Lạm phát gia tăng đình công lan rộng

Đình công tại Việt Nam tiếp tục diễn ra vào những ngày đầu tháng 6. Giới công nhân trong nước phải sử dụng biện pháp 'bất khả kháng' này khi mà đồng lương của họ không đủ nuôi sống bản thân và gia đình.

Lạm phát, giá cả tăng cao, đồng lương không đủ sống khiến làn sóng đình công của công nhân Việt Nam liên tục lan rộng từ Bắc chí Nam.
Lạm phát, giá cả tăng cao, đồng lương không đủ sống khiến làn sóng đình công của công nhân Việt Nam liên tục lan rộng từ Bắc chí Nam. (RFA file photo.)

0:00 / 0:00

Đình công từ Bắc chí Nam

Đến hôm thứ Hai gần 800 công nhân Công ty sản xuất giày vải Hàn Quốc Daeyon thuộc khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức vẫn chưa trở lại làm việc sau khi tiến hành đình công vào ngày 30 tháng năm vừa rồi.

Trong tuần qua gần 1,000 công nhân Công ty Panasonic Communication VN thuộc khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội cũng ngưng việc yêu cầu được tăng lương cũng như chi trả tiền trợ cấp và tiền làm thêm giờ.

Các yêu cầu của công nhân hai nơi này cũng tương tự như của công nhân nhiều tỉnh, thành khác trong các cuộc bãi công trước nay, là liên quan đến vấn đề tiền lương và quyền lợi. Thêm vào đó tình hình lạm phát thời gian gần đây đã góp phần gây khó khăn cho giới lao động khiến họ không thấy có lựa chọn nào khác.

Gần đây tình trạng đình công trở nên phức tạp hơn vì lạm phát tăng cao và thu nhập của người lao động chậm được nâng lên. Công nhân đình công vì nhiều lý do, trong đó nổi bật là công nhân không cảm thấy hài lòng về sự trả lương, sự đối xử.

TS Lê Đăng Doanh

Một nữ công nhân ngành dệt may xác nhận điều ấy, sau khi nhấn mạnh rằng giá sinh họat leo thang phi mã đã khiến giới lao động không thể chịu đựng nổi mức lương quá thấp, chỉ trên dưới 1 triệu 500 ngàn một tháng: "Lương, quyền lợi không được trả đầy đủ nên công nhân phải đình công thôi".

Đồng lương không theo kịp lạm phát

Lạm phát thời gian gần đây đã góp phần gây khó khăn cho giới lao động và công. Tính đến tháng Năm vừa rồi mức lạm phát ở Việt Nam đã lên tới hơn 25%, cao nhất trong vòng 13 năm nay.

Giá trị của tiền đồng Việt Nam tiếp tục sụt giảm và vật giá không ngừng lên cao với tốc độ chóng mặt bị xem là khiến tình hình càng trở nên xấu đi và làn sóng bãi công lan khắp ba miền đất nước.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp của Việt Nam, trong một cuộc phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do tuần cuối tháng Năm, xác nhận:

"Trong thời gian qua tình trạng đình công ở VN đã tăng lên và trong những tháng đầu năm cũng không có dấu hiệu giảm bớt… Gần đây tình trạng đình công trở nên phức tạp hơn vì lạm phát tăng cao và thu nhập của người lao động chậm được nâng lên. Công nhân đình công vì nhiều lý do, trong đó nổi bật là công nhân không cảm thấy hài lòng về sự trả lương, sự đối xử".

Trong khi công nhân nêu rõ rằng vật giá leo thang đã khiến đời sống của họ trở nên khốn khó, các công ty cũng cho rằng bản thân họ là nạn nhân của tình hình vật giá leo thang.

Lãnh đạo Công ty Dayeyon cho hay không thể tăng lương cho công nhân vì không phải lỗi của họ. Trước tuyên bố của công ty Daeyon, ngườii nữ công nhân ngành dệt may vẫn cho rằng phía nước chủ nhà có thẩm quyền và vai trò nhất định:

Theo tôi thì nhà nước Việt Nam phải nói chuyện với doanh nghiệp hoặc tác động đến doanh nghiệp vì công nhân của nước mình. Doanh nghiệp phải đền bù thỏa đáng quyền lợi cho công nhân. Doanh nghiệp có trách nhiệm nhưng nhà nước Việt Nam cũng có trách nhiệm.

Một nữ công nhân

"

Theo tôi thì nhà nước Việt Nam phải nói chuyện với doanh nghiệp hoặc tác động đến doanh nghiệp vì công nhân của nước mình. Doanh nghiệp phải đền bù thỏa đáng quyền lợi cho công nhân. Doanh nghiệp có trách nhiệm nhưng nhà nước Việt Nam cũng có trách nhiệm".

Giải pháp cho Lạm phát và Đình công

Liệu đình công có thể được giải quyết bằng các khắc phục lạm phát, và thành phần nào có trách nhiệm trong việc giải quyết đình công? Qua một lần trả lời phóng viên Đài Á Châu Tự Do hôm 31 tháng Năm, Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng:

"Lạm phát ảnh hưởng mạnh nhất đến nhóm người thu nhập thấp… Việt Nam hiện nay mức thu nhập thấp, lạm phát cao của Việt Nam ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Cho nên buộc cả phía doanh nghiệp lẫn chính phủ phải có những cái ứng phó thích hợp để khôi phục lại ổn định tư tưởng cho công nhân cũng như là việc làm của họ..

Tôi cho rằng cả phía doanh nghiệp cũng phải có những phản ứng thích hợp, tứ là phải bảo đảm đời sống của công nhân. Đồng thời nhà nước cũng phải có biện pháp hỗ trợ".

Hiện nay các chuyên gia kinh tế quan ngại rằng mức lạm phát của Việt Nam có thể khiến đất nước phải đối mặt với một cuộc khủng hỏang trầm trọng hơn nếu chính quyền Hà Nội không có giải pháp đúng đắn, cho dù Việt Nam đã có những thành quả kinh tế đáng khích lệ kể từ thập niên 90.