Giải pháp cho trẻ nghiện game online

Báo chí trong nước thời gian qua đề cập nhiều đến hiện tượng nghiện game online trong giới học sinh, đến độ xao lãng việc học, bỏ ăn bỏ ngủ, thậm chí phạm tội ăn cắp để có tiền chơi game.

0:00 / 0:00

"Máu ghiền"

Mới đây báo Dân Trí online lại nêu vấn đề trẻ nghiện chơi game trên computer với đề nghị là nên cấm hẳn hay nên kiểm soát toàn diện loại hình giải trí này, rằng không thể mù mờ về trách nhiệm quản lý game online.

Với mục đích góp ý, một chuyên gia khoa thần kinh và tâm lý ở California, bác sĩ Lê Phương Thúy, phân tích vấn đề qua lăng kính chuyên môn, đồng thời lý giải nguyên nhân sâu xa của tình trạng nghiện game online nơi thiếu nhi:

"Ghiền là một bệnh có tính di truyền, nó nằm trong nhiễm thể của mình. Ghiền tức là một sự đam mê mà không cưỡng lại được, và người ghiền, thí dụ như ghiền game, thì có gì là thích thú trong cái game đó?

Khi các em vô game, nó có sự hào hứng, căng thẳng, thích thú từ lúc chơi cho đến lúc có kết quả thắng hay thua, thì trong óc của các em tiết ra chất Adrenalin, nó rất kích thích, nó làm cho tinh thần phấn khởi sảng khoái. Kết quả tháng hay bại phải nói là cũng tạo một cái khoái lạc khác nữa. Bây giờ các bác sĩ y khoa đã tìm ra rằng trong con người ta có cái máu ghiền. Rồi bên cạnh đó là xã hội, tức là xã hội tạo nhiều phương tiện. Chẳng hạn như thời Pháp thuộc, họ cho sử dụng ma túy, thuốc phiện, cờ bạc thả giàn, thì máu nghiện nó thể hiện ra dưới hình thức cờ bạc và nghiện thuốc phiện.

Còn bây giờ để giải trí thì có những game mà cái thú vị, cái quyến rũ nhất của trò chơi này là chỉ một mình cũng có thể chơi được chứ không cần có sự hiện diện của người khác. Với computer, mình có thể chơi với những nhân vật trừu tượng ở trong máy. Đó là cơ hội mà xã hội cung cấp cho các em.

Nói tóm lại, nếu các em thật sự có máu ghiền, thì mình có thể chuyển sự ghiền này sang một sinh hoạt lành mạnh. Nhưng mà nói chung vai trò cha mẹ vẫn là công thức tốt đẹp nhất.

BS Lê Phương Thúy

Nếu muốn đưa ra một con số thì 60% là có máu ghiền trước đã, rồi sau đó ghiền cái gì là do hoàn cảnh xã hội cung cấp. Mấy trăm năm trước làm gì có computer để mà ghiền, cho nên, nếu các em ghiền computer đến mức độ mà quên đi tình nghĩa cha mẹ, không thấy rằng đi chơi với bạn, nói chuyện với bạn, chơi thể thao vui hơn, có nghĩa rằng các em có một khoảng trống trong tâm hồn cần được bù đắp.

Khoảng trống đó tôi tin rằng nó đến rất nhiều từ chuyện có gần gũi với cha mẹ hay không. Ở Mỹ cũng có các em ghiền computer tương tự, chưa kể những cái ghiền khác như texting điện thoại cầm tay vân vân…

Đó là cái nguyên nhân: 60% là có máu ghiền, 20% là xã hội cung cấp, 20% là đến từ tình cảm trong mối liên hệ mật thiết trong gia đình."

Tạo hướng đi cho trẻ

Thanh Trúc: Thưa bác sĩ Lê Phương Thúy, vừa rồi bác sĩ có nói rằng ở Hoa Kỳ trẻ em cũng nghiện game online rất nhiều. Đã có một lúc trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ, các báo chí cũng báo động về vấn đề trẻ ghiền game online. Ngay cả các sinh viên ở một mình cũng ghiền game online đến độ quên ăn quên ngủ. Thưa tình trạng đó trong cộng đồng Mỹ gốc Việt nói riêng đã giảm chưa, nhờ đâu mà giảm, và nếu tăng thì vì đâu mà tăng?

000_Hkg1357085-250.jpg
Thả diều là một trò chơi dân gian của VN. Trong ảnh là một người đang thả diều ở Huế. AFP PHOTO/Frank ZELLER (Thả diều là một trò chơi dân gian của VN. Trong ảnh là một người đang thả diều ở Huế vào năm 2008. AFP PHOTO/Frank ZELLER)

BS Lê Phương Thúy:Giảm đi hay không phải có thống kê thì mình mới dám quả quyết. Cho tới giớ phút này tôi không thấy dấu hiệu nào hay thông tin nào là có giảm cả, mặc dù nỗ lực vẫn là tạo sự liên hệ mật thiết giữa các con đối với cha mẹ.

Muốn thay đổi khuynh hướng đó thì phải có sự nỗ lực tạo những thú vui khác lành mạnh hơn, êm đềm hơn. Thí dụ những sinh họat đầm ấm trong gia đình, rồi những trò chơi thể thao, việc học trong trường phải rất là thú vị. Có điểm tôi thấy rõ là chắc chắn trong học đường của Hoa Kỳ hay những nước tây phương thì rất là thú vị, có sinh hoạt lành mạnh, tập thể thao, âm nhạc, giải trí. Riêng vấn đề sinh hoạt hội đoàn, cuối tuần thứ Bảy Chúa Nhật, nếu ở Hoa Kỳ thì đi học lớp Việt ngữ, hoặc những sinh hoạt hội đoàn tôn giáo.

Buổi tối là sinh họat gia đình, trong bữa ăn tối là gia đình đoàn tụ, ngồi nói chuyện. Sau đó các em có một hai tiếng đồng hồ một mình, thoải mái trong phòng của mình để chuẩn bị cho ngày mai.

Tất cả những sinh hoạt phải nhắm tới đâu là ưu tiên. Ưu tiên một là việc học của các em, ưu tiên thứ nhì là những sinh hoạt giải trí lành mạnh cho các em, Nếu có được những điều đó thì các em tự động cảm thấy rằng computer game là cái điều chơi cho vui thôi, không có gì đáng để ghiền cả.

Nói tóm lại, nếu các em thật sự có máu ghiền, thì mình có thể chuyển sự ghiền này sang một sinh hoạt lành mạnh. Nhưng mà nói chung vai trò cha mẹ vẫn là công thức tốt đẹp nhất.

Thanh Trúc:

Thưa bác sĩ, trong giáo dục thì cũng phải đề cao vấn đề trách nhiệm ngay chính nơi đối tượng tức là nơi trẻ. Làm thế nào để cho trẻ biết ghiền game online là một điều vô trách nhiệm, một điều không tốt. Có thể tạo được trách nhiệm đó không?

BS Lê Phương Thúy:

Khi dùng tới chữ “ghiền” thì hàm ý là nó đến mức độ không còn kiểm soát được và nó ảnh hưởng tới việc học, nó hại cho sức khỏe. Đó là điều xấu. Nhưng mà ngoài ra chuyện chơi game online hoặc những lọai game khác trong mức độ vừa phải thì vẫn là điều hữu ích chứ không phải không.

Câu hỏi đặt ra là thường khi nhìn một em nào quá ghiền, bỏ ăn bỏ ngủ rồi bỏ luôn những sinh hoạt gia đình, thì tôi nghĩ rằng có thể các em có dấu hiệu của một bệnh tâm lý nào đó. Các em muốn trốn tránh một cái gì đó, chẳng hạn không khí gia đình căng thẳng, cha mẹ không trìu mến, đến với các em chỉ là những câu nói nặng nề hạch sách la mắng. Các em sẽ giả bộ dúi mắt vào computer như một hình thức né tránh hoặc là để kiếm cớ, giả bộ nói con vô computer để học. Nhưng thực sự khi cha mẹ bước ra khỏi phòng thì con trở lại cái game. Thành ra computer là con dao hai lưỡi để các em tránh đụng chạm với cha mẹ.

Cái tinh thần trách nhiệm đến từ đâu? Từ sự giáo dục trong gia đình, một mối dây kéo các em lại, không để cho các em ghiền một cái gì thái quá.

BS Lê Phương Thúy

Quan trọng nhất không phải các em ghiền cái gì, mà quan trọng nhất là tạo cho các em một hướng đi, một sự tự lập. Vai trò của gia đình là nhắc nhở, thí dụ con muốn làm cô giáo tiếng Anh thì con phải học thêm tiếng Anh, muốn làm cô giáo dạy Toán thì phải giỏi Toán, học xong còn tìm việc thì con phải giỏi con mới tìm việc được. Những hướng đi ngắn hạn và dài hạn như vậy mà gia đình bàn thảo với các con thì tự nhiên các em cảm thấy coi bộ là không được rồi, chơi computer nhiều quá thì giờ đâu để mà học, thì tự động các em tự hạn chế mình. Chứ còn la mắng, cấm đoán, hình phạt…chỉ đẩy các em đi ngược lại chiều hướng mình muốn cho các em đi mà thôi.

Cái tinh thần trách nhiệm đến từ đâu? Từ sự giáo dục trong gia đình, một mối dây kéo các em lại, không để cho các em ghiền một cái gì thái quá. Tại vì có computer thì ghiền computer, nhưng mà trong xã hội thiếu gì thứ để các em có thể ghiền như cờ bạc, am túy...

Nói chung là tạo cho các em một tinh thần trách nhiệm và một tinh thần độc lập, tự mình có hướng đi, không để cho những thú vui kéo các em đi lạc hướng.

Thanh Trúc: Cảm ơn bác sĩ Lê Phương Thúy đã góp ý về vấn đề trẻ nghiện chơi game online.

Theo dòng thời sự: