Tình trạng ngân sách các địa phương thiếu hụt và các thách thức?

0:00 / 0:00

Sau Bạc Liêu là đến Cà Mau... là các tỉnh bị thiếu hụt ngân sách địa phương và trở thành các con nợ. Và còn bao nhiêu cơ quan nữa đang ở trong tình trạng như vậy?

Nguyên nhân do đâu và giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Nguyên nhân

Những ngày qua, dư luận xã hội nóng lên về tin Thành ủy Bạc Liêu hết tiền hoạt động, tiếp đó là thành phố Cà Mau hết tiền trả lương, phải xin tạm ứng ngân sách năm sau để chi tiêu. Điều đó cho thấy, tình trạng thiếu hụt ngân sách đã làm ảnh hưởng tới hoạt động của một số địa phương.

Đánh giá về tình trạng thâm hụt của ngân sách địa phương hiện nay, TS. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện IDS nhận định:

“Đây là hiện tượng không phải là mới, cái này đã được các chuyên gia cảnh báo và thảo luận từ vài ba năm trước. Nó chỉ là lạ và mới khi báo chí chính thống đưa tin một cách mạnh mẽ hơn. cần phải biết chuyện một cơ quan chính phủ hoặc một địa phương mà kẹt không có tiền để chi đã xảy ra nhiều lần rồi. Theo tôi, đây là hiện tượng có vẻ như lên gân một chút trước Đại hội đảng CSVN lần thứ 12, mà một cánh này cánh nọ muốn chứng minh một cái gì đó.”

Khi được hỏi, nguyên nhân do đâu khiến tình trạng thâm hụt ngân sách địa phương trở thành một vấn đề phổ biến?

Nguyên nhân trước hết là do nguồn thu của địa phương không cân đối với yêu cầu chi tiêu, TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội giải thích:

“Nguyên nhân là do các địa phương có thể sử dụng hình thức tạm ứng ngân sách trước, họ có thể cho các chủ đầu tư tạm ứng trước và trả nợ sau. Thậm chí họ có thể tạm ứng cả 10 năm ngân sách hay hơn 10 năm ngân sách mà khả năng cho phép, nên đã khiến cho các món nợ đó không có khả năng trả được. Đây chính là lý do về khả năng quản lý, đồng thời nó cũng có thể là sự bóp méo của lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ ”

Còn TS. Nguyễn Quang A thấy rằng, ở hầu hết các nước, mỗi năm quốc hội thông qua một luật ngân sách riêng cho tài khóa tiếp theo, trong đó quy định hết sức rõ tất cả các khoản chi chính và phân bố chi tiết các khoản chi đó cho các đơn vị. Hành pháp muốn tiêu hơn thì chính phủ phải xin quốc hội sửa luật. Còn ở VN, đến nay không có luật ngân sách nhà nước. Ông nói:

Đây là hiện tượng không phải là mới, cái này đã được các chuyên gia cảnh báo và thảo luận từ vài ba năm trước. Nó chỉ là lạ và mới khi báo chí chính thống đưa tin một cách mạnh mẽ hơn. cần phải biết chuyện một cơ quan chính phủ hoặc một địa phương mà kẹt không có tiền để chi đã xảy ra nhiều lần rồi

TS. Nguyễn Quang A

“Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề ngân sách của VN cốt yếu là ở chỗ, Luật Ngân sách của VN là một cái luật khung, để cho bên hành pháp có thể tùy ý du di cái việc chi tiêu. Một khi trên cùng đã như thế thì xuống đến địa phương thì cũng vậy.”

Tính hình thức trong việc lập dự toán ngân sách hàng năm hiện nay còn nhiều bất cập, và đã không phản ánh được thực chất nhu cầu ngân sách hàng năm của các địa phương. TS. Nguyễn Minh Phong chia sẻ:

“Bộ Tài chính giao hay duyệt dự toán (ngân sách) cũng căn cứ vào quá khứ, xem là ngân sách năm trước địa phương đã sử dụng đến đâu, càng thừa thì càng cắt và khi duyệt thì phải cắt một mẩu, không bao giờ cấp như nhu cầu xin cả. Cái đó nó đã trở thành công thức, vì thế để thích ứng với quy luật đó thì cấp địa phương vừa xin nhiều lên và tiêu nhiều hơn, như là một cách thức để chứng minh sự nghiêm túc, tính hiện thực của các dự án và là thành tích để chấm điểm thi đua.”

Nhiều nhà thầu ứng trước tiền để thi công đường giao thông lâm cảnh khó khăn do UBND huyện Phước Long tỉnh Bạc Liêu chậm thanh toán nợ - Ảnh: C.Quốc
Nhiều nhà thầu ứng trước tiền để thi công đường giao thông lâm cảnh khó khăn do UBND huyện Phước Long tỉnh Bạc Liêu chậm thanh toán nợ - Ảnh: C.Quốc

Theo báo Tiền phong online ngày 5/12, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Bộ Tài chính cho biết, tháng 10/2015, Bộ Tài chính đã có văn bản hỏa tốc gửi các địa phương về định hướng xử lý những nơi có khả năng hụt thu. Theo ông Hưng, bản chất ở đây là mất cân đối ngân sách địa phương là do nợ xây dựng cơ bản và sâu xa là cách thức điều hành ngân sách địa phương chưa tốt và về nguyên tắc, địa phương phải tự cân đối thu chi.

Hậu quả

Tạo mọi điều kiện khuyến khích cho người dân làm ăn, phá bỏ mọi rào cản phi lý mà chính quyền đặt ra với các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh. Có như thế thì người ta mới có tiền nộp thuế. Cũng như cần phải cải cách hệ thống thu, mạnh mẽ hơn trong việc thu thuế thu nhập cá nhân và thu thuế tài sản

TS. Nguyễn Quang A

Nói về hậu quả của tình trạng thiếu hụt ngân sách ở các địa phương sẽ tác động đến sự ổn định của nền kinh tế, TS. Nguyễn Quang A cảnh báo:

“Chuyện của Bạc liêu và Cà mau chỉ là chuyện vặt, nó cũng như các chiếc lá héo thì nó rụng. Vấn đề cốt lõi là ở chỗ, nếu vấn đề ngân sách nhà nước, kể cả trung ương và địa phương, nếu tiếp tục hành xử như hiện nay mà không có các cải cách cụ thể như: cải cách Luật Ngân sách; phải siết chặt kỷ luật ngân sách v.v… thì khả năng “cây” ngân sách sẽ đổ là điều chắc chắn. Tuy nhiên, không phải là nó sẽ đổ ngay, chuyện Bạc liêu và Cà mau chắc chắn không phải là các quân domino đầu tiên đẩy cho cái “cây” ngân sách sụp đổ. Cái đó nó vẫn có khả năng duy trì, song nếu như vẫn cứ tiếp tục như thế này, như hiện nay và mấy chục năm vừa qua thì ngày nó sẽ sụp đổ là điều chắc chắn.”

Giải thích lý do tình trạng thiếu hụt ngân sách ở một số địa phương trong thời gian gần đây, một cán bộ của Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị dấu danh tính giải thích với chúng tôi:

“Trên thực tế có tới 50 tỉnh thành thu không đủ chi, và do thu không đủ chi nên ngân sách các địa phương còn có một khoảng cách rất xa so với nhu cầu chi ở địa phương. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, nên họ có thể công khai hay không công khai huy động các nguồn lực khác. Vô tình nó đã dẫn đến nghĩa vụ nợ cho các chính quyền địa phương. ”

Nói về các giải pháp cần thiết để khắc phục tình trạng này, TS. Nguyễn Quang A thấy rằng, trước hết là phải giảm chi tiêu của bộ máy vì chi tiêu cho bộ máy hiện nay chiếm đến 60-70% tổng chi của ngân sách là điều quá bất hợp lý. Theo ông không có quốc gia nào trên thế giới có một bộ máy quản lý biếng nhác và kém hiệu quả như ở VN. Ông nói:

“Bước đầu tiên là phải cắt giảm quân số của bộ máy nhà nước, cái thứ 2 là phải tăng nguồn thu cho bền vững. Phải làm sao cho các nguồn thu đều đặn và để cho nó phát triển chứ đừng tận thu để cho nó chết rồi không có chỗ để tghu. Tạo mọi điều kiện khuyến khích cho người dân làm ăn, phá bỏ mọi rào cản phi lý mà chính quyền đặt ra với các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh. Có như thế thì người ta mới có tiền nộp thuế. Cũng như cần phải cải cách hệ thống thu, mạnh mẽ hơn trong việc thu thuế thu nhập cá nhân và thu thuế tài sản.”

Nhìn chung qua trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia kinh tế đều có một nhận xét chung là, việc quản lý thu chi ngân sách ở VN còn quá nhiều bất cập. Và điều đó đã dẫn đến tình trạng sử dụng ngân sách không có hiệu quả và đang gây thất thoát rất lớn.