Số liệu thống kê của Việt Nam có đáng tin cậy hay không?

Gần đây trong các kỳ họp Quốc hội, nhiều ĐBQH cho rằng báo cáo của Chính phủ dường như bị tô vẽ để có màu hồng, trong khi thực trạng kinh tế xã hội ở Việt nam đang là màu xám. Điều đó đã khiến nhiều người nghi ngờ tính khả tín của các số liệu kinh tế-xã hội của Việt nam?

Số liệu thống kê là một trong những công cụ quản lý vĩ mô quan trọng trong việc phân tích và dự báo kinh tế, là cơ sở thực tiễn giúp cho chính phủ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Nó cũng là yếu tố quan trọng giúp các nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức tài chính lớn trong việc quyết định đầu tư vào quốc gia đó hay không?

Những con số không dám tin

Lâu nay, số liệu thống kê của Việt Nam luôn bị cho rằng không đáng tin cậy và bị nghi ngờ có thể bị bóp méo dưới áp lực nào đó. Tại buổi Hội thảo Khoa học "Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015 và những điều chỉnh chiến lược", nói về sự trung thực của số liệu thống kê của Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan thẳng thắn "Những con số đó cứ thế nào. Tôi không dám tin".

Nói về nhiệm vụ, tầm quan trọng và yếu điểm của công tác thống kê hiện nay của Việt nam, một lãnh đạo Thanh tra - Tổng cục Thống kê cho biết "Chúng tôi cung cấp con số thống kê cho đảng, nhà nước để đưa ra các chính sách và hoạc định các chính sách. Con số không chính xác thì đương nhiên các cơ quan lãnh đạo đảng và nhà nước dự báo tình hình và đưa ra các chính sách chưa được đảm bảo. Đối với các doanh nghiệp và những cơ sở kinh tế tôi chưa thấy bệnh chạy theo thành tích. Nhưng đối với lại các cơ quan nhà nước nói chung thì cũng có bệnh thành tích. Khi không đảm bảo độ xác thực thì các con số thống kê cũng không xác thực"

"Những con số đó cứ thế nào. Tôi không dám tin"

nguyên PTT. Vũ Khoan

Một thực tế, người ta không thể không nghi ngờ khi báo cáo của chính phủ cho rằng tỷ lệ người thất nghiệp rất thấp, GDP thực tế tăng… trong lúc trên thực tế thu ngân sách đã giảm mạnh. Những bằng chứng về sự tùy tiện của các con số thống kê đã là rất rõ ràng, có những sai số của các địa phương lên tới 100%. Nếu các con số này mà chính xác, thì GDP cả nước sẽ phải ước tính là trên 8% trong năm 2013, chứ không phải là 5,5% như trong báo cáo của chính phủ.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Những con số đó cứ thế nào. Tôi không dám tin. Photo Anh Quan
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Những con số đó cứ thế nào. Tôi không dám tin. Photo Anh Quan (Photo Anh Quan)

Nhận xét về tính chính xác của số liệu thống kê của Việt nam, từ Hà nội TS. Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết "Hiện nay trong số các chuyên gia không ít người trong đó có tôi, nêu lên những hoài nghi nhất định về sự chính xác của con số thống kê của Việt nam. Đặc biệt là con số thống kê của các tỉnh về tăng trưởng GDP thì bao giờ cũng gấp đôi cái con số GDP được công bố của Việt nam. Và giữa con số thống kê GDP của Việt nam và con số thống kê của Ngân hàng Thế giới, Qũy tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng phát triển Châu Á bao giờ cũng có khoảng cách nhất định. Đôi khi khoảng cách ấy là tương đối xa."

Theo Ngân hàng thế giới, hiện nay năng lực thống kê của Việt Nam đứng thứ 64/149 quốc gia trong danh sách xếp hạng, tiếp tục thuộc nhóm nước có năng lực thống kê trung bình của thế giới.

Tổng cục Thống kê phải là một cơ quan hoàn toàn độc lập

Trao đổi với chúng tôi, nhận xét về tính chính xác của số liệu thống kê của Việt nam TS. Nguyễn Quang A nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS từ Hà nội cho rằng "Số liệu thống kê của Việt nam thời bao cấp thì hoàn toàn không thể tin cậy được. Bởi vì thời đó, Tổng cục Thống kê có thể xào xáo số liệu hoàn toàn theo lệnh. Trong những năm đổi mới, thì công tác thống kê đã được cải thiện một cách rất đáng kể. Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê Việt nam đã trở nên đáng tin cậy hơn rất nhiều, đã phản ánh tương đối sự thực của nền kinh tế và xã hội"

Con số thống kê của các tỉnh về tăng trưởng GDP thì bao giờ cũng gấp đôi cái con số GDP được công bố của VN. Và giữa con số thống kê GDP của Việt nam và con số thống kê của Ngân hàng Thế giới, Qũy tiền tệ Quốc tế... bao giờ cũng có khoảng cách nhất định

Giải thích về nguyên nhân có sự nhìn nhận khác biệt đối với các số liệu thống kê, TS. Nguyễn Quang A cho biết "Thực sự cái mà các đại biểu Quốc hội nhiều khi họ phân tích và nói rằng sai số đến 100%, chủ yếu là họ lấy các chỉ tiêu thống kê của các tỉnh như GDP, sau đó cộng lại họ bảo là sai lệch. Thì tôi nghĩ rằng trong trường hợp này lỗi là ở các đại biếu Quốc hội, vì các đại biểu Quốc hội không hiểu kỹ. Họ đã hiểu lầm về phương pháp luận. Đây là có sự hiểu lầm và tính lầm "

Sự sai lệch còn có thể xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ, trả lời câu hỏi "Số liệu thống kê của Việt nam có chịu tác động có chủ đích mang màu sắc chính trị hay không?". TS. Nguyễn Quang A cho rằng "Tôi nghĩ rằng cũng có thể các trường hợp như vậy, nhưng mà để suy đoán chung ra là như thế đấy. Thì có thể bản thân những ý kiến của ĐBQH nào đấy thì bản thân những ý kiến phê phán ấy nó lại phản ánh cái mâu thuẫn nội bộ giữa phe này và phe kia gì đó"

Chừng nào Tổng cục Thống kê không phải là một tổ chức hoạt động độc lập với một luật riêng, không nằm trong nhánh Hành pháp của nhà nước... thì chúng ta mới có thể kỳ vọng độ chính xác của nó được nâng cao

TS. Nguyễn Quang A

Sự hoài nghi về tính khách quan của số liệu thống kê là hoàn toàn có cơ sở, cũng bởi vì Tổng cục Thống kê Việt nam hiên nay là một cơ quan trực thuộc Bộ Kế hoạch – Đầu tư. Nghĩa là khâu lập kế hoạch và khâu thống kê kết quả cuối cùng nằm trong một Bộ và hai cơ quan ấy cùng trực thuộc Chính phủ.

Đây là nguyên nhân của việc nhiều người không tin vào sự trung thực của số liệu thống kê của Việt nam vì tính độc lập của nó. TS. Lê Đăng Doanh cho biết "Bản thân người làm thống kê ở các địa phương đều thừa nhận họ chịu áp lực rất lớn từ phía các cơ quan lãnh đạo và các cấp chính quyền. Còn thống kê ở Việt nam không phải là một cơ quan độc lập trực thuộc Quốc hội, mà là một Tổng cục nằm trong Bộ Kế hoạch – Đầu tư. Hai cơ quan ấy trực thuộc Chính phủ nên làm cho người ta chưa yên tâm lắm về tính khác quan, tính độc lập "

Để khắc phục tồn tại nhằm tạo lòng tin đối với số liệu thống kê để góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, TS. Nguyễn Quang A cho rằng "Chừng nào Tổng cục Thống kê không phải là một tổ chức hoạt động độc lập với một luật riêng, không nằm trong nhánh Hành pháp của nhà nước. Và hoạt động theo một cái luật riêng và thực sự hoạt động một cách hoàn toàn độc lập, chỉ thực hiện theo các nguyên tắc thống kê mà đã được luật quy định. Trong trường hợp khi nó như thế, thì chúng ta mới có thể kỳ vọng độ chính xác của nó được nâng cao. Nhưng trong trường hợp đấy, nếu vẫn là chế độ độc đảng thì nó vẫn phải chịu sự chỉ đạo của đảng thì người ta vẫn có quyền nghi ngờ về tính chính xác"

Theo Ngân hàng thế giới, trong 10 năm (2004-2013), năng lực thống kê của Việt Nam đang giảm đáng kể so với mặt bằng chung về năng lực thống kê thế giới. Nếu như năm 2004 chỉ số năng lực thống kê của Việt Nam là 74 điểm, cao hơn 7 điểm so với điểm trung bình của thế giới. Thì năm 2013 năng lực thống kê Việt Nam thấp hơn 5 điểm so với điểm trung bình của thế giới. Đây là một điều đáng lo ngại.