Tình trạng ngập mặn thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào mùa khô năm nay, có nhiều biểu hiện khác so với nhiều năm trước đây. Các diễn biến có vẻ phức tạp; lời cảnh báo về một mùa khô hạn và đất canh tác bị xâm nhập mặn đang trở nên cấp thiết hơn.
Nguyên nhân
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, hiện tượng nước mặn xâm nhập sớm và vào sâu trong đất liền, ngay từ đầu tháng 1 là bất thường. Độ mặn tại nhiều trạm đo có trị số lớn hơn từ 5 - 10 lần so với cùng kỳ năm 2012. Đặc biệt, nước vùng nội đồng Đồng Tháp Mười sẽ cạn kiệt vào nửa cuối tháng 4 và tháng 5. Thông thường hàng năm, hiện tượng xâm ngập mặn chỉ bắt đầu xuất hiện ở mức độ nhẹ từ đầu tháng 2 trở đi.
Về tình hình ngập mặn năm nay và nguyên nhân chính khiến hiện tượng ngập mặn có vẻ trầm trọng hơn năm trước, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết:
“Độ mặn năm nay nó cao hơn nhiều và diện tích đồng bị ngập mặn vào sâu hơn. Năm nay, dòng chảy trên sông Mê Kông yếu. Nước từ thượng nguồn đổ về không nhiều. Lại thêm gió chướng thổi lớn và triều cường dâng cao làm cho tình trạng ngập mặn đi sâu hơn, thời gian xảy ra ngập mặn sớm hơn. Độ mặn thì tùy theo vị trí gần sông hay trong nội đồng, nhưng riêng năm nay thì đi sớm hơn khoảng 1 tháng.”
Gió chướng Đông bắc thổi mạnh đẩy nước biển vào sâu các cửa sông, khiến tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt tại các tỉnh miền Tây Nam bộ. Có nơi như Cà Mau, hiện nay chưa phải là cao điểm của giai đoạn xâm nhập mặn nhưng độ mặn đã vượt ngưỡng so với nhiều năm. Đồng thời, diễn biến xâm nhập mặn ở đây có chiều hướng tăng nhanh so với năm ngoái. Nguyên nhân là do năm ngoái không có lũ, nước ngọt từ sông đổ về thấp, không đủ mạnh để đẩy nước mặn ra biển. Kết hợp nắng hạn trong năm gay gắt, bên cạnh đó, nước thủy triều từ biển vào mùa này lại dâng cao.
Tác hại
Kênh mương của nội đồng các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng đã có nước mặn xâm nhập vào sâu đến vài chục km, có nơi lên tới 60 km. Độ mặn tại các sông địa phương đều cao hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái đến gần 0,9%, vượt qua độ mặn gay gắt nhất từng xảy ra vào năm 2004. Nước mặn lấn sâu vào nội đồng, làm hàng chục ngàn hecta lúa bị ảnh hưởng. Về tác hại của tình trạng bị nước mặn xâm nhập lên cây lúa, một người dân vùng Sóc Trăng cho biết:
“Có tác hại trực tiếp đến cây lúa, năm nay so với mọi năm thì tương đối nhiều hơn. Để giải quyết sự việc, chúng tôi vừa kết hợp hiện đại với truyền thống là cũng ngăn đập, chặn nước mặn lại thôi.”
Ô. Lê Thống Nhứt
Cụ thể hơn, ông Lê Thống Nhứt, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng cho biết như sau:
“Ảnh hưởng lớn lắm. Có nhiều chỗ, người dân không thu hoạch được. Vì nước mặn nên người nông dân không thể đem dùng tưới ruộng, lúa do thiếu nước trở nên bị khô và hư. Do nước mặn xâm thực, lúa ở các vùng có người dân canh tác vụ 3 bị cháy đỏ.”
Lượng mưa năm nay nhỏ, nước ngọt đầu nguồn sông Hậu về ít. Về mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4, sông Mê Kông là nguồn nước mặt duy nhất của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Vào thời điểm này, lúa vụ 3 (sau vụ Đông xuân) đang làm đòng đã bị cháy gần hết lá do thiếu nước ngọt.
Để cứu lúa, có nơi người dân thực hiện khoan giếng nước ngầm lấy nước ngọt, cách làm này khiến tình trạng xâm mặn càng trở nên nghiêm trọng hơn. Vả lại, dù chấp nhận tốn kém chi phí, song nguồn nước ngọt trong vùng rất khan hiếm. Điều này cho thấy viễn cảnh mất mùa trên diện rộng là khó tránh khỏi. Nếu tính bình quân 1ha lúa đã đầu tư 10 - 15 triệu đồng thì số tiền thiệt hại do nước mặn gây ra là khá lớn.
Xử lý
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mùa khô năm 2013, dòng chảy trên sông Mê Kông thiếu hụt hơn 30% lượng nước so với trung bình nhiều năm. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn trung bình nhiều năm hơn 0,5m. Tại Tiền Giang, hiện đang có vài chục ngàn ha lúa đông xuân khu vực ven biển bị ảnh hưởng bởi mặn. Về biện pháp xử lý đối với tình trạng thiếu nước ngọt, theo ông Nguyễn Thiện Pháp là như sau:
“Tình trạng ngập mặn ảnh hưởng đến thời gian canh tác lúa của bà con nông dân. Hiện nay, phải bơm qua nhiều cấp thì mới cứu lúa được. Nghĩa là thay vì trước đây, người dân chỉ bơm từ nguồn nước lên ruộng. Còn bây giờ thì phải bơm từ kênh nước chính lên kênh nước cấp, rồi từ kênh cấp mới bơm lên ruộng. Tức là bơm chuyền hai lần.”
Đồng bằng các tỉnh miền Tây Nam bộ có trữ lượng nước ngầm không lớn. Để đảm bảo nguồn nước, việc triển khai nạo vét kênh mương bị bồi lắng cần phải nhanh chóng thực hiện. Các địa phương cần tranh thủ lúc độ mặn còn thấp để lấy nước ngọt vào. Đồng thời, để thích ứng với hoàn cảnh đất canh tác thường xuyên bị nhiễm mặn theo chu kỳ, người nông dân cần quan tâm hơn đến việc gieo trồng các loại lúa thích hợp với loại đất bị nhiễm mặn.
Hiện nay nước mặn không chỉ lấn vào từ biển Đông, mà còn tràn vào từ biển Tây; liên quan đến nhiều vùng canh tác lúa từ Kiên Giang xuống Long Xuyên đến An Giang. Nhìn chung, các diễn biến về xâm mặn gần như vượt quá kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên Môi trường từng đưa ra. Các năm trước vào khoảng thời gian này nước vẫn còn ngọt. Hiện tại, người dân đồng bằng phải mua nước ngọt từ nơi khác. Do giá nước ngọt cao, nên chỉ dám dùng để nấu ăn, uống; còn nước sinh hoạt hàng ngày vẫn là nguồn nước bị nhiễm mặn.
Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích đất liền chiếm hơn 12% diện tích cả nước, có dân số hơn 20 triệu người. Ở vùng này, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng do phát triển tăng vụ trong trồng trọt. Phát triển bền vững cần hài hòa 3 mặt: kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long là hệ sinh thái ngập nước dễ bị tổn thương. Việc kiểm soát chặt chẽ về số lượng và chất lượng nước cho canh tác nông nghiệp cần phải được quan tâm đúng mức hơn.