Ngư dân và chương trình đóng tàu vỏ thép

0:00 / 0:00

Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua cho biết sẽ hổ trợ ngư dân đóng tàu mới kiên cố hơn như tàu vỏ thép nhằm có thể chống lại tàu Trung Quốc tấn công đâm vào khi đi đánh bắt tại khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Quyết định của chính phủ

Vào ngày 25 tháng 8 vừa qua, Nghị định 67 do chính phủ ký ban hành hồi tháng 7 vừa qua bắt đầu có hiệu lực. Đây là nghị định qui định một số chính sách phát triển ngành thủy sản Việt Nam, trong đó có những ưu đãi về việc vay vốn với lãi suất thấp cho đóng mới những con tàu ra khơi đánh bắt hải sản.

Ngoài nghị định ban hành với mục đích được nói nhằm tăng cường năng lực của ngành thủy sản của một quốc gia ven biển như vừa nêu, chính phủ Việt Nam trong tháng 7 vừa qua cũng thúc đẩy chi ra 16 ngàn tỷ đồng để hổ trợ cho ngư dân trong việc đóng tàu mới.

Mong đợi sự hỗ trợ

Trước thông tin Nhà nước hổ trợ vốn lần này mà được cho là có nhiều ưu đãi như chỉ phải trả lãi 1% năm và thời hạn vay vốn đến 11 năm, nhiều ngư dân tỏ ra phấn khởi và hy vọng chính sách sớm được thực hiện.

Ngư dân Nguyễn Văn Cường ở Quảng Bình cho biết ông mong muốn có được tàu vỏ sắt để đi biển vì có những lợi điểm hơn so với tàu gỗ và cũng đang chờ chính sách được thực hiện để triển khai việc đó:

Giờ đang có xu hướng đóng tàu sắt. Chủ trương Nhà nước cho vay và nếu được tàu sắt thì quá tốt vì khi va chạm thì an toàn hơn, đi an toàn hơn vì lớn hơn, ( nhưng ) tiền nhiều hơn.

Trong khi đó một ngư dân tại đảo Lý Sơn là anh Mai Văn Cường thì lại nói thẳng không thích tàu vỏ sắt một là do tiền đầu tư cao hơn và những ngư dân như anh thấy không quen với loại tàu đó:

Em thích tàu gỗ hơn tàu sắt vì dễ làm, ít chi phí hơn.

Tàu vỏ thép không phải là biện pháp tốt nhất

Dù thừa nhận tàu vỏ sắt có thể chống chịu tốt hơn khi xảy ra va chạm, tuy nhiên theo nhiều ngư dân thì loại tàu đó chỉ thực sự cần thiết cho các nghề như lưới vây và câu cá ngừ đại dương xa bờ dài ngày mà thôi.

Ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch Hội Nghề Cá thành phố Đà Nẵng, có những phân tích cụ thể về biện pháp được bàn luận nhiều hiện nay liên quan tàu vỏ sắt như sau:

Thật ra vỏ sắt do nhiều người ước mơ nói vậy thôi chứ Nhà nước không buộc phải đóng tàu sắt. Ngư dân nhất thiết cũng không phải đóng tàu sắt, mà họ đóng những tàu để đi đánh cá chứ không phải để đi va đâm đâu. Việc đóng tàu sắt để hiện đại nghề đánh cá hơn thôi chứ không phải để mà tránh va đâm, hay va đâm không lủng. Cứ nghĩ đi chẳng lẽ có một thằng du côn, càn quấy nào ném đá vào xe hơi của anh, rồi anh phải sắm một chiếc xe tăng để chở con đi học thì vô lý quá, phải không?

Ngư dân bảo vệ lãnh thổ, vùng biển thiêng liêng của tổ quốc bằng sự hiện diện của mình trên biển, chứ không phải bằng việc đem tính mạng, tài sản của mình ra va đâm với Trung Quốc, nên việc nói đóng tàu sắt để tránh va đâm là hoàn toàn sai. Như anh biết tàu lớn bằng gỗ phải cần những loại gỗ trong rừng nguyên sinh, mà gỗ thì mỗi ngày mỗi cạn kiệt, nên Nhà nước đề nghị đóng tàu mới bằng sắt hoặc là những vật liệu mới thôi. Để khuyến khích thì Nhà Nước cho lãi suất thấp hơn và thời gian dài hơn. Như vậy thôi, chứ không ai buộc nhân dân phải đóng tàu sắt cả.

Nhân dân được cho vay chứ có phải được cho đâu nên họ phải tính toán một cách cụ thể.

Ông này so sánh việc sử dụng tàu gỗ chuyển sang tàu sắt cũng tương tự như việc đang chơi loại đàn guitar thùng, chuyển sang chơi guitar điện. Theo ông thì không phải ai cũng có thể chuyển như thế. Để có thể điều khiển được những chiếc tàu mới bằng những chất liệu bền chắc hơn như sắt thép người điều khiển tàu cần phải được đào tạo bài bản.

Ông Trần Văn Lĩnh nói tiếp:

Tàu lớn hơn đòi hỏi những công nghệ khác từ điều khiển đến kiến thức về hàng hải, cho nên việc tàu sắt chỉ là cách nói thôi, chứ thực ra là đóng tàu mới- lớn hơn, hiện đại hơn, chứ tàu sắt không phải là mục tiêu.

Hiện nay một số ngư dân tại tỉnh Khánh Hòa hiện đang sử dụng loại tàu làm bằng composite và ngư dân thường gọi là tàu nhựa. Loại tàu này được dùng để đi đánh bắt tại khu vực quần đảo Trường Sa.

Công ty Yanmar của Nhật bản hiện đang phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chế tạo Tàu thủy của Trường đại học Nha Trang trong công tác thiết kế, sản xuất tàu cá vỏ composite công suất 450 CV.

Một ngư dân từng sử dụng loại tàu này ở Khánh Hòa để đi đánh bắt cá ngừ đại dương cho biết hiệu quả của tàu tốt hơn nhiều những tàu gỗ mà người này từng sử dụng trước đây.

Tuy nhiên trải nghiệm bị tàu phía Trung Quốc bị rượt đuổi, va đâm như nhiều ngư dân đánh bắt ở khu vực Vịnh Bắc bộ và vùng Hoàng Sa thì người này chưa có.

Đề xuất khác

Như phát biểu của ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch Hội Nghể cá thành phố Đà Nẵng thì vốn đầu tư đóng tàu vẫn là của ngư dân dù rằng có những điều kiện ưu đãi.

Vừa qua, một người dù không phải là ngư dân đó là luật sư Hà Huy Sơn tại Hà Nội đưa ra ý tưởng là Nhà nước nên có chủ trương cho ngư dân thuê tàu đánh cá.

Xuất phát từ đánh giá rằng chương trình hỗ trợ được thông báo như hiện nay vẫn chưa thể xác định được lợi ích ngay cho ngư dân như hai thành phần khác là ngân hàng và doanh nghiệp đóng tàu, và để hổ trợ ngư dân một cách có hiệu quả, luật sư Hà Huy Sơn đề xuất một doanh nghiệp Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm đứng ra ký hợp đồng cho ngư dân thuê tàu theo thời hạn và các điều kiện do hai phía thỏa thuận với nhau.

Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng khi thuê tàu có thời hạn và tiền thuê thanh toán theo từng đợt, ngư dân sẽ không phải bỏ ra một số vốn đối ứng như khi vay tiền Nhà nước để đóng tàu. Cũng với cách thức thuê tàu như thế, ngư dân có thể tính toán được hiệu quả việc thuê tàu ngay sau các chuyến đi biển. Có lãi thì tiếp tục thuê, còn không thì thôi. Phía cho thuê cần phải có những tàu thiết kế phù hợp với yêu cẩu của ngư dân thì mới có thể thu hút được người thuê.

Một trong những điểm được luật sư Hà Huy Sơn nói đến là trách nhiệm của Nhà Nước phải giữ ngư trường thuộc chủ quyền đất nước để ngư dân đánh bắt hải sản.

Lâu nay từng có biết bao đề xuất có lợi cho dân và cho đất nước được nêu ra với Nhà nước như những kiến nghị của giới trí thức… nhưng rồi tất cả đều không được đáp ứng.

Hiện nay ngư dân được kêu gọi bám biển nhưng phương tiện cho họ thực hiện trọng trách đó vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu tối thiểu.