![Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton cùng con gái Chelsea trong ngày Father's Day. AFP photo.](https://www.rfa.org/resizer/v2/ON6YA6BUEN2NNED3CXW5CNLFDI.jpg?auth=88c0d7f7978c3d230537eb59143700bf196836f6c7b35e18257647916f6ded6d&width=400&height=620)
Ngày lễ Father’s Day dành cho những người Cha ở Mỹ được tổ chức vào ngày chủ nhật của tuần thứ 3 trong tháng 6 hằng năm. Bên cạnh ngày lễ Vu Lan báo hiếu, người Việt trong nước hiện nay cũng du nhập ngày lễ dành cho Mẹ và ngày lễ dành cho Cha của Hoa Kỳ. Nhân ngày Father’s Day năm 2012, Hòa Ái gửi đến quý thính giả câu chuyện của những người con không Cha. Mời quý thính giả cùng nghe.
Ở Việt Nam, trong ngày lễ Vu Lan của Phật Giáo, có rất nhiều người không phải là Phật Tử thường đến chùa để cúng bái, khẩn cầu sức khỏe, bình an cho Cha Mẹ. Thường thì những người con may mắn còn có Mẹ sẽ được cài một bông hoa hồng đỏ trên ngực áo. Và những người con mà thân mẫu không còn trên trần thế sẽ được cài một bông hồng trắng. Dù không bước chân đến những ngôi chùa nhưng trong không khí ngày lễ Vu Lan báo hiếu này cũng khiến cho rất nhiều người con bùi ngùi nhớ đến các vị thân sinh của mình.
Trong thời buổi dễ thở hơn của nền kinh tế thị trường cũng như Việt Nam hội nhập vào cộng đồng quốc tế, người dân trong nước có xu hướng du nhập những ngày lễ hội văn hóa của nước ngoài như ngày lễ Tình Nhân, ngày lễ Mother’s Day cũng như ngày Father’s Day. Ngày lễ Father’s Day năm nay dù kinh tế có khó khăn nhưng vẫn không ít những bó hoa tươi thắm, những món quà nho nhỏ, những chuyến du lịch cùng cha mẹ và cả bữa cơm đầm ấm trong gia đình cùng với những tâm tình buồn vui giữa những người Cha và những đứa con.
Mồ côi
Bên cạnh giây phút sum vầy của nhiều gia đình trong ngày Father’s Day, dường như ngày lễ dành cho Cha làm dâng trào những nỗi niềm của nhiều phận đời kém may mắn không có Cha. Trong số 35 em nhỏ được nuôi nấng ở ngôi chùa Bửu Châu, tại Pleiku - Gia Lai, sư cô Minh Nguyên cho biết:
Sư cô Minh Nguyên
“Mồ côi hẳn thì có hai mươi mấy em. Nuôi mới lọt lòng ra là 8 em. Có em thì mẹ không nuôi, trực tiếp vô thưa cho. Có em thì mẹ sanh rồi bán ở bệnh viện, quý bác đạo hữu mua đem vào chùa. Có em bỏ ngoài đường, có em bỏ nghĩa địa, người ta nhặt đem về chùa cho mình nuôi. Không biết nữa, nhưng mấy em cho là con gái mới lớn lên, đi làm, đi học…rồi không nuôi.”
Sư cô Minh Nguyên chia sẻ rằng các em còn quá bé để nhận thức được thân phận của mình. Được sống trong môi trường yêu thương, được cho học hành, các em cũng thật hồn nhiên vô tư. Chưa bao giờ các em than phiền hay tỏ ra buồn bã vì thân phận côi cút theo năm tháng dần trôi. Tuy vậy, khi trưởng thành, bước chân vào đời, các em phải đối diện với cảm giác bị bỏ rơi và vào những ngày lễ càng khiến cho các em chạnh lòng, tủi phận. Hy vọng có một ngày được gặp lại Cha hay Mẹ của mình vẫn dai dẳng đeo mang suốt cuộc đời của những thân phận mồ côi này và không có ai để chia sẻ nỗi niềm.
Con lai
![Hai cha con cổ động viên Bồ Đào Nha trên cầu trường Euro 2008. AFP PHOTO.](https://www.rfa.org/resizer/v2/RATTDD2TWLIA64V4HNJARX7A7I.jpg?auth=0c5e1e78577f6b82f00276bcfc92733a20df3b6ff485dcfe4e042acbf2341776&width=400&height=288)
Có nhiều người vẫn còn nhớ đến câu chuyện cổ tích đi tìm Cha của cô ca sĩ “con lai” Phương Thảo gần 20 năm về trước. Cô đã tìm lại được Cha ruột của mình tận bên kia bờ đại dương sau 28 năm có mặt trên cõi đời mà không hề có tin tức gì về người cha ấy. Cũng là thân phận “Mỹ lai” nhưng không được may mắn như vậy, chị Khỏe được sinh ra 3 ngày ở bệnh viện Từ Dũ thì được cha mẹ nuôi đón về. Bắt đầu cuộc trò chuyện với những giọt nước mắt dâng trào:
“Thì đời của Khỏe nói ra, nước mắt tràn đầy… Cũng buồn lắm. Bởi vậy chan nước mắt ăn cơm. Nhằm khi cũng muốn có một người an ủi mình mà đâu có.”
Chị Khỏe kể về một tuổi thơ đầy cơ cực và buồn tủi dù cha mẹ nuôi yêu thương chị hết lòng. Do bị kỳ thị mà chị không thể học hành. Phải dọn nhà đến những vùng sâu vùng xa, phải lội sông đến trường có lần bị chết đuối, phải sống trong tủi cực, bị khinh miệt, bị dụ dỗ lừa gạt đến mang thai…
“Nỗi buồn của Khỏe thì cha mẹ trước kia cũng khá lắm, rồi bỏ xứ này xứ kia đi đó, cũng vì Khỏe thôi mà riết cũng nghèo. Chỗ này ở vài năm phải dọn đi. Chỗ kia ở vài năm phải dọn đi. Thấy cha mẹ mình vậy cũng tủi thân.”
Theo chương trình nhân đạo con lai, chị Khỏe chia lìa với gia đình của cha mẹ nuôi để về quê hương của người Cha ruột ở Hoa Kỳ. Quê hương thứ hai với những chuỗi ngày dài nhớ nhung, lạc lõng. Dù không bị kỳ thị, dù cuộc sống vật chất đầy đủ hơn nhưng cuộc sống tinh thần không có gì bù đắp được. Chị Khỏe chia sẻ là luôn da diết nhớ đến người Cha nuôi đã hết lòng thương yêu nuôi nấng chị nhưng bao giờ cũng có hy vọng mong manh mong được gặp mặt người Cha ruột của mình dù chỉ một lần. Chị tâm tình:
“Cũng mơ ước mà không biết Cha ruột mình ra sao, rồi tên tuổi cũng không biết, số quân này kia cũng không biết thì làm sao tìm kiếm ra được. Mà có kiếm ra cũng làm khổ cho Cha mình thôi tại vì chắc Cha mình cũng có vợ, có con. Khỏe chỉ biết ước ao cầu nguyện cho Cha mình được trường thọ vậy thôi.”
Chị Khỏe cho rằng số phận ông Trời sắp đặt cho chị ra sao thì chị chịu vậy mặc dù trong lòng vẫn luôn cháy bỏng nỗi khát khao được sinh ra và sống trong một gia đình với cha mẹ và anh chị em ruột thịt của mình.
Không đầy đủ
Chị Vân, một người con có khuôn mặt thanh tú của Cha cùng đôi mắt thật đẹp của Mẹ, sinh ra đời được 7 ngày tuổi thì Cha Mẹ phân ly do Mẹ chị phát hiện ra Cha mình có người phụ nữ khác. Dù được Mẹ yêu thương và chăm lo đầy đủ nhưng dường như chị vẫn luôn có cảm giác buồn mỗi một ngày qua đi trong cuộc đời. Chị Vân chia sẻ:
“Cuộc sống cũng buồn. Tại vì nhìn vô thì người ta Cha Mẹ đầy đủ, mình không cần biết người Cha đó có tốt hay không nhưng trước mắt là đầy đủ nên có sự tình cảm, ấm cúng hơn là sự thiếu thốn của mình rồi. Trong lòng cũng có suy nghĩ nếu như mình không biết sự thật Cha mình bạc bẽo như vậy thì có lẽ chắc trong lòng mình cũng mơ ước mình sẽ tìm lại Cha, mình sẽ gặp lại Cha. Sự khao khát như vậy chứ không phải là không có.”
Chị Vân
Chị còn nhớ như in một câu chuyện xảy ra khi còn bé: một hôm va vấp với một cô cùng trang lứa ở trường, Cha của cô học trò nhỏ này đã hùng hổ đến định tán chị một bạt tay lại chính là Cha đẻ của chị. Ánh mắt giận giữ và cái vung tay mạnh bạo của ông theo chị suốt cuộc đời. Chị cũng cam tâm là phận con cái thì không trách cứ Cha Mẹ mình nhưng chị luôn mang trong lòng một nỗi đau không thể nào mô tả và không bao giờ tha thứ được. Chị Vân luôn dâng trào nỗi phẫn nộ mỗi khi nhớ đến Cha mình. Hình ảnh Cha ruột của chị cùng dắt dìu những đứa con líu lo ở cổng trường luôn là một câu hỏi mà vẫn mãi không có lời đáp.
“Thành thử sự mất Cha rất là hụt hẫng. Tôi cũng muốn nói với cuộc đời rằng khi mình là bậc Cha Mẹ thì mình phải thật sự yêu thương dù cho mình không có hòa hợp nhau nhưng mình phải nghĩ rằng trước khi có sự tan rã thì chính mình khao khát tạo ra những đứa con, những sự yêu thương, những thiên thần này mà tại sao bỏ nó rơi rớt như vậy? Tôi chỉ muốn cảnh tỉnh những người Cha như vậy thôi.”
Dù lặng lẽ trong cuộc đời không biết thổ lộ cùng ai, dù lặng thầm nguyện cầu cho người Cha chưa một lần gặp gỡ, dù uất ức tủi hờn với người Cha vô trách nhiệm nhưng chắc rằng trong lòng những người con này sẽ luôn ám ảnh hình ảnh một người Cha cho đến ngày họ nhắm mắt xuôi tay. Ngày Father’s Day thật sự có ý nghĩa đặc biệt đối với họ bởi vì những người con không Cha có đến 365 ngày trong một năm để nhớ đến Cha mình.