Sự ra đi của các tập đoàn nhà nước

Quyết định cắt giảm số lượng các tập đoàn kinh tế có 100% vốn Nhà nước đang được xem là một bước quan trọng trong quá trình tái cơ cấu các tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước.

0:00 / 0:00

Tái cơ cấu DNNN

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ hồi đầu tháng trước, phía Bộ xây dựng đề nghị ngừng tổ chức thí điểm hai tập đoàn là Tập đoàn phát triển Nhà và Đô thị (HUD) và Tập đoàn Xây dựng và Công nghiệp Việt Nam (Sông Đà). Như vậy, danh sách chính thức các tập đoàn kinh tế Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập đang dừng ở con số 9.

Tuy thế, cùng với lộ trình thực hiện Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, mà trọng tâm là tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, có thể nhận thấy con số này sẽ giảm xuống còn 7, với nhiều nhận định hai tập đoàn khác sẽ bị rút tên là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN (Vinashin).

Theo lời Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam thì "Thủ tướng sẽ có trách nhiệm cao hơn với một số ít hơn các tập đoàn" trong khi đó, các đơn vị khác sẽ được tổ chức lại, trao quyền trực tiếp cho các bộ chủ quản là cấp trên trực tiếp, điều này có thể quy định rõ hơn trách nhiệm cho từng bộ ngành, cá nhân, tổ chức trong việc quản lý các doanh nghiệp Nhà nước.

Mặc dù trên thực tế, số lượng các tập đoàn kinh tế có thể đạt được đúng như chỉ tiêu Chính phủ đề ra là chỉ còn từ 5 – 7 tập đoàn gồm các đơn vị lớn và quan trọng với quốc kế dân sinh, như dầu khí, điện lực, viễn thông…nhưng nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng việc giảm số lượng các doanh nghiệp này phải đi đôi với việc chấp nhận để các doanh nghiệp này vận hành theo cơ chế thị trường, nghĩa là cắt hẳn sự bảo hộ của Nhà nước đối với các đơn vị đó.

Trong một bài phỏng vấn gần đây được VEF trích lại, T.S Alan Phan, chủ tịch quỹ đầu từ Viasa Fund tại Hong Kong nhận định chừng nào Việt Nam còn duy trì tập đoàn, tổng công ty thì chừng đó Nhà nước sẽ còn phải tiếp tục “chạy theo trả nợ.” T.S Alan Phan giải thích rằng kinh doanh của các tập đoàn kinh tế Nhà nước tại Việt Nam cũng giống như việc người ta đi đánh bạc không bằng tiền của mình, sinh lời mình hưởng, còn thua lỗ người khác lãnh dùm.

Ông nói rằng khó để “nâng cao hiệu quả sử dụng đồng tiền” khi mỗi ngày, một cá nhân đại diện phải quyết định cả triệu đô la nhưng không phải tiền của mình, người đó không đủ kỹ năng quản trị, không có thời gian giám sát công việc… có lẽ câu nói “đồng tiền liền khúc ruột” không còn đúng đối với phía chính phủ Việt Nam, khi nguồn vốn phân bổ cho nhiều tập đoàn đã bị họ sử dụng sai mục đích, hay những đồng vốn là tiền thuế đóng góp của người dân bị những nhóm lợi ích “xâu xé,” phải chăng câu nói “tiền mất tật mang” xem ra là hợp lý hơn nếu áp dụng vào một số “quả đấm thép” của nền kinh tế Việt Nam.

Độc quyền, kém hiệu quả

Tập đoàn Xây dựng và Công nghiệp Việt Nam (Sông Đà). Photo courtesy of vinabull.com
Tập đoàn Xây dựng và Công nghiệp Việt Nam (Sông Đà). Photo courtesy of vinabull.com (Tập đoàn Xây dựng và Công nghiệp Việt Nam (Sông Đà). Photo courtesy of vinabull.com)

Cái sự “tiền mất tật mang” đó vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người, lớn thì có Vinashin, Vinalines, nhỏ thì có Tập đoàn Sông Đà. Vậy đâu là nguồn gốc dẫn đến những câu chuyện thua lỗ của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, trong một lần trao đổi trước đây với chúng tôi, T.S Nguyễn Quang A, một chuyên gia kinh tế tại Việt Nam giải thích:

Từ năm 2006 khi chính phủ Việt Nam bắt đầu thí điểm các tập đoàn thì tôi đã đưa ra ý kiến và báo chí Việt Nam có đăng hẳn hoi là việc tập trung vào nguồn lực kinh tế quá nhiều và để cho nhà nước trực tiếp làm là không đúng và chắc chắn là sẽ thất bại. Cái quan trọng nhất không phải tại vì lỗi của Vinashin và không phải lỗi của Vinalines mà lỗi tại đường lối của đảng Cộng sản Việt Nam.

Đường lối ấy của đại hội lần trước nữa đã đặt ra phải xây dựng những tập đoàn như thế, đường lối ấy hết sức là sai lầm. Có thể xây dựng những tập đoàn kinh tế Việt Nam hùng mạnh nhưng không phải cách như Đảng Cộng sản Việt Nam muốn tự làm và dùng nguồn lực của đất nước để tự mình làm. Chính cái đường lối ấy nó dẫn đến Vinashin, Vinalines và nó sẽ còn dẫn đến những đổ bể như thế nữa và đấy là những nguyên nhân chính.

Quan điểm trên của T.S Nguyễn Quang A cũng có điểm tương đồng với tư duy "kinh tế nhà nước là chủ đạo" được hai tác giả Tô Trung Thành và Nguyễn Ngọc Anh đề cập đến trong báo cáo Kinh tế vĩ mô "Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cấu trúc."

Cái quan trọng nhất không phải tại vì lỗi của Vinashin và không phải lỗi của Vinalines mà lỗi tại đường lối của đảng Cộng sản Việt Nam. <br/>T.S Nguyễn Quang A<br/> <br/>

Theo đó hai tác giả cho rằng chính “tư duy kinh tế nhà nước là chủ đạo” đã tạo ra một môi trường kinh doanh thiếu sự cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch và lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, khiến khu vực kinh tế tư nhân khó có cơ hội tiếp cận các nguồn đầu vào và cơ hội kinh doanh một cách bình đẳng.

Ngoài ra, bản báo cáo này cũng nhắc đến việc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn làm công cụ điều tiết vĩ mô sẽ là thiếu cơ sở vì nó tạo ra sự độc quyền, kém hiệu quả, giá cả bị bóp méo và đầu tư ngoài ngành tràn lan, đồng thời đó sẽ là mảnh đất màu mỡ để các cá nhân lợi dụng.

Phải cải cách từ đâu?

Cựu chủ tịch HĐQT Phạm Thanh Bình cùng các giám đốc điều hành khác của Vinashin tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng hôm 30/3/2012. AFP
Cựu chủ tịch HĐQT Phạm Thanh Bình cùng các giám đốc điều hành khác của Vinashin tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng hôm 30/3/2012. AFP (Cựu chủ tịch HĐQT Phạm Thanh Bình cùng các giám đốc điều hành khác của Vinashin tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng hôm 30/3/2012. AFP)

Câu hỏi đặt ra là cải cách khối doanh nghiệp Nhà nước, mà cụ thể là cơ cấu lại các tổng công ty 91, tập đoàn kinh tế nên được thực hiện theo hướng nào, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương thẳng thắn nhận xét:

Một là không thể cải cách doanh nghiệp nhà nước nếu không cải cách chính bộ máy nhà nước. Bộ máy nhà nước là cái đã đẻ ra chủ trương, đã đứng ra cho phép các doanh nghiệp hoạt động. Rất nhiều doanh nghiệp thua lỗ thì doanh nghiệp ấy trước đó phải có người cho phép lập ra, rồi phải có người cho phép vay vốn nước ngoài, bây giờ không trả được nợ thì phải lấy ngân sách nhà nước ra để mà trả.

Tôi nghĩ rằng hiện nay đã hình thành lợi ích nhóm giữa một số quan chức nhất định nào đấy trong bộ máy nhà nước với một số quan chức trong doanh nghiệp nhà nước, và những người này họ không muốn cải cách doanh nghiệp nhà nước một cách mạnh mẽ và có hiệu quả. Họ vẫn muốn có sự can thiệp mặc dù Việt Nam từ rất lâu đã yêu cầu là phải tách bạch chức năng quản lý nhà nước tức là quản lý bằng pháp luật, quản lý đối với mọi công dân, đối với mọi doanh nghiệp, với chức năng quản lý của chủ sở hữu và quản lý của bộ và bộ quản lý ngành.

Có thể nói qua những gì T.S Lê Đăng Doanh phân tích thì chính những “nhập nhằng” giữa vai trò quản lý và vai trò làm kinh tế của Nhà nước đang tạo ra những kẽ hở, sự chồng chéo và thiếu hiệu quả trong hệ thống “xương sống của nền kinh tế.”

Không thể cải cách doanh nghiệp nhà nước nếu không cải cách chính bộ máy nhà nước. Bộ máy nhà nước là cái đã đẻ ra chủ trương, đã đứng ra cho phép các doanh nghiệp hoạt động.<br/>T.S Lê Đăng Doanh

Nhìn vào con số tổng kết tính đến tháng 9 năm ngoái, số dư nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp nhà nước là hơn 415,000 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa số nợ này đã thuộc về 12 tập đoàn kinh tế nhà nước (chiếm xấp xỉ 218,000 tỷ đồng), bản thân PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phải thừa nhận nhiều tập đoàn “đã bị phá sản về mặt kỹ thuật.”

Đề án cơ cấu và sắp xếp lại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ còn được thực hiện trong một vài năm sắp tới, việc giữ lại những tập đoàn chính nhằm đảm bảo quốc kế dân sinh sẽ là hợp lý và hiệu quả hơn nếu chỉ nhìn vào góc độ kinh tế đơn thuần, khi không có các mục tiêu chính trị, lợi ích cá nhân đan xen và hi vọng câu nói "cạnh tranh là nguồn gốc của sự phát triển" sẽ được hiểu đúng nghĩa và đúng chỗ.

Theo dòng thời sự: