Việc này, khiến 13 thị trấn ở Australia bỏ hàng chục triệu đô la mua và thiệt hại. Phán quyết này liệu sẽ là một tiền án đối với các cơ quan đánh giá tín nhiệm trên thế giới cũng như tại Việt Nam?
S&P (Standard & Poor) là một trong ba cơ quan xếp hạng tín dụng lớn nhất trên thế giới, có trụ sở tại Hoa Kỳ. Công ty này chuyên xếp hạng tín nhiệm đối với các nhà phát hành nợ hoặc chứng khoán trên cấp độ Chính phủ hoặc công ty. Việc xếp hạng tín dụng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đánh giá rủi ro, nghĩa là liệu công ty phát hành nợ hoặc quốc gia phát hành nợ có đủ khả năng trả nợ hay sẽ bị phá sản.
Sai lạc và lừa đảo
Với uy tín trên 150 năm hoạt động đánh giá tín nhiệm các tổ chức khác, lần đầu tiên, S&P bị tòa án Úc hôm 5/11 phán quyết rằng đã đưa ra thông tin sai lạc và lừa đảo các nhà đầu tư. Theo đó, S&P đã đánh giá tín nhiệm AAA (là mức cao nhất) cho các sản phẩm chứng khoán phái sinh, gọi là các khoản nợ được thế chấp theo tỷ lệ cố định (gọi tắt là CPDO) cho ngân hàng ABN AMRO Hà Lan bán ra thị trường hồi năm 2006. Dựa theo kết quả đánh giá sai lệch trị giá tài chính này của S&P mà 12 hội đồng thành phố của bang New South Wales đã mua các khoản nợ thế chấp có mức tín nhiệm cao nhất AAA này và được đảm bảo rằng khả năng phá sản của công ty phát hành (tức ABN AMRO của Hà Lan) thấp hơn 1%. Vậy nhưng, sau 6 tháng đầu tư, 12 hội đồng trên đã mất hơn 16 triệu đô la, tương đương 90% tổng số tiền họ bỏ vốn.
Thẩm phán Jagot của Tòa án Liên bang Úc đã quyết định phần thắng thuộc về 12 hội đồng thành phố của bang New South Wales với giá trị 31 triệu đô la. Bà thẩm phán cũng bác bỏ luận điểm của luật sư bên công ty bị cáo biện minh rằng họ phạm sai lầm là do "thông tin không đầy đủ", theo bà Jagot thì "S&P nói dối và họ biết rõ là họ nói dối." Theo tòa án, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm "đủ khả năng" thì không thể xếp hạng một sản phẩm chứng khoán phái sinh phức tạp ở hạng AAA, cả S&P và ngân hàng ABN Amro đã đưa ra thông tin sai lệch và bóp méo sự thật về các sản phẩm nhằm thu hút các nhà đầu tư.
Luật sư bên nguyên, ông Amanda Banton cho biết: "Đây là một đòn giáng mạnh xuống các tổ chức định hạng tín nhiệm vốn đã nhiều năm nay được hưởng lợi từ việc đưa ra quyết định đánh giá tín nhiệm mà không cần phải chịu trách nhiệm với nhà đầu tư về các ý kiến họ đưa ra.”
Đồng thời, công ty luật Amanda Banton cũng khẳng định những quyết định trên của Tòa án Liên bang Úc sẽ đảm bảo được tính minh bạch và trách nhiệm của S&P trong quá trình xếp hạng, đánh giá.
Tạo ra tiền án
Ngay sau khi bản án này được tuyên, hàng loạt các tờ báo tài chính có uy tín trên khắp thế giới đều tập trung đưa tin bởi đây là một tiền án chưa từng xảy ra đối với một tổ chức chuyên đánh giá tín nhiệm có uy tín lớn trên thế giới. Theo lời P.G.S Harald Scheule, khoa Tài chính của Trường Công Nghệ Sydney thì "đây là lần đầu tiên một tổ chức đánh giá tín nhiệm phải chịu trách nhiệm về kết luận mà mình công bố" .
Nhận xét về bản án trên, nhà báo Lưu Tường Quang hiện đang sinh sống tại Úc lại cho rằng, phán quyết trên của tòa án tại Úc sẽ có mức ảnh hưởng sang cả những nước ngoài Australia, ông nói:
“Quyết định này có tầm ảnh hưởng quan trọng ở chỗ là tòa án Úc có thể làm ra một án lệ, một tiền lệ và sau đó các tòa án khác trên thế giới có thể coi những công ty chuyên môn đánh giá mức độ tín cẩn của các ngân hàng đầu tư và do đó nó có phạm vi ảnh hưởng ngoài nước Úc.
Nhà báo Lưu Tường Quang
Trên nguyên tắc, đánh giá tín dụng là một nét đặc thù trong nền kinh tế thị trường, nhằm mang đến thông tin trung thực, không vụ lợi cho các nhà đầu tư khi kiếm tìm thông tin. Việc xếp hạng tín dụng góp phần bảo vệ sự ổn định của hệ thống ngân hàng, giúp thị trường tài chính – ngân hàng trở nên minh bạch cũng như tăng cường khả năng giám sát thị trường của các cơ quan giám sát.”
Chắc chắn sau vụ việc S&P bị trừng phạt, người ta sẽ đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của các đánh giá xếp hạng cũng như tính kịp thời điều chỉnh những dự báo của các công ty lượng giá tín dụng này. Nếu nhìn lại lịch sử, còn nhớ hồi năm 2001, chỉ 4 ngày sau được xếp hạng ở mức tín nhiệm tốt nhất, tập đoàn Enron nộp đơn xin phá sản, từ đó châm ngòi cho một cuộc suy trầm kinh tế kéo dài tại Hoa Kỳ. Hay như Lehman Brothers, chỉ 1 ngày trước khi xin phá sản, tập đoàn tài chính này vẫn được xếp hạng ở mức cao. Ngoài ra, mới đây nhất, năm ngoái S&P cũng hạ mức tín nhiệm của nền kinh tế Hoa Kỳ ở mức cao nhất xuống một bậc từ AAA còn AA+, thế nhưng, nền kinh tế số một thế giới vẫn không thay đổi, vẫn là nơi thu hút vốn hàng đầu thế giới và được xem là “nơi trú bão” an toàn cho khắp toàn cầu.
Nhìn về Việt Nam
Tại Việt Nam, 3 hãng lượng giá tín dụng là S&P, Moody và Fitch cũng đã thực hiện nhiều đánh giá ở các lĩnh vực khác nhau, từ năng lực tín dụng, triển vọng tín dụng, khả năng trả nợ, cho tới tín nhiệm trái phiếu… Mỗi khi đánh giá của các tổ chức này đưa ra đều có những tác động nhất định đến tâm lý các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đặc biệt là những khi các doanh nghiệp trong nước phát hành trái phiếu ra nước ngoài sẽ phải chịu lãi suất cao nếu hệ số rủi ro của Việt Nam bị đánh giá là lớn.
Theo ý kiến chung của các doanh nghiệp trong nước thì khi các doanh nghiệp nước ngoài đến tìm đối tác Việt Nam họ rất quan tâm vấn đề xếp hạng tín dụng, vì thế, việc công khai những thông tin này giúp đối tác chủ động tìm đến với doanh nghiệp Việt cũng như sẽ giúp họ lựa chọn đúng những doanh nghiệp xứng đáng để đầu tư.
Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là nếu một tình huống tương tự xảy ra, liệu Việt Nam có những chế tài hay các biện pháp để giải quyết những vụ việc tương tự, ông Lưu Tường Quang cho biết thêm ý kiến của mình:
“Trong trường hợp Việt Nam, nếu nói về nguyên tắc thì phải áp dụng nguyên tắc chung là công ty cho ý kiến phải chịu trách nhiệm, tuy nhiên, trong thực tế vấn đề này có áp dụng vào Việt Nam hay không thì còn tùy vào phán quyết của tòa án Việt Nam. Điều đó, tôi không nghĩ là tòa án Việt Nam ở mức độ độc lập với các thế lực tài chính và kinh tế để có thể đi đến một kết luận tương tự như tòa án tại Úc.
Điều đó không có nghĩa là Việt Nam có thể áp dụng hay không áp dụng mà bởi vì hệ thống luật pháp Việt Nam không theo những tiêu chuẩn của hệ thống luật pháp tại các quốc gia dân chủ Tây Phương.”
Có thể thấy, việc một hãng đánh giá tín dụng hàng đầu trên thế giới bị một tòa án nước ngoài xử phạt vì hành động gian trá là một bài học lớn về hậu quả của việc đưa ra những thông tin thiếu chính xác, thiên lệch. Cũng thông qua bản án này, tòa án liên bang Úc đã tạo ra một tiền án có sức lan tỏa cho những vụ việc về sau và chắc chắn sẽ vượt ra khỏi phạm vi nước Úc để giải quyết những trường hợp khi đương sự phải chịu trách nhiệm về thông tin cũng như những đánh giá của mình đưa ra.
Theo dòng thời sự:
- Thứ hạng tín dụng của Việt Nam
- Standard and Poor's và Công Trái Hoa Kỳ
- Hậu quả của việc Mỹ bị sụt hạng tín dụng
- Lần đầu tiên, Mỹ tụt hạng tín nhiệm
- FITCH: đồng bạc Việt Nam sẽ mất giá thêm
- Việt Nam: Phá giá và lạm phát
- Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cam kết đấu tranh với lợi ích nhóm
- Khủng hoảng tài chính toàn cầu