Vẫn chưa có giải pháp cho vụ nứt đập Sông Tranh 2

Vấn đề đập Sông Tranh 2 tiếp tục gây bất an và phản ứng mạnh mẽ trong công luận giữa lúc giới hữu trách cùng chuyên gia vẫn chưa có được một giải pháp thỏa đáng nào cho hiện trạng nứt đập thủy điện này.

0:00 / 0:00

Giữa lúc người dân – nhất là cư dân địa phương - tiếp tục hoang mang về tình trạng không biết ra sao của đập thủy điện Sông Tranh 2 vì có liên hệ đáng kể tới sinh mạng và cả sinh kế của họ, thì cho tới giờ giới hữu trách, và đặc biệt là các chuyên gia, xem chừng như vẫn chưa có kết luận rõ ràng về tình trạng gọi là “sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2”.

Ứng phó theo cách cổ điển

Sau một tuần khảo sát, đánh giá các vết nứt xảy ra tại đập Sông Tranh 2 khiến lưu lượng nước rò rỉ qua thân đập nhiều gấp 5 lần cho phép, lên tới 75 lít/1 giây chứ không phải ở mức thấp hơn nhiều như trước đó công bố, thì TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật Lý Địa cầu, trưởng đoàn khảo sát, cho biết:

Nhưng điều lo là vào mùa mưa khi nước vào đầy trở lại, vấn đề sẽ như thế nào thì điều đó đang được xem xét và xử lý

TS Lê Huy Minh

“Hiện tượng rò rỉ này thì phải bên chủ đầu tư rồi thì bên an toàn đập họ mới có thể trả lời được. Còn chúng tôi cũng nhận thấy một vấn đề là hiện tượng nước chảy qua thân đập với lưu lượng lớn hơn bình thường như vậy cũng là vấn đề cần phải xem xét, xử lý triệt để, phải làm thể nào đảm bảo đập hoạt động an toàn.”

Theo GS Nguyễn Thế Hùng thuộc ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Thủy khí VN, thì hiện trạng đập Sông Tranh 2 rất nguy hiểm và không hề an toàn như Tập đoàn Điện lực VN đã nói trong khi nhà nước, tính cho tới nay, vẫn ứng phó vấn đề “theo cách cổ điển” – cách ứng phó mà KS Nguyễn Minh Tuấn, Chi Cục Trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam cho là “khắc phục bằng phương pháp thủ công ở mặt bề ngoài” khiến nước hết thấm chỗ này sẽ chảy chỗ khác.

Nhưng may thay, mực nước trong đập hiện đã được rút xuống giúp giảm phần nào mối đe dọa cư dân, như TS Lê Huy Minh cho biết:

“Khi chúng tôi vào khảo sát đập thì thấy trong đập nước đã rút xuống khoảng 20 mét rồi, cho nên hiện trạng không có nguy cơ gì cả vì nước xuống gần như tới “mực nước chết” rồi. Nhưng điều lo là vào mùa mưa khi nước vào đầy trở lại, vấn đề sẽ như thế nào thì điều đó đang được xem xét và xử lý.”

Có lẽ mối quan ngại như vậy có liên quan đến đề nghị của KS Nguyễn Minh Tuấn rằng chương trình phòng chống lụt bão của tỉnh Quảng Nam năm 2012 cần phải lên kịch bản ứng phó tình trạng xấu nhất nếu xảy ra thảm họa vỡ đập.

images879781_1-250.jpg
Những công nhân đang xử lý rò rỉ nước ở thủy điện Sông Tranh 2 hôm 21-03-2012. Photo courtesy of bee.vn

Theo GS Nguyễn Thế Hùng, Tổ trưởng bộ môn Cơ sở Kỹ thuật Thủy lợi thuộc Khoa Xây dựng, Thủy lợi, Thủy điện của Đại học Bách khoa Đà Nẵng thì điều gây quan ngại không chỉ thân đập Sông Tranh 2 bị nứt như hiện giờ mà còn có thể nứt ở nền và chân đập khiến tình trạng xói mòn do áp lực nước trở nên trầm trọng hơn. Và điều đặc biệt quan ngại là đập Sông Tranh này lại toạ lạc tại khu vực có động đất nguy hiểm. TS Lê Huy Minh lưu ý về nguy cơ này:

“Khu vực ở Sông Tranh 2 thì từ trước đã được quan sát thấy có những trận động đất tới cấp 6. Nhưng từ khi đánh giá về động đất cực đại mà vẫn còn ở mức an toàn cho đập Sông Tranh 2 thì chúng tôi đánh giá động đất cấp 7. Thời gian vừa qua những trận động đất ở khu vực Sông Tranh 2 đều ở cấp nhỏ hơn 5,5. Cho nên trên thực tế nó chưa có tác động gì đến sự an toàn của đập cả. Tuy nhiên có điều cần phải được nghiên cứu thêm để vấn đề rõ ràng hơn, tức là ở khu vực đấy thực tế có nhiều hệ thống đứt gãy tại ngay khu vực đập. Hiện những cuộc nghiên cứu liên quan hệ thống đứt gãy như thế cũng chưa cung cấp nhiều số liệu lắm, do đó việc đánh giá hoạt động hệ thống đứt gãy đó thì thực sự có thể chưa chính xác.”

Cần quan sát động đất gần đập

Phải đặt những trạm quan sát động đất ở gần ngay khu vực đập, để trên cơ sở đó có thể xác định được chính xác khu vực này sẽ như thế nào khi động đất xảy ra.

TS Lê Huy Minh.

TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, nhân tiện đề cập tới lịch sử vùng đất Quảng Nam với những cơn địa chấn đáng kể, từ trận động đất hồi năm 1715 với độ địa chấn 4,7 độ Richter (tức khoảng cấp 5), rồi những trận động đất 1919, 1957 đo được 4,8 độ Richter ( tức cấp 6) cho tới những cơn địa chấn gần như liên tục trong thời gian gần đây do phát sinh đới đứt gãy tại khu vực này khiến “người dân hoang mang, lo sợ là có cơ sở”. Nhưng nói chung, theo TS Lê Huy Minh, động đất ở Miền Trung VN chưa phải là đáng ngại lắm:

“Theo chúng tôi thì hoạt động động đất ở khu vực Miền Trung không phải là lớn so với những khu vực khác ở VN. Khu vực động đất lớn ở VN là vùng Tây Bắc. Do đó, hoạt động động đất ở Miền Trung cũng chưa được quan tâm, nghiên cứu gì nhiều lắm. Nói chung nếu thiết kế kháng chấn của đập Sông Tranh 2 đúng như khuyến cáo ban đầu của Viện Vật lý Địa cầu là tránh được động đất cấp 7 do động đất cực đại ở khu vực là M nhỏ hơn hoặc bằng 5,5 độ Richter thì cũng không có gì đáng ngại lắm. Nhưng từ trước tới nay ở khu vực Sông Tranh 2, bà con cũng chưa quen với hiện tượng động đất như thế nên lo lắng. Chứ trên thực tế những động đất mà gây nên tiếng nổ hoặc độ nhỏ như vậy thì ở khu vực Tây-Bắc, người ta quen nhiều lắm.”

TS Lê Huy Minh cho biết mặc dù động đất nhiều như vậy nhưng để xác định đập Sông Tranh 2 có thực sự bị ảnh hưởng hay không thì cần phải phân tích thêm những số liệu đo đạt, chứ hiện giờ chưa thể có kết luận chính thức về tình trạng này.

images878342_3-250.jpg
Đập chính thủy điện Sông Tranh 2 đang bị rò rỉ chảy nước, ảnh chụp hôm 19-03-2012. Courtesy bee.vn

Theo GS Nguyễn Tiến Khiêm thuộc Viện Cơ học VN thì các chuyên gia cần thông số, cơ sở khoa học, kết quả quan trắc mới có thể có khuyến cáo chính thức về đập Sông Tranh 2. Về vấn đề này, TS Lê Huy Minh cho biết:

“Điều mong muốn của chúng tôi hiện nay là phải đặt những trạm quan sát động đất ở gần ngay khu vực đập, để trên cơ sở đó có thể xác định được chính xác khu vực này sẽ như thế nào khi động đất xảy ra, từ đó chúng ta có thể đánh giá chính xác hơn về mức độ ảnh hưởng của động đất đối với đập Sông Tranh 2.”

TS Nguyễn Thế Hùng thuộc Đại học Bách khoa Đà Nẵng đề nghị rằng điều trước tiên là Hội Liên hiệp Khoa học-Kỹ thuật VN phải huy động những chuyên gia giỏi liên quan thủy điện, từ chuyên gia động đất, địa chất, thủy lực đến chuyên gia xử lý công trình đập thủy điện, thi công để thành lập một hội đồng tư vấn giám định độc lập nhằm giúp giải quyết vấn đề Sông Tranh 2, chứ - vẫn theo lời TS Nguyễn Thế Hùng - "để các chuyên gia của Tập đoàn Điện lực VN thẩm định, đánh giá và khắc phục sự cố thì không khách quan và chẳng ai dám nhận sai, thiếu sót đâu".

Trong những ngày qua, vấn đề đập thủy điện Sông Tranh 2 xem chừng như ngày càng gây nhiều phản ứng trong công luận, nhất là giới độc giả trong nước. Chẳng hạn như độc giả của báo Tuổi Tre online thắc mắc rằng “ Công trình đập Sông Tranh 2 thuộc dạng vĩnh cửu, cớ sao mới chỉ 2 năm sử dụng đã gặp sự cố. Khá khen thay cho các đơn vị thiết kế, thi công”. Hay một độc giả khác nêu lên nghi vấn rằng “ Lúc khảo sát để lên bản vẽ đập Sông Tranh 2 này có biết nó nằm trên các đới đứt gãy không? Bây giờ tạo hồ tích tụ nước nên có trọng lượng đè lên các đới đứt gãy tạo nên động đất và có ảnh hưởng rõ rệt lên thân con đập. Bây giờ lại phải tốn mấy tỉ đồng nữa để mua máy quan trắc. Quan trắc rồi có cần bạc tỉ nữa để làm gì nữa không?”.

Qua bài tựa đề “Những quả bom nổ chậm”, nhạc sĩ Tô Hải bày tỏ tâm trạng bất an khiến ông phải trải qua “mấy đêm không ngủ” để viết “nhật ký mở sau một tuần suy nghĩ về những chuyện hơn cả khủng khiếp”, đó là chuyện “Mẹ VN đang bị cài bom nổ chậm khắp người”, trong đó có những quả “bom nước” hàng ngàn triệu mét khối với sức cuốn trôi không thua gì sóng thần ở Fukushima...

Opens in new window

Video: Vẫn chưa có giải pháp cho vụ nứt đập Sông Tranh 2

Theo dòng thời sự: