Chính phủ Nhật Bản nhìn nhận biển Đông thế nào trong chiến lược của mình, cuộc tập trận gần đây giữa ba nước có ý nghĩa gì? Việt Hà phỏng vấn ông Tetsuo Kotani, chuyên gia nghiên cứu thuộc viện Okazaki về vấn đề này.
Thông điệp qua các cuộc tập trận
Trước hết, nói về tầm quan trọng của biển Đông đối với chính phủ Nhật Bản, ông Kotani cho biết:
Biển Đông quan trọng với Nhật trong 3 điểm chính sau: thứ nhất, biển Đông là thủy lộ quan trọng cho Nhật bản. Hơn 70% số dầu nhập khẩu của Nhật phải đi qua đường này. Chúng tôi vì vậy cần phải có tự do hàng hải trên khu vực này. Thứ hai là việc cân bằng sức mạnh trên biển Đông có ảnh hưởng lớn đối với an ninh trên khu vực biển xung quanh Nhật Bản, đặc biệt là đối với vùng biển Đông Trung Hoa.
Vì vậy Nhật Bản rất quan ngại với những căng thẳng trên biển Đông. Cuối cùng là như tôi đã viết trong bản thuyết trình tại hội thảo vừa rồi về biển Đông ở Philippines, thì khi Trung Quốc triển khai chương trình tên lửa hạt nhân đạn đạo trên biển Đông thì chúng tôi lo ngại là Trung Quốc sẽ gia tăng khả năng hạt nhân và nếu họ thành công trong việc thực hiện chương trình hạt nhân trên biển đối lại với Mỹ thì sẽ làm giảm khả năng bảo vệ hạt nhân của Mỹ đối với Nhật bản. Vì vậy mà chính phủ Nhật bản cũng quan ngại đến những căng thẳng gần đây trên biển Đông.
Với Trung Quốc, tôi nghĩ cả 3 nước muốn gửi ra một thông điệp là cả 3 nước đều quan ngại với những căng thẳng trên biển Đông.
Ô. Tetsuo Kotani
Việt Hà: Đã có những dấu hiệu nào cho thấy những quan tâm này của Nhật Bản đối với biển Đông, nhất là giữa lúc những căng thẳng đang gia tăng trong khu vực giữa Trung Quốc và các nước khác?
Tetsuo Kotani: Vào tháng trước, tức là tháng 6, cả Mỹ và Nhật đã có một tuyên bố chung theo đó hai bên đồng ý có những mục tiêu chiến lược chung. Duy trì an ninh, tự do hàng hải cũng được bao gồm trong những mục tiêu chiến lược chung này. Đối với chính phủ Nhật thì việc duy trì an ninh hàng hải và tự do hàng hải là hết sức quan trọng, cho nên Nhật bản sẽ tiếp tục duy trì an ninh hàng hải với phía Hoa Kỳ.
Và trong các mục tiêu chiến lược chung cả hai nước cũng nói đến việc thắt chặt hợp tác với các nước khác đặc biệt là Nam Hàn, Úc, Ấn độ và các nước ASEAN. Đối với vấn đề tranh chấp trên biển Đông, hợp tác Nhật Mỹ với các nước ASEAN là rất quan trọng.
Theo tôi Nhật Bản sẽ thắt chặt quan hệ với các nước ASEAN đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Gần đây chúng tôi có thực hiện một cuộc tập trận trên biển Đông với Úc, Mỹ ngoài khơi Brunei, theo tôi đây là một bước đầu tiên mà Nhật Bản thực hiện để thắt chặt quan hệ với các nước ASEAN để duy trì an ninh hàng hải trên biển Đông.
Việt Hà: Theo ông thì qua cuộc tập trận này, 3 nước muốn gửi tín hiệu gì đến Trung Quốc và các nước đòi chủ quyền thuộc khối ASEAN?
Tetsuo Kotani: Với Trung Quốc, tôi nghĩ cả 3 nước muốn gửi ra một thông điệp là cả 3 nước đều quan ngại với những căng thẳng trên biển Đông. Với các nước khác, đặc biệt là Việt Nam và Philippines và các nước đang đòi chủ quyền trên biển Đông, thì 3 nước tập trận muốn gửi ra thông điệp là chúng tôi đang đứng bên phía các bạn, chúng tôi cũng quan ngại về sự lấn áp của Trung Quốc trên biển Đông và chúng ta cần có nhiều hợp tác hơn nữa để ngăn chặn sự lấn áp từ phía Trung Quốc.
Việt Hà: Ông nhìn thấy những triển vọng hợp tác nào tiếp theo giữa Nhật Bản và các nước như Việt Nam và Philippines liên quan đến vấn đề này?
Tetsuo Kotani: Theo tôi thì tập trận chung giữa 3 nước sẽ còn tiếp tục và tôi nghĩ cả 3 nước sẽ còn những cuộc tập trận chung với các nước khác trong ASEAN. Cả 3 nước sẽ tham gia vào việc xây dựng sức mạnh cho các nước ASEAN để họ có thể có khả năng phòng vệ. Có thể là chúng tôi sẽ cung cấp tàu, radar, máy bay. Ngoài ra chúng tôi cũng có thể đào tạo đội ngũ quân đội cho các nước ASEAN.
Việt Hà: Vậy Nhật Bản và Việt Nam đã có thỏa thuận hay kế hoạch nào về những hợp tác như vậy chưa?
Tetsuo Kotani: Hiện thời thì chưa có, tôi nghĩ chính phủ Nhật sẽ có những thảo luận với phía Việt Nam, Philippine và một số nước khác trong khu vực trong tương lai. Theo tôi nhớ thì vào năm 2006 chính phủ Nhật bản đã cung cấp tàu tuần tra cho Indonesia để họ có thể tuần tra quanh eo Malaca. Tôi nghĩ đây là một công thức có thể được áp dụng trong tương lai.
Vai trò của các nước trong khu vực
Việt Hà: Trong bài thuyết trình của ông tại hội thảo biển Đông ở Philippines vào tháng 6 ông có nói đến việc Trung Quốc gia tăng khả năng hạt nhân của mình trên biển Đông trong chiến lược vươn ra biển Thái Bình Dương. Ông đánh giá khả năng này của Trung Quốc hiện nay ra sao và các nước trong khu vực có cần phải lo ngại?
Tetsuo Kotani: Rất khó để xác định được chính xác về khả năng hạt nhân của Trung Quốc bây giờ vì họ không cung cấp thông tin. Nhưng có nhiều phân tích gia đã chỉ ra rằng Trung Quốc đang muốn sử dụng tàu ngầm có tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân trên biển Đông, ở đảo Hải Nam và họ cũng xây dựng căn cứ tàu ngầm ở đó.
Theo tôi nghĩ thì đây mới chỉ là bước đầu và chúng ta không cần phải lo ngại về khả năng hạt nhân của Trung Quốc ở đây vào giai đoạn này. Tuy nhiên trong những năm tới thì tôi không chắc, cho nên chúng ta cần phải quan sát tình hình trên biển Đông một cách chặt chẽ nhất là đối với chiến lược hạt nhân của Trung Quốc.
Mỹ hiểu được mối nguy hiểm này nên họ đã gửi các tàu và máy bay đến khu vực này để dò xét phát hiện các hoạt động tàu ngầm của Trung Quốc trên biển Đông. Chắc các bạn có nhớ vụ việc 2001 ở gần đảo Hải Nam, máy bay Trung Quốc đâm vào máy bay của Mỹ, rồi năm 2009 là vụ tàu Impeccable của Hoa Kỳ khi đến khu vực này đã bị tàu Trung Quốc tấn công. Đã có những mâu thuẫn xảy ra giữa hai nước liên quan đến vấn đề này. Vì vậy chúng ta cần phải theo dõi chặt chẽ quy mô hạt nhân của Trung Quốc.
Việt Hà: Quan điểm của chính phủ Mỹ từ trước đến nay vẫn là không đứng về bên nào trong vấn đề biển Đông và rất miễn cưỡng tham gia vào việc giải quyết tranh chấp này. Theo ông trong khi Mỹ còn chần chừ và nếu không có sự can thiệp tích cực từ các nước bên ngoài thì chương trình hạt nhân của Trung Quốc sẽ sớm trở thành mối đe dọa cho các nước trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung?
Tetsuo Kotani: Tên lửa đạn đạo của Trung Quốc không thể đến được Los Angeles từ biển Đông, tên lửa của họ vẫn ở tầm ngắn. Cho nên từ biển Đông, tàu ngầm Trung Quốc phải ra được biển Thái Bình Dương để nhắm vào Los Angeles, và để làm được điều này tàu Trung Quốc phải vượt qua một số những quần đảo đầu tiên. Nhật bản đang gia tăng tuần tiễu tại các quần đảo phía tây nam, quần đảo Okinawa. Tàu ngầm Trung Quốc cần phải đi qua các quần đảo này của Nhật bản.
Nhật Bản có thể đóng vai trò quan trọng ở đây vì khả năng phát hiện tàu ngầm của Nhật hiện được cho là đứng đầu thế giới và Mỹ phải dựa rất nhiều vào khả năng này của Nhật Bản. Mặc dù Trung Quốc đang gia tăng khả năng hạt nhân của mình trên biển Đông, nhưng khu vực họat động phải nằm ở Thái Bình Dương chứ không thể ở biển Đông. Chính vì vậy liên minh Nhật Mỹ đóng vai trò quan trọng trong khu vực này. Ngoài ra Úc cũng đang gia tăng khả năng chống tàu ngầm của mình.
Một khi chúng ta có được hợp tác thì chúng ta có thể hạn chế được khả năng hạt nhân của Trung Quốc trong khu vực.
Ô. Tetsuo Kotani
Vì vậy hợp tác ba nước trong lĩnh vực này là rất quan trọng. Ngoài ra cũng có hy vọng là với Phillippines nằm trong số các quần đảo đầu tiên mà Trung Quốc phải đi qua khi tiến ra Thái Bình Dương, thì Nhật, Hoa Kỳ và Úc có thể hợp tác được với Philippines để gia tăng khả năng chống tàu ngầm cho nước này và một khi chúng ta có được hợp tác này thì chúng ta có thể hạn chế được khả năng hạt nhân của Trung Quốc trong khu vực.
Việt Hà: Vậy Việt Nam đóng vai trò nào trong hợp tác chiến lược này?
Tetsuo Kotani: Việt Nam nằm ở vị trí rất gần đảo Hải Nam nơi có căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc, có vai trò cũng rất quan trọng. Vì thế mà cả Mỹ và Nhật Bản đều nhìn vào Việt Nam như một đối tác quan trọng cho nên vị trí của Việt Nam gần căn cứ tàu ngầm Trung Quốc là một điểm then chốt khác.
Việt Hà: Cảm ơn ông đã dành cho đài chúng tôi buổi phỏng vấn này.