Theo nhận định của Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục, Bùi Văn Ga thì cho rằng sau khi ra trường, sinh viên cần phải được đào tạo lại để phù hợp với môi trường mới tại nơi làm việc. Vì sao lại như vậy? Hòa Ái trình bày trong phần sau.
Một trong những sự kiện của ngành giáo dục mỗi năm được công chúng quan tâm là tỷ lệ học sinh đậu các kỳ thi tuyển sinh Đại Học, Cao Đẳng cao hay thấp.
Đầu vào thắt chặt, đầu ra thả lỏng
Để bước chân vào cánh cổng trường Đại Học, các học sinh phải trải qua kỳ thi tuyển rất gắt gao, có thể nói là căng thẳng đến mức “sinh tử” khi chọn thi vào những trường danh tiếng. Hiện nay, trong xu hướng có nhiều trường đại học và cao đẳng công lập, dân lập cũng như có trường liên doanh hợp tác với nước ngoài mở ra nhiều nên để trở thành sinh viên với ước mơ có tấm bằng đại học bước chân vào đời không là quá khó cho các bạn trẻ.
Sau 4 năm trao dồi kiến thức, rèn luyện những kỷ năng về chuyên môn, các tân cử nhân háo hức tìm kiếm những việc làm thích hợp với chuyên ngành mà họ đã dày công theo đuổi. Nhưng thực tế tấm bằng đại học mà họ có trong tay không minh chứng cho khả năng làm được việc theo yêu cầu của nhà tuyển dụng. Một bạn sinh viên ra trường đi tìm việc làm chia sẻ với đài RFA:
“Đi làm người ta kêu là phải có kinh nghiệm làm. Nhưng mới đi xin việc thì chưa có kinh nghiệm gì hết. Với lại lúc người ta nói biết gì về công việc người ta chưa, thì mình chỉ mới tìm hiểu qua thôi, chứ chưa biết gì về công việc mình phải làm. Nói chung rất là nhiều lo lắng.”
Về phía nhà tuyển dụng do nhu cầu của công việc, phần lớn họ tuyển những ứng viên có kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu, làm được việc ngay một cách có hiệu quả. Khi đề cập đến vấn đề tuyển dụng sinh viên mới ra trường, tổng giám đốc một công ty sản xuất nhựa ở thành phố Hồ Chí Minh cho chúng tôi biết là nếu tuyển sinh viên vào thì phải tốn thời gian đào tạo mà nhu cầu công việc thì cần ngay nên rất hạn chế tuyển sinh viên vào làm. Bà Liên cho biết:
“Hầu như thật sự là ngơ ngơ ngác ngác. Hiển nhiên lâu lắm rồi cũng không tuyển sinh viên mới ra trường. Nhưng mà tuyển thì đúng ra mình phải chỉ tận tay. Nói chung về căn bản khi tuyển sinh viên mới ra trường chắc chắn phải chấp nhận thời gian là mình có người kềm cặp. Không thể nào giao một công việc 100% cho họ được, không bao giờ.”
Nói chung về căn bản khi tuyển sinh viên mới ra trường chắc chắn phải chấp nhận thời gian là mình có người kềm cặp. Không thể nào giao một công việc 100% cho họ được, không bao giờ.
Bà Liên
Ở các nước phát triển, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, học sinh đăng ký học ở các trường Đại Học theo khả năng và sở thích của mình ngay từ năm nhất. Sau khi theo học một thời gian, sinh viên tự khám phá ra đam mê và sở trường của mình, đồng thời được các chuyên viên tư vấn trong suốt quá trình học tập, họ có thể chuyển đổi ngành học và họ được truyền thụ cũng như trao dồi kỹ năng chuyên môn cho đến khi tốt nghiệp. Khi ra trường, những sinh viên này sẵn sàng cho một nghề nghiệp chuyên môn mà họ đã trang bị kỹ lưỡng trong suốt thời gian học đại học từ kiến thức cơ bản, trình độ chuyên môn, cho đến những kỹ năng thực tiễn trong cuộc sống.
Nhưng ở Việt Nam, phương pháp giáo dục thì hoàn toàn ngược lại: đầu vào rất thắt chặt, nhưng đầu ra lại thả lỏng. Trả lời câu hỏi giáo dục bậc đại học có phải ngược chiều và Bộ Giáo Dục có chủ trương cải cách như các nước phát triển hay không, Giáo sư Hoàng Xuân Quảng, Hiệu Phó Đại Học An Giang đáp:
“Đầu vào là thắt chặt, đầu ra thì thả lỏng là đúng rồi. Hiện tại bây giờ vẫn như vậy thôi. Tình trạng này vẫn chưa chấm dứt được. Thứ hai là đào tạo gắn với sử dụng theo nhu cầu của các doanh nghiệp, các đơn vị bên ngoài sử dụng, thì hai hệ thống chưa gặp nhau nhiều lắm.
Bộ Giáo Dục cũng có chủ trương, thực ra các chủ trương đó đến các trường trường thực hiện thì hiệu quả chưa cao, mà cũng chưa có cơ chế gì để mà ràng buộc mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo, trường đại học và các đơn vị sử dụng giống như các nước”.
Nặng lý thuyết
Giáo sư Hoàng Xuân Quảng cho biết chương trình đào tạo không phải cho một ngành cụ thể mà chỉ đào tạo kiến thức nền cho sinh viên. Những sinh viên năng động, biết biến đào tạo thành tự đào tạo tốt thì sẽ thích nghi được khi ra trường. Bên cạnh chương trình học ở trường, sinh viên cần phải tự trang bị cho mình qua nhiều kênh khác. Giáo sư Quảng cũng cho biết hiện nay Việt Nam vẫn tồn tại tỉ lệ khá lớn sinh viên thụ động, không tự đào tạo được. Những sinh viên này sau khi tốt nghiệp sẽ gặp khó khăn để thích nghi với công việc. Vì vậy các nhà tuyển dụng phải đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên thì mới đáp ứng được nhu cầu công việc.
Theo số liệu của trung tâm nghiên cứu và chính sách cho thấy có đến 91% sinh viên nhận định chương trình đào tạo quá nặng nề về lý thuyết, thiếu đào tạo kỹ năng làm việc. Sinh viên cho rằng sau bốn năm cố gắng học hành ở giảng đường đại học, họ khó có thể tìm được việc làm đúng chuyên môn, phải làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo hay thậm chí là không tìm được việc. Một sinh viên đang học ngành tài chánh ngân hàng chia sẻ lo lắng của mình khi ra trường:
Con nghĩ sẽ là khó khăn vì kiến thức chuyên môn bọn con không có nhiều.
Một sinh viên tài chánh NH<br/>
“Hiện tại chương trình đang học thấy mơ hồ quá, không được chuyên sâu vào ngành ngân hàng như những gì con muốn. Con nghĩ sẽ là khó khăn vì kiến thức chuyên môn bọn con không có nhiều.”
Các chuyên gia giáo dục nhận định thực trạng chung của giáo dục bậc đại học hiện nay là đầu ra chưa được quan tâm đúng mức, chương trình đào tạo chỉ chung chung, phương cách đào tạo trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, thời gian thực tập còn ít cho nên kiến thức thực tế không được bao nhiêu.
Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất mà sinh viên trông chờ là chương trình đào tạo cần mang tính khả thi, tăng cường kiến thức kỹ năng mềm để sinh viên sẵn sàng bắt đầu công việc sau khi có được tấm bằng cử nhân. Cả sinh viên và nhà tuyển dụng đều không mong đợi "đào tạo lại" như phát biểu của Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục, Bùi Văn Ga là: "sinh viên cần được đào tạo lại là điều bình thường".
Theo dòng thời sự:
- Giáo dục Đại học Việt Nam cần thay đổi hơn nữa từ nhận thức
- Chương trình giáo dục đại học Việt Nam còn nhiều hạn chế
- Những khó khăn của Đại học ngoài công lập
- Sinh viên với việc làm thời vụ
- Nỗi lo chất lượng giáo dục Đại học
- Việt Nam chấn chỉnh giáo dục đại học
- Những điểm sáng và tối của Giáo dục Việt Nam năm 2011