đến Pháp… đều cũng có sự vay mượn. Vay mượn thế nào để cuối cùng trở thành ngôn ngữ của mỗi nước thì đó là vấn đề cần quan tâm. Cho nên tôi vẫn nghĩ mình sẽ sử dụng một số từ của Hán-Việt, từ tiếng pháp, từ tiếng Anh đã “Việt hóa” đi rồi thì vẫn được như thường.”

Bên cạnh ý kiến của ông Lại Nguyên Ân là nên tham khảo những khẩu hiệu thay thế có nguồn quy mô của thế giới như tổ chức UNESCO, có những ý kiến cho rằng cần nổ lực làm trong sáng văn hóa và ngôn ngữ Việt, nhiều câu khẩu hiệu thuần Việt được gợi ý như “có chí thì nên”, “học tốt văn hóa-ứng xử văn minh, “tôn trọng mình và tôn trọng người khác”…Đồng thời cũng có ý kiến cho rằng mỗi ngôi trường tùy vào tính chất của địa phương cùng với bản sắc riêng của trường mình mà chọn ra câu khẩu hiệu đặc trưng của mỗi ngôi trường.

Tranh luận của công chúng vẫn còn đang tiếp diễn và chưa có hồi kết. Bộ Giáo Dục cũng chưa lên tiếng về tranh luận này. Dù câu khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” không còn treo ở các ngôi trường thì những bậc phụ huynh như tiến sĩ Lê Nguyễn Quốc Khang cùng với bạn bè đồng trang lứa vẫn dạy dỗ con mình như thế. Và chắc chắn một điều không bao giờ sai là bất kỳ câu khẩu hiệu hay điều dạy dỗ nào muốn con trẻ hấp thụ thì chúng phải nhìn thấy qua biểu hiện và kinh nghiệm sống ở những người xung quanh trong gia đình lẫn ngoài xã hội.

Opens in new window

Video: Dữ liệu kinh tế, xã hội VN

Theo dòng thời sự: