Quốc hội nên có quyết sách
Theo VnExpress, các doanh nghiệp Nhà nước đang nợ ngân hàng hơn 415.000 tỷ đồng tính đến tháng 9/2011, trong đó nợ vay của 12 tập đoàn kinh tế nhà nước chiếm hơn phân nửa. Ba đại gia Nhà nước nợ đầm đìa được nêu tên gồm, Tập đoàn dầu khí PVN nợ 72.300 tỷ, Tập đoàn Điện lực EVN nợ 62.800 tỷ, Tập đoàn Than và khoáng sản Vinacomin nợ gần 20.000 tỷ.
Bộ Tài chính cũng đưa ra những chi tiết màu xám tiềm ẩn rủi ro đổ vỡ như 30 trong số 85 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đang có hệ số nợ cao hơn 3 lần vốn chủ sở hữu. Ngoài ra có 7 trường hợp đang có hệ số nợ cao hơn 10 lần vốn chủ sở hữu.
Đáp câu hỏi của Nam Nguyên về tình hình nợ nần của khu vực doanh nghiệp Nhà nước, TS Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung Ương từ Hà Nội nhận định:
...đây là một tín hiệu rất quan trọng cần được phân tích rõ và cũng là một lý do nữa để Quốc hội quan tâm thảo luận để có những quyết sách để chấn chỉnh quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước.
TS Lê Đăng Doanh
“Tôi nghĩ là cần công khai và làm rõ toàn bộ số nợ của doanh nghiệp nhà nước, không chỉ là số nợ ngân hàng mà cả nợ do phát hành trái phiếu, nợ do vay các ngân hàng ở nước ngoài hoặc phát hành trái phiếu ở nước ngoài. Làm rõ số nợ đó có an toàn hay không, khả năng chi trả như thế nào. Còn đối với số nợ trong nước, chúng ta thấy rõ là nợ của các tập đoàn nhà nước chiếm tỷ trọng rất lớn so với sản lượng và sự đóng góp kinh tế mà các tập đoàn đó đang đóng góp cho nền kinh tế, tỷ lệ tín dụng và số nợ rất là đáng kể. Đặc biệt một số tập đoàn có số nợ ngân hàng lớn hơn tỷ lệ nợ trên vốn tự có là rất cao. Và có một số tập đoàn như chúng ta đã biết Vinashin, Vinalines và gần đây là Sông Đà có gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ. Vì vậy tôi nghĩ đây là một tín hiệu rất quan trọng cần được phân tích rõ và cũng là một lý do nữa để Quốc hội quan tâm thảo luận để có những quyết sách để chấn chỉnh quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước.”
Tại cuộc họp báo trước thềm Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam được tổ chức vào chiều 28/5 ở Hà Nội, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã thúc giục chính phủ đẩy mạnh cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước vì sai phạm của một số tập đòan lớn đang là mối quan tâm của các nhà tài trợ quốc tế. Theo VnExpress, những bình luận vừa nêu của đại diện Ngân hàng Thế giới được đưa ra sau khi báo chí dồn dập đặt câu hỏi về quan điểm của nhà tài trợ quốc tế đối với những vụ phanh phui nợ nần, kết quả kinh doanh cũng như bê bối liên quan đến các ông lớn như Vinashin hay Vinalines.
...Chúng ta ngày càng có thêm bằng chứng để nói rằng, vẫn còn những Vinashin khác, cần có phương thức đáng tin cậy để xem xét các vấn đề của doanh nghiệp Nhà nước
bà Victoria Kwa Kwa
Trước đó Saigon Tiếp Thị bản tin trên mạng ngày 23/5 đã trích nguyên văn lời bà Victoria Kwa Kwa: “Chúng ta ngày càng có thêm bằng chứng để nói rằng, vẫn còn những Vinashin khác, cần có phương thức đáng tin cậy để xem xét các vấn đề của doanh nghiệp Nhà nước.” Người đại diện Ngân hàng Thế giới đã phát biểu nhân dịp công bố báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á-Thái Bình Dương vào sáng 23/5 ở Hà Nội.
Làm rõ nợ chính phủ bảo lãnh
Vẫn theo Saigon Tiếp Thị Online, báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, tuy Việt Nam vẫn thuộc nhóm nguy cơ thấp trước tình hình nợ nước ngoài, nhưng sự không chắc chắn lớn nhất đối với bền vững nợ xuất phát từ các doanh nghiệp nhà nước. Bản báo cáo nói rõ, các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước không được liệt kê trong các con số thống kê của nợ Chính phủ hay nợ được chính phủ bảo lãnh. Không có một ước tính đáng tin cậy nào về những khoản nợ này. Chính điều đó làm hạn chế khả năng của Chính phủ trong quản lý các rủi ro liên quan.
Chúng tôi nêu vấn đề này với TS Lê Đăng Doanh và ông đã đưa ra nhận định:
“Đúng là ở Việt Nam nợ chính phủ không bao gồm số nợ của doanh nghiệp nhà nước và bây giờ Bộ Tài chính đã công bố số nợ đó rồi. Tôi nghĩ những số nợ mà chính phủ đã có bảo lãnh hoặc chính phủ có cho phép các doanh nghiệp nhà nước vay thì trách nhiệm pháp lý thuộc về chính phủ đối với số nợ đó phải được làm rõ và rõ trách nhiệm chi trả như thế nào. Bởi đây là vấn đề vô cùng quan trọng cho sự an toàn tài chính của Việt Nam mà gương tày liếp của các nước từ Hy Lạp, Ireland cho đến các nước khác đang luôn luôn nhắc nhở chúng ta về một sự an toàn cần thiết trong quản lý nợ doanh nghiệp”
...những số nợ mà chính phủ đã có bảo lãnh hoặc chính phủ có cho phép các doanh nghiệp nhà nước vay thì trách nhiệm pháp lý thuộc về chính phủ đối với số nợ đó phải được làm rõ và rõ trách nhiệm chi trả như thế nào. Bởi đây là vấn đề vô cùng quan trọng cho sự an toàn tài chính của Việt Nam...
TS Lê Đăng Doanh
Đối với kết quả kinh doanh rất xấu của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước. Saigon Tiếp Thị Online trích lời bà Victoria Kwa Kwa: “Vấn đề thực sự ở đây là cần có thêm hành động tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước để giải quyết các rủi ro đối với khu vực tài chính và toàn bộ nền kinh tế. Đồng thời đảm bảo là Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ hơn tăng trưởng ở khu vực tư nhân.”
Đối với tương lai tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp Nhà nước, TS Lê Đăng Doanh nhận định:
“Hiện nay đã có các dự thảo đề án được trình ra và có đề án tổng thể về tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước. Tôi nghĩ rằng nhiều vấn đề đã được đề cập ở đó như một ý tưởng chính sách, bây giờ cần phải được làm rõ. Điều quan trọng là phải kiện toàn khung pháp lý về quản lý; điều thứ hai là cần làm rõ trách nhiệm của người chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp; điều thứ ba nữa là phải thực hiện công khai minh bạch; điều thứ tư là cần làm rõ trách nhiệm giải trình của những người quản lý doanh nghiệp Nhà nước đối với người dân là người chủ sỡ hữu đích thực của các tài sản đó; điều cuối cùng là phải có một chế độ quản trị hiện đại trong các doanh nghiệp Nhà nước bao gồm cả việc thuê Tổng giám đốc trên cơ sở một hợp đồng trách nhiệm. Thí dụ ông làm bao nhiêu năm thì sẽ được các mục tiêu gì? nếu không đạt được thì sẽ có những xử lý như thế nào để nó làm rõ ra, tránh việc chúng ta bổ nhiệm một người Tổng giám đốc quản lý một tài sản rất lớn nhưng lại không làm rõ trách nhiệm của ông ta là phải làm những gì? Và nếu ông không làm được thì trách nhiệm của ông ra sao, như trường hợp ông Dương Chí Dũng vừa rồi là một điều chúng ta thấy rõ là rất đáng tiếc ở Vinalines.”
...Tiền thuế của nhân dân, cổ phiếu mà họ gắp ra là tiền bạc của nhân dân thôi, họ đầu tư làm ăn thua lỗ mất tiền nhà nước cũng là tiền của nhân dân…nó làm cho nền kinh tế phát triển chậm xuống, nhân dân giống như con bò sữa để nuôi những vị lãnh đạo các công ty đó và đất nước này nó phát triển trong trạng thái là không hiệu quả...
Trước vụ sụp đổ của Vinashin năm 2010 thất thoát 84.000 tỷ đồng tương đương 4,2 tỷ USD, cũng như thua lỗ triền miên ở Vinalines do đầu tư sai và làm trái quyết định của Thủ tướng, hoặc mới nhất là Bộ Xây Dựng đang tìm cách cứu Tập đoàn Sông Đà tránh vỡ nợ nước ngoài, ông Đỗ Việt Khoa một giáo viên ở Thường Tín Hà Nội, người từng gặp nhiều khó khăn trong công việc vì đòi hỏi công khai minh bạch cho rằng, cách làm ăn phá sản của Vinashin, Vinalines gây tổn thất lớn lao cho đất nước và chính người dân phải lãnh những món nợ này. Ông Đỗ Việt Khoa nhấn mạnh:
" Tiền thuế của nhân dân, cổ phiếu mà họ gắp ra là tiền bạc của nhân dân thôi, họ đầu tư làm ăn thua lỗ mất tiền nhà nước cũng là tiền của nhân dân…nó làm cho nền kinh tế phát triển chậm xuống, nhân dân giống như con bò sữa để nuôi những vị lãnh đạo các công ty đó và đất nước này nó phát triển trong trạng thái là không hiệu quả."
Việt Nam đang ở vào giai đoạn cực kỳ nhạy cảm, nền kinh tế có thể bị ách tắc sau 25 năm đổi mới với một số thành đạt nhất định. Trong thông điệp đầu năm 2012, Trước nhu cầu cấp bách phải cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng trấn an các đồng chí của ông là, sẽ tái cơ cấu theo phương cách “không bứt dây động rừng”.
Nay với tình hình tài chính đầy nguy hiểm của rất nhiều Tập đoàn Kinh tế-Tổng công ty Nhà nước, liều thuốc tái cơ cấu có thể sẽ phải mạnh hơn nhanh hơn và không tránh khỏi làm kinh động khu rừng quốc doanh mênh mông với nhiều kỳ hoa dị thảo mang tên đặc quyền đặc lợi.
Theo dòng thời sự:
- Sự sụp đổ dây chuyền của các tập đoàn kinh tế nhà nước
- Chống tham nhũng và kê khai tài sản
- Tiền lương và nguyên nhân của tham nhũng
- Báo chí tận tình săm soi Vinalines
- Sai phạm tại các tập đoàn kinh tế và các nhóm lợi ích
- Độc Quyền và Tham Nhũng
- Vinalines và "tam quyền phân lập"
- Vinalines mua toàn tàu cũ – Khai trương trang mạng chống tham nhũng
- Cục trưởng Cục Hàng hải bị truy nã
- Nhóm lợi ích: Những tác động xấu lên nền kinh tế VN
- "Tái Cấu Trúc": "Ai" tái cấu trúc "Ai"?
- Việt Nam tuần qua