Từ những gì tôi biết về các đập cùng loại với đập Sông Tranh 2 và những thông tin gom được trên các báo mạng trong nước chúng tôi xin trình bày sau đây những gì đáng quan ngại những gì không.
Không cảnh giác khi thiết kế
Đại để, có hai loại đập: đập trọng lượng và đập vòm. Đập Sông Tranh 2 thuộc loại đập trọng lượng. Đập Hoover ở Boulder, Colorado, bên Mỹ thuộc loại đập vòm. Trong hai loại đập đó thì đập trọng lượng là đập đã được xây nhiều nhất và vững chắc nhất. Có những đập trọng lượng xây từ thời Thượng Cổ đến nay vẫn còn vững. Đê sông Hồng cũng có thể coi là những đập trọng lượng xây dọc hai bờ sông từ thời vua Lý Thái Tổ. Đập gồm bởi một bức tường bằng gạch hay bằng bê‒tông hai bên được củng cố bằng những ta‒luy bằng đất hay bằng đá. Người ta gọi những đập loại đó là đập trọng lượng vì người ta dùng trọng lượng của đập làm sức ì chống lại sức ép của nước chứa trong hồ. Với tiến bộ của công nghệ hiện đại thì bây giờ người ta thường thay những ta‒luy bằng một bức tường toàn bằng bê‒tông. Hình cắt của bức tường là một tam giác vuông với cạnh góc vuông ngắn là móng đập và cạnh góc vuông dài hướng về phía hồ chứa tiếp cận với nước (xem hình). Đập Sông Tranh 2 thuộc loại đó.
Vì đập nổi tiếng là rất an toàn nên có khi người ta không cảnh giác khi thiết kế, xây dựng và vận hành. Do đó xảy ra tai-nạn đập bị lật dưới sức ép của nước trong hồ, động đất quá mạnh làm cho đập bị vỡ, móng đập trượt vì bám không vững vào lớp đá dưới chân đập hay đập bị nước ngầm nhấc lên làm long móng đập.
Từ khi đổ nước vào hồ Sông Tranh 2 đồng bào địa phương nhận thấy đất chấn động và nước chảy ra từ vách đập.
Khi đổ nước vào hồ thì lượng nước trong hồ đè lên lớp địa chất dưới lòng hồ. Lớp địa chất chuyển dịch gây ra những trận động đất nhỏ thường không gây thiệt hại gì quan trọng cả.
Sau hai ba năm những chấn động sẽ ngưng khi lớp địa chất đạt vị trí ổn định. Nhưng có khi những chấn động đó làm cho đập bị nứt. Nếu nứt theo một mặt phẳng thẳng góc với chiều dài của đập và nếu vết nứt không lớn mấy thì rất có thể đập vẫn còn an toàn sau khi trát một chất nhựa trong khe để ngăn nước trong hồ chảy qua khe làm cho đập bị vỡ. Từ khi đổ nước vào hồ cho tới ba bốn năm sau khi hồ đầy, người ta theo dõi tính bền vững của đập. Nếu cần thì sửa chữa, nếu có nguy cơ đập bị vỡ thì tháo nước và di tản dân sống ở hạ lưu.
Những tai nạn đập vỡ như vậy đã xảy ra trong lịch sử nhưng rất hiếm. Đọc báo trên mạng thì chúng tôi chỉ biết là đồng bào sống ở hạ lưu Sông Tranh 2 nhận thấy có động đất chứ không có thông tin gì thêm. Hiện tượng này có đáng lo ngại hay không thì chúng tôi không biết.
Tai nạn thường xảy ra là do nước thấm: nước thấm dưới móng đập và nước thấm qua thân đập.
Nước thấm ở dưới móng đập gây sức ép từ dưới lên trên, nhấc đập lên, làm long móng đập và đập trượt về hạ-lưu. Để tránh sự cố này thì người đặt cống tháo nước để cho nước ngầm dưới móng đập chảy đi xa rồi người ta phủ một một lớp không thấm lên trên lớp đá chịu sức nặng của đập trước khi đổ móng.
Phương pháp khắc phục lạ lùng?
Một đập không phải là một bức tường dài liên tục đến một hai cây số. Nếu như vậy thì đập sẽ co giãn theo thời tiết làm cho đập gẫy. Để tránh tai nạn này, người ta xây đập thành nhiều khúc, mỗi khúc dài 15/20 mét có thể tự đứng vững dưới mọi áp lực cơ học. Giữa hai khúc có một khe, gọi là khe nhiệt, mà người ta bịt lại bằng một chất dẻo để nước trong hồ không chảy qua khe. Để tránh cho nước thấm vào thân đập thì người ta phủ một lớp chống thấm trên những diện tích tiếp cận với nước trong hồ.
Mặc dù những biện pháp phòng ngừa đó, người ta cũng không thể hoàn toàn tránh được nước thấm vào thân hồ. Để cho nước thấm không tụ lại trong thân đập, gây những phản ứng hóa học làm hòng các vật liệu xây đập và làm cho đập bị vỡ thì người ta bố trí trong thân đập những ống tháo nước. Trong thân đập cũng có một hay hai đường hầm để nhân viên bảo trì có thể vào kiểm tra lượng nước thấm chảy có đúng như đã dự báo không và, nhân tiện, kiểm tra xem đập vẫn còn vững chắc không. Vì chất chống thấm là một chất dẻo hóa học hữu cơ lâu dần sẽ tự hủy, cứ khoảng mười năm một lần, người ta trút hết nước trong hồ đề kiểm tra tính bền vững của đập. Nếu cần sửa chữa gì thì người ta sửa. Thực ra thì người ta triệt để cạo hết và thay thế những lớp chống thấm bằng những lớp mới.
Đọc báo mạng trong nước, chúng tôi nhận thấy phương pháp khắc phục sự cố Sông Tranh 2 lạ lùng.
Trước tiên, chúng tôi ngạc nhiên người dân không được thông tin và phải chạy theo những tin đồn. Dù những tin đồn đó thực hay hư, người dân cũng lo âu, nghi ngờ khả năng kỹ thuật của các chuyên gia giải quyết sự cố và nghi ngờ chính quyền đang che dấu một hiện tượng tham nhũng nào đó. Sau đó, chúng tôi không tin cách dùng vải bạt, túi ny‒lông nhét vào rãnh bê tông bị nứt là phương pháp nghiêm chỉnh của nhà nghề.
Thông thường, khi một đập có sự cố thì người ta trút hết nước trong hồ để tránh hiểm họa cho dân ở hạ lưu. Một khi hồ cạn nước thì mới có thể quan trắc triệt để tất cả những nguyên do của sự cố, sửa chữa kỹ càng và kiểm tra lại tính bền vững của đập trước khi cho nước chảy lại vào hồ. Trên nguyên tắc, mỗi địa phương ở hạ lưu một đập đều có sẵn một chương trình di tản phòng khi đập vỡ. Chúng tôi không biết huyện Trà My có một chương trình như vậy không và, nếu có, thì chính quyền đã bố trí những phương tiện di tản chưa. Về phòng ngừa, khi có sự cố thì người ta kiểm tra và, nếu cần, sửa lại tất cả các đối tượng đã được xây với cùng vật liệu hay/và phương pháp xây của đối tượng có sự cố. Chúng tôi không biết chính phủ đã ra lệnh chủ nhân các đập liên hệ kiểm tra đập của họ chưa.
Nếu không thể trút cạn hết hồ nước trong một ngày tới thì chúng tôi xin đề nghị di tản dân huyện Trà My. Những tiếng nổ người dân địa phương nghe thấy làm chúng tôi e ngại một tai nạn đang đe dọa. Chúng tôi biết, nếu rút cục sự cố không làm vỡ đập, và đó là điều chúc mong của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ mất uy tín. Nhưng sinh mạng của người dân quý hơn uy tín của một tiến sĩ.
Đặng Đình Cung, Kỹ sư tư vấn
Video: Những sự kiện đáng chú ý tại Việt Nam trong tuần
Theo dòng thời sự:
- Sự cố Sông Tranh – người dân sẽ ra sao?
- Nguyên nhân nứt đập thuỷ điện sông Tranh sắp được công bố
- Chủ đầu tư nhận lỗi kỹ thuật tại thủy điện sông Tranh
- Vỡ đập thủy điện ở Lâm Đồng, 5 người thiệt mạng
- Có nên xây dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6 A?
- Các hồ thuỷ lợi tại Miền trung đã quá đầy
- Thực trạng của một số công trình thủy điện
- ĐB quốc hội yêu cầu ngừng xây thêm đập thủy điện
- Thủy điện lấy đất rừng
- Lợi hại của thủy điện Việt Nam
- World Bank hỗ trợ nhà máy thủy điện cho Việt Nam
- Các dự án thuỷ điện vùng cao có thể gây thiệt hại lớn
- Phản đối việc xây đập thủy điện trên thượng nguồn Mêkong