Quốc sách sản xuất lúa vụ ba trong đê bao ở đồng bằng sông Cửu Long đối mặt yêu cầu sửa sai và có thể tiến tới ngừng hẳn trong tương lai. Đầu ra tiêu thụ lúa gạo bế tắc hay mục tiêu sản xuất bền vững khiến vấn đề này lại được hâm nóng trở lại.
Nhiều ý kiến trái ngược
Bất chấp phản biện gay gắt của các chuyên gia nông nghiệp và môi trường, cuối năm 2011 Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn chỉ đạo phát triển lúa vụ ba trong đê bao khép kín như một vụ sản xuất chính ở đồng bằng sông Cửu Long.
Theo chính sách đó tổng diện tích lúa vụ ba ở các tỉnh miền tây nam bộ có lúc đã lên tới 800.000 héc-ta, tương đương một nửa diện tích vụ lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long.
Năm nay một lần nữa, hoạt động tiêu thụ xuất khẩu gạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam được đưa lên bàn “mổ” vì xuất khẩu nhiều nhưng giá thấp. Chỉ có nhà xuất khẩu hưởng chênh lệch giá, trong khi nông dân khó khăn trăm bề trong cuộc sống. Các chuyên gia đề xuất nhiều ý kiến về việc cắt giảm sản lượng lúa gạo, tổ chức lại sản xuất cho hiệu quả hơn.
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, Giáo sư Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam trụ sở tại TP.HCM nhận định:
...Bộ trưởng tuyên bố vụ ba là vụ chính, báo chí và các nhà khoa học lúc ấy cũng có nhiều ý kiến ngược chiều lắm chứ không phải người ta đồng thuận hết.<br/>GS. Bùi Chí Bửu
“Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã quyết định cắt giảm vụ ba 200.000 ha, năm nay thay vì làm 600.000 ha sẽ còn 400.000 ha và từ từ cắt dần vì không phù hợp. Đây là vùng trời cho, có nghĩa mình phải để phù sa vào bồi dưỡng đất đưa nguồn tôm cá về. Tôi không rõ do sức ép của chính phủ hay nguyện vọng bà con nông dân, nhưng khi Bộ trưởng tuyên bố vụ ba là vụ chính, báo chí và các nhà khoa học lúc ấy cũng có nhiều ý kiến ngược chiều lắm chứ không phải người ta đồng thuận hết.”
Tại sao Bộ NN-PTNT lại chủ trương phát triển lúa vụ ba trong đê bao, trong khi báo chí và các chuyên gia nông học, các nhà môi trường đều phản biện là, đê bao khép kín sẽ khiến đất lâu dần trở nên cằn cỗi, đồng ruộng không được nước lũ tẩy rửa làm vệ sinh, nông dân phải sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu hơn. Điều quan trọng là không thể thay đổi thiên nhiên, dồn hết nước lũ xuống sông rạch với hậu quả khó lường. Giáo sư Bùi Chí Bửu phân tích:
“Vụ ba thì lúc bấy giờ chỉ số giá rất là cao được hai trăm mấy chục điểm. Thời điểm gặt trong tháng 10-11 được giá gạo cao là lúc không nước nào có, mà lúa thì gặt khi mưa đã dứt rồi nên đầu tư sau thu hoạch rất tiện, dù năng suất không cao chỉ 4,5-5 tấn/ha. Nhưng cái thiệt hại lớn nhất là mình ngăn phù sa vào trong ruộng, ngăn nguồn lợi thiên nhiên tôm cá vào thì không có lợi và không có vụ ngập thì nó không diệt hết được nguồn bệnh trong đất, đất không sạch tới vụ đông xuân sẽ bị nhiễm rầy nâu và các bệnh khác nhiều hơn.”
Một hộ nông dân thuộc loại khá giả, có 5 mẫu ruộng làm lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Hộ này, từ trước đến nay chỉ làm hai vụ lúa chính là đông xuân và hè thu. Nhưng năm nay vì thu nhập vụ đông xuân và hè thu sớm đều quá thấp, nên đã quyết định làm vụ ba để bù đắp phần nào.
“Bây giờ nông dân đã làm lợi nhuận thấp rồi. Nếu mà không làm vụ ba thì nông dân biết làm gì, tôi hỏi anh nếu nông dân không làm ruộng làm lúa thì biết làm gì đây. Sẵn đất thì phải làm, lời mỏng mỏng vẫn phải làm, làm để sống chứ. Bây giờ chính sách phải làm sao bảo đảm lúa xuất khẩu thu mua của dân với giá như thế nào, chẳng hạn bên Thái Lan người ta tổ chức rất thuận lợi cho nông dân còn mình, ông này ông kia tổ chức ì xèo cuối cùng chả làm được gì hết.”
Phát triển lúa gạo bền vững
Theo Báo điện tử Dân Việt, ông Phạm Văn Dư Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt ủng hộ việc duy trì sản xuất vụ ba ở đồng bằng sông Cửu Long, vì nó liên quan đến vấn đề an ninh lương thực và các vấn đề xã hội. Ông Dư có quan điểm là, với 800.000 hộ nông dân tham gia sản xuất vụ ba, tức giải quyết việc làm cho 3,2 triệu lao động trong vòng 3 tháng. Ông Dư đặt vấn đề, nếu không làm vụ ba hơn ba triệu nông dân đó sẽ làm gì và nếu sang năm lúa được giá thì sao.
Trả lời chúng tôi, Giáo sư Bùi Chí Bửu nhận định là, nếu Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn thay đổi chính sách sản xuất vụ lúa thứ ba ở đồng bằng sông Cửu Long, thì nguyên do chủ yếu là vấn đề phát triển lúa gạo bền vững. GS Bửu nói:
Hệ số quay vòng theo Cơ quan Lương nông Quốc tế (FAO) là 2.1 nghĩa là trong một năm không làm quá 2,1 vụ. Hiện nay mình xấp xỉ 2,1-2,3 rồi, có những vùng như Cần Thơ đã tới 2,5 rồi. <br/>-GS. Bùi Chí Bửu
“Hệ số quay vòng theo Cơ quan Lương nông Quốc tế (FAO) là 2.1 nghĩa là trong một năm không làm quá 2,1 vụ. Hiện nay mình xấp xỉ 2,1-2,3 rồi, có những vùng như Cần Thơ đã tới 2,5 rồi. Làm như vậy là bóc lột đất không nên chút nào hết. Cho nên, chắc chắn Chính phủ sẽ trở lại chỉ số quay vòng 2,2 hay 2,1 trở lại thôi. Bỏ hẳn vụ ba làm đông xuân cho chắc ăn, đông xuân mới quan trọng có thể đạt 7-8 tấn/ha, chủ yếu dồn vào đông xuân, làm vụ ba thì đông xuân sẽ làm trễ và bị khô hạn cuối vụ và bị mặn, rủi ro đông xuân sẽ rất lớn nên bỏ hẳn vụ 3.”
Giáo sư Bùi Chí Bửu nhận định, tái cơ cấu nông nghiệp là nhu cầu bức thiết, phải giải quyết một cách đồng bộ và có định hướng lâu dài, không thể giải quyết theo chiều rộng như trước đây được. Có nghĩa phải đưa bà con nông dân vô làm hợp tác theo mô hình hợp tác xã hiện đại. Bởi vì qui mô ruộng đất quá nhỏ, chỉ khoảng 5.000m2 đến 1 ha cho một nông hộ, thì không thể thực hiện sản xuất lớn hoặc áp dụng kỹ thuật tiên tiến để nâng cao giá trị lúa gạo và giảm chi phí. Giải pháp hiện này là phát triển cánh đồng mẫu lớn và lâu dài phải có những hợp tác xã bậc cao như mô hình ở Hàn Quốc, Đài Loan hay ở Nhật. Hoặc hình thức công ty nông dân có sự đầu tư lớn về tín dụng, thì mới nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân lên được.