Kinh tế xuống đáy vì thiếu cải cách thể chế

0:00 / 0:00

Cải cách thể chế là một trong ba khâu đột phá chiến lược được nhà nước Việt Nam đặt ra và tiến độ cải cách thể chế gắn liền với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình đầu tư. Tuy vậy các học giả, chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu ở Huế vừa qua đánh giá là cải cách thể chế dậm chân tại chỗ làm trì trệ nền kinh tế.

Khuynh hướng tăng vai trò nhà nước

Nam Nguyên phỏng vấn bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban tư Vấn của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Từ Hà Nội trước hết bà Phạm Chi Lan nhận định:

Phạm Chi Lan: Ý kiến của rất nhiều người tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu cho rằng cải cách thể chế được tiến hành khá là chậm chạp, chưa mang lại kết quả như mong muốn. Vì cải cách thế chế chậm nên các mục tiêu quan trọng của tái cơ cấu kinh tế cho đến nay cũng chưa được thực hiện bao nhiêu. Thí dụ như tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công đều chậm. Tình hình kinh tế khó khăn trong mấy năm vừa qua liên tục kéo dài cho đến năm nay, triển vọng cũng chưa rõ trong thời gian tới. Ý kiến chung cũng cho là nguyên nhân chính là do cải cách thể chế không được tiến hành đúng như yêu cầu cần thiết.

Cải cách thể chế phải làm rõ ra được vai trò nhà nước và thị trường phân định vai trò hai bên, nhà nước làm gì thị trường làm gì trong phát triển kinh tế. Vì những năm vừa qua cho thấy khuynh hướng tăng vai trò của nhà nước lên cũng quá rõ và quá lớn, vì vậy tất cả những qui định, chính sách ban hành nhiều khi thiên về mang thuận lợi cho nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp hoặc môi trường kinh doanh chậm được cải thiện kéo dài, cũng như không phát huy được hết tiềm lực của các lực lượng, nhất là doanh nghiệp dân doanh. Ngay cả đầu tư nước ngoài tiền đổ vào với mức độ khá nhưng vẫn chưa như mong muốn và các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn kêu ca nhiều về những khó khăn trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Nam Nguyên: Vấn đề cải cách thể chế bị chậm và không rõ ràng cũng không đúng hướng, thưa bà bắt nguồn từ những nguyên nhân như thế nào?

Phạm Chi Lan: Có nhiều ý kiến trong hội thảo cho là, trong điều hành lại không tuân thủ theo các yêu cầu về cải cách thể chế là vì cải cách thể chế kể cả cải cách thể chế chính trị đều đã được nêu rõ trong Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 11, cũng như trong chiến lược của Việt Nam mà Đại hội Đảng thông qua cho giai đoạn 2011-2020 thì cũng có đề cập đến cải cách chính trị nữa. Nhưng mà trên thực tế cả thể chế kinh tế lẫn thể chế chính trị đều cải cách rất chậm chạp chứ không như mong muốn.

Tap-doan-xang-dau-12-250.jpg
Trụ sở Petro Việt Nam tại Hà Nội hôm 24/12/2011. RFA PHOTO.

Trong điều hành thậm chí có những cái còn đi ngược lại nữa. Thí dụ thay vì cải cách doanh nghiệp Nhà nước là giảm bớt đi những thứ không cần thiết, thì trong thời gian vừa qua lại để cho tràn làn đầu tư ngoài ngành quá lớn đến mức dẫn đến sụp đổ như Vinashin hoặc là có quá nhiều vấn đề, thì mới có chỉ thị thu hẹp lại các doanh nghiệp Nhà nước, chấn chỉnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, thu lại bớt các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành để tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi.

Điều hành như vậy ngược với chủ trương cải cách doanh nghiệp Nhà nước hay là đối với nhiều lĩnh vực khác cũng vậy, thay vì phải có những công cụ bằng thể chế bằng luật pháp đưa ra các qui định để thực hiện thì lại ban hành quá nhiều những văn bản mang tính chất hành chính để điều hành. Ví dụ như đối với hệ thống ngân hàng, thành ra nó làm cho các công cụ của thị trường không được thực hiện một cách đầy đủ, một cách nhất quán hay đồng bộ và nó cứ bị chắp vá và nó không thể có hiệu quả được.

Không đảm bảo tinh thần Hiến pháp

Nam Nguyên: Thưa bà vấn đề chủ đạo nền kinh tế giao cho Tập đoàn Tổng công ty Doanh nghiệp Nhà nước, khu vực kinh tế Nhà nước ghi trong Hiến pháp1992 có cần được bãi bỏ hay không và theo bà sắp tới có thay đổi hay không?

Phạm Chi Lan: Trong quá trình thảo luận về Hiến pháp thì có rất nhiều ý kiến cho là không nên đưa 'kinh tế Nhà nước là chủ đạo' vào Hiến pháp. Trong bản Dự thảo đầu tiên Hiến pháp sửa đổi để ra lấy ý kiến trong xã hội thì cũng không có điều đó, chỉ nói là nền kinh tế ở Việt Nam là nền kinh tế có nhiều thành phần, cũng không nói kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Việc không đưa kinh tế Nhà nước là chủ đạo thì được rất nhiều ý kiến hoan nghênh và sau đó khi Quốc hội bàn thảo thì lại đưa trở lại vào. Đến bây giờ thì nó vẫn có hai phương án khác nhau đối với điều đó, một phương án vẫn đưa kinh tế Nhà nước là chủ đạo và một phương án thì không đưa. Quyết định cuối cùng sẽ ở Quốc hội trong kỳ họp tới khi bàn và biểu quyết về Hiến pháp.

Chúng tôi cũng rất tiếc về điều đó, bởi vì theo ý kiến của rất đông đảo chuyên gia thì cho là không nên đưa kinh tế Nhà nước là chủ đạo vào Hiến pháp, bởi vì như vậy sẽ được hiểu là doanh nghiệp Nhà nước là thành phần nòng cốt, một biểu hiện quan trọng hàng đầu của kinh tế Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước vẫn được Nhà nước kỳ vọng, vừa là lực lượng vật chất để Nhà nước thực hiện chủ trương vai trò chủ đạo của mình vừa là công cụ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định thị trường. Tức là đặt cho nó rất nhiều vai trò mà nó không thể nào đảm đương hết được. Cũng không hợp lý khi giao cho doanh nghiệp những vai trò như vậy.

Nam Nguyên: Thưa bà, tại New York mới đây, Thủ tướng hứa hẹn thực hiện công khai minh bạch khi mời gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư thêm vào Việt Nam. Đây cũng là một vấn đề liên quan tới thể chế, vậy thì Việt Nam có thể cải thiện vấn đề công khai minh bạch này hay không?

Phạm Chi Lan: Khả năng cải cách, cơ hội cải cách thì bao giờ cũng có. Chỉ có điều những người lãnh đạo có đủ quyết tâm chính trị mà làm hay không, có làm tới nơi tới chốn hay không thôi.

Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm công khai minh bạch theo cách là thiết chế lại xem lại rà soát lại tất cả luật pháp, hệ thống chính sách. Những chỗ nào không hợp lý, chỗ nào chưa đảm bảo được độ minh bạch thì phải sửa lại cho nó minh bạch hơn. Ví dụ như trong Hiến pháp chẳng hạn có rất nhiều điều chúng tôi góp ý kiến không nên đưa là ‘theo qui định của pháp luật’ mà nên đưa là ‘theo luật định’ thì như vậy nó sẽ làm rõ chỉ có luật mới có quyền qui định, có quyền đưa ra những thể chế để thực hiện các điều khoản của Hiến pháp.

Còn nếu chung chung là ‘theo qui định của pháp luật’ thì pháp luật sẽ được hiểu rất rộng. Như vậy nó sẽ làm loãng đi và có thể có nguy cơ rất lớn là từ một qui định trong Hiến pháp, nhưng sẽ được đưa ra theo nhiều cách khác nhau, hoặc theo tính cách không đảm bảo tinh thần đầu tiên của Hiến pháp nữa.

Thành ra có những điều cần phải minh bạch ngay từ đầu, từ trong Hiến pháp trở đi. Trên cơ sở đó thì các Luật cũng phải qui định theo cách đó. Nhất là chúng tôi mong muốn không phải chỉ minh bạch mà còn phải nhấn mạnh trách nhiệm giải trình nữa, bởi vì ở Việt Nam với cơ chế lãnh đạo tập thể thì trong vô vàn trường hợp, rốt cục không biết ai là người chịu trách nhiệm trước việc này việc khác xảy ra cho xã hội. Hay là đối với cách điều hành của Nhà nước đối với các hoạt động kinh tế xã hội nữa.

Nam Nguyên: Cảm ơn bà Phạm Chi Lan đã trả lời RFA.