Học sinh Sóc Trăng tham gia bảo vệ môi trường

0:00 / 0:00

Học sinh của trường trung học An Lạc Thôn tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long năm nay lại nhận được giải thưởng của Bộ Tài Nguyên- Môi trường trong cuộc thi “Bảo vệ và Cải thiện Nguồn nước năm 2013”

Ý tưởng dự án

Đề tài mà nhóm học sinh Trường THPT An Lạc Thôn tham gia năm nay có tên “Sử dụng các vật liệu đơn giản để hấp thu hàm lượng chì (Pb2+) trong nước nhằm hạn chế các bệnh tật do ô nhiễm chì gây nên’.

Tham gia nhóm thực hiện đề tài gồm ba học sinh Nguyễn Công Minh Hòa, lớp 11A2, Lê Huỳnh Như,lớp 11A6 và Trương Quốc Sĩ, lớp 10A2. Ba học sinh thuộc ba lớp khác nhau, thế nhưng cả ba đều cùng tham gia trong CLB ‘Em yêu Môi trường’ của nhà trường.

Học sinh Nguyễn Công Minh Hòa cho biết duyên do đến với ý tưởng của đề tài:

Vì em đi du lịch cùng gia đình ở Vĩnh Châu, ngang qua những nhà máy chế biến thủy sản bỏ mai mực ra ngoài; em thấy đó là phế thải và suy nghĩ có thể sử dụng được vào việc gì.

Thường có trong đất và thấm vào nước. Chì tác hại lớn, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, trí não và gây bệnh ung thư. Ở Sóc Trăng chưa có nhưng ở vùng ngoài có nhiều, nhất ở miền Trung

Nguyễn Công Minh Hòa

Bản thân Nguyễn Công Minh Hòa cũng nói lại hiểu biết của bản thân về tác hại của chì nhiễm trong nước đối với bản thân con người:

Thường có trong đất và thấm vào nước. Chì tác hại lớn, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, trí não và gây bệnh ung thư. Ở Sóc Trăng chưa có nhưng ở vùng ngoài có nhiều, nhất ở miền Trung.

Giáo viên Nguyễn Ngọc Hải là người phụ trách hướng dẫn cho các học sinh trường THPT An Lạc Thôn về các chương trình thí nghiệm tham gia dự thi các cuộc thi về đề tài bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, cho biết:

Nhiễm chì gây tác hại rất lớn vì khi nhiễm chì sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, trí tuệ của trẻ em và có thể gây ung thư ở người. Thành ra ý tưởng mà các em đưa ra là làm sao loại trừ được.

Ở miền Trung ô nhiễm chì rất cao. Ở miền Nam chưa phát hiện chứ không phải chưa có.

Hình ảnh ô nhiễm môi trường phiá sau một Công ty sản xuất thực phẩm (ảnh minh họa). Courtesy Datmui-online
Hình ảnh ô nhiễm môi trường phiá sau một Công ty sản xuất thực phẩm (ảnh minh họa). Courtesy Datmui-online (Courtesy Datmui-online )

Tác dụng- Đánh giá

Trong cuộc thi năm nay về Bảo vệ và Cải thiện Nguồn Nước, Bộ Tài Nguyên -Môi trường không trao giải nhất cho đề tài nào. Đề tài ‘Sử dụng các vật liệu đơn giản ở địa phương để hấp thụ hàm lượng chì Pb2+ trong nước nhằm hạn chế các bệnh tật do ô nhiễm chì gây nên’ được giải nhì đồng hạng với đề tài khác của các học sinh tỉnh Thái Nguyên.

Thầy Nguyễn Ngọc Hải nói về đánh giá của cơ quan trung ương về đề tài do nhóm ba học sinh trường An Lạc Thôn thực hiện như sau:

Chúng tôi rất mừng vì là ngôi trường chiến đấu liên tục mấy năm ròng rã, nên vấn đề trình bày một đề tài rất khoa học, năm nào cũng được đánh giá rất cao về cách viết, cách trình bày.

An Lạc Thôn không chạy theo thành tích, chúng tôi gửi bài chất lượng. Có những trường họ có thể gửi 50-60 đề tài dự thi; An Lạc Thôn chỉ gửi hai hay ba; cao nhất có năm gửi bảy đề tài nhưng đạt được sáu. Năm nay Ban Tổ chức không trao giải nhất rất buồn, nhưng mình nhì đồng hạng cũng quí rồi. Năm nay không có đề tài nào được đưa đi thi cấp quốc tế.

Trình độ ngoại ngữ của học sinh trường An Lạc Thôn còn hạn chế nhiều lắm. Ý tưởng của các em có, nhưng kỹ năng trình bày, ngôn từ lập luận của các em còn hạn chế nên Ban Tổ chức ngại. Năm nay cũng không có nhà tài trợ, hy vọng những năm sau các trường có truyền thống như thế này sẽ tập cho các em nhiều hơn, chuẩn bị đề tài chín muồi hơn nữa, hy vọng sẽ mang lại giải quốc tế cho Việt Nam.

Thuận lợi- khó khăn trong triển khai

Nếu so sánh nhóm ba học sinh tại trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng với các học sinh khác tại những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, hay Cần Thơ... các em còn thiếu thốn nhiều điều kiện.

Tuy nhiên niềm đam mê nghiên cứu, học hỏi và ý thức bảo vệ môi trường giúp các em vượt qua được những trở ngại về thiếu thốn vật chất.

Học sinh Nguyễn Công Minh Hòa kể lại những thuận lợi và khó khăn của nhóm:

Đầu tiên chúng em thu gom nang mực về, sau đó phơi rồi tiến hành thí nghiệm bằng cách cho các nang mực vào nước bị nhiễm chì. Các nang mực đó được chia thành: phơi khô, để tươi hay đun sôi có bỏ vào một chút giấm ăn, hoặc giã nhuyễn ra. Khi giã nhuyễn ra cho thấy hàm lượng chì trong nước giảm đi rất nhiều.

Nguyễn Công Minh Hoàng

Thuận lợi là các thành viên trong nhóm chơi thân với nhau nên hiểu ý nhau và có kết quả mau hơn. Còn khó khăn, mỗi người có quan điểm khác nhau nên nhiều khi có mâu thuẫn với nhau. Nhưng cuối cùng cũng đạt được kết quả.

Ngoài ra nhóm còn được các thầy cô giáo phụ trách hướng dẫn và hổ trợ như trình bày của thầy Nguyễn Ngọc Hải:

Hổ trợ ý tưởng và từ đó định hướng cho các em phương pháp nghiên cứu. Trường là trường huyện nên việc tiếp cận nghiên cứu khoa học của các em còn hạn chế. Các thầy cô hướng dẫn cho các em cách viết, cách nghiên cứu như thế nào để thành công trong đề tài đi dự thi. Giúp các em về kiến thức: giải giải cho các em về chuyên môn, cung cấp các phần sâu hơn mà trên lớp các em chưa được học. Trong quá trình thí nghiệm, giúp cho các em phòng thí nghiệm, theo sát xem qui trình làm có đúng hơn...

Ngoài sự hổ trợ về tinh thần cũng như vật chất từ nhà trường, Trung tâm Ứng ụng Khoa học- Công nghệ của tỉnh Sóc Trăng cũng là một nguồn giúp đỡ để nhóm có thể hoàn thành thí nghiệm. Đó là cung ứng loại nước nhiễm chì để các em học sinh thực hiện công việc.

Nguyễn Công Minh Hoàng cho biết việc thí nghiệm được triển khai thế nào:

Đầu tiên chúng em thu gom nang mực về, sau đó phơi rồi tiến hành thí nghiệm bằng cách cho các nang mực vào nước bị nhiễm chì. Các nang mực đó được chia thành: phơi khô, để tươi hay đun sôi có bỏ vào một chút giấm ăn, hoặc giã nhuyễn ra. Khi giã nhuyễn ra cho thấy hàm lượng chì trong nước giảm đi rất nhiều. Tiến hành đồng loạt để có thể so sánh kết quả.

Nhóm còn cho biết việc tìm kiếm nang mực để thực hiện thí nghiệm cũng được thầy Nguyễn Ngọc Hải góp sức.

Một hạn chế đối với các đề tài mà giới học sinh tham gia thực hiện để dự thi các kỳ thi do các cấp tổ chức là việc ứng dụng. Các em hoàn thành và được trao giải, thế nhưng để đưa vào ứng dụng vẫn là một mong ước của chính các em và của những người hướng dẫn.

Nguyễn Công Minh Hòa nói về điều đó:

Mong muốn các ban ngành, các nhà khoa học quan tâm đến ý tưởng của chúng em hơn để áp dụng vào thực tế, thực tiễn cuộc sống hằng ngày.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải cũng thừa nhận:

Đề tài về nước mưa được Bộ Tài nguyên- Môi trường cho ứng dụng ngay trong huyện Kế Sách, còn các đề tài khác các em đang hoàn tất cho được tốt. Đề tài sử dụng phế thải để biến thành phân bón, hay trong chăn nuôi là đề tài cũng được các hộ dân ở đây đang tiến hành làm. Thầy trò cũng làm một dự án lớn ‘rong rác và xử lý chất thải trong chăn nuôi’.

Chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ để làm những đề tài lớn như vậy. Đặc biệt các đề tài mà các em làm được cần có sự quan tâm nhiều hơn của các cấp lãnh đạo; nhất là Sở Tài Nguyên- Môi trường thì khả năng đưa vào ứng dụng mới cao. Các học sinh mới ở giai đoạn nghiên cứu, nhưng việc ứng dụng khó vì khả năng thuyết phục người khác của học sinh còn khó khăn. Chỉ có ban ngành cao hơn xem xét đề tài có thể nhân rộng; thứ nữa họ có điều kiện kinh tế. Học sinh thì còn phụ thuộc gia đình; nhà trường muốn giúp nhưng không biết lấy kinh phí từ đâu!

Truyền thống

Trường THPT An Lạc Thôn từng được biết đến nhờ vào những giải thưởng mà các học sinh nhà trường dành được từ các cuộc thi sáng tạo bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước như vừa nói.

Hồi năm 2011, đề tài ‘Thu giữ dầu loang bằng vỏ tràm’ của các học sinh trường này đạt được giải nhất và được mời sang trình bày tại Thụy Điển. Câu chuyện học sinh trường nghèo ‘mang chuông đi đánh xứ người’ được báo chí trong nước loan tải khá nhiều.

Một học sinh trong nhóm đoạt giải hồi năm 2011, vừa qua được Trường Nhật Ngữ Đông Du chọn cho đi du học tại Xứ Phù Tang trong 6 năm. Đó là em Nguyễn Trí Hảy.

Theo thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm với các đề tài cải thiện, bảo vệ nguồn nước bằng những vật liệu có sẵn ở địa phương là hướng được triển khai cả chục năm qua tại ngôi trường vùng sông nước Cửu Long này.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới.