Ứng dụng vào cuộc sống
Đây là một nguồn thay thế cho năng lượng hóa thạch hiện bị chỉ trích là thủ phạm thải khí gây hại cho trái đất, cũng như theo dự báo của giới chuyên gia đang bị cạn kiệt đến lúc không còn để dùng nữa.
Cơ quan chức năng Việt Nam lâu nay cũng đề cập đến việc khai thác năng lượng mặt trời để phục vụ cuộc sống.
Làng Bình Kỳ 2 phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng nằm bên bờ biển cát nắng của khu vực miền Trung là nơi hồi năm 2008 được chọn để thực hiện dự án mang tên ‘Triển khai ứng dụng thiết bị năng lượng mặt trời tại các vùng nông thôn, miền núi Đà Nẵng’. Dự án này do tiến sĩ Hoàng Dương Hùng, lúc bấy giờ là phó hiệu trưởng Đại học Đà Nẵng chủ trì.
Người dân trong phường được cung cấp bếp nấu hình hộp hay hình parabol có thể hấp thụ ánh nắng mặt trời chuyển thành nhiệt năng đun sôi nước hay nấu chín thức ăn, Chị Hà, một phụ nữ sử dụng bếp năng lượng mặt trời do dự án cung cấp cho biết kinh nghiệm qua dùng lọai bếp đó:
"Bữa trưa trong thời gian hai tiếng đồng hồ có thể nấu được bốn ấm nước. Nếu canh chỉnh đúng tâm thì đúng 30 phút có thể sôi một ấm nước. Nấu cháo, hầm xương cũng tiện. Nói chung nấu không bị hôi khói.
Nấu bếp này giúp dân đỡ tốn kinh phí. Thêm nữa người ta cũng đốt lá cây để nấu có thể gây ô nhiễm môi trường. Hai điểm lợi là nấu bằng năng lượng mặt trời không gây ô nhiễm và tiết kiệm kinh phí.
Chị Hà, Đà Nẵng
Nấu bếp này giúp dân đỡ tốn kinh phí, vì nấu bếp gas, nấu củi sẽ tốn kém. Thêm nữa người ta cũng đốt lá cây để nấu có thể gây ô nhiễm môi trường. Hai điểm lợi là nấu bằng năng lượng mặt trời không gây ô nhiễm và tiết kiệm kinh phí."
Đích thân tiến sĩ Hoàng Dương Hùng có giải thích sơ lược về cơ cấu lọai bếp năng lượng mặt trời do nhóm của ông thiết kế. Theo ông thì bản vẽ của bếp được công khai và ngay cả người dân nếu có đủ nguyên liệu, điều kiện cũng có thể làm ra loại bếp đó. Ngoài ra lọai được sản xuất sẵn có giá từ 800 ngàn đến 1 triệu bảy một bộ.
"Công nghệ của hai loại bếp này có kết cấu hình hộp và parabol được chuyển giao đến tận người dân rồi. Với tài liệu cung cấp họ có thể chế tạo và làm một bếp để sử dụng được. Tất cả bản vẽ nếu ai có nhu cầu chúng tôi sẽ cấp miễn phí. Thường trong ngày môi trường thế giới hằng năm chúng tôi đều có giới thiệu.
Nếu ai không có khả năng tự làm thì có thể mua tại Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Trung tâm của chúng tôi xin kinh phí và làm bếp cung cấp cho dân nghèo."
Ngoài loại bếp mà nhóm dự án của tiến sĩ Hoàng Dương Hùng triển khai ở làng Bình Quý 2, cũng như tại nhiều nơi khác ở Việt Nam; trong thời gian qua có một số cơ sở cũng nhập những nguyên liệu và công nghệ từ nước ngoài về để chế tạo những máy đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời phục vụ các hộ gia đình.
Điều này được một nhà phân phối máy nước nóng bằng năng lượng mặt trời ở thành phố Hồ Chí Minh giải thích:
"Thông thường ánh nắng mặt trời chiếu vào một bề mặt nào đó sẽ làm nóng bề mặt đó lên. Ví dụ nắng chiếu vào một vật thể màu đen sẽ làm vật đó nóng lên và truyền nhiệt cho nước. Nguyên tắc của loại máy nước nóng này không phải phát sinh ra điện mà chỉ biến quang năng thành nhiệt năng mà thôi.
Máy nước nóng năng lượng mặt trời gồm có ba phần: phần chân đỡ có góc nghiêng phụ thuộc vào vĩ độ nơi lắp đặt, thứ hai là thùng hai lớp cách nhiệt chứa nước nóng, thứ ba là hệ thống ống thủy tinh hấp thụ nhiệt chuyển quang năng thành nhiệt năng."
Ý thức người dân
Ngoài những lợi điểm có thể tận dụng nguồn năng lượng mặt trời thay thế cho những nguồn năng lượng tốn kém và gây hại môi trường khác; các loại bếp hay máy nước nóng năng lượng mặt trời có một số hạn chế. Trước hết là trong những ngày thiếu nắng, mưa bão thì những loại máy này không có nguồn để hoạt động.
Bên cạnh đó còn một số hạn chế như chị Hà cho biết qua một thời gian sử dụng như sau:
"Sau một thời gian bếp bị hư vì chân bánh xe và dàn chống. Nấu cũng phải do người lớn cần chỉnh tâm 30 phút một lần. Trong những ngày có nắng to vào mùa hè mới nấu bằng bếp này được thôi."
Theo giáo sư Hoàng Dương Hùng, thì việc sử dụng năng lượng mặt trời thay thế cho những nguồn năng lượng đang gây hại cho môi trường và tốn kém nhiều như hiện nay đòi hỏi cần phải giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. Bởi lẽ lâu nay con người quen sự tiện dụng rồi như chỉ việc cắm điện rồi làm việc khác, chỉ một lúc sau họ có được một nồi cơm hay ấm nước. Còn đun bằng ánh nắng mặt trời cần phải mất thời gian canh chỉnh mới có được kết quả như ý theo như trình bày của chị Hà vừa nói.
Tiến sĩ Hoàng Dương Hùng nói về điều này:
"Nấu nướng thì bất lợi hơn nồi cơm điện. Ý thức người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường đến đâu họ mới sử dụng loại bếp năng lượng mặt trời. Ý thức quan trọng và đi đôi với vấn đề kinh tế. Đối tượng cho bếp này là dân nghèo ở nông thôn và miền núi. Lâu nay họ phải dùng rơm rạ, củi để đun nấu nên nay dùng bếp này sẽ lợi không phải phá rừng lấy củi..; Dân thành phố thì họ không muốn bỏ ra 15 phút để nấu bằng bếp năng lượng mặt trời…"
Đối với các doanh nghiệp cung cấp máy nước nóng năng lượng mặt trời thì họ chế tạo một bộ cắm điện cho máy khi không có nắng như lọai xe chạy bằng hai nguồn mà nhiều nhà chế tạo cho ra đời trong những năm gần đây: đó là khi có nắng thì hấp thụ năng lượng mặt trời khi không có nắng thì chạy bằng xăng… Nhà phân phối máy nước nóng năng lượng mặt trời cho biết điểm đó:
Nấu nướng thì bất lợi hơn nồi cơm điện. Ý thức người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường đến đâu họ mới sử dụng loại bếp năng lượng mặt trời. Ý thức quan trọng và đi đôi với vấn đề kinh tế.
TS. Hoàng Dương Hùng
"Nếu sợ trời mưa họ có thể gắn một điện trở phụ trợ trong bồn và sử dụng bằng điện."
Theo đánh giá thì tiềm năng về năng lượng mặt trời của Việt Nam là khá lớn. Trong bài viết của mình tựa đề ‘Sử dụng năng lượng mặt trời để nấu ăn và cung cấp nước nóng dùng cho sinh hoạt–Một giải pháp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường’, tiến sĩ Hoàng Dương Hùng nêu rõ ‘Việt Nam là một nước nhiệt đới, nằm ở vành đai nội chí tuyến nên tổng số giờ nắng trong năm lớn. Ở khu vực miền Trung có khoảng 2000 giờ nắng với cường độ bức xạ cao, lên đến 950W/m2 do đó rất thuận tiện cho việc triển khai ứng dụng các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời’.
Cần hỗ trợ cùa nhà nước
Tuy nhiên theo ông ngoài việc nâng cao ý thức cho người dân để họ hưởng ứng sử dụng, Nhà Nước cần có nhiều đầu tư hơn nữa chứ không thể làm theo cách như hiện nay: hô hào nhiều mà trong thực tế chưa có những biện pháp cụ thể:
"Vấn đề này phải đầu tư, tính toán lâu dài đến môi trường, khí hậu toàn cầu chứ chỉ tính toán về mặt kinh tế thì không thể được. Phải tính đến sự cấp bách mới có thể bỏ tiền ra để đầu tư. 50 năm nữa hết dầu và 100 năm nữa hết than mà không tận dụng năng lượng mặt trời sẽ là sự phí phạm.
Nhưng đến nay Nhà Nước chưa có chính sách cụ thể về các loại năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời."
Nhà chuyên cung cấp các thiết bị máy nước nóng năng lượng mặt trời cũng đồng ý với tiến sĩ Hoàng Dương Hùng về điểm này:
"Hiện nay chỉ khuyến khích, quảng bá cho mọi người sử dụng thôi chứ hỗ trợ thì Nhà Nước chưa có hỗ trợ gì."
Hồi đầu tháng 12 vừa qua, Bộ Khoa học- Công nghệ Việt Nam và Sở Khoa học- Công nghệ thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo ‘Tiềm năng và phát triển năng lượng mặt trời’. Hội thảo đưa ra đánh giá là nếu người dân được giúp để nấu nước bằng năng lượng mặt trời thì mỗi năm có thể tiết kiệm chừng 1000 tỷ đồng.
Hiện nay chỉ khuyến khích, quảng bá cho mọi người sử dụng thôi chứ hỗ trợ thì Nhà Nước chưa có hỗ trợ gì.
TS. Hoàng Dương Hùng
Thống kê cho thấy hiện trên toàn quốc mới chỉ có chừng 60 hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời cho khối tập thể. Đối với hộ gia đình có chừng hơn 5000 hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời để nấu nước mà thôi.
Với những con số thống kê như thế, người ta thấy số sử dụng tiềm năng nguồn năng lượng mặt trời ở Việt Nam còn quá lớn. Tuy nhiên, mặt khác cũng đặt ra câu hỏi vì sao còn quá ít người đến với nguồn năng lượng mặt trời thật dồi dào tại Việt Nam.
[ Video: Những sự kiện đáng chú ý tại Việt Nam trong tuần.Opens in new window ]