Chính quyền Việt Nam vừa qua bị cho là bất ngờ trước hoạt động Mạng lưới Blogger Việt Nam khi mà nhóm này chủ động tìm đến các tổ chức theo dõi nhân quyền trên thế giới để đưa ra quan điểm của họ về tình hình nhân quyền, tự do ngôn luận tại Việt Nam…
Bloggers chủ động
Hồi ngày 31 tháng 7 vừa qua, một nhóm 5 blogger Việt Nam từ trong nước đến tại Văn Phòng của Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc tại Bangkok, Thái Lan để trao Thông cáo 258 của Mạng lưới các Blogger Việt Nam. Thông cáo này được công khai trên mạng Internet từ ngày 18 tháng 7.
Đây là bản thông cáo kêu gọi chính quyền Việt Nam phải sửa đổi luật pháp để chứng minh cam kết tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2014- 2016.
Theo thông cáo thì trong khi nộp đơn ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, chỉ mới hồi tháng 5 năm nay, cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ hai blogger khi họ đang phân phát bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cho những người khác ở Việt Nam.
Sau đó có hai blogger nổi tiếng của Việt Nam là Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào bị bắt khẩn cấp theo điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam là ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền , lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’.
Theo các blogger thì điều 258 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam này phải được xem xét lại. Mục đích để có thể hoàn thành những hoạt động có trách nhiệm của một quốc gia nằm trong hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Trước mắt chúng tôi tiếp tục đi đến các đại sứ gửi lên Bản tuyên bố của chúng tôi. Mặt khác chúng tôi đưa những thông tin, Tuyên ngôn Nhân quyền Liên hiệp quốc đến cho người dân
Blogger Lã Việt Dũng
Tuyên bố cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam cần xem xét lại tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và bảo đảm cho người dân Việt Nam có quyền tự do tư tưởng và biểu đạt, kể cả các vấn đề nhân quyền.
Trước khi ra ngoại quốc để trao Tuyên bố 258 của Mạng lưới Bloggers Việt Nam cho các tổ chức theo dõi nhân quyền và các đơn vị liên quan mạng như Google…, hồi ngày 24 tháng 7 vừa qua, bốn người thuộc Mạng lưới Blogger Việt Nam đã đến trao bản Tuyên bố 258 với hơn 100 chữ ký cho đại diện Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Sang ngày 7 tháng 8, Tuyên bố 258 cũng được đại diện các blogger trao cho Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội.
Cho đến thời điểm này, Mạng lưới các Bloggers Việt Nam vẫn tiếp tục công việc vừa nói của họ. Blogger Lã Việt Dũng cho biết:
Trước mắt chúng tôi tiếp tục đi đến các đại sứ gửi lên Bản tuyên bố của chúng tôi. Mặt khác chúng tôi đưa những thông tin, Tuyên ngôn Nhân quyền Liên hiệp quốc đến cho người dân. Bản thân chúng tôi suy nghĩ sắp tới có một loạt những nghị định về luật pháp mà vi phạm trắng trợn Hiến pháp và nhân quyền, chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng để phản đối những điều luật đó.
Cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển đưa ra nhận xét về hoạt động đó của các bloggers ở Việt Nam như sau:
Gần đây tôi thấy rằng các bạn trẻ blogger, các nhà blogger đã thành lập ra mạng lưới bloggers và có những hành động rất khôn ngoan khi phản đối Nghị định 72 của chính phủ về việc kiểm soát Internet. Các bạn đã chủ động tiếp cận với các cơ quan nhân quyền của Liên hiệp quốc cũng như các cơ quan nhân quyền khác. Họ đã có những hành động thích hợp để lên án nghị định 72 đó. Mỗi ngày cuộc đấu tranh càng đi vào chuyên nghiệp và được tổ chức.
Nhà nước đối phó?
Việc làm ra Tuyên bố 258 của Mạng lưới các blogger Việt Nam được đánh giá là nhanh nhạy, hợp thời điểm trước những diễn tiến liên quan tình hình nhân quyền trong nước.
Vào ngày 6 tháng 8 vừa qua, tại một cuộc hội thảo tham vấn ở Hà Nội, ông Hoàng Chí Trung, Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng cho rằng bộ này muốn lấy ý kiến của người dân về báo cáo nhân quyền quốc gia. Theo ông này thì làm như thế để báo cáo sát với tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Ông này cũng cho biết ngoài báo cáo chung của chính phủ còn có báo cáo độc lập từ các tổ chức phi chính phủ và dân sự về những chủ đề cụ thể hơn.
Không rõ ông Hoàng Chí Trung có biết đến Tuyên bố 258 của Mạng lưới Blogger Việt Nam hay không? Và liệu Tuyên bố này có được chính quyền mà cụ thể là Bộ Ngoại giao xem như là yêu cầu của một nhóm dân sự tại Việt nam như phát biểu của ông hôm ngày 6 tháng 8 vừa qua!
Đối với câu hỏi này, một số bloggers quan tâm đến tình hình dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam như blogger Lã Việt Dũng có ý kiến như sau:
Nói thật tôi không tin vào điều đó lắm bởi vì góc độ nhìn nhân quyền từ phía chính quyền và phía người dân tương đối khác hẳn nhau. Tôi có cảm giác rằng chính quyền Việt Nam đang muốn vào Hội đồng Nhân quyền như một chứng thực về việc đã có nhân quyền ở Việt Nam. Nhưng đối với người dân và những người như chúng tôi thì nhân quyền ở Việt Nam còn rất nhiều vấn đề. Đó là lý do mà chúng tôi đưa ra Tuyên bố 258. Nếu chính quyền thực sự lắng nghe mà đưa những ý kiến, nổ lực của chúng tôi vào Báo cáo Nhân quyền thì đó sẽ là một điều hết sức bất ngờ!
Thực chất?
Hiện nay, về mặt lý thuyết, nhà nước Việt Nam cũng đang tiếp tục đợt lấy ý kiến của nhân dân đóng góp cho dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992. Trong đợt lấy ý kiến vừa rồi, nhiều người dân cho rằng phiếu góp ý chỉ có mục đồng ý thôi như thế là không hợp lý. Song song đó việc thực thi cũng có vô số bất cập. Nhiều người dân chỉ muốn làm cho qua; trong khi đó những ý kiến tâm huyết đóng góp cho một văn kiện hiến pháp tiến bộ đều không được ghi nhận. Thậm chí những người vì công khai nêu ra những điểm phải sửa đổi còn bị sách nhiễu như những vị nhân sỹ trí thức tham gia ký tên vào Kiến Nghị 72 góp ý cho Dự thảo sửa đổi hiến pháp được chính cơ quan chức năng kêu gọi. Blogger Lã Việt Dũng đưa ra nhận định về thông báo của ông Vụ trưởng Hoàng Chí Trung có thể cho lấy ý kiến của người dân đóng góp vào báo cáo quốc gia nhân quyền:
Đối với tôi, nói thực, nếu lấy ý kiến về nhân quyền thì tôi nói thẳng đó là một cách làm mị dân chứ không phải cách làm xác thực. Bởi vì vấn đề nhân quyền ở Việt Nam được nói rất ít; thậm chí chính quyền còn ngăn cản những người như chị Bùi Hằng và những người như chúng tôi khi trao tài liệu về nhân quyền cho dân. Việc chính quyền lấy ý kiến của dân về vấn đề nhân quyền, nhiều khi người dân chẳng hiểu gì và buộc người ta phải theo chính quyền. Thực ra dân mình còn rất sợ, họ chưa hiểu hết về những quyền của mình.
Hồi năm 2009, Việt nam lần đầu tiên thực hiện kiểm điểm định kỳ phổ quát ( universal periodic review–UPR). Dự kiến vào tháng giêng sang năm, Hà Nội cũng sẽ trình bày báo cáo quốc gia về thực hiện quyền con người tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneve.
Vừa qua nhiều tổ chức của người Việt trên thế giới lên tiếng phản đối việc Hà Nội ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với lý do những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền của Hà Nội trong lâu nay.