Kẻ vui, người buồn...
Giáo sư Phan Văn Song, giảng dạy khoa kinh tế và luật tại các đại học Saigon trước đây cũng như ở Pháp hiện nay trình bày suy nghĩ của ông với tư cách là một cử tri, một nhà phân tích và bình luận thời cuộc :
“Bao giờ cũng vậy, trong một cuộc bầu cử mà tỷ lệ thắng rất gần, theo số liệu của của viện thống kê CSA, thì đúng là phân nửa nước Pháp buồn, phân nửa nước Pháp vui, vì ông Sarkozy từng hứa hẹn nhiều giải pháp cải tổ, mà ông chỉ làm “nửa chừng xuân”. Cái khó khăn của ông Sarcozy trong 5 năm vừa qua là cuộc khủng hoảng về kinh tế, tiền tệ, tài chánh, trên thế giới, bắt đầu từ năm 2008.”
Tuy nhiên, theo giáo sư Song, tổng thống Sarcozy cũng có nhiều thành tựu dù gặp phải lắm nghịch cảnh:
“Ông đã đóng nhiều vai trò then chốt như chủ tịch G8, chủ tịch G20, và cùng với thủ tướng Đức, bà Merkel là cặp bài trùng để bảo vệ đồng tiền Euro, cùng nền kinh tế, tài chánh của Âu Châu. Nhưng ông Sarcozy không làm vừa lòng phần lớn người Pháp, vì không hiểu ông nên cho ông là người của giai cấp giàu có.”
Cựu y sĩ đại tá Nhảy Dù Hoàng Cơ Lân, chỉ huy trưởng trường Quân Y, Việt Nam Cộng Hòa phân vân khi nghĩ về tương lai bấp bênh của nước Pháp, khi những người chung quanh ông không tin tưởng vào ứng cử viên đắc cử Francois Hollande:
“Đa số rất nhỏ dân Pháp bầu cho ông Hollande, một phần là do ông Sarcozy bị báo chí đánh phá quá, nếu dùng chữ anh tức là ‘unfair’, còn tiếng Pháp là ‘mauvaise foi’ chứ lẽ ra ông Sarkozy xứng đáng thắng cử, ông rớt đài thua có hơn một điểm thôi.
Người Việt Nam cũng như các quân nhân Pháp tôi biết, đa số họ thất vọng, họ buồn lắm, vì không thích chương trình của ông Hollande, ông này ‘hứa cuội’ nhiều lắm, lấy tiền đâu mà trang trải những lời hứa đó.
Dù sao, Pháp cũng vẫn là nước dân chủ, ứng cử viên mình ủng hộ mà không được bầu, mình buồn, nhưng tôi thấy kỳ này mấy ông xã hội làm quá, trong cuộc tranh cử vừa rồi, đối với ông Sarkozy, họ không đàng hoàng.
Tuy nhiên, trong 5 năm làm tổng thống, ông Sarkozy cũng bị ‘hố’ nhiều lần, bị đối thủ tận dụng để chỉ trích ông. Đối với cựu tổng thống Mitterand hồi xưa thì những lỗi lầm của ông Sarkozy, không bằng một phần mười.”
Bao giờ cũng vậy, trong một cuộc bầu cử mà tỷ lệ thắng rất gần, theo số liệu của của viện thống kê CSA, thì đúng là phân nửa nước Pháp buồn, phân nửa nước Pháp vui.
Giáo sư Phan Văn Song
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, cựu sinh viên Việt Nam du học tại Pháp giữa thập niên 1970, người tham gia vào công tác kiểm phiếu trong cuộc bầu cử hôm chủ nhật 6 tháng 5 vừa qua, nói lên quan điểm của mình:
“Trong tiến trình tranh cử, chúng tôi có theo dõi nhiều, và thấy sự thay đổi chính quyền giữa phe tả và phe hữu rất cần thiết, cá nhân chúng tôi thấy mặc dù ông Sarkozy có nhiều sai lầm, nhưng ông cũng làm được một số việc, trong khi đó ông Hollande hứa, thì chúng tôi hồ nghi rất nhiều.
Đi bầu trong tâm trạng mình không thể ủng hộ phe nào thì cảm thấy rất buồn, với kết quả được công bố thì mình có phần dửng dưng, vì người được bầu chọn không thể làm thay đổi nước Pháp, tôi chợt nghĩ đến đất nước Việt Nam, khi đảng cộng sản Việt Nam thắng cuộc thì lòng người chắc cũng thờ ơ như thế thôi.”
Với kết quả bầu cử tổng thống Pháp nhiệm kỳ trước, dường như cử tri tỏ ra tin tưởng hơn nơi ông Sarkozy, bà Vân dẫn chứng:
“Cách đây 5 năm, tối rất tin tưởng vì thấy chính sách của ông Sarkozy có sự quyết tâm, còn chính sách mà ông Hollande đưa ra bây giờ thì tôi cho là rất khó thực hiện, như ông muốn quay trở về tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi, cũng như những chính sách bù đắp cho người dân hưởng được khá tiền hơn, thì tôi không tin tưởng lắm.”
Cựu y sĩ đại tá Hoàng Cơ Lân cho rằng tương lai nước Pháp dưới sự lãnh đạo của ông Francois Hollande, cuộc sống sẽ không được như trước đây:
“Sẽ xuống dốc vì nền dân chủ dưới sự cầm quyền của đảng Xã hội ở nước nào cũng vậy, ‘tiêu tiền tưới hạt sen’, như bên Grèce (Hy Lạp), Espagne (Tây Ban Nha), đều bị lụn bại về vấn đề tài chánh.
Tôi sợ nước Pháp cũng nguy khốn như thế vì trong 5 năm vừa rồi, nhờ ông Sarkozy mà Pháp mới thoát khỏi sự đắm tàu về kinh tế, tôi không hiểu rồi đây sẽ như thế nào. Hôm nay là ngày trận Điện Biên Phủ thất thủ, các quân nhân bên này tụ họp ngày mồng 7 tháng 5, làm lễ tưởng niệm. Hôm nay tôi gặp họ thì người nào cũng buồn lắm. ”
Bất ngờ thú vị
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân kể về sự bất ngờ thú vị vì tình cờ bà được tham gia vào công tác kiểm phiếu cuộc bầu cử tổng thổng Pháp:
“Tôi có hỏi, vì không hiểu chính sách tổ chức bầu cử, kiểm phiếu thế nào, những người phụ trách phòng phiếu nói nếu bà muốn tham gia thì trở lại vào buổi tối, cuộc kiểm phiếu chỉ kéo dài một giờ đồng hồ.
Tôi nhận lời vì không ngờ lại dễ dàng như vậy, để chứng tỏ trong xứ dân chủ người ta không sợ và cho người dân bình thường được kiểm phiếu.
Tôi nghĩ rằng, nếu ở Việt Nam mà không sợ sự thật, không gian lận bầu cử thì cuộc bầu cử đó sẽ trong sáng hơn, và người dân sẽ thấy là phiếu của mình có giá trị, và được tôn trọng. Mình cũng cần biết là một cuộc bầu cử tự do, trong sáng phải được tổ chức như thế nào.”
Về chính sách đối ngoại của Pháp trong tương lai, giáo sư Phan Văn Song nhận định như sau, căn cứ vào chủ trương về quốc phòng của ứng cử viên Hollande:
“Không ai có thể theo một chính sách hòan toàn độc lập vì ngày nay thế giới chủ trương chính lập liên lập (interdependent). Ông Hollande nói sẽ rút quân Pháp khỏi Afghanistan, thì tôi cho rằng khó rút quân tức khắc mà cần chờ trong 6 tháng, một hay hai năm, ông dựa theo tuyên bố của tổng thống Obama nói cho rút quân khỏi Afghanistan, vào năm 2014, nên ông tính rút quân Pháp về vào năm 2013.
Ông Hollande tuyên bố một cách ôn hòa là Pháp sẽ không có mặt chỗ này, chỗ kia, theo quan điểm phe tả là để các nước tự chủ, độc lập, rốt cuộc tổng thống Miterrand vẫn sa lầy ở Phi Châu.
Tôi có hỏi, vì không hiểu chính sách tổ chức bầu cử, kiểm phiếu thế nào, những người phụ trách phòng phiếu nói nếu bà muốn tham gia thì trở lại vào buổi tối, cuộc kiểm phiếu chỉ kéo dài một giờ đồng hồ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân
Tôi cho rằng, ngày mai tổng thống Obama ngồi lại hay ra đi, nhường chỗ cho Romney, thì Pháp và Mỹ vẫn vướng víu, mặc dù có thể rút quân ra được, vì NATO phải giữ một hình ảnh nào, với vai trò của người điều khiển an ninh thế giới, rồi đây thế giới sẽ hỗn loạn nhiều, Nga muốn kiếm chuyện lá chắn nguyên tử của thời Reagan.
Trung Quốc cũng muốn lên tiếng chứng tỏ mình là một cường quốc về quân sự, cho nên cho dù Pháp muốn chứng tỏ thái độ hòa bình, cũng phải dính líu trong những công việc đó, vì là thành viên của khối NATO.”
Tin tức cập nhật cho hay, đồng Euro xuống giá sau cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Trong phiên giao dịch ngày 7 tháng 5, tại Tokyo, đồng Euro được bán ra với giá 1,299 đô la, giảm so với mức 1,308 đô la hồi cuối tuần trước.
[ Video: Bầu cử Tổng thống Pháp vòng 1 Opens in new window ]